Quý III/2023, In Sách Giáo khoa Hoà Phát (HTP) ghi nhận doanh thu tăng gấp rưỡi cùng kỳ

Cập nhật: 00:00 | 30/10/2023 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP In Sách Giáo khoa Hòa Phát (HNX: HTP) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng.

Trong quý III/2023, doanh thu của HTP tăng trưởng gấp rưỡi cùng kỳ, lên hơn 23 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 1,2 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty lãi sau thuế gần 6 tỷ đồng.

HTP đã đặt mục tiêu kinh doanh hợp nhất năm 2023 với doanh thu 83,7 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu chính đến từ lĩnh vực bất động sản với 75,7 tỷ đồng, chiếm 90% tổng doanh thu, còn lại là doanh thu từ lĩnh vực in ấn với hơn 8 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế dự kiến là hơn 1 tỷ đồng, tương đương với kết quả năm 2022.

Quý III/2023, In Sách Giáo khoa Hoà Phát (HTP) ghi nhận doanh thu tăng gấp rưỡi cùng kỳ
Ảnh: Internet

Trong năm 2023, HTP cũng đặt các giải pháp trọng tâm như tập trung nâng cao năng lực tài chính thông qua việc tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư, điều chỉnh cơ cấu thu nhập và tăng cường các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, đặc biệt là hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Vào ngày 18/9 vừa qua, Công ty CP Chứng khoán Thành Công đã mua gần 4,5 triệu cổ phiếu HTP, nâng sở hữu lên gần 7 triệu cổ phiếu HTP, tương ứng tỷ lệ 7,23% vốn, chính thức trở thành cổ đông lớn tại Công ty CP In sách giáo khoa Hòa Phát.

Trong khi đó, ở báo cáo mới nhất vào ngày 30/6/2023 của HTP, hiện bà Nguyễn Thị Kim Hiếu là cổ đông lớn nhất với 20 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 21,79%), ngoài ra có 2 cổ đông lớn là bà Võ Mỹ Tiên nắm 12,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 13,4%) và bà Mai Lê Hồng Sương nắm hơn 9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 10,2% vốn).

Được biết, Công ty CP In sách giáo khoa Hòa Phát, tiền thân là Xí nghiệp In sách giáo khoa Hòa Phát thuộc Nhà xuất bản Giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo được thành lập từ tháng 4/1996. Công ty này hoạt động trong lĩnh vực: In sách giáo khoa, sách báo tạp chí, sản phẩm bao bì các giấy tờ quản lý kinh tế xã hội; sản xuất và kinh doanh các loại sản phẩm: Giấy kẻ, vở học sinh, nhãn vở và các loại văn phòng phẩm.

Tại thời điểm niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2006, quy mô vốn của HTP ở mức 9 tỷ đồng, NXB Giáo dục nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu 51% vốn điều lệ. Quy mô vốn điều lệ tính đến cuối năm 2019 chỉ hơn 18 tỷ đồng, kết quả kinh doanh không quá nổi bật, cổ phiếu HTP không được nhà đầu tư chú ý và thường không có giao dịch. Tuy nhiên, sau thương vụ chào bán 90 triệu cổ phiếu hồi đầu năm 2021, vốn điều lệ HTP tăng từ vài chục tỷ đồng lên 981 tỷ đồng, cổ phiếu HTP thành công thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Thanh khoản từ vài nghìn bất ngờ nhảy lên 7 chữ số, thị giá cổ phiếu theo đó cũng tăng gấp 5 lần từ 10.000 đồng/cp lên hơn 50.000 đồng/cp.

Số tiền huy động từ đợt chào bán trên được HTP dùng để thâu tóm Hưng Vượng Developer. Cụ thể, HTP đã chi 902 tỷ đồng để mua 62,75% vốn của Hưng Vượng Developer, qua đó sở hữu gián tiếp Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Danh Việt, Công ty TNHH Hưng Vượng AMC, Công ty TNHH Hưng Vượng Hospitality. Sau khi M&A thành công, Hưng Vượng Developer đã đưa các tài sản của mình lên sàn chứng khoán dưới pháp nhân của công ty mẹ HTP.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 30/10 cổ phiếu HTP đứng tại mức 25.100 đồng với khối lượng giao dịch 40.500 đơn vị. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên cũng khá tốt, đạt mức 86.833 đơn vị.

Thị giá HTP mất gần 30% kể từ đầu năm, một CTCK bơm hơn trăm tỷ để “ngồi ghế” cổ đông

Cổ phiếu HTP bị HNX đưa vào danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ từ ngày 18/4/2023...

Cổ phiếu HTP có nguy cơ bị hủy bỏ niêm yết

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa cảnh báo cổ phiếu HTP của Công ty CP In sách giáo khoa Hòa Phát có ...

Thị trường chứng khoán ngày 26/10/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

Lùi bước trong phiên chiều, VN-Index tiếp tục mang sắc đỏ; Cổ phiếu công nghệ VNG bị hạn chế giao dịch; HTP đứng trước nguy ...

Tuệ Nhi

Tin cũ hơn
Xem thêm