Cổ phiếu thép còn cơ hội "trở mình"?

Cập nhật: 15:20 | 21/07/2022 Theo dõi KTCK trên

Xét về trung và dài hạn, ngành thép vẫn “sáng cửa”. Các yếu tố hỗ trợ ngành thép trong thời gian tới có thể đến từ sự phục hồi của giá thép trong khu vực sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phong tỏa và giá than cốc hạ nhiệt trong trung hạn từ mức cao bất thường hiện tại.

Bên cạnh ảnh hưởng giảm giá từ thị trường chung, đà "lao dốc" của cổ phiếu ngành thép chủ yếu là do sức bán mạnh mẽ và dứt khoát của các nhà đầu tư. Đà bán ròng này không chỉ đến từ nhà đầu tư trong nước mà khối ngoại cũng tham gia. Tính từ đầu năm đến nay, giá trị cổ phiếu nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp thép đã giảm đến gần 70.000 tỷ đồng, phần lớn đến từ 5 mã HPG (Tập đoàn Hoà Phát), POM (Thép Pomina), HSG (Tập đoàn Hoa Sen), SMC (Đầu tư Thương mại SMC), NKG (Thép Nam Kim). Hiện, nhà đầu tư nước ngoài chỉ còn giữ 27.770 tỷ đồng (khoảng 1,2 tỷ USD) các cổ phiếu thép.

Cổ phiếu thép còn cơ hội

Thị giá cổ phiếu giảm, tài khoản của các cổ đông thép thâm hụt nhanh chóng, dẫn tới vốn hóa các doanh nghiệp ngành thép cũng sụt giảm hàng tỷ USD.

Đi đầu cho đà giảm giá của cổ phiếu ngành thép chính là “ông lớn” Tập đoàn Hòa Phát khi cổ phiếu HPG về 22.350 đồng/cp, tức giảm khoảng 40% so với hồi đầu năm. Giá trị vốn hóa theo đó “bay” gần 71.400 tỷ về mức 130.000 tỷ đồng (tính đến chốt phiên 20/7).

Cùng chung số phận là cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen khi thị giá giảm 65% từ đỉnh. Chốt phiên ngày 20/7, cổ phiếu HSG đang giao dịch ở mức 18.000 đồng/cp, tương đương giá trị vốn hóa gần 9.000 tỷ đồng. Tính từ đầu năm, vốn hoá doanh nghiệp này mất khoảng 9.950 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp khác cũng ghi nhận vốn hoá "bốc hơi" hơn nghìn tỷ đồng như Thép Việt Nam (TVN), Thép Nam Kim, Thép Tiến Lên (TLH), SMC, Thép Thái Nguyên, Thép Việt Đức (VGS)…

Đánh giá triển vọng 6 tháng cuối năm 2022, Mirae Asset đã hạ nhận định ngành thép từ tích cực xuống trung tính dựa trên các luận điểm: Áp lực từ nguồn cung than cốc lẫn giá than tăng cao, bào mòn từ 3-6% biên lợi nhuận gộp các công ty thép, lạm phát chưa có dấu hiệu dừng lại và ngành bất động sản chững lại trong năm 2022.

“Dự phóng sản lượng thép toàn ngành năm 2022 hạ 15% về 27,76 triệu tấn (-10%), riêng sản lượng xuất khẩu đạt mức 7.6 triệu tấn (+1%)”, báo cáo nêu.

Về triển vọng xuất khẩu thép, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, mức xuất khẩu cao của năm 2021 sẽ khó lặp lại. Lý do là bởi đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, kết hợp với nhu cầu hàng không thiết yếu suy giảm do lạm phát kỷ lục tại châu Âu; cạnh tranh tại Mỹ gia tăng do nước này đã nới lỏng chính sách thuế quan với thép Nhật; châu Âu và Nga đặt mục tiêu xuất khẩu nhiều hơn sang Đông Nam Á.

Trước đó, SSI Research từng cho rằng, sản lượng thép xuất khẩu vẫn ổn định trong quý II, nhưng nhiều khả năng sẽ giảm tốc trong các quý tới do nhu cầu chậm lại trước lo ngại giá thép giảm và các biện pháp bảo hộ từ các thị trường xuất khẩu.

“Lợi nhuận năm 2022 của Hoà Phát có thể đạt 26.500 tỷ đồng, giảm hơn 23% so với cùng kỳ chủ yếu do giả định giá thép giảm. Lợi nhuận dự phóng năm 2022 của Hoa Sen cũng giảm 67% so với cùng kỳ, dự kiến ở mức 1.400 tỷ đồng chủ yếu do sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu giảm. Với Nam Kim, lợi nhuận năm 2022 cũng được dự báo sẽ giảm 39% so với cùng kỳ xuống 1.350 tỷ đồng”, SSI Research dự báo.

Tuy nhiên, xét về trung và dài hạn, ngành thép vẫn “sáng cửa”. Các yếu tố hỗ trợ ngành thép trong thời gian tới có thể đến từ sự phục hồi của giá thép trong khu vực sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phong tỏa, và giá than cốc hạ nhiệt trong trung hạn từ mức cao bất thường hiện tại.

Đáng chú ý, thông tin mới đây cho thấy, Trung Quốc đã thành lập Tập đoàn tài nguyên khoáng sản khổng lồ, mang tới kỳ vọng nước này sẽ có tiếng nói hơn trong việc định giá quặng sắt để có thể chống lại việc thao túng giá trên thị trường quốc tế. Điều đó sẽ mang tới yếu tố tích cực cho việc nhập khẩu của thị trường trong nước, bởi sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm 43,5% tổng lượng và chiếm 40,9% tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.

Ngoài ra, với quyết tâm của Chính phủ, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ, các dự án đầu tư công trong thời gian tới có thể giúp nhóm ngành này được chú ý trở lại.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Thị trường chứng khoán có thể lội ngược dòng những tháng cuối năm?

“Chúng tôi kỳ vọng thị trường trong quý 3 sẽ sớm bước vào nhịp hồi ngắn hạn, phản ứng với các chỉ tiêu vĩ mô ...

Cổ phiếu ngành y tế và công nghiệp là "ngành ngách" của thị trường chứng khoán

Tại chương trình bí mật đồng tiền ngày 20/7, ông Nguyễn Lý Thanh Lương, chuyên gia phân tích tại Chứng khoán SSI - SSI Research ...

Chứng khoán phiên sáng 21/7: Thị trường rung lắc, VN-Index trồi sụt trên tham chiếu

Phiên 21/7, VN-Index mở cửa tăng nhẹ 1 điểm, mức tăng này có lẽ khá bất ngờ do chưa nối tiếp đà hưng phấn của ...

Linh Đan