Nhiều công ty tài chính liên tiếp bị khiếu nại vì... đòi nợ nhầm

Cập nhật: 13:18 | 27/07/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Theo thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), trong 6 tháng đầu năm đã nhận được 372 trường hợp khiếu nại liên quan về tài chính ngân hàng, chiếm 37,68% trong tổng số 987 vụ phản ánh của người tiêu dùng.

doi no nham cong ty tai chinh lien tiep bi khieu nai
Liên tục đòi nợ nhầm, công ty tài chính bị khiếu nại nhiều nhất. Ảnh minh họa

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm nay, ngành hàng “Tài chính, bảo hiểm, ngân hàng” là nhóm chiếm số lượng nhiều nhất, gấp 3, 4 lần so với nhóm ngành hàng nhiều thứ hai là “Điện thoại, viễn thông” (nhóm này có 108 trường hợp khiếu nại, chiếm 10,94%).

Đây là điểm hoàn toàn khác biệt so với những năm trước. Bởi những năm gần đây, nhóm ngành hàng thường xuyên nằm trong nhóm bị khiếu nại, phản ánh nhiều nhất là “hàng hóa tiêu dùng thường ngày” với sự chênh lệch lớn về số lượng khiếu nại.

Khiếu nại chủ yếu tập trung vào các công ty tài chính với nội dung liên quan đến dịch vụ cho vay tiêu dùng với nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm quyền lợi người tiêu dùng như: cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ, gây nhầm lẫn; sử dụng mẫu hợp đồng có cỡ chữ nhỏ, không cung cấp hợp đồng cho người tiêu dùng sau khi ký, thu hồi nợ mang tính chất đe dọa, gây áp lực ảnh hưởng đến uy tín, tâm lý của người tiêu dùng…

Trước đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, rất nhiều người đã và đang liên tục nhận được các cuộc gọi, tin nhắn của người tự xưng là nhân viên công ty tài chính với nội dung đề nghị trả nợ cho dù không hề có bất cứ giao dịch vay tiền nào với công ty này. Đặc biệt, một số trường hợp bị gọi điện quấy rối liên tục trong 06 tháng gần đây với tần suất 10 cuộc gọi/ngày từ nhiều số điện thoại khác nhau yêu cầu trả nợ cho người thân, đồng nghiệp, bạn bè đã vay tiêu dùng từ các công ty tài chính.

Một số cá nhân đã gọi điện, nhắn tin với lời lẽ xúc phạm người tiêu dùng, thậm chí cử người đến tận nhà đe dọa, gây áp lực. Kết quả giải quyết cho thấy do các công ty tài chính không xác minh lại thông tin chủ thuê bao điện thoại, ngay cả khi người tiêu dùng đã đề nghị công ty kiểm tra và tiến hành điều chỉnh lại thông tin chủ thuê bao.

Đồng thời công ty cho vay cũng không liên hệ số điện thoại do người vay cung cấp khi làm hồ sơ vay để xác nhận trước khi phê duyệt khoản vay và nhân viên dùng các biện pháp thu hồi nợ không đúng quy trình và mang tính dọa nạt, đe dọa…

Cũng theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trước khi ký hợp đồng, người tiêu dùng cần được trang bị kiến thức, hiểu biết cơ bản để có thể tự bảo vệ mình trong những giao dịch tài chính. Người vay cần hiểu rõ các nội dung thông tin cơ bản của hợp đồng vay như: lãi suất, thời gian vay, quy định về trả nợ trước hạn, mức phạt trả chậm...Người vay chỉ ký hợp đồng sau khi nắm rõ, nhìn rõ các thông tin thể hiện trên hợp đồng. Sau khi ký hợp đồng, yêu cầu cung cấp bản sao hoặc sao chụp bản hợp đồng đã ký để lưu giữ.

Trang Nhi

Tin cũ hơn
Xem thêm