Người lao động "phấn khởi" với đề xuất dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2024: Lương và thưởng sẽ ra sao?

Cập nhật: 10:48 | 05/04/2024 Theo dõi KTCK trên

Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hoán đổi ngày làm việc bình thường sang nghỉ bù để người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục. Vậy với người lao động đi làm dịp nghỉ lễ hoặc làm thêm giờ sẽ được hưởng như thế nào?

Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2024 và những điều người lao động cần biết

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có công văn gửi các cơ quan liên quan lấy ý kiến về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5 để người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục. Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong năm 2024, dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 rơi vào ngày thứ 3 và thứ 4 và có ngày 29/4/2024 (thứ 2) nằm giữa ngày nghỉ lễ và ngày nghỉ theo quy định hằng tuần.

Người lao động

Do đó, Bộ gửi công văn lấy ý kiến đề xuất hoán đổi ngày làm việc bình thường (ngày 29/4/2024) và làm bù sang ngày khác để dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 năm 2024 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục. Việc hoán đổi này giúp kích cầu du lịch và tiêu dùng xã hội nhằm thúc đẩy và tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, việc hoán đổi này cũng không làm thay đổi quỹ thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Do đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Thủ tướng xem xét, quyết định việc hoán đổi thời gian làm việc nêu trên.

Đi làm ngày nghỉ lễ 30/4-1/5 được trả lương thế nào?

Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người lao động sẽ được nghỉ làm và hưởng nguyên lương trong các dịp sau:

- Đối với Ngày Chiến thắng: 1 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch); Ngày Quốc tế lao động: 1 ngày (ngày 1 tháng 5 dương lịch);

Theo khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định: Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật này thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.

Ngày nghỉ 30/4 và 1/5 năm nay không trùng thứ 7 và chủ nhật nên lao động được nghỉ 4 ngày không liên tục và để tạo điều kiện cho lao động được nghỉ dài ngày, không gián đoạn, Bộ đã đề xuất hoán đổi ngày 29/4 (tức thứ 2) sang một ngày làm việc khác để lao động được nghỉ 5 ngày liên tục.

- Đối với lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định trên còn được nghỉ thêm 1 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 1 ngày Quốc khánh của nước họ.

Theo quy định tại Điều 98 và Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019, nếu đi làm đúng ngày 30/4 và 1/5 thì ngoài tiền lương ngày nghỉ lễ, người lao động còn được trả thêm lương làm thêm giờ. Tiền lương làm thêm giờ được xác định theo Điều 98 Bộ luật Lao động như sau:

- Đi làm vào ban ngày: Hưởng ít nhất là bằng 300% lương của ngày làm việc bình thường.

- Đi làm thêm giờ vào ban đêm: Hưởng ít nhất là bằng 390% lương của ngày làm việc bình thường. (300% tiền lương làm thêm giờ ngày lễ, tết + 30% làm việc vào ban đêm + 20% x tiền lương thực trả theo công việc làm vào ban ngày của ngày lễ, tết (300%) = 390%).

Như vậy, nếu tính cả lương ngày nghỉ lễ, người lao động đi làm ngày 30/4 và 1/5 được trả lương như sau: Làm việc vào ban ngày: Nhận ít nhất 400% lương; Làm việc vào ban đêm: Nhận ít nhất 490% lương.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Có bắt buộc thưởng tiền cho người lao động ngày lễ 30/4-1/5 không?

Theo Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019, tiền thưởng cho người lao động dịp 30/4 và 1/5 do người sử dụng lao động quyết định. Theo đó, tiền thưởng là khoản tiền không bắt buộc và người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm. Do vậy, doanh nghiệp có quyền thưởng hoặc không thưởng.

Nếu doanh nghiệp lựa chọn thưởng cho người lao động dịp lễ 30/4 và 1/5 thì họ cũng được chủ động về mức thưởng và hình thức thưởng. Tuy nhiên, nếu quy chế thưởng của doanh nghiệp hoặc trong các thỏa thuận khác với người lao động được ghi nhận về việc thưởng tiền hoặc hiện vật vào dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 thì doanh nghiệp phải thực hiện theo đúng cam kết.

Nếu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có lợi nhuận cao thì người lao động sẽ được thưởng cao. Ngược lại, nếu tình hình tài chính khó khăn, nguồn tài chính hạn hẹp thì doanh nghiệp sẽ chỉ thưởng ở mức thấp.

Thậm chí, thay vì thưởng tiền cho người lao động, doanh nghiệp còn có thể chuyển sang thưởng bằng hiện vật hoặc các hình thức khác nhân dịp lễ. Đây là việc pháp luật hoàn toàn cho phép.

Thông thường các doanh nghiệp tiền thưởng dịp 30/4 và 1/5 chỉ mang tính tượng trưng và đa phần tiền thưởng từ 500- 1 triệu đồng. Một số doanh nghiệp "làm nên ăn ra" có thể thưởng tới nửa tháng lương. Tuy nhiên, năm nay do tình hình tài chính khó khăn, có thể số lượng các doanh nghiệp có thưởng dịp lễ 30/4 và mùng 1/5 là không nhiều.

Thanh Hằng

Tin liên quan