Phiên giao dịch ngày 4/3/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

Cập nhật: 18:00 | 03/03/2021 Theo dõi KTCK trên

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 4/3/2021, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – YSVN

Nắm giữ và mua vào đối với cổ phiếu TPB tại các nhịp điều chỉnh

Năm 2020, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HOSE: TPB) ghi nhận LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 3.510 tỷ đồng, tăng trưởng +13,5% YoY chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần tăng trưởng mạnh +29,4% YoY.

Tăng trưởng tín dụng của TPB trong năm 2020 tăng 30,4% và là một trong những ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao nhất trong hệ thống. Bên cạnh đó, huy động cũng tăng mạnh +25,4% YoY dù lãi suất tiền gửi suy yếu. NIM cải thiện nhẹ lên mức 4,25% chủ yếu nhờ lãi suất huy động giảm. Tỷ lệ nợ xấu giảm xuống mức 1,18% tại thời điểm cuối năm 2020 và chi phí trích lập dự phòng trong kỳ tăng +37,4% YoY, tỷ lệ LLR tăng mạnh lên mức 134% so với 98% ở thời điểm cuối năm 2019.

Chúng tôi cho rằng TPB sẽ ghi nhận tăng trưởng LNST ở mức 21% trong năm 2021 nhờ (1) Tăng trưởng tín dụng tiếp tục giữ ở mức cao, đạt mức 21% YoY (2) Thu nhập từ phí bancassurance tăng trưởng mạnh trong năm 2021 (3) Chi phí trích lập dự phòng giảm nhẹ so với năm 2020 do tỷ lệ nợ xấu giữ ở mức thấp và LLR ở mức cao tại thời điểm cuối năm 2020.

Ở mức giá hiện tại, TPB đang được giao dịch tại P/B dự phóng năm 2021 là 1,5x, thấp hơn mức trung bình của ngành ngân hàng 2,0x.

Mức Stock Rating của TPB ở mức 88 điểm, trong đó điểm cơ bản và sức mạnh giá đều trên 80 điểm cho nên chúng tôi duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Điểm tích cực là sức mạnh giá của TPB tăng trên mức 80 điểm cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu này. Đồ thị giá của TPB đạt mức cao nhất 52 tuần với khối lượng giao dịch tăng đột biến. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên xu hướng TĂNG ngắn hạn có thể sẽ mở rộng về các mức cao hơn. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục NẮM GIỮ và mua vào tại các nhịp điều chỉnh.

3041-co-phieu-luu-y
Hình minh họa

Công ty chứng khoán Bản Việt - VCSC

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu SAB

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) khi chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của công ty sẽ tăng mạnh sau năm 2020 nhờ hoạt động kinh doanh phục hồi sau các gián đoạn do dịch COVID-19 và tác động từ Nghị định 100, bên cạnh các kế hoạch tăng trưởng và cải thiện biên lợi nhuận.

Chúng tôi giảm giá mục tiêu thêm 3% khi giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2021- 2023 thêm 8% do (1) làn sóng dịch COVID-19 thứ ba gần đây tại Việt Nam có thể kìm hãm đà phục hồi của tiêu thụ bia và (2) giá nguyên liệu đầu vào tăng có thể ảnh hưởng biên lợi nhuận gộp trong năm 2022.

Chúng tôi dự báo doanh thu mảng bia sẽ phục hồi 11% trong năm 2021 từ mức cơ sở thấp, từ đó ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 10% trong giai đoạn 2021-2023 nhờ cả sản lượng và giá bán. Bên cạnh sự phục hồi của toàn ngành, chúng tôi kỳ vọng các sản phẩm mới của SAB – đặc biệt là ‘Saigon Chill’ (mảng phổ thông cao cấp) – sẽ thúc đẩy thị phần của công ty.

Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng P/E năm 2021 của SAB đạt 28,0 lần – phù hợp với trung vị P/E trượt trung bình 3 năm của các công ty cùng ngành là 28 lần.

Rủi ro: thực thi chặt Nghị định 100 về phòng chống tác tại của rượu bia khi tham gia giao thông; doanh thu và khả năng sinh lời thấp hơn dự kiến do cạnh tranh gay gắt; mảng bia trong nước phục hồi chậm hơn dự kiến do dịch COVID-19 tái bùng phát.

Khuyến nghị mua cho VRE với giá mục tiêu 38.700 đồng/CP

Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị của CTCP Vincom Retail (VRE) thành khả quan từ mua khi giá cổ phiếu VRE đã tăng 22% trong 3 tháng qua. Ngoài ra, chúng tôi điều chỉnh giảm 3% giá mục tiêu còn 38.700 đồng/CP chủ yếu do mức điều chỉnh giảm 3% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2021 của chúng tôi.

Chúng tôi điều chỉnh lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số dự báo 2021 còn 2,9 nghìn tỷ đồng (+22% YoY) do 1) sự xuất trở lại các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại Việt Nam và 2) điều chỉnh giảm diện tích sàn bán lẻ (GFA) dự phóng vào cuối 2021 khi chúng tôi giảm giả định các TTTM mở mới theo với kế hoạch mà VRE công bố gần đây đối với chiến lược tăng trưởng các TTTM.

Tuy nhiên, chúng tôi duy trì quan điểm rằng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2021 sẽ phục hồi mạnh mẽ nhờ 1) gia tăng lượng khách hàng đến TTTM và doanh số của khách thuê khi giai đoạn giãn cách xã hội vào đầu năm 2021 khiến VRE giảm gói hỗ trợ từ đầu quý 3/2020 và 2) đóng góp đầy đủ cả năm của VNM Ocean Parl (Hà Nội).

Chúng tôi dự báo tăng trưởng 9% trong diện tích GFA cho thuê của VRE trong năm 2021 khi chúng tôi kỳ vọng VRE sẽ nối lại kế hoạch mở các TTTM mới sau khi trì hoãn phần lớn kế hoạch mở TTTM mới trong năm 2020 do dịch COVID-19.

Định giá của VRE tỏ ra hấp dẫn với P/E 2021/2022 đạt lần lượt 27,2/21,7 lần (dựa theo dự báo của chúng tôi) so với trung vị ngành 2021/2022 là 30,4/24,2 lần (dựa theo dự báo của Bloomberg) và dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 26% của VRE giai đoạn 2021- 2024.

Rủi ro cho quan điểm của chúng tôi: Các hạn chế kéo dài đối với hoạt động bán lẻ do các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Công ty chứng khoán BIDV - BSC

Khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu ITD

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm tài chính 2020/21 của Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) lần lượt đạt 407 tỷ đồng (tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái) và 33 tỷ đồng (tăng trưởng 136%) nhờ (i) tăng trưởng mạnh mẽ tại các mảng kinh doanh: Điện – Tự động và Đo lường (tăng trưởng 187% doanh thu, tăng trưởng 125% lợi nhuận gộp); Giao thông thông minh (lần lượt tăng 174% doanh thu và 187% lợi nhuận gộp) (ii) cắt giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp (giảm 7.6 ppt)

BSC cho rằng mảng Điện – Tự động và Đo lường và Giao thông thông minh sẽ là nguồn tăng trưởng chính trong năm tài chính 2020/21 và 2021/22 nhờ kỳ vọng Chính phủ đẩy mạnh giải ngân Đầu tư công. Trong quá khứ, kết quả kinh doanh của ITD được hưởng lợi nhiều trong chu kỳ Đầu tư công 2015 - 2016 .

BSC kỳ vọng ITD sẽ ghi nhận các công việc lắp đặt Giao thông thông minh trong Dự án thu phí không dừng giai đoạn 2 (BOO2) trong các quý tới. Tính đến 27/12/2020, liên doanh Viettel đã hoàn tất việc triển khai, lắp đặt tại 33 trạm của BOO2.

ITD là một trong số các doanh nghiệp hàng đầu trong thị trường ngách Giao thông thông minh và có kết quả kinh doanh khả quan trong chu kỳ Đầu tư công 2015 – 2016. BSC kỳ vọng công ty sẽ được hưởng lợi từ chu kỳ Đầu tư công 2020 – 2021.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 01/03/2021, cổ phiếu ITD đóng cửa ở mức 11.900 đồng/CP; tương đương với mức P/E là 7.5, bằng vùng định giá trong 3 năm gần nhất, thấp hơn 52% so với mức PE của ngành là 18.3, khuyến nghị theo dõi.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Nhận định chứng khoán ngày 4/3/2021: Các nhịp điều chỉnh được xem là cơ hội để gia tăng tỷ trọng

Thị trường diễn biến không thực sự tích cực trong phiên giao dịch ngày 03/03/2021. Trong khi HNX-Index bật tăng hơn 2% thì VN-Index chỉ ...

Nâng lô tối thiểu lên 1.000: Lợi cổ phiếu nhỏ, thiệt cổ phiếu to, tiền ít thì lo, tiền nhiều đủng đỉnh

Liên quan đến câu chuyện nâng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu được nhà đầu tư và dư luận quan tâm những ngày gần ...

Tin tức chứng khoán mới nhất 17h hôm nay 3/3/2021

Thông tin giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu như FLC, VGC, TNH, SVC, BAB… được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt ...

Nguyễn Thanh

Tin liên quan