Mốc 1.200 điểm vẫn là ngưỡng cản khó vượt đối với VN-Index trong ngắn hạn

Cập nhật: 14:48 | 05/03/2021 Theo dõi KTCK trên

Với ngưỡng 1.200, VN-Index nhiều lần tiệm cận thử thách mốc này trong các năm 2007, 2018 và tháng 1/2021 đều thất bại và tạo điểm gãy trong xu hướng khiến số đông nhà đầu tư thua lỗ.

4352-lck
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Mới đây, bộ phận phân tích của Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố báo cáo chiến lược thị trường tháng 3/2021 với tiêu đề "Cơ hội vượt mốc 1.200".

Theo SSI Research, vận động của VN-Index sau Tết Nguyên đán cho thấy những tín hiệu tích cực hơn về điểm số và khối lượng giao dịch. Tuy nhiên, VN-Index vẫn liên tục gặp khó do cung thường trực khi chỉ số tiến về vùng cản tâm lý 1.200 điểm. Các nhịp thoái lui từ vùng cản này đang được hỗ mạnh ở vùng 1.175 – 1.150 điểm trong khi xu hướng tăng của chỉ số vẫn chưa thay đổi. Do đó, khả năng VN-Index vẫn sẽ hướng đến và thử thách vùng đỉnh cũ 1.200 với động lực từ nhóm nhà đầu tư cá nhân trong thời gian tới, báo cáo nêu.

Thông tin thêm về thị trường, SSI Research cho biết, sau đợt hồi phục nửa cuối tháng 2, hệ số P/E thị trường năm 2021 tăng lên mức 15,1 lần vào ngày 3/3/2021.

Về triển vọng vĩ mô, khối phân tích SSI đánh giá, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết trên HOSE phục hồi rất tích cực từ quý IV/2020 và khả năng tiếp cận vắc xin COVID- 19 sắp tới là nhân tố nâng đỡ thị trường trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro cũng bắt đầu xuất hiện như lạm phát tháng 2/2021 tăng khoảng 1,52% và là một mức tăng khá cao nếu chỉ nhìn vào con số tuyệt đối.

Thêm vào đó, từ đầu năm tới nay, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng khá nhanh khoảng 0,6% và hiện nay ở mức gần 1,5%. Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng trở lại về lý thuyết là không tốt cho các thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, về mặt cơ bản tình hình hiện nay đã có các điểm khác như mặt bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ vẫn thấp hơn so với trước dịch COVID-19, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã ở mức cao theo tiêu chuẩn của IMF, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng trái phiếu Chính phủ và việc bán ròng trên thị trường cổ phiếu đã diễn ra từ rất lâu nên áp lực hiện tại là không còn nhiều.

Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh thành công đã giúp tâm lý nhà đầu tư lạc quan hơn khi trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán. Chỉ với 15 ngày giao dịch trong tháng 2 (thấp hơn đáng kể so với các tháng khác trong năm), VN-Index đã đạt được mức tăng 10,6% tiến gần đến mốc 1.170 điểm. So sánh với các thị trường khác trên thế giới nói chung và khu vực Châu Á nói riêng, thị trường Việt Nam đã ghi nhận suất sinh lời vượt trội hơn trong tháng 2.

Ngân hàng, bất động sản và bật liệu là những ngành dẫn dắt đà tăng ấn tượng này.

Tuy nhiên, trong báo cáo chiến lược công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) lưu ý, thanh khoản thị trường sụt giảm trong tháng 2/2021 với mức giao dịch bình quân một ngày giảm 17% so với tháng trước còn khoảng 13.000 tỷ đồng. Ngoài lý do khách quan là kỳ nghỉ Tết dài ngày, MASVN cho rằng, nhà đầu tư đang quan ngại về sự cố kỹ thuật của phần mềm khớp lệnh HOSE bị kéo dài. Dù vậy, mức giá trị khớp lệnh khoảng 13.000 tỷ đồng một ngày vẫn thuộc mức cao.

Với triển vọng kinh tế vĩ mô lạc quan khi kinh tế thế giới bước vào giai đoạn hồi phục, kéo theo đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam, MASVN dự báo tăng trưởng EPS (thu nhập trên mỗi cổ phần) của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE sẽ tăng trưởng 20% trong năm 2021 sau khi sụt giảm nhẹ 0,6% trong năm 2020.

Hiện mức đỉnh lịch sử 1.200 điểm đang tạo ra áp lực tâm lý đối với nhà đầu tư trong ngắn hạn.

So sánh tương quan giữa thị trường vốn và thị trường nợ, MASVN cũng nhận thấy tiềm năng tăng giá của thị trường chứng khoán vȁn còn rất lớn. Khi lợi suất thị trường chứng khoán (EPS/VN-Index) và thị trường trái phiếu (lợi suất trái phiếu chỉnh phủ 10 năm) cân bằng trong dài hạn, VN-Index sẽ tăng đáng kể bởi lợi suất trái phiếu đang trong xu hướng giảm trong khi EPS của các doanh nghiệp trên sàn HOSE kỳ vọng tăng trưởng 22% trong năm 2021 và 23% trong năm 2022.

Trong quá khứ, các ngưỡng tâm lý thị trường đã phải mất rất nhiều lần mới vượt qua được, ví dụ như ngưỡng 1.000 điểm phải mất 7 lần mới vượt được trong giai đoạn 2018 - 2020 hay ngưỡng 600 điểm trong giai đoạn 2014 - 2016. Với ngưỡng 1.200 điểm, VN-Index nhiều lần tiệm cận thử thách mốc này trong các năm 2007, 2018 và tháng 1/2021 đều thất bại và tạo điểm gãy trong xu hướng khiến số đông nhà đầu tư thua lỗ.

"Nếu so sánh thời điểm này với thời điểm đầu 2018 thì mức lãi suất hiện nay thấp hơn nhiều nhưng thị trường lại có nhiều biến động hơn do hiện nay số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường ở mức rất cao. Điểm giống nhau là thời điểm 2018 và thời điểm 2021 đều có rủi ro về việc lãi suất có thể tăng trở lại trong bối cảnh kinh tế hồi phục nhanh và lạm phát tăng trở lại", chuyên gia nhìn nhận.

Thị trường chứng khoán ngày 5/3/2021: Tín hiệu kỹ thuật phiên chiều

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam dẫn nguồn Vietstock đưa ra những phân tích tín hiệu kỹ thuật phiên chiều ngày ...

Phiên sáng 5/3/2021: Cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng phân hóa, VN-Index giảm nhẹ

Phiên sáng ngày 5/3/2021, nhóm cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng phân hóa khá rõ nét ngay từ đầu phiên. Tuy nhiên, sự tích ...

Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) đề nghị bỏ phương án nâng lô lên 1.000

Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ...

Đức Hậu T/H