"Soi" thu nhập các "sếp" ngân hàng:

Chủ tịch Trần Hùng Huy và lãnh đạo ACB được trả thù lao bao nhiêu?

Cập nhật: 06:16 | 15/08/2024 Theo dõi KTCK trên

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - HOSE: ACB) công bố Báo cáo tài chính riêng soát xét bán niên 2024, trong đó mức thù lao, lương, thưởng của Chủ tịch Trần Hùng Huy và lãnh đạo ngân hàng này được nhiều người quan tâm.

Trong nửa đầu năm 2024, ACB đã chi hơn 23,3 tỷ đồng trả thù lao cho các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), tăng gần 5 tỷ đồng so với nửa đầu năm ngoái. Trong đó, thù lao của Chủ tịch Trần Hùng Huy là 4,2 tỷ đồng sau 6 tháng, bình quân 700 triệu/tháng. Ông Nguyễn Thành Long (Phó Chủ tịch) được nhận 1,8 tỷ đồng; ông Võ Văn Hiệp (Thành viên HĐQT) được nhận 1,1 tỷ đồng; bà Đinh Thị Hoa (Thành viên HĐQT) được nhận 720 triệu đồng; bà Đặng Thu Thuỷ (Thành viên HĐQT) được nhận 1,1 tỷ đồng; ông Đàm Văn Tuấn (Thành viên HĐQT) được nhận 1,1 tỷ đồng; ông Đỗ Minh Toàn (Thành viên HĐQT) được nhận 1,1 tỷ đồng; ông Nguyễn Văn Hoà (Thành viên HĐQT) được nhận 1,2 tỷ đồng; ông Trình Bảo Quốc (Thành viên HĐQT) được nhận 1,1 tỷ đồng sau 6 tháng.

Chủ tịch Trần Hùng Huy và lãnh đạo ACB được trả thù lao bao nhiêu?
Thù lao của Chủ tịch Trần Hùng Huy là 4,2 tỷ đồng sau 6 tháng, bình quân 700 triệu/tháng.

Ban Kiểm soát của ACB được nhận mức lương, thưởng tổng cộng trong nửa đầu năm 2024 là 6,6 tỷ đồng, tăng 15% so với nửa đầu năm 2023. Ban kiểm soát gồm 3 người, bao gồm ông Nguyễn Huỳnh Hiệp (Trưởng ban), bà Nguyễn Thị Minh Lan (Thành viên chuyên trách), bà Hoàng Ngân (Thành viên chuyên trách). Như vậy, bình quân mỗi thành viên trong Ban Kiểm soát nhận khoảng 2,2 tỷ đồng/người sau 6 tháng, tương ứng bình quân 366 triệu đồng/tháng/người.

Tiếp đến, ACB đã chi 42,8 tỷ đồng trả thù lao cho các thành viên Ban điều hành của ngân hàng. Hiện có 9 người bao gồm ông Từ Tiến Phát (Tổng Giám đốc), ông Đàm Văn Tuấn (Phó Tổng Giám đốc), ông Bùi Tấn Tài (Phó Tổng Giám đốc), ông Nguyễn Đức Thái Hân (Phó Tổng Giám đốc), bà Nguyễn Thị Hai (Phó Tổng Giám đốc), bà Nguyễn Thị Tuyết Vân (Phó Tổng Giám đốc), ông Nguyễn Văn Hoà (Phó Tổng Giám đốc), ông Nguyễn Khắc Nguyện (Phó Tổng Giám đốc), ông Ngô Tấn Long (Phó Tổng Giám đốc). Trong đó, thù lao của Tổng Giám đốc - ông Từ Tiến Phát là 5,6 tỷ đồng sau 6 tháng, bình quân 933 triệu/tháng.

Chủ tịch Trần Hùng Huy và lãnh đạo ACB được trả thù lao ra sao?
Nguồn: ACB

Về tình hình kinh doanh, trong quý 2/2024, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 5.600 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý 2/2024, nguồn thu chính của ngân hàng ACB là lãi thuần ghi nhận đạt 7.111 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Một số khoản thu ngoài lãi cũng ghi nhận kết quả tích cực với lãi thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 877 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; lãi thuần từ hoạt động khác đạt 415 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.

Chiều ngược lại, lỗ từ mua bán chứng khoán kinh doanh của nhà băng này hơn 41 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 71 tỷ đồng) và lỗ từ chứng khoán đầu tư hơn 14 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 400 tỷ đồng).

Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tại ngân hàng này đạt 6.186 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, cùng với việc giảm chi phí dự phòng rủi ro xuống còn hơn 588 tỷ đồng. Như vậy, trong quý 2 ngân hàng ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 5.600 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái

Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt hơn 10.490 tỷ đồng, tăng 5,5% so với 6 tháng năm ngoái. Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Như vậy sau 6 tháng, ngân hàng này đã hoàn thành được 48% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của ACB ghi nhận đạt 769.678 tỷ đồng, tăng 7% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 15% còn 15.724 tỷ đồng; tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác cũng ghi nhận giảm 8% xuống còn 105.419 tỷ đồng.

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm của ngân hàng ở mức 12,8%, đạt 550.000 tỷ đồng, cao hơn mức trung bình toàn hệ thống là 6%. Trong đó, mảng khách hàng cá nhân tăng 12,3%, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tăng 7,2% và doanh nghiệp tăng 37,6%.

Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, tổng nợ xấu của ACB tăng lên 8.121 tỷ đồng, trong đó khoản nợ có khả năng mất vốn tăng tới 41% so với hồi đầu năm, lên 5.525 tỷ đồng. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tại ACB tăng từ 1,22% hồi đầu năm lên 1,5%.

Trong đó, tỷ lệ nợ xấu mảng bán lẻ là 1,31% (tăng 0,27 điểm %). Tỷ lệ nợ xấu của mảng doanh nghiệp là 1,47% (tăng 0,29 điểm % so với năm 2023). Tỷ lệ nợ xấu mảng cho vay bất động sản là 1,79% (tăng 0,4 điểm % so với năm 2023).

"Soi" thu nhập các "sếp" ngân hàng Sacombank nửa đầu năm 2024

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - HOSE: STB) đã công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2024, trong đó mức ...

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) muốn huy động thêm 15.000 tỷ đồng từ kênh trái phiếu

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - HOSE: ACB) vừa công bố quyết định của Hội đồng quản trị về việc thông qua phương án ...

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) báo lỗ nặng từ mảng chứng khoán, nợ xấu nhóm 5 bật tăng

Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) vừa có báo cáo tài chính quý 2/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 5.600 tỷ đồng, tăng ...

Kim Dung