Câu chuyện thành công của Tỷ phú thầm lặng sau biểu tượng Victoria's Secret

Cập nhật: 09:21 | 13/09/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Lần đầu tiên trong lịch sử, thay vì một công ty trả tiền cho nhà đài để phát quảng cáo, kênh truyền hình đã trả cho Victoria's Secret 1 triệu USD/năm để đổi lại quyền phát sóng show truyền hình kéo dài 1 tiếng đồng hồ. Thế nhưng, ít ai biết về Les Wexner-người đã đưa thương hiệu này lên đỉnh hoàng kim.  

Cứ mỗi tháng 12, làng thời trang thế giới lại hướng về một show diễn. Quy tụ dàn người mẫu nóng bỏng cùng những thiết kế ấn tượng, sàn diễn lung linh và các ca sĩ nổi tiếng, Victoria’s Secret Fashion Show năm nào cũng được ngóng đợi. Phía sau hào quang ấy là hình ảnh một người đàn ông kín tiếng lèo lái con thuyền suốt hơn 50 năm qua - tỷ phú Les Wexner.

cau chuyen thanh cong cua ty phu tham lang sau bieu tuong victorias secret
Tỷ phú Les Wexner - người đứng sau đế chế Victoria’s Secret

Victoria’s Secret là thương hiệu hàng đầu của L Brands - công ty do Wexner thành lập năm 1963 với tên ban đầu là The Limited. Hiện, Victoria’s Secret có trên 3.000 cửa hàng khắp thế giới với doanh thu mỗi năm hơn 12 tỷ USD. Và, vị chủ tịch kiêm CEO của thương hiệu này hiện đang sở hữu khối tài sản ước tính 5,5 tỷ USD, theo Forbes.

Khởi nghiệp từ câu nói của cha

Les Wexner sinh ngày 8/9/1937 tại Mỹ và có bố mẹ là người nhập cư. Ông tốt nghiệp đại học tại bang Ohio vào năm 1959. Sau đó, ông bỏ học trường luật và trở về nhà giúp việc kinh doanh của gia đình là cửa hàng bán lẻ lấy tên khai sinh của ông - Leslie’s. Trong một dịp bố mẹ đi nghỉ mát, Wexner một mình trông coi cửa hàng và phát hiện ra một điều quan trọng. Ông nhận ra họ không kiếm được đồng nào từ những chiếc áo khoác và váy cỡ lớn, tất cả lợi nhuận của cửa hàng đều đến từ các sản phẩm giá thấp như quần ngắn và váy.

Tuy nhiên, khi đề cập điều này với bố, suy nghĩ của ông không được công nhận. “Con chẳng hiểu gì cả”, người bố nói. Sau nhiều lần thuyết phục gia đình và bị từ chối, Wexner quyết định tự mình kinh doanh riêng bằng khoản tiền 5.000 USD mượn từ một người bà con. Thế là, công ty có tên The Limited chuyên bán quần và váy được thành lập năm 1963. Việc chỉ tập trung vào một vài sản phẩm là ý tưởng mang tính cách mạng vào thời điểm đó.

cau chuyen thanh cong cua ty phu tham lang sau bieu tuong victorias secret
Một cửa hàng The Limited tại Mỹ

Wexner đã chứng minh mình đúng khi thu về lợi nhuận 20.000 USD trong năm đầu tiên - con số cao gấp đôi mức lợi nhuận tốt nhất từ trước tới giờ của cửa hàng bố mẹ ông. Một năm sau, chính Wexner đã mua lại cửa hàng để cứu sống gia đình ông khi việc kinh doanh ngày càng thất bát và đứng trước nguy cơ phá sản. Năm 1969, Wexner đưa Limited Brands lên sàn chứng khoán và chính thức gia nhập cộng đồng triệu phú.

Mối nhân duyên với Victoria's Secret

Trong một chuyến đi thương mại đến San Francisco vào năm 1982, tình cờ Leslie Wexner bắt gặp chuỗi cửa hiệu đồ lót nhỏ có tên Victoria’s Secret của Roy Raymond. “Lúc đó Victoria’s Secret chỉ là một cửa hiệu nhỏ, không có các mẫu đồ lót nhục dục nhưng lại có nhiều món đồ rất gợi cảm, thậm chí tôi chưa từng nhìn thấy trên đất Mỹ”, ông kể lại. Tuy nhiên, ông không tìm hiểu gì được nhiều vì người chủ vì mỗi khi ông tiếp cận thì Roy Raymond lại từ chối vì bận việc.

Đến năm 1982, Roy lại là người gọi điện cho Wexner để đặt lịch gặp mặt. Lúc ấy, Roy đang trên bờ vực phá sản và hy vọng Wexner đồng ý mua lại chuỗi 6 cửa hiệu trước khi bị cảnh sát tịch thu. “Chiều đó, tôi bay ngay tới gặp anh ấy và mua luôn cửa hàng, mặc dù chẳng biết gì về nó cả”, Wexner kể lại.

cau chuyen thanh cong cua ty phu tham lang sau bieu tuong victorias secret
Victoria's Secret đóng góp phần lớn vào thành công của LBrands

Các chuyên gia tư vấn tài chính của ông đã cảnh báo cái giá 1 triệu USD là quá đắt. Wexner nhớ lại rằng ông chỉ mua Victoria's Secret vì trực giác mách bảo. Khi ấy ông không biết gì về đồ lót, cũng chưa hề có kế hoạch gì dành cho Victoria's Secret sau khi thâu tóm. “Nhưng tôi thấy được tiềm năng trong nó”, ông khẳng định.

Wexner bắt tay vào tái cấu trúc Victoria's Secret. Trong giấc mơ hoang đường nhất, Wexner cũng không nghĩ rằng Victoria’s Secret sẽ là chuỗi bán đồ lót phụ nữ chuyên nghiệp đầu tiên tại Mỹ. Ông chỉ đơn giản theo đuổi sự tò mò của bản thân, thử nghiệm các ý tưởng trong một vài năm và tư duy theo hương pháp mới.

Wexner đưa Victoria’s Secret đến cả các trung tâm mua sắm và mở rộng bán hàng theo catalogue. Nhưng đặc sắc nhất phải kể đến những sự kiện giới thiệu sản phẩm của Victoria’s Secret, tiền đề của show quảng cáo "Những thiên thần của Victoria’s Secret". Năm 1995, Wexner tổ chức show thời trang đầu tiên với những người mẫu mặc đồ lót khoe da thịt nóng bỏng mắt, tiền thân của đội ngũ "Những thiên thần của Victoria’s Secret" rực lửa sau này.

Lần đầu tiên trong lịch sử, thay vì một công ty trả tiền cho nhà đài để phát quảng cáo, kênh truyền hình đã trả cho Victoria's Secret 1 triệu USD/năm để đổi lại quyền phát sóng show truyền hình kéo dài 1 tiếng đồng hồ trên.

cau chuyen thanh cong cua ty phu tham lang sau bieu tuong victorias secret
Show trình diễn Victoria's Secret 2013

Wexner đã biến những cửa hiệu đồ lót phụ nữ của Raymond thành thế giới thời trang riêng và nhờ đó, đẩy tên tuổi chuỗi cửa hàng lên thành một biểu tượng. Giới người mẫu thì khao khát được sải bước trên sàn diễn của Victoria's Secret, còn phụ nữ bình thường thì ước mơ sở hữu những bộ đồ lót thương hiệu Victoria's Secret trong tủ quần áo của mình.

Người đàn ông thầm lặng làm việc với đam mê

Wexner cho rằng hầu như mọi phụ nữ đều muốn thể hiện tính cá nhân của mình, đặc biệt là sự gợi cảm. Chính vì thế, nội y phải là thứ tạo nên thông điệp tình cảm mạnh mẽ cho phụ nữ. Theo ông, định nghĩa về những gì phù hợp luôn thay đổi và thời trang thì không phải lúc nào cũng nghiên cứu được mà phải nắm bắt thị hiếu và xu hướng.

Rất nhiều thứ đã thay đổi trong hơn 5 thập kỷ qua. Khi bắt đầu sự nghiệp, Wexner làm việc 90 giờ/tuần và không còn thời gian cho bất kỳ thứ gì khác. Khi được hỏi về những ban nhạc hay bộ phim trong những năm 60 và 70, ông chỉ biết lắc đầu. “Tôi không nhớ lắm về phim ảnh, âm nhạc hay là điều gì đã diễn ra ở những năm tuổi 30 của mình”. Chính những cố gắng đó đã đưa doanh nhân từng bước trở thành triệu phú và tỷ phú, dẫn dắt hơn 10 doanh nghiệp có doanh thu hàng tỷ USD.

cau chuyen thanh cong cua ty phu tham lang sau bieu tuong victorias secret

Dù đã hơn 80 tuổi, Wexner vẫn chưa có ý nghĩ sẽ không làm việc nữa. Ông kể trong một lần cùng đi dạo, bố ông nói rồi sẽ có người hỏi khi nào Les sẽ nghỉ hưu. “Con không làm mọi thứ vì điều đó. Đừng lên kế hoạch, bởi khi ấy có nghĩa con bắt đầu chết”. Câu nói của bố đã tác động lớn đến Wexner và kể từ đó, ông không có sự chuẩn bị nào cho việc ngừng lại. “Có lẽ mọi người chiều lòng tôi nhưng tôi yêu những gì mình đang làm. Tôi nghĩ mình có năng lực ở khoản này. Tôi không sợ phải đi làm”, ông nói.

Theo vị tỷ phú, trẻ trung không phải là khái niệm đơn thuần về độ tuổi mà là trạng thái của tâm trí. “Năm tháng có thể làm da ta nhăn đi nhưng không thể biến đổi tâm hồn ta. Dù là 60 hay 70 tuổi, trong trái tim mỗi người đều có sức mạnh của sự kỳ diệu, khao khát được biết điều gì sẽ tiếp diễn và niềm vui của trò chơi cuộc sống. Nếu bạn vẽ mình vào một góc, cuộc đời cũng bắt đầu chấm dứt”.

Nhân Mã

Tin liên quan