“Nữ hoàng mía đường” Huỳnh Bích Ngọc:

“Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”

Cập nhật: 06:46 | 18/11/2018 Theo dõi KTCK trên

Bạn bè doanh nhân thường gọi ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Thành Thành Công Group (TTC Group) và bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó chủ tịch TTC Group là “Cặp đôi hoàn hảo”, sự hoàn hảo đã được trui rèn qua lửa đỏ và nước lạnh. 

thuan vo thuan chong tat bien dong cung can
Bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công.

Nếu ông Thành là một nhà quản trị chiến lược, táo bạo, quyết đoán, có tầm nhìn xa, thì bà Ngọc lại là người hiện thực hóa chiến lược ấy bằng sự linh động và sáng tạo hiếm thấy.

Gắn bó với nhau từ những ngày lang thang khắp miền Tây mang mật rỉ về Sài Gòn sản xuất cồn, chia sẻ với nhau mọi thăng trầm của đời doanh nhân, người phụ nữ xinh đẹp, dịu hiền, thầm lặng ấy đã sử dụng “quyền lực mềm” của mình một cách rất… phụ nữ, để cùng chồng vượt lên những thử thách tưởng chừng không thể, đưa TTC tỏa sáng với một tầm vóc mới, gặt hái quả ngọt của một tập đoàn đa ngành dẫn đầu cả nước.

Tận mắt nhìn thấy đôi vợ chồng tri âm tri kỷ “tay trong tay, mắt trong mắt”, cùng hát những bản bolero tình tứ giữa bạn bè, mới thấu hiểu tình yêu lớn lao mà họ dành cho nhau. Phải chăng đó mới chính là tài sản quý giá nhất họ dành cho con cái, thế hệ doanh nhân F2 như Đặng Hồng Anh, Đặng Huỳnh Ức My- những người đang kế tục nghiệp doanh nhân của cha mẹ.

Con đường trở thành tập đoàn đa ngành của TTC

TTC chuyển sang mô hình tập đoàn đa ngành trong thời điểm nền kinh tế còn nhiều khó khăn, để có thể triển khai ý tưởng và hiện thực hóa thành công, người làm lãnh đạo phải vất vả hơn rất nhiều. Ban lãnh đạo đã đưa ra những slogan rất cụ thể cho chiến lược phát triển: “Nông nghiệp là nền tảng, bất động sản là mái ấm, du lịch là xu hướng, năng lượng là nhu cầu, giáo dục là tương lai”. Căn cứ từ đó, mỗi thành viên sẽ triển khai chiến lược cho từng ngành.

Người ta thường nói “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, nhưng quan niệm đó đã trở nên lỗi thời, nhất là trong thời buổi thế giới thay đổi mau chóng như hôm nay. Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cuộc cách mạng công nghệ đang mở ra những cơ hội chưa từng có, cho doanh nghiệp Việt Nam có thể bật lên rất nhanh, trở thành mô hình tập đoàn trong 5-10 năm. TTC là một minh chứng cụ thể cho nhận định đó.

TTC đang tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu nhất của nền kinh tế. Cách đi của tập đoàn là chọn ra 5 người giỏi nhất trong từng lãnh vực, đào tạo họ thành 5 vị tướng có trọng trách phát triển từng ngành, người đứng đầu tổ chức là ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc sẽ là người quản lý trực tiếp 5 vị tướng tài này. Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch TTC là người đưa ra định hướng chiến lược, đào tạo. Hồng Anh, Ức My, hai người con của ông trước giờ nắm bất động sản, giờ thêm cả lĩnh vực y tế nữa…

Con đường trở thành “nữ hoàng trong ngành mía đường” và vươn tới nông nghiệp sạch của bà Huỳnh Bích Ngọc cũng đầy gian truân. Nông nghiệp là ngành bà khởi nghiệp, bắt đầu cơ sở đầu tiên sản xuất cồn, CO2 từ mật rỉ với quy mô chừng 20 cán bộ công nhân viên, từng bước phát triển lên. Những ngày đầu khó khăn vô cùng, nhưng nhờ sự gắn kết, động viên, chia sẻ từ gia đình cùng niềm tin tạo dựng chữ tín với đối tác, khách hàng, đồng hành cùng nhà nông đã giúp doanh nghiệp vượt khó, phát triển từ đó.

Năm 2009, từ một nhà phân phối đường, mật rỉ, cồn, TTC quyết định mua tập đoàn Boutbon Tây Ninh khi tập đoàn này muốn chuyển dịch sang ngành hàng hải. Tiếp sau đó là M&A Đường Biên Hòa, Đường Ninh Hòa, Đường Phan Rang, Đường Nước Trong, Đường La Ngà…

Những M&A liên tiếp giúp TTC từ một công ty phân phối chuyển sang vừa sản xuất, vừa phân phối, có kế hoạch phát triển từ việc hợp tác, trồng mía cùng người nông dân, hợp tác sản xuất để kiểm soát chất lượng, có giá tốt nhất để cạnh tranh được với đường Thái Lan. Hiện nay thị phần TTC chiếm khoảng hơn 30 % cả nước.

TTC tiếp tục mua nhà máy đường ở Lào khoảng 100 triệu USD của Hoàng Anh Gia Lai, bước ra sân chơi lớn hơn ở nước ngoài, để phát triển ngành đường tại Lào. Trồng mía organic và sản xuất đường organic, nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, phục vụ người tiêu dùng tốt hơn, chiến lược đến 2022 sẽ biến nhà máy đường Lào thành nhà máy sản xuất đường organic hoàn toàn để phục vụ cho khách hàng, đóng góp vào sức khỏe cho mọi người, hướng đến đời sống nhân văn hơn.

Bà Huỳnh Bích Ngọc chia sẻ: “Đầu tư nông nghiệp sạch vui lắm, vì mình và nhân viên của mình là người được hưởng lợi đầu tiên. Khu công nghiệp Tây Ninh 1.020 hecta, trong đó có khoảng 5 hecta dành cho khối hành chính, vừa là nơi trồng các loại rau trái sạch, đủ phục vụ cho bếp của khu công nghiệp, không phải mua ở ngoài. Bữa cơm của gia đình mình cũng hoàn toàn dùng rau trái ở đây và vườn ở Hoóc Môn, nào là đậu bắp, cà chua, dưa leo, cải ngọt, cải xanh, tần ô… Ngọc đam mê trồng trọt, đam mê nấu ăn lắm, nên thấy đất là mua, đi đâu thấy giống gì mới lại tha về".

"Vừa rồi anh em phải chở mấy xe giống ong đỏ qua Lào để nhân giống cho hoa. Tôi không làm bờ bao xung quanh vườn mà làm hàng rào bằng… hoa! Nhiều người đến tham quan thấy đẹp quá, nhưng không biết để làm gì? Hoa vừa cung cấp mật, vừa cải tạo đất rất tốt, vừa làm đẹp cho vườn nữa", bà Ngọc cho biết.

Để nâng cao hàm lượng chất xám trong sản phẩm, chúng tôi đã đầu tư một dây chuyền hiện đại nhất của Tetra Pak, Thụy Điển… Vinamilk cũng sử dụng hệ thống dây chuyền Tetra Pak, nhưng vì mình đi sau nên công nghệ mới hơn. Những mặt hàng dành cho bà mẹ và em bé của Vinamilk chỉ dùng đường của TTC chứ không lấy đường nhập khẩu. Bên Tân Hiệp Phát cũng vậy, Number One và những sản phẩm nước ngọt cao cấp màu trắng chỉ sử dụng đường TTC thôi chứ không sử dụng loại đường nào khác”, bà Ngọc cho biết thêm.

Nghĩ đến TTC, người ta nghĩ ngay đến một thương hiệu “Vì cộng đồng, phát triển địa phương”, với những dòng sản phẩm hướng đến cộng đồng, chất lượng xanh, sạch, phát triển bền vững. Luôn quan tâm đến môi trường, chất lượng, không sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp. Làm khu công nghiệp cũng xây dựng khu xử lý nước thải tập trung trước, đầu tư hơn 200 tỷ, chuyển về trung tâm xử lý rồi mới thải ra ngoài.

Đường TTC có khả năng giao cho ngành dược phẩm, trong khi các nhà máy khác không lọt được vào ngành này. Làm điện cũng chọn điện mặt trời, điện gió, vì không gây khí thải nhà kính, làm giảm sức nóng của trái đất, được lợi cho tất cả, từ con người đến môi trường. Ngày 26/11/2018 TTC đã ký bán đường và mật rỉ organic đi châu Âu… một tín hiệu vui cho ngành mía đường Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với hàng Thái nhập lậu giá rẻ.

Là vị tướng ngay trên trận địa chứ không ngồi bàn giấy chỉ đạo, bà Ngọc luôn theo sát các dự án trọng điểm, suy nghĩ giải pháp để xử lý, hướng dẫn cán bộ giải quyết công việc kịp thời. Lĩnh vực vất vả nhất là BĐS, vì nó phụ thuộc vào rất nhiều khâu, từ việc pháp lý, quy hoạch thiết kế, xây dựng, tài chính, kinh doanh, hậu mãi… Đội ngũ nhân sự phải tương tác lẫn nhau, thông tin kịp thời, nếu ai cũng giỏi mà không có người chỉ huy thì công việc cũng không chạy được.

thuan vo thuan chong tat bien dong cung can
Bà Ngọc và ông Thành sánh đôi bên nhau trong lễ ra mắt CLB Thương hiệu Việt

Những khúc ngoặt đáng nhớ trong cuộc đời làm vợ và làm doanh nhân

Nhìn lại cuộc đời từ khi khởi nghiệp đến nay, bà luôn sát cánh bên chồng trong những thăng trầm của đời doanh nhân. Là phụ nữ, bà luôn quan tâm vun đắp cho cuộc sống gia đình, sắp xếp thời gian để hài hòa giữa công việc, sức khỏe và nuôi dạy con cái. “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, điều đó đã trở thành một hạnh phúc có thật hiển hiện giữa những bất trắc khôn lường của đời doanh nhân, nên bà rất được chồng yêu thương, chăm chút.

“Tôi còn nhớ mãi biến cố đầu tiên vào cuối năm 1989, khi các hợp tác xã (HTX) tín dụng ra đời hàng loạt với lãi suất “không tưởng”, từ 12-14%/tháng. Chỉ chưa đầy hai năm đã dẫn đến việc đổ bể hàng loạt. Sự đổ vỡ của các HTX tín dụng kia đã ảnh hưởng tới HTX tín dụng Thành Công, khiến hàng loạt khách hàng muốn lấy lại tiền trước kỳ hạn. Lúc ấy mình kinh doanh mật rỉ, ngày nào cũng thu tiền đem về cho HTX tín dụng, hỗ trợ anh hết lòng về nguồn tài chính để xử lý cho êm qua thời điểm ngặt nghèo đó.

Thời gian sau anh Thành mời hết khách hàng tiền gửi tới để trao đổi, thông tin cho họ rõ ràng để họ hiểu đầu ra đã cho khách hàng khác vay, đến hạn họ mới trả, còn đòi siết quá sẽ khó cho tất cả, khi đó khách hàng đã chấp nhận cùng chia sẻ rủi ro với chúng tôi. Năm 1990-1992, 4 HTX tín dụng là Thành Công, Lữ Gia, Tân Bình, Gò Vấp cùng 1 ngân hàng đã hợp nhất để thành lập ngân hàng CP Sài Gòn Thương Tín, tiền thân Sacombank sau này.

Phải nói là khi nhìn khách hàng ùa đến rút tiền, tâm trạng tôi lúc đó rất lo lắng, nhưng sau đó rất bình tĩnh, cùng ngồi với anh Thành tìm giải pháp. Trong những lúc khó mình lại càng bình tĩnh…

Cũng giống như việc xảy ra với Sacombank sau này. Với anh Thành lúc đó phải thật khéo léo. Vừa nỗ lực rất nhiều để điều hành hoạt động của tập đoàn, vất vả hơn nhiều lắm, trong gia đình lại phải khéo léo, dành thời gian chăm sóc, động viên, chia sẻ với anh, rồi từng bước mọi người sẽ hiểu ra, anh hãy bình tĩnh. Do nền tảng quản trị của mình vững, tuân thủ về quản lý, điều hành, tuân thủ pháp luật, luôn học hỏi cập nhật các thủ tục pháp lý chính sách để làm đúng, nên mọi thứ rồi cũng qua.

Với các con lúc ấy, mình cũng phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho các con. Lúc ấy Ngọc mạnh mẽ lắm, vì biết mình là người tốt, mình phải vượt qua…”, bà Ngọc chia sẻ.

Và ít ai ngờ, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, TTC lại bật sáng trong một nỗ lực mới mẻ và hết sức mạnh mẽ, để trở thành một trong số hiếm hoi những tập đoàn đa ngành dẫn đầu của đất nước. Thực sự sau những cú sốc đó, hai ông bà cũng nản chí anh hùng, muốn nghỉ ngơi, đi chu du thiên hạ một thời gian… Mất hai năm, sau khi đi khắp các nước rồi, thấy hoạt động của doanh nghiệp không thể dừng được, như cuộc sống của con người, vẫn phải vận hành. Nhìn trở lại thấy thiếu người lãnh đạo, tốc độ phát triển không có, xã hội đâu có dừng lại chờ mình? Nếu không tham gia vô thì đội ngũ cán bộ mình sẽ thế nào? Doanh nghiệp sẽ ra sao?

“Thôi ông trời sinh ra mình làm doanh nhân như cái nghiệp, phải quay trở lại triển khai công việc, nhưng cẩn trọng hơn, chặt chẽ hơn. Đội ngũ nhân viên thấy thế cũng hết lòng thương yêu, nhờ đó triển khai kế hoạch phát triển rất tốt. Trở thành tập đoàn đa ngành cũng là cái duyên. Sau khi anh Thành rời Sacombank về phụ trách chủ tịch TTC, với năng lực, tầm nhìn của anh, anh thấy những ngành TTC đang làm có thể phát triển được, có lợi ích cho đất nước. Từ đó anh tập trung thời gian, công sức vào điều hành xuyên suốt, công việc từng bước phát triển nhanh hơn, cộng với nền tảng đã có, từ đó trở thành tập đoàn”, bà Ngọc cho biết.

Nhiều khi bạn bè hay đùa gọi ông Thành và bà Ngọc là “cặp đôi hoàn hảo”, bởi họ có thể bổ trợ lẫn nhau. Ông Thành mạnh mẽ, kiến thức và tầm nhìn rất xa, suy nghĩ tới những chiến lược lớn. Còn bà Ngọc là người cân nhắc hiệu quả và giải pháp để triển khai hiệu quả nhất. Về tính cách ông bà cũng hoàn toàn trái ngược. Ông Thành là người vừa lãnh đạo giỏi, vừa là người truyền lửa, vừa có khả năng đúc kết kinh nghiệm trở thành những kiến thức quản trị thực tế có thể chia sẻ cho doanh nghiệp, còn bà Ngọc gần như là người… im lặng! Có lẽ bà hoàn toàn yên tâm là đã có người luôn hiểu và nói hộ lòng mình.

Bà Ngọc tâm sự: “Anh Thành là người luôn sống vì người khác, kiến thức mình có anh sẵn sàng chia sẻ hết với mọi người không hề dấu. Nhiều khi tôi cũng lo lắng anh “chỉ bài” hết thế người ta biết rồi cạnh tranh với mình thì sao? Anh nói mình chia sẻ mà người ta thực hiện được 50% đã giỏi rồi, mình lại nghĩ ra cái mới, lo gì…”

Hỏi bà có bao giờ hai người xung đột dữ dội? Bà cười hạnh phúc: “Cũng có, nhưng ít thôi, trước những suất đầu tư quá lớn tôi cũng lo ngại, nhưng được cái mình quản lý chi tiết nên phải tính toán nhiều…”.

Những nếp sống truyền thống trong gia đình mà bà luôn gìn giữ, để trở thành thói quen cho con cái sau này là bữa cơm cho gia đình. Bà là người thích nấu ăn, và nấu ăn rất ngon.

“Anh Thành thích những món tôi nấu, nhất là bánh canh cá, bún bò Huế, bánh xèo, cà ri, hủ tiếu, bún mắm… Nói chung là món nào anh cũng thích. Gia đình tôi có quy định bữa cơm trưa phải ăn với gia đình, không ăn ở nhà thì ăn ở công ty, nhưng thức ăn đều do nhà nấu…Ngày tôi sinh Hồng Anh và Ức My, lúc ấy hai vợ chồng còn vất vả, anh Thành rất quan tâm. Khi ấy còn trẻ, công việc chưa nhiều, anh dành thời gian chăm sóc vợ con chu đáo lắm. Ngọc sanh 4 đứa anh Thành đều đưa đi đẻ hết. Hiện Hồng Anh, Ức My, Tuấn đều kế nghiệp cha mẹ. Còn một cháu đang du học đại học nước ngoài cũng sắp trở về.

Mỗi lần công ty mừng 8/3, mình tổ chức cho chị em thi nấu ăn, cắm hoa, trình diễn thời trang vui lắm. Cũng nhờ học hỏi kinh nghiệm từ những cuộc thi nấu ăn này mà mình nấu ăn ngon lắm, lại vừa biết trình bày đẹp, anh Thành đi đâu cũng phải về nhà ăn cơm là vậy.

Chủ nhật anh Thành không cho ai đi đâu, ở nhà để tái tạo năng lượng cho một tuần mới. Vì vậy chủ nhật nào ở nhà cũng có một món mới, bún cá, bún mắm, hủ tiếu nam vang.

Môn thể thao cả nhà thích nhất là bơi lội, hè các con đi về, buổi chiều cả nhà rủ nhau xuống hồ bơi làm BBQ là giây phút hạnh phúc nhất… Nhờ ăn lành, làm việc lành, suy nghĩ lành, yêu thích thể thao nên cả nhà đều thấy trong người khỏe lắm”, bà Ngọc cho biết.

Trong cách giáo dục con, ông bà cũng coi trọng nhất là rèn luyện cho con về đạo đức, kỹ năng. Trong nhà có tủ sách của Nguyễn Hiến Lê, các con đọc từ nhỏ. Sống trên đời và ngoài xã hội, làm sao để trở thành một công dân tốt, một người con hiếu thảo, một doanh nhân thành đạt, đòi hỏi phải được dạy dỗ từ nhỏ, để dần hình thành tính cách. Chính vì thế mà bà Ngọc rất quan tâm tới giáo dục, nhất là tài trợ các học bổng cho học sinh sinh viên.

Bà Ngọc cho rằng nếu tất cả mọi người có kiến thức tốt, sẽ giúp được cho bản thân và cho người khác, nhất là phụ nữ, khi có kiến thức có thể sống tốt hơn và tự bảo vệ mình, biết hành xử khéo léo trong cuộc sống gia đình, biết đúng sai, biết tuân thủ pháp luật.

KIM YẾN

Theo BizLIVE.vn

Tin liên quan