Giải pháp công nghệ chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử

Cập nhật: 16:06 | 13/12/2023 Theo dõi KTCK trên

Quản lý hàng hoá trên sàn thương mại điện tử như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất là nội dung mà các chuyên gia và các nhà quản lý đã đưa ra thảo luận tại “Diễn đàn công nghệ chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử Việt Nam”.

Ngày 12/12, Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức Diễn đàn công nghệ chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử tại Việt Nam. Đây là sự kiện thứ 4 liên tiếp trong năm được Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức nhằm triển khai thực hiện Đề án 319 về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/3/2023.

Giải pháp công nghệ chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử

Tại Diễn đàn ông Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, thương mại điện tử đã và đang trở thành xu hướng tiêu dùng của cả thế giới, nhất là từ sau đại dịch Covid-19. Thương mại điện tử là xu thế tất yếu bởi những lợi ích mà nó mang lại. Tuy nhiên, bên cạnh đó đã phát sinh nhiều bất cập trong đó nổi bật là việc trà trộn kinh doanh các mặt hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, thương mại điện tử bùng nổ, bên cạnh sự tích cực đã phát sinh những hành vi vi phạm mới, do vậy, Đề án 319 là thực sự cần thiết và rất phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Hiện nay, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi, dẫn đến các cơ sở phải cắt giảm sự hiện diện trên phố để chuyển dịch hình thức kinh doanh sang online. Người tiêu dùng ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào, không phân biệt thành thị hay miền núi đều có thể trở thành người kinh doanh, buôn bán và dễ dàng đặt mua hàng hóa.

Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh phát biểu tại Diễn đàn
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh phát biểu tại Diễn đàn

Ông Linh cho biết, nếu như năm 2020, doanh số bán lẻ trên Internet tại Việt Nam là 13 tỷ USD thì đến năm 2022, con số này tăng vọt lên thành 35 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm cao nhất Đông Nam Á. Gần 1 nửa dân số Việt Nam mua sắm online, cao nhất Đông Nam Á với 49,3 triệu người, tương đương 41% tỷ lệ dân số.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, bên cạnh những cơ hội, thương mại điện tử đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng. Do vậy, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên môi trường mạng, lãnh đạo Tổng cục cho rằng, cần phải có nguồn nhân lực, đặc biệt là công cụ, phương pháp phù hợp chứ không thể “tay không bắt giặc”.

"Chống gian lận thương mại, hàng giả trên mạng cần phải có các giải pháp công nghệ cụ thể, để định danh, xác định được người mua, người bán, người vận chuyển, sản phẩm hàng hóa... từ đó góp phần phòng ngừa các rủi ro”.

Tại hội nghị, ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, cần áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến trong định danh người bán, người mua, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong thương mại điện tử để phòng chống hàng giả.

Ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số
Ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Trong những năm qua, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực để hoàn thiện hạ tầng, khung pháp lý và chính sách phát triển thương mại điện tử và kinh tế số. Mới nhất, trong năm 2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã xây dựng hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó bao gồm hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử giữa người dân và doanh nghiệp.

"Hệ sinh thái số sẽ góp phần bảo vệ nhãn hàng trên môi trường trực tuyến, đảm bảo giao dịch trong thương mại điện tử, giải quyết khiếu nại tranh chấp, xác thực và định danh chủ thể trong thương mại điện tử...", ông Lê Đức Anh thông tin và kỳ vọng, hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả trên môi trường mạng.

Đưa ra giải pháp công nghệ truy xuất nguồn gốc thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững, ông Nguyễn Bình Minh - Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) kiến nghị các giải pháp: Kinh doanh thương mại điện tử có trách nhiệm, hàng hóa có chất lượng và có truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường; Đào tạo kiến thức thương mại điện tử bền vững cho các doanh nghiệp; Phối hợp nhiều công cụ số, phát triển các nền tảng kinh doanh số; Đẩy mạnh chuyển đổi số các địa phương, thu hẹp khoảng các giãn cách số giữa các khu vực; Hoàn thiện hành lang pháp lý về thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm online.

Cũng tại diễn đàn, đề cập đến các giải pháp chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử, TS Đinh Lê Hải Hà - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trên thương mại điện tử, không chỉ là phòng tránh hàng giả, mà cần đảm bảo quyền lợi đầy đủ của khách hàng. Theo đó, TS Đinh Lê Hải Hà kiến nghị, trên thương mại điện tử, cần quản lý thương nhân cung cấp hàng hóa dịch vụ gắn liền với thương nhân tổ chức sàn thương mại điện tử và hệ sinh thái thương mại điện tử. Cùng với đó, luật hóa việc sử dụng thông tin chủ hàng và khách hàng tại các sàn thương mại điện tử và các nhà cung cấp ứng dụng (app).

Tiến sĩ Đinh Lê Hải Hà kiến nghị, trên thương mại điện tử, cần quản lý thương nhân cung cấp hàng hóa dịch vụ gắn liền với thương nhân tổ chức sàn thương mại điện tử và hệ sinh thái thương mại điện tử. Ngoài ra, cần tăng cường quản lý hóa đơn giao hàng; xác định trách nhiệm liên đới trong chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tăng cường các giải pháp kỹ thuật để đưa ra các mức độ cảnh báo, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại trên môi trường mạng.

Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ ...

Thứ trưởng Bộ Công Thương: Thương mại điện tử là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam

Tại Hội nghị Phát triển thương mại điện tử bền vững, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thương mại điện ...

Mừng sinh nhật, Shopee "thiết đãi" người dùng khi ưu đãi đến 90% trên sóng livestream

Shopee đã trở thành một phần quan trọng của ngành thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á, mang lại sự thuận tiện ...

Linh Nga (t/h)