Tăng cường chất lượng, nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam

Cập nhật: 14:40 | 07/01/2021 Theo dõi KTCK trên

Thị trường gạo thế giới đang có sự cạnh tranh gay gắt, tuy nhiên thị phần gạo cấp cao của Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực, với những đơn hàng xuất khẩu ổn định, được nhiều thị trường khó tính chấp nhận.

Cập nhật giá cao su chiều ngày 7/1: Quay đầu giảm

Giá thép hôm nay 7/1: Tăng trở lại trên sàn Thượng Hải

Những thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2020

Thị trường liên tục được mở rộng

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu (XK) gạo của Việt Nam trong thời gian qua đạt kết quả tích cực cả về lượng và giá XK cũng như cơ cấu chủng loại xuất khẩu. XK gạo 2017 đạt 5,82 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2016, trị giá đạt khoảng 2,63 tỷ USD, tăng 22%. Giá FOB bình quân XK ở mức 452,6 USD/tấn, tăng 0,8%, tương đương mức tăng 3,7 USD/tấn so với giá XK năm 2016. Tăng trưởng tiếp tục được duy trì trong năm 2018, tính đến 15/9, XK gạo đạt 4,73 triệu tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ 2017, trị giá đạt 2,38 tỷ USD. Giá FOB XK bình quân đạt khoảng 503,3 USD/ tấn, tăng 62,4 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.

Cơ cấu chủng loại gạo XK đã chuyển dịch tích cực, tăng dần gạo trắng chất lượng trung bình và cao, gạo thơm, giảm dần gạo trắng chất lượng thấp. 8 tháng đầu năm 2018, gạo trắng chất lượng thấp chỉ còn chiếm tỷ trọng 2,07% tổng trọng lượng gạo XK, trong khi gạo trắng chất lượng cao và trung bình chiếm tổng cộng 42,46% và gạo thơm chiếm tới 33,24% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Đến nay, thị trường XK gạo của Việt Nam đã tăng lên đến khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước Mỹ – La tinh, Trung Đông… Đáng lưu ý, hạt gạo Việt Nam cũng đã bước đầu thâm nhập được các thị trường yêu cầu chất lượng cao, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Hoa Kỳ, EU và liên tiếp duy trì vị trí nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan.

3900-gaoviet
Nâng tầm giá trị hạt gạo Việt (Ảnh minh họa)

Nhiều thách thức, cạnh tranh

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục XNK Bộ Công Thương cho biết, hạt gạo Việt đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt, thương mại gạo vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường. Mặt hàng gạo là mặt hàng nhạy cảm, được nhiều nước chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn về ATTP và về bảo vệ môi trường rất cao. Bên cạnh đó, sản phẩm thương hiệu gạo vẫn chưa được phần lớn người tiêu dùng cuối cùng tại các nước biết đến. Để gạo Việt được người tiêu dùng quốc tế biết đến, theo ông Hải, trước hết cần xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo hàng hoá có chất lượng. Sản xuất theo quy trình sạnh, gạo hữu cơ, đa dạng hoá các sản phẩm chế biến từ lúa gạo. Tổ chức sản xuất theo quy trình chuẩn, đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói. Đặc biệt, xây dựng uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Tăng giá trị xuất khẩu gạo

Nhìn lại hơn 30 năm xuất khẩu gạo, chỉ có 2 năm kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta đạt mốc 3 tỷ USD, đó là vào năm 2012 và năm 2020.

Năm 2020 đã có một sự chuyển dịch rất mạnh mẽ trong cơ cấu xuất khẩu gạo. Nếu như năm 2012, chúng ta xuất tới 7,7 triệu tấn gạo mới đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD, năm 2020 chỉ gần 6,2 triệu tấn, tức là Việt Nam xuất ít hơn nhưng giá trị cao hơn. Đây cũng sẽ là hướng đi của ngành lúa gạo Việt Nam trong những năm tới nhằm mang lại thu nhập tốt hơn cho người trồng lúa và nâng tầm hạt gạo Việt Nam.

Hàng loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chính thức có hiệu lực khiến gạo Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu vào các thị trường khó tính, giá trị cao. Với EVFTA, lần đầu tiên, gạo Việt vượt mốc 1.000 USD/ tấn, cao nhất từ trước tới nay.

Vào lúc này, tăng chất lượng và minh bạch thông tin là điều mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo hướng tới.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nói: "Ngành lúa gạo Việt Nam chúng ta đã đổi mới, khép kín từ sản xuất đến thương mại. Tuy nhiên, thời gian tới chúng ta sẽ phải đổi mới hơn để hạt gạo Việt Nam trở thành hạt ngọc trời, đem lại lợi nhuận cao cho người trồng lúa và bất luận trong hoàn cảnh nào cũng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia", theo VTV.

Đa dạng các sản phẩm từ gạo

Sản xuất lúa chất lượng cao cần nhiều yếu tố như giống, đặc tính thổ nhưỡng, khí hậu, kỹ thuật sản xuất. Và khi gạo chất lượng cao thì lại nâng cao được giá trị, nên dù có thể sản xuất ít hơn vẫn có lợi nhuận cao, thay vì bán số lượng nhiều như trước đây. Vì vậy, để người nông dân không phải đối diện với tình trạng tồn hàng, mất giá thì phải có quy hoạch sản xuất lúa chất lượng cao, đồng thời, chuyển đổi một phần diện tích sản xuất lúa sang trồng những loại cây trồng khác có giá trị vượt trội trên cùng một diện tích sản xuất.

Trong bối cảnh giá bán gạo xuống thấp thì việc đưa công nghệ tiên tiến vào chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ gạo cũng được nhiều doanh nghiệp và chuyên gia đề cập đến. Bởi sau gạo, những phụ phẩm như trấu, cám, rơm rạ… cũng cho ngoại tệ nếu doanh nghiệp biết cách tận thu.

Hiện các sản phẩm từ gạo của Việt Nam ít có tính đột phá, đa phần chỉ mang tính truyền thống như bánh tráng, bánh phở, hủ tíu, bún khô… Chỉ riêng với bánh snack, theo một thống kê của Nielsen, ước tính đến năm 2020, quy mô thị trường sẽ tăng lên gần gấp đôi, tương đương hơn 1 tỷ USD. Vì vậy, nếu tăng cường chế biến bánh từ gạo có thể làm tăng giá trị hạt gạo lên gấp nhiều lần, giá trị sản phẩm sau gạo mang về còn lớn hơn nữa.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin cũ hơn
Xem thêm