VEC: Dự án liên tục đội vốn, chậm tiến độ, gặp sự cố

Cập nhật: 17:21 | 12/10/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Nợ đầm đìa, Chính phủ phải đứng ra bảo lãnh thậm chí trả nợ thay, nhưng Tổng Công ty Đầu tư và phát triển cao tốc Việt Nam (VEC) vẫn được giao hàng loạt dự án trọng điểm nghìn tỷ.

vec du an lien tuc doi von cham tien do gap su co Bộ GTVT: Mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quãng Ngãi hỏng do chất lượng thi công
vec du an lien tuc doi von cham tien do gap su co VEC: Nợ phải trả gấp 53 lần vốn chủ sở hữu
vec du an lien tuc doi von cham tien do gap su co Công văn hỏa tốc: Lấp “ổ gà, ổ trâu” trên cao tốc
vec du an lien tuc doi von cham tien do gap su co Cao tốc hàng chục nghìn tỷ đồng vừa thông xe đã xuất hiện hàng loạt “ổ gà, ổ trâu”

Tổng Công ty Đầu tư và phát triển cao tốc Việt Nam (VEC) là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập từ tháng 12/2004. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư của hàng loạt công trình, dự án cao tốc trọng điểm trên toàn quốc như cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc Nội Bài – Lào Cai, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và Bến Lức – Long Thành…

Nhưng có lẽ ít ai biết rằng chủ đầu tư của 5 dự án cao tốc với tổng mức đầu tư khoảng 125.000 tỷ đồng nêu trên hiện đang có những khoản nợ kếch xù.

vec du an lien tuc doi von cham tien do gap su co

Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đội vốn lên hơn gấp đôi so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu.

Nợ đầm đìa và liên tục leo thang

Theo báo cáo tài chính của VEC, tính đến ngày 31/12/2015, nợ ngắn hạn của công ty là hơn 28.193 tỷ đồng trong đó VEC nợ thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước hơn 22 triệu đồng; nợ người lao động 14,8 tỷ đồng; quỹ khen thưởng, phúc lợi hơn 526 triệu đồng; vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 21.933 tỷ đồng, còn lại là chi phí phải trả ngắn hạn.

Và nếu như năm trước đó, VEC chỉ tốn khoảng hơn 20 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp thì đến cuối năm 2015, con số đó tăng vọt lên hơn 51 tỷ đồng. Kết thúc năm 2015, vốn chủ sở hữu của VEC hơn 37.423 tỷ đồng, nhưng tiền thu từ đi vay của doanh nghiệp này hơn 170 tỷ đồng trong đó nợ dài hạn là 0 đồng.

Một năm sau đó, đến ngày 31/12/2016, nợ ngắn hạn của VEC giảm mạnh, chỉ còn hơn 9.059 tỷ đồng, nhưng nợ dài hạn của doanh nghiệp này đã tăng vọt từ 0 lên 25.500 tỷ đồng. VEC vẫn tiếp tục nợ thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước hơn 141 triệu đồng; nợ người lao động hơn 19 tỷ đồng, quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động hơn 1 tỷ đồng. Lúc này, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp khoảng 42.776 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đã tăng lên thành hơn 65 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong năm 2016, VEC vay 1.388 tỷ đồng, gấp hơn 8 lần so với số tiền công ty vay trong năm 2015.

Đến ngày 31/12/2017, nợ dài hạn của công ty từ hơn 25.500 tỷ đồng năm 2016 đã tăng vọt lên thành hơn 60.146 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ hơn 9.782 tỷ đồng. Như vậy nợ phải trả gấp hơn 6 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này.

Nợ đầm đìa, chỉ tính riêng năm 2017, chi phí lãi vay là 784 tỷ đồng trong khi trước đó, vào năm 2016, chi phí lãi vay của VEC khoảng hơn 86 tỷ đồng. Chưa dừng lại ở đó, theo báo cáo, năm 2017, tiền thu từ đi vay của VEC là 1.530 tỷ đồng, tiếp tục tăng so với con số 1.388 tỷ đồng trong năm 2016.

Vào năm 2014, Chính phủ đã hai lần phải chuyển vốn nhà nước cho vay lại hoặc bảo lãnh cho vay thành ngân sách cấp phát cho VEC với tổng giá trị cấp phát là 11.389 tỉ đồng. Cả hai lần chuyển vốn ODA cho doanh nghiệp vay lại và vốn bảo lãnh thành vốn ngân sách đầu tư trực tiếp là không đúng quy định của Luật Ngân sách và cả Hiến pháp (khoản 2, điều 55 của Hiến pháp quy định các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán và do luật định).

Thế nhưng, không hiểu vì sao đến nay doanh nghiệp này vẫn được ngân sách cấp phát hay trả thay trong khi ngân sách mỗi ngày một eo hẹp, thậm chí, VEC còn được giao thực hiện nhiều dự án trọng điểm với tổng mức đầu tư khoảng 125.000 tỷ đồng nêu trên?

Dự án liên tục đội vốn, chậm tiến độ, gặp sự cố

Nhắc tới các “dự án công đội vốn, chậm tiến độ”, không thể không kể đến một số dự án do VEC làm chủ đầu tư.

Đơn cử tại dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, tổng mức đầu tư được phê duyệt lần đầu là 9.890,62 tỷ đồng, nhưng giá trị điều chỉnh lần 1, theo Quyết định 2445/QĐ-BGTVT ngày 08/8/2008 giá trị TMĐT điều chỉnh là 15.891 tỷ, tăng 6.001 tỷ; giá trị điều chỉnh lần 2 là 20.630 tỷ đồng (tăng 4.738 tỷ đồng).

Hay tại dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án này đang bị chậm tiến độ. Hiện sản lượng các gói thầu xây lắp mới đạt khoảng 77%, chậm 9% so với kế hoạch ban đầu. Theo đánh giá của chủ đầu tư, với tiến độ này, dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành rất khó đáp ứng tiến độ thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2018.

vec du an lien tuc doi von cham tien do gap su co
Tuyến cao tốc Quảng Nam - Quảng Ngãi chậm tiến độ và khi đưa vào khai thác hơn một tháng đã bong tróc nghiêm trọng.

Ngoài ra, đoạn tuyến cao tốc Quảng Nam - Quảng Ngãi cũng bị chậm tiến độ (mục tiêu ban đầu là thông xe vào cuối năm 2017), nhưng chủ đầu tư đã 2 lần xin gia hạn tiến độ hoàn thành dự án. Trong đó, lần đầu vào ngày 30/6 và lần 2 vào 31/7.

Không chỉ thế, vừa được đưa vào khai thác từ tháng 9/2018, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi từ Km0 đến Km65 xuất hiện một số vị trí mặt đường bê tông nhựa bị rạn nứt, tạo ổ gà, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với các phương tiện lưu thông qua đây.

Đáng nói, việc sửa chữa chỉ được thực hiện sau khi báo chí và dư luận lên tiếng, việc phát ngôn, cung cấp cho báo chí của các đơn vị liên quan không đầy đủ, né tránh trách nhiệm, tạo dư luận không tốt.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể vừa nghiêm khắc phê bình Chủ tịch HĐTV và Tổng giám đốc VEC về việc chậm trễ trong xử lý hư hỏng mặt đường, cung cấp thông tin, trả lời báo chí không kịp thời, né trách nhiệm.

Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, giải thích nguyên nhân là ôtô quá tải lưu thông, gặp trời mưa nên lớp nhựa đường bị bong tróc. Đại diện tỉnh Quảng Nam cũng đưa ra lý do tương tự.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định không thể có nguyên nhân mưa nhiều hay thời tiết tác động làm hư hỏng mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cũng không phải xe quá tải trọng chạy nhiều mà do chất lượng thi công.

Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ cũng từng chỉ ra nhiều sai phạm trong thu, chi và việc thực hiện các dự án của doanh nghiệp này.

Linh Trang

Tin cũ hơn
Xem thêm