Tổng giám đốc VEC và câu chuyện về phiếu tín nhiệm

Cập nhật: 13:51 | 22/10/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Tháng 5/2017, VEC tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng để lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh Tổng giám đốc Tổng công ty giai đoạn 2016-2021. Kết quả, trong tổng số 24 phiếu phát ra, có đến 13 phiếu không đồng ý bổ sung ông Trần Văn Tám vào quy hoạch chức danh Tổng giám đốc VEC.

tong giam doc vec va cau chuyen ve phieu tin nhiem VEC qua góc nhìn của Kiểm toán Nhà nước
tong giam doc vec va cau chuyen ve phieu tin nhiem Xử lý trách nhiệm Tổng giám đốc VEC, BQL dự án và phải sửa chữa xong trước 16/10
tong giam doc vec va cau chuyen ve phieu tin nhiem VEC: Dự án liên tục đội vốn, chậm tiến độ, gặp sự cố

Tín nhiệm thấp

Vào giữa tháng 5/2017, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC đã tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng để lấy phiếu về bổ sung quy hoạch chức danh tổng giám đốc Tổng công ty giai đoạn 2016-2021. Chủ trì là ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty.

tong giam doc vec va cau chuyen ve phieu tin nhiem
Ông Trần Văn Tám, Tổng giám đốc VEC chỉ đạt 45,83% phiếu tín nhiệm quy hoạch. Ảnh nguồn internet

Theo đó, thành phần dự họp gồm có 24 người, là những cán bộ chủ chốt của Tổng Công ty. Có 11 phiếu (45,83%) đồng ý bổ sung ông Trần Văn Tám vào quy hoạch chức danh Tổng giám đốc VEC giai đoạn 2016-2021; 13 phiếu (đạt 54,17%) không đồng ý bổ sung ông Tám vào quy hoạch chức danh này. Theo Bộ GTVT, ông Trần Văn Tám, Kế toán trưởng VEC được bổ nhiệm có thời hạn làm thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc VEC kể từ ngày 1/6/2017.

Sai phạm của Giám đốc BQL Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Những ngày này, dư luận hết sức bức xúc trước việc tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị hư hỏng chỉ sau thời gian ngắn đưa vào khai thác. Trước đó, đã có đơn thư tố cáo đích danh ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban quản lý dự án (QLDA) đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có một số vi phạm trong quản lý, điều hành.

Sau khi nhận chỉ đạo của Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Giám đốc Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã vào cuộc xác minh. Đến ngày 17-7, ông Trần Văn Tám, Tổng giám đốc VEC đã ký văn bản kết luận về các nội dung tố cáo này.

Theo đó, trong 6 nội dung tố cáo, VEC xác định ông Thành có một số vi phạm về quy chế hoạt động của Ban QLDA, không báo cáo một số vụ việc cụ thể về VEC để có phương án chỉ đạo kịp thời…

Về nội dung tố cáo có hành vi tham nhũng, tiêu cực của ông Thành, đoàn xác minh của VEC kết luận không có căn cứ và cơ sở để tin cậy. "Đến nay VEC chưa nhận được bất kỳ thông tin nào từ cơ quan công an về các nội dung đó. Trong trường hợp nhận được thông tin chính thức yêu cầu điều tra của cơ quan chức năng như nội dung tố cáo thì VEC sẽ chỉ đạo các bên: tư vấn giám sát, nhà thầu, Ban QLDA cung cấp thông tin và phối hợp để làm sáng tỏ các vấn đề…" – kết luận của VEC nêu.

Ngoài ra, VEC chỉ ra một số vi phạm trong quá trình thực hiện dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, thuộc tránh nhiệm của tư vấn giám sát và nhà thầu.

Kết luận cuối cùng, VEC yêu cầu ông Nguyễn Tiến Thành kiểm điểm rút kinh nghiệm và báo cáo về các nội dung liên quan. Cụ thể, về công tác quản lý chất lượng, với vai trò là người đứng đầu Ban QLDA, ông Thành phải có đề xuất và thực hiện các công tác quan trắc đoạn tường chắn MSE và đề xuất các giải pháp xử lý nhằm đảm bảo ổn định lâu dài cho công trình. Trong công tác quản lý điều hành dự án, cải thiện xử lý hài hòa mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm với vai trò người đứng đầu đơn vị…

Đối với Ban QLDA đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, các tồn tại trong quá trình thực hiện dự án trước thời điểm ông Thành nhận nhiệm vụ giám đốc (tháng 9-2017) thì không chỉ trách nhiệm riêng của ông Thành mà có trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu, tập thể ban, các cá nhân phụ trách các phòng và phụ trách các gói thầu có liên quan.

tong giam doc vec va cau chuyen ve phieu tin nhiem
Khắc phục sự cố đương cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Cán bộ sai phạm, tín nhiệm thấp, VEC nợ đầm đìa

Theo báo cáo tài chính của VEC, tính đến ngày 31/12/2015, nợ ngắn hạn của công ty là hơn 28.193 tỷ đồng trong đó VEC nợ thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước hơn 22 triệu đồng; nợ người lao động 14,8 tỷ đồng; quỹ khen thưởng, phúc lợi hơn 526 triệu đồng; vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 21.933 tỷ đồng, còn lại là chi phí phải trả ngắn hạn.

Và nếu như năm trước đó, VEC chỉ tốn khoảng hơn 20 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp thì đến cuối năm 2015, con số đó tăng vọt lên hơn 51 tỷ đồng. Kết thúc năm 2015, vốn chủ sở hữu của VEC hơn 37.423 tỷ đồng, nhưng tiền thu từ đi vay của doanh nghiệp này hơn 170 tỷ đồng trong đó nợ dài hạn là 0 đồng.

Một năm sau đó, đến ngày 31/12/2016, nợ ngắn hạn của VEC giảm mạnh, chỉ còn hơn 9.059 tỷ đồng, nhưng nợ dài hạn của doanh nghiệp này đã tăng vọt từ 0 lên 25.500 tỷ đồng. VEC vẫn tiếp tục nợ thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước hơn 141 triệu đồng; nợ người lao động hơn 19 tỷ đồng, quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động hơn 1 tỷ đồng. Lúc này, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp khoảng 42.776 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đã tăng lên thành hơn 65 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong năm 2016, VEC vay 1.388 tỷ đồng, gấp hơn 8 lần so với số tiền công ty vay trong năm 2015.

Đến ngày 31/12/2017, nợ dài hạn của công ty từ hơn 25.500 tỷ đồng năm 2016 đã tăng vọt lên thành hơn 60.146 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ hơn 9.782 tỷ đồng. Như vậy nợ phải trả gấp hơn 6 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này.

Nợ đầm đìa, chỉ tính riêng năm 2017, chi phí lãi vay là 784 tỷ đồng trong khi trước đó, vào năm 2016, chi phí lãi vay của VEC khoảng hơn 86 tỷ đồng. Chưa dừng lại ở đó, theo báo cáo, năm 2017, tiền thu từ đi vay của VEC là 1.530 tỷ đồng, tiếp tục tăng so với con số 1.388 tỷ đồng trong năm 2016.

Linh Trang