Lãi suất tiền gửi tăng vọt vượt 6%/năm, dòng tiền có chảy về ngân hàng?

Cập nhật: 06:30 | 22/05/2024 Theo dõi KTCK trên

Lãi suất gửi tiết kiệm tăng mạnh trong thời gian gần đây, có nơi cao nhất lên tới 6,2%/năm, tuy nhiên chỉ áp dụng ở kỳ hạn dài. Để giữ chân được tiền gửi đến ngày đáo hạn, dự báo khả năng lãi suất tiền gửi sẽ còn tăng thêm 1 điểm %.

Theo khảo sát,lãi suất gửi tiết kiệm tại một số ngân hàng đã tăng mạnh trở lại, có nhà băng tăng lãi suất lên tới gần 1 điểm % so với trước đó. Tính đến giữa tháng 5/2024, hầu hết các ngân hàng đã áp dụng lãi suất cao nhất ở mức 6,2%/năm tại các kỳ hạn dài.

Lãi suất tiền gửi tăng vọt vượt 6%/năm, dòng tiền có chảy về ngân hàng?
Hình minh họa.

Gần đây nhất, HDBank ngày 20/5 vừa qua đã tăng mạnh lãi suất gửi tiết kiệm ở kỳ hạn 15 - 18 tháng vượt mức 6%/năm. Hiện mức lãi suất cao nhất dành cho tiền gửi thông thường của ngân hàng này đã tăng lên mức 6,2%/năm cho kỳ hạn 18 tháng, mức cao nhất trong toàn hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, đối với các kỳ hạn ngắn từ 1 - 3 tuần có lãi suất huy động không đổi ở mức 0,5%/năm. Đối với kỳ hạn 1 - 5 tháng lãi suất tăng từ mức 2,95%/năm trước đó lên mức 3,25%/năm. Đối với kỳ hạn 6 tháng tăng từ 4,6%/năm lên mức 4,9%/năm, kỳ hạn 7 - 11 tháng tăng từ 4,4%/năm lên mức 4,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng tăng từ 5%/năm lên 5,3%/năm, kỳ hạn 13 tháng tăng từ 5,2%/năm lên mức 5,5%/năm, kỳ hạn 15 tháng tăng từ 5,8%/năm lên mức 6,1%/năm và 18 tháng là 6,2%. Ngoài ra, đối với kỳ hạn 24 – 36 tháng có lãi suất giữ nguyên ở mức 5,5%/năm.

Nam A Bank cũng vừa cập nhật lãi suất gửi tiết kiệm mới nhất tháng 5/2024. Theo đó, đối với hình thức gửi tiền online 18 tháng có lãi suất cao nhất lên tới 6,3%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng. Tuy nhiên, số tiền gửi phải từ 500 tỷ đồng trở lên và cần được Tổng Giám đốc Ngân hàng phê duyệt, đây là yêu cầu rất khó để đáp ứng đối với mặt bằng chung. Ngoài ra, đối với kỳ hạn từ 18 đến 36 tháng sẽ được hưởng lãi suất là 5,4%/năm. Lãi suất tiết kiệm khi gửi tiền tại quầy, lĩnh lãi cuối kỳ trong tháng 5 dao động khoảng 0,5 đến 5,4%/năm.

Tính từ đầu tháng 5 tới nay, đã có gần 20 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động gồm: ACB, VIB, GPBank, NCB, BVBank, Sacombank, CB, Bac A Bank, Techcombank, TPBank, PGBank, SeABank, Viet A Bank, ABBank, VPBank và gần đây nhất là ngân hàng số Cake by VPBank. Trong đó có 4 ngân hàng VIB, CB, SeABank và ABBank… với mức cao nhất cho kỳ hạn dài 18-36 tháng được nhận mức lãi suất 5,5%/năm.

Mặc dù vậy, xu hướng tăng lãi suất chỉ đang xuất hiện ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Trong khi đó, nhóm 4 “ông lớn” ngân hàng quốc daonh có vốn nhà nước chi phối gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank vẫn đang áp dụng biểu lãi suất huy động ở mức thấp lịch sử.

Nguyên nhân đẩy lãi suất tiết kiệm tăng trong thời gian gần đây tại các ngân hàng tư nhân là do tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sụt giảm trong những tháng đầu năm, đồng thời tăng trưởng tín dụng hồi phục trở lại khiến nhiều ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn.

Ngoài ra, cầu tín dụng bắt đầu phục hồi khi bước sang quý II đòi hỏi các ngân hàng phải tính đến việc huy động thêm vốn để chuẩn bị phục vụ nhu cầu tín dụng trong thời gian tới, nhất là khi room tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước giao ở mức 14% từ hồi đầu năm.

Theo một số công ty chứng khoán dự báo, lãi suất huy động còn xu hướng tăng từ nay đến cuối năm 2024, với mức tăng từ 0,5 đến 1 điểm %, lãi suất huy động vẫn sẽ chịu áp lực tăng nửa cuối năm, tuy nhiên giới phân tích đánh giá mức tăng không lớn khi tín dụng còn yếu.

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, diễn biến tiếp theo của mặt bằng lãi suất sẽ tuỳ thuộc vào khả năng kiểm soát đà mất giá của tiền đồng và diễn biến chính sách tiền tệ của Fed.

BVSC cũng cho rằng, lãi suất tăng diễn ra trong thời gian gần đây chủ yếu ở các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, trong khi nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, chiếm gần một nửa tổng tiền gửi của toàn hệ thống ngân hàng vẫn đang duy trì ở mức thấp kỷ lục. Mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp khiến cho nhu cầu nắm giữ các tài sản sinh lời cao hơn tăng lên gây áp lực đối với hoạt động huy động vốn của các ngân hàng. Tiền nhàn rỗi bắt đầu tìm hướng ra các kênh đầu tư tích lũy khác có biến động cao hơn như: bất động sản, vàng, chứng khoán…

Nhìn chung, tín dụng vẫn đang tăng trưởng thấp và các kênh đầu tư nói trên cũng chưa hồi phục rõ nét, biến động khó lường tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đó đà tăng của lãi suất huy động sẽ không quá nhanh trong các tháng tới.

Hiện nay, lãi suất tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn 12 tháng bình quân của nhiều ngân hàng chỉ còn 4,5 - 5%/năm. Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu lạm phát trong năm 2024 là 4 - 4,5%.

Chính vì vậy, người gửi tiền tiết kiệm có khi nhận được lãi suất thực dương rất thấp nếu như lạm phát không được kiềm chế tốt. Đáng chú ý là trước áp lực tỷ giá tăng cao.

Lãi suất huy động cần phải tăng lên để bảo vệ tiền đồng. Hiện Việt Nam đang áp dụng chính sách tiền tệ ngược với xu hướng chung của thế giới. Công cụ cuối cùng của Ngân hàng Nhà nước là lãi suất điều hành vẫn chưa tăng. Trong khi đó, áp lực tỷ giá được nhận định sẽ còn tăng lên.

Lãi suất tiền gửi nóng dần, ngân hàng lo ngại điều gì?

Lãi suất tiền gửi đã tăng trở lại nhưng vẫn ở mức thấp khiến ngân hàng lo ngại dòng tiền sẽ chảy ra khỏi hệ ...

Nhiều kênh đầu tư đang hấp dẫn hơn gửi tiền tiêt kiệm?

Trong bối cảnh giá vàng miếng SJC liên tục phá đỉnh, tỷ giá cũng bắt đầu tăng mạnh và thị trường chứng khoán, bất động ...

Vân Anh