VDSC chỉ điểm những nhóm ngành "dẫn sóng" thị trường chứng khoán cuối năm

Cập nhật: 09:35 | 08/08/2024 Theo dõi KTCK trên

Lựa chọn cho nửa cuối năm, VDSC khuyến nghị lựa chọn cổ phiếu của những doanh nghiệp duy trì được xu hướng phục hồi/tăng trưởng lợi nhuận ở các ngành hàng tiêu dùng, thép, ngân hàng, khu công nghiệp, thủy sản...

Tăng trưởng lợi nhuận là động lực để thị trường phục hồi

Báo cáo triển vọng thị trường công bố mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, thị trường chứng khoán trong những phiên đầu tháng 8 phản ứng tiêu cực theo xu hướng điều chỉnh của các thị trường chứng khoán toàn cầu. Tốc độ điều chỉnh của chỉ số mạnh hơn so với bức tranh kinh tế vĩ mô trong nửa đầu năm 2024.

Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng với việc điều chỉnh nhanh và mạnh, chủ yếu theo đà diễn biến của chứng khoán toàn cầu thay vì phản ánh bức tranh kém khả quan về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thì thị trường sẽ sớm cân bằng trở lại.

VDSC chỉ điểm những nhóm ngành
Tăng trưởng lợi nhuận là động lực để thị trường chứng khoán phục hồi

Nhìn xa hơn, dự báo cho nửa cuối 2024, VDSC cho rằng, môi trường chính sách tiền tệ ôn hòa và các nhóm doanh nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận khả quan sẽ là động lực để thị trường sớm phục hồi.

Theo đó, bức tranh kết quả kinh doanh 6 tháng của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy xu hướng phục hồi và tăng trưởng vẫn đang diễn ra ở hầu hết các nhóm ngành, đặc biệt từ đầu quý 2/2024 nhờ tăng trưởng quy mô, cải thiện vòng quay tài sản và biên liên lợi nhuận. Ước tính EPS - lợi nhuận trên một cổ phiếu (lũy kế 12 tháng) toàn thị trường đã tăng trưởng 10% so với cùng kỳ tính đến cuối quý 2/2024.

Cho cả năm 2024, VDSC ước tính tăng trưởng EPS toàn thị trường có thể đạt mức 14-18% so với cùng kỳ với động lực đến từ các nhóm ngành ngân hàng, bất động sản, và xu hướng tăng trưởng được duy trì ở các nhóm ngành còn lại.

Dựa vào triển vọng tăng trưởng lợi nhuận và kịch bản P/E giao dịch trong vùng 13,5x – 15x, vùng điểm hợp lý của VN-Index sau khi phản ánh kết quả tăng trưởng lợi nhuận kinh doanh cả năm 2024 là 1.236-1.420 điểm.

Còn đó rủi ro từ trái phiếu doanh nghiệp

Mặc dù triển vọng thị trường chung về cuối năm là khả quan, VDSC vẫn lưu ý một số rủi ro hiện hữu trên thị trường bao gồm thông điệp và quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), vấn đề căng thẳng địa chính trị và diễn biến thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước.

Về điều hành chính sách tiền tệ của Fed, nhóm chuyên gia lường trước rủi ro Fed chậm chân trong cắt giảm lãi suất điều có thể dẫn đến khả năng suy thoái cho nền kinh tế lớn nhất hành tinh.

Dù vậy, VDSC cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận kịch bản suy thoái khi mà tỷ lệ thất nghiệp cao hơn trong tháng 7 (4,3%) chủ yếu do nguồn cung lao động lớn hơn, phần lớn đến từ sự gia tăng nhập cư, thay vì sự giảm cầu lao động, cùng đó số lượng yêu cầu trợ cấp thất nghiệp ban đầu - một chỉ báo về cầu lao động - vẫn ở mức thấp lịch sử, cho thấy cầu lao động vẫn mạnh.

Mặt khác, rủi ro được VDSC đề cập đến từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, trong 7 tháng đầu năm 2024, ngoài nhóm ngân hàng vẫn tham gia tích cực trên thị trường thì không có nhiều doanh nghiệp bất động sản có thể cơ cấu nợ thông qua việc phát hành mới hay mua lại trước hạn. Đồng thời, chi phí huy động trái phiếu doanh nghiệp của nhóm bất động sản vẫn duy trì ở mức cao trong 7 tháng phản ánh rủi ro cao của nhóm doanh nghiệp này.

VDSC chỉ điểm những nhóm ngành
Rủi ro được VDSC đề cập đến từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp

"Nếu việc cơ cấu nợ không thuận lợi trong nửa cuối năm trước áp lực đáo hạn trái phiếu và thị trường bất động sản chưa phục hồi như mong đợi, rủi ro không thể thanh toán được nợ dẫn đến sự gia tăng đột biến của nợ kéo theo. Điều này hàm ý cho áp lực trích lập của nhóm ngân hàng và triển vọng tăng trưởng của nhóm này không đạt kỳ vọng," chuyên gia VDSC nhấn mạnh.

Mặc dù đến cuối cùng, những cơn gió ngược rồi sẽ qua đi, thị trường chứng khoán thường phản ứng mạnh và tiêu cực hơn so với thực tế. Điều này có thể khiến chỉ số VN-Index biến động tiêu cực hơn mức định giá hợp lý của chỉ số, nhóm phân tích lưu ý.

Về khuyến nghị, cổ phiếu lựa chọn cho nửa cuối năm của các chuyên gia tại Chứng khoán Rồng Việt đưa ra là cổ phiếu của những doanh nghiệp duy trì được xu hướng phục hồi/tăng trưởng lợi nhuận ở các ngành hàng tiêu dùng, thép, ngân hàng, khu công nghiệp, thủy sản.

Ngoài ra, nhóm ngành dệt may cũng là nhóm ngành mà nhà đầu tư có thể quan tâm trở lại nếu có sự chiết khấu mạnh về giá cổ phiếu trong các đợt điều chỉnh của thị trường khi mà xu hướng lợi nhuận của ngành này là khả quan.

SSI dự báo Vinamilk (VNM) sẽ được hưởng lợi từ việc nâng hạng thị trường

Công ty CP Chứng khoán SSI vừa có báo cáo cập nhật tình kinh doanh của Vinamilk trong quý II/2024 và đưa ra triển vọng ...

Thị trường lại "đói" thanh khoản, VN-Index được kéo nhờ VHM

Thị trường chứng khoán trải qua phiên giao dịch ngày 7/8 trong trạng thái "đói" thanh khoản, tuy nhiên, điểm sáng bất ngờ tới từ ...

Nhận định chứng khoán phiên 8/8: Rủi ro tại vùng kháng cự 1.215 – 1.220 điểm

Theo chứng khoán BSC, thanh khoản tiếp tục giảm trong phiên hồi phục hôm nay, cho thấy rủi ro tại vùng kháng cự 1.215 – ...

Linh Đan

Tin cũ hơn
Xem thêm