Thấy gì qua các thương vụ của Công ty Xây dựng Bảo Tàng Hồ Chí Minh?

Cập nhật: 10:23 | 08/08/2024 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Xây dựng Bảo Tàng Hồ Chí Minh (UPCOM: HMS) vừa tham gia liên danh và trúng Gói thầu số 07: Thi công xây dựng và cung cấp, lắp đặt thiết bị, thuộc dự án Trung tâm khai thác và phát triển các dịch vụ Viễn thông, Công nghệ Thông tin - VNPT Nghệ An có giá 136.755.045.805 đồng. Tìm hiểu cho thấy, mặc dù trúng nhiều gói thầu có quy mô lớn trên phạm vi cả nước khá hiệu quả (giảm giá thấp) nhưng kết quả kinh doanh của DN này lại kém sắc.

Tham gia nhiều gói thầu quy mô lớn

Những năm gần đây, HMS tham gia dự thầu tại hàng trăm gói thầu lớn nhỏ trong cả tư cách liên danh và độc lập với tổng tổng giá trị hợp đồng lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Tìm hiểu của kinhtechungkhoan.vn cho thấy, đây là nhà thầu có tiếng khi từng thi công xây dựng những công trình lớn lớn và trải khắp cả 3 miền.

Đơn cử, ngày 19/12/2020, kết thúc quá trình lựa chọn nhà thầu, Ban QLDA chuyên ngành xây dựng công trình y tế (Bộ Y tế) phê duyệt HMS trúng gói thầu XD 01/2020/CTCH Xây dựng khối nhà chính (phần kiến trúc, kết cấu), một phần hạ tầng và công trình phụ trợ thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Trung ương Cần Thơ.

Được biết gói thầu có giá 306.012.815.000 đồng. Giá trúng thầu của HMS là 305.711.226.000 đồng.

Đây là giá trúng thầu mà giới quan sát rất “sốc” khi giá trị tiết kiệm rất thấp, chỉ giảm 0,301 tỷ đồng so với giá gói thầu, đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,1%.

Thấy gì qua các thương vụ của HMS
Phối cảnh Bệnh viện chấn thương chỉnh hình Trung ương Cần Thơ

Tìm hiểu cho thấy, dự án nêu trên sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Để thắng gói thầu này, HMS đã loại những đối thủ rất sừng sỏ là Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Công ty CP Constrexim số 1. Điều thú vị là trước đó, HMS từng liên danh với Vinaconex trúng Gói thầu Thi công xây lắp nhà làm việc trụ sở Kho bạc Nhà nước Hoàn Kiếm - Hà Nội.

Được biết lý do trượt thầu của 2 DN trên đều là không vượt qua đánh giá về kỹ thuật.

Mở rộng tìm hiểu, kinhtechungkhoan.vn nhận thấy, không chỉ trúng thầu sát giá ở gói thầu giá trị lớn, tại không ít gói thầu có giá trên dưới 10 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm cũng ở mức rất thấp. Có thể kể tới Gói thầu số 14: Thi công xây dựng hệ thống sàn vinyl, thuộc dự án Đầu tư xây dựng Viện Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Được biết dự toán gói thầu là 11.138.368.000 đồng. Giá trúng: 11.088.898.500 đồng.

Hay như gói thầu số 3: Thi công lắp đặt hệ thống nội thất, thuộc dự án Trang bị nội thất nhà điều hành sản xuất Công ty Điện lực Yên Bái. Gói thầu này, HMS bỏ giá 12.222.304.104 đồng, trong khi giá gói thầu là 12.295.194.566 đồng.

Không chỉ trúng thầu sát giá trong tư cách nhà thầu độc lập, HMS cũng xuất hiện tại không ít gói thầu có tỷ lệ tiết kiệm thấp trong vai trò liên danh.

Thấy gì qua các thương vụ của HMS?
VNPT Nghệ An phê duyệt Liên danh MHS và Công ty CP đầu tư thương Hà Thành trúng gói thầu số 07

Theo đó, Gói thầu số 07: Thi công xây dựng và cung cấp, lắp đặt thiết bị, thuộc dự án Trung tâm khai thác và phát triển các dịch vụ Viễn thông, Công nghệ Thông tin - VNPT Nghệ An có giá 136.755.045.805 đồng. Giá trúng của liên danh Công ty CP Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh – Công ty CP Thương mại và đầu tư Hà Thành là 136.250.888.556 đồng. VNPT Nghệ An là chủ đầu tư dự án này. Quyết định phê duyệt được ký vào ngày 16/7/2024.

Bên cạnh đó là gói thầu: Thi công xây dựng, cung cấp lắp đặt thiết bị công trình (bao gồm cả chống mối, bảo hiểm), thuộc dự án Trụ sở Chi nhánh Bắc Thanh Hóa. Liên danh Công ty CP Tập đoàn Phúc An – Công ty HMS – Công ty CP Sơn Phước Định – Công ty TNHH Toàn Cầu Khải Minh chào giá 43.308.512.320 đồng và thắng thầu. Được biết, gói thầu có giá 43.348.814.428 đồng do Ngân hàng TMCP Công Thương là chủ đầu tư.

Cổ đông lớn của HMS là ai?

Bắt đầu giao dịch vào ngày 21/6/2017 trên sàn UPCOM với 8 triệu cổ phiếu (CP), đến nay giá CP của Công ty CP Xây dựng bảo tàng Hồ Chí Minh dao động trong khoảng 30.000đ/CP. Mặc dù trúng thầu nhiều, khá sát giá, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN này năm 2023 chưa cho thấy kết quả khả quan.

HMS được thành lập năm 1975. Năm 1977, DN đổi tên thành Công ty Xây dựng số 3 trực thuộc Bộ Xây dựng. Năm 1985 tiếp tục đổi tên thành Công ty Xây dựng Viện bảo tàng Hồ Chí Minh trực thuộc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp). Năm 2005, DN thực hiện cổ phần hóa. Tính đến cuối năm 2021, DN này có vốn điều lệ 80 tỷ đồng và hiện con số này đã tăng lên gần 110 tỷ đồng.

Sau khi Hancorp thoái hơn 39% vốn tại HMS vào năm 2018, hiện nay, cổ đông lớn nhất của HMS là ông Phạm Minh Đức, chủ tịch HĐQT. Được biết, người đại diện cho phần vốn góp của Hancorp tại HMS là các ông bà: Phạm Minh Đức, Trần Thị Hoa và Đỗ Việt Thi. Trước thời điểm Hancorp thoái vốn, số lượng cp của các cổ đông nêu trên lần lượt là: 339,922 cp (tỷ lệ 4.25%), 83,689 cp (tỷ lệ 1.05%), 30,970 CP (tỷ lệ 0.39%).

Sau nhiều lần nhiều mua thêm cổ phần, tính đến ngày 29/10/2021, số cổ phiếu của ông Phạm Minh Đức là 1.729.768 cp (tỷ lệ 21,62%). Một số cổ đông lớn khác như Nguyễn Văn Hiền (7,07%), Nguyễn Minh Hải (5,05%).

Hiện tại khối lượng CP đang niêm yết của HMS là 10.919.846 cp.

Thấy gì qua các thương vụ của HMS?
Đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 14 của HMS

Hoạt động kinh doanh chính của công ty là: Xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thuỷ lợi, cá công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị và khu công nghiệp; Kinh doanh bất động sản,…

HMS có công ty con là Công ty CP Đầu tư và dịch vụ Vườn Bắc Thủ đô. DN này có vốn điều lệ 24,5 tỷ đồng (tỷ lệ sở hữu của HMS là 51,02%).

HMS làm ăn ra sao?

Tìm hiểu cho thấy, hiện HMS chưa công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý I và II của năm 2024.

Theo BCTC hợp nhất năm 2023 thì tính đến ngày 31/12/2023, nợ phải trả của HMS là hơn 878,15 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn hơn 638,28 tỷ đồng và nợ dài hạn hơn 239,87 tỷ đồng. Tổng nợ vay của HMS tại ngày 31/12/2023 là hơn 389,21 tỷ đồng, chiếm 44,3% nợ phải trả.

Cũng tại thời điểm cuối năm 2023, HMS có vốn chủ sở hữu hơn 518,49 tỷ đồng. Theo đó, tổng nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,7 lần. Dữ liệu này cho thấy tài sản của HMS được tài trợ chủ yếu bởi các khoản nợ.

Theo dữ liệu cân đối kế toán, tổng cộng tài sản của HMS tính đến ngày 31/12/2023 là hơn 1.396,64 tỷ đồng; tăng 5,2% so với số đầu năm.

Công ty kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm 2023 của HMS. Cụ thể, Công ty TNHH Tư vấn và Kiểm toán UHY nêu: "Tại thời điểm 31/12/2023, chúng tôi chưa nhận được đầy đủ thư xác nhận các khoản vay cá nhân với giá trị khoảng 19,2 tỷ đồng. Các thủ tục kiểm toán thay thế khác không thực hiện được. Theo đó chúng tôi không đưa ra ý kiến về các khoản công nợ chưa được đối chiếu, xác nhận nêu trên cũng như ảnh hưởng của chúng đến các chỉ tiêu liên quan được trình bày trên báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2023".

Năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Công ty ghi nhận sụt giảm mạnh so với năm 2022 khi chỉ đạt hơn 3,06 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đạt hơn 83 tỷ đồng.

Sembcorp hoàn tất 3 thương vụ mua lại với các công ty thuộc GELEX

Sembcorp Solar Vietnam Pte Ltd vừa công bố hoàn tất việc mua lại phần lớn vốn góp tại 3 công ty con thuộc hệ thống ...

Thị trường nhiên liệu hàng không béo bở ra sao qua các thương vụ của "con đẻ" Petrolimex?

Là mặt hàng tương đối đặc thù phục vụ việc vận hành máy bay phản lực, các động cơ phản lực nên thị trường nhiên ...

Vụ án Trịnh Văn Quyết: Làm gì với hơn 1.310 tỷ đồng tiền bồi thường chưa được quy hoạch chi tiết?

Số tiền hơn 1.783 tỷ đồng đã được tòa án yêu cầu nhóm ông Trịnh Văn Quyết bồi thường cho hơn 27.800 nhà đầu tư ...

Bùi Quý