Nhận định chứng khoán tuần từ 8-12/3/2021: Sàn HOSE liên tục nghẽn lệnh khiến tâm lý NĐT trở nên tiêu cực

Cập nhật: 17:54 | 06/03/2021 Theo dõi KTCK trên

Thị trường tăng điểm trong hai phiên đầu tuần qua để thử thách ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 điểm. Nhưng nỗ lực của bên "mua lên" đã thất bại khi áp lực bán luôn thường trực ở vùng giá cao để khiến thị trường điều chỉnh sau đó. Theo SHS, xu hướng ngắn hạn trong tuần tới là khó đoán hơn với việc thị trường có thể sẽ cần điều chỉnh về các ngưỡng thấp hơn nhằm tìm kiếm lực cầu mới.

Thị trường tăng rất nhẹ trong tuần qua với thanh khoản tiếp tục được cải thiện. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch qua (từ 1 - 5/3), VN - Index tăng 0,22 điểm lên 1.168,69 điểm; HNX-Index tăng 10,58 điểm lên 259,8 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn gia tăng so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng gần 18.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên.

Về diễn biến nhóm cổ phiếu, nhóm cổ phiếu tiện ích cộng đồng tăng mạnh nhất với 3,4% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu tiêu biểu trong nhóm như GAS tăng 3,6% POW tăng 6,7%...

Tiếp theo là nhóm nguyên vật liệu với mức tăng 3% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu trong ngành như HPG 0,9%, HSG tăng 5,5%, VIS tăng 12,1%, NKG 14,7%...

Tiếp theo là nhóm dầu khí với mức tăng 2% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu tiêu biểu như BSR tăng 3,9%, PVD (7,9%), PVS (10,7%), OIL (28,2%)…

Ngành dịch vụ tiêu dùng tăng 1,3%, giá trị vốn hóa, với các trụ cột trong ngành như VJC tăng 1,3%, HVN tăng 2,3%, SCS tăng 4%...

Các ngành có mức tăng nhẹ như công nghiệp tăng 0,8% giá trị vốn hóa, ngân hàng tăng 0,5%. Ở chiều ngược lại, nhóm hàng tiêu dùng giảm mạnh nhất với 1,2% giá trị vốn hóa, các cổ phiếu như MSN giảm 1,2%, VNM giảm 1,7%, SAB giảm 5,4%...

Các nhóm ngành giảm nhẹ như tài chính giảm 1% giá trị vốn hóa, dược phẩm và y tế giảm 0,4% và công nghệ thông tin giảm 0,3%.

5043-nhan-dinh
Hình minh họa

Khối ngoại trong tuần đầu tháng 3 tiếp tục đi theo chiều hướng tiêu cực khi bán ròng trên cả 3 sàn giao dịch. Tính chung toàn thị trường, khối ngoại mua vào 168 triệu cổ phiếu, trị giá 6.502 tỷ đồng, trong khi bán ra 250,8 triệu cổ phiếu, trị giá 9.584 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 82,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 3.082 tỷ đồng.

Khối ngoại chủ yếu bán ròng trên sàn HoSE với giá trị lên đến gần 3.000 tỷ đồng tăng 5% so với tuần trước đó, tương ứng khối lượng bán ròng là 82 triệu cổ phiếu.

VNM vẫn bị khối ngoại bán ròng rất mạnh với giá trị 700 tỷ đồng, CTG đứng sau với giá trị bán ròng hơn 425 tỷ đồng. Bên cạnh đó, POW bất ngờ bị bán ròng lên đến 377 tỷ đồng. Các cổ phiếu lớn như VIC, VHM, VCB hay HPG đều có giá trị bán ròng của khối ngoại lớn hơn 200 tỷ đồng. Chiều ngược lại, PLX được mua ròng mạnh nhất với 506 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ (CCQ) ETF nội FUEVFVND được mua ròng 110 tỷ đồng.

Ở sàn HNX, khối ngoại bán ròng trở lại 92 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 4 triệu cổ phiếu. NVB tiếp tục là mã được khối ngoại trên HNX mua ròng mạnh nhất với 27 tỷ đồng. BAX đứng sau với giá trị mua ròng chỉ là 2 tỷ đồng. Trong khi đó, PVS bị bán ròng mạnh nhất với 55 tỷ đồng. INN và SHS bị bán ròng lần lượt 20,4 tỷ đồng và 14 tỷ đồng.

Tại sàn UPCoM, khối ngoại tiếp tục bán ròng nhẹ chỉ hơn 5 tỷ đồng (giảm 48% so với tuần trước), tuy nhiến, nếu tính về khối lượng thì dòng vốn ngoại sàn này mua ròng đến 3,4 triệu cổ phiếu.

BSR được khối ngoại sàn UPCoM mua ròng mạnh với 86 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng thứ 2 là MCH với chỉ 10 tỷ đồng. Trong khi đó, QNS bị bán ròng mạnh nhất với 55 tỷ đồng. VTP cũng bị bán ròng 44 tỷ đồng.

Dưới đây là nhận định của một số công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch tuần mới:

Có thể điều chỉnh về ngưỡng thấp hơn nhằm tìm kiếm lực cầu mới

(CTCK Sài Gòn - Hà Nội - SHS)

Thị trường tăng điểm trong hai phiên đầu tuần qua để thử thách ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 điểm một lần nữa. Nhưng nỗ lực của bên "mua lên" đã thất bại khi mà áp lực bán luôn thường trực ở vùng giá cao để khiến thị trường điều chỉnh sau đó.

Việc hệ thống của HOSE liên tục bị nghẽn lệnh trong tuần qua cũng khiến tương quan cung - cầu trong phiên không được thể hiện đầy đủ và việc mua bán khó khăn trong phiên chiều khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên tiêu cực hơn. Đây cũng là một nguyên nhân khiến thị trường chưa thể bứt phá thành công.

Theo SHS, xu hướng ngắn hạn trong tuần sau là khó đoán hơn với việc thị trường có thể sẽ cần điều chỉnh về các ngưỡng thấp hơn nhằm tìm kiếm lực cầu mới.

Thị trường chứng khoán gần như đạt được vùng cân bằng

(CTCK Rồng Việt – VDSC)

Kết thúc ngày giao dịch cuối tuần qua (5/3) với số điểm gần như đi ngang và cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giảm gần như không nhiều. Điều này cho thấy, thị trường chứng khoán gần như đạt được vùng cân bằng để chuẩn bị vận động vào xu thế tích cực hơn.

Dòng tiền suy yếu

(CTCK Artex – ART)

Về kỹ thuật, VN-Index đã nhận được lực cầu hỗ trợ mạnh ở vùng 1.155 - 1.160 điểm trong phiên cuối tuần qua (5/3). Tuy nhiên, các chỉ báo kỹ thuật vẫn chưa cho nhiều tín hiệu tích cực về xu thế thị trường. Bên cạnh đó, các chỉ báo kỹ thuật vẫn cho thấy sự suy yếu của dòng tiền.

Công ty chứng khoán này cho rằng, nhiều khả năng VN-Index sẽ thử thách thành công ngưỡng 1.170 điểm trong đầu tuần tới, trước khi có thể xác nhận xu hướng tăng quay trở lại.

Xu hướng chính trong ngắn hạn vẫn là phục hồi

(CTCK Phú Hưng – PHS)

Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên tăng điểm nhẹ trở lại. Khối lượng giao dịch tuy có suy giảm nhưng vẫn duy trì trên mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý dòng tiền vẫn ở lại thị trường. Các chỉ báo kỹ thuật cho thấy, xu hướng chính trong ngắn hạn vẫn là phục hồi. Trong trường hợp tích cực, cơ hội hướng lên thử thách vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm sẽ mở ra.

Đối với sàn Hà Nội, HNX - Index có diễn biến tích cực hơn. Chỉ số có phiên tăng điểm thứ ba liên tiếp, xu hướng phục hồi đang tiếp diễn. Chỉ số có thể sớm tiến lên thử thách ngưỡng kháng cự 263,8 điểm.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Khối ngoại rút hơn 3.080 tỷ đồng tuần giao dịch từ 1 - 5/3/2021

Kết tuần giao dịch từ ngày 1 - 5/3/2021, VN-Index chỉ tăng vỏn vẹn 0,22 điểm lên 1.168, 7 điểm. Khối ngoại toàn thị trường ...

Kết quả kinh doanh tích cực, Thép Tiến Lên đề nghị ra khỏi diện cảnh báo

Lãnh đạo Thép Tiến Lên ước lãi quý I khoảng 100 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước khoảng 4 tỷ đồng. Bên cạnh ...

Mốc 1.200 điểm vẫn là ngưỡng cản khó vượt đối với VN-Index trong ngắn hạn

Với ngưỡng 1.200, VN-Index nhiều lần tiệm cận thử thách mốc này trong các năm 2007, 2018 và tháng 1/2021 đều thất bại và tạo ...

Tuệ An