"Nội soi" năng lực ông lớn muốn tham gia dự án gần 60.000 tỷ tại Thanh Hóa, cạnh tranh cùng hàng loạt nhà đầu tư quốc tế

Cập nhật: 10:10 | 14/08/2024 Theo dõi KTCK trên

Trong số các nhà đầu tư muốn tham gia Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn, có duy nhất một Tổ hợp doanh nghiệp đều của Việt Nam là Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power, HOSE: POW) và Tập đoàn T&T. Về phía PV Power, doanh nghiệp này được biết đến là một trong những DN chủ lực về đầu tư nguồn điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với nhiều dự án điện quy mô lớn. Bức tranh tài chính của PV Power ra sao?

Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn đã được Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa phát hành hồ sơ mời thầu từ ngày 30/7/2024 với dự kiến đóng/mở thầu vào chiều ngày 30/9 tới đây.

Dự án đã được bổ sung trong Quy hoạch Điện VIII, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Cùng với Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhiệt điện Nghi Sơn 2, dự án nhiệt điện LNG Nghi Sơn sẽ góp phần đưa Nghi Sơn thành trung tâm điện lực lớn nhất Bắc Trung Bộ.

Muốn tham gia dự án gần 60.000 tỷ tại Thanh Hóa, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam có gì?
Diện tích thực hiện dự án dự kiến khoảng 68,2 ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 58.026 tỷ đồng, Ảnh minh họa.

Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn tọa lạc tại Khu kinh tế Nghi Sơn có quy mô xây dựng 1 nhà máy điện LNG có công suất 1.500MW; 1 bến cảng nhập khí LNG; đê chắn sóng dài khoảng 1 km và các công trình hạ tầng phụ trợ phục vụ cảng nhập LNG gồm: Kho chứa LNG và trạm tái hóa khí trên bờ với quy mô 1 bồn chứa khoảng 230.000m3; 1 trạm tái hóa khí công suất khoảng 1,2 triệu tấn/năm, hạ tầng kỹ thuật cho kho chứa LNG và trạm tái hóa khí xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí từ trạm tái hóa khí đến nhà máy điện LNG, công suất khoảng 1,2 triệu tấn/năm.

Diện tích thực hiện dự án dự kiến khoảng 68,2 ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 58.026 tỷ đồng, tương đương khoảng gần 2,5 tỷ USD. Địa điểm dự án tại khu vực phía Nam cảng Nghi Sơn, thuộc xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Tiến độ thực hiện dự án vận hành thương mại trước năm 2030.

Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn của 5 nhà đầu tư.

Thứ nhất: Tổ hợp nhà đầu tư Tập đoàn điện lực JERA (Nhật Bản và Tập đoàn SOVICO (Việt Nam).

Thứ 2: Tổ hợp nhà đầu tư Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng Công ty khí Hàn Quốc (KOGAS), Tập đoàn xây dựng và kỹ thuật Daewoo (Daewoo E&C) và Tổng Công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát.

Thứ 3: Nhà đầu tư Tập đoàn năng lượng Gulf đến từ Vương quốc Thái Lan.

Thứ 4: Nhà đầu tư SK E&S, tập đoàn công nghiệp đa ngành đến từ Hàn Quốc.

Thứ 5: Tổ hợp nhà đầu tư Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam và Tập đoàn T&T.

Bức tranh tài chính của PV Power

Trong số các nhà đầu tư muốn tham gia Dự án, có duy nhất một Tổ hợp mà cả hai doanh nghiệp đều đến từ Việt Nam là Tổ hợp nhà đầu tư Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power, HOSE: POW) và Tập đoàn T&T.

Trong liên danh này, vai trò dẫn dắt thực hiện dự án của PV Power là rất lớn. Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh của PV Power lại không mấy khả quan trong thời gian gần đây. Kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán, lợi nhuận của DN này liên tục suy giảm trong suốt giai đoạn từ 2019 đến 2023.

Cụ thể, kết thúc năm 2019, PV Power ghi nhận lợi nhuận ròng đạt gần 2.855 tỷ đồng. Chỉ số này giảm dần các năm sau, tới 2023 về mức 1.283 tỷ đồng.

"Nội soi" năng lực ông lớn muốn tham gia dự án gần 60.000 tỷ tại Thanh Hóa, cạnh tranh cùng hàng loạt nhà đầu tư quốc tế
Tăng trưởng lợi nhuận tại PV Power thấp hơn trung bình ngành nhiều năm liên tiếp. Biểu đồ: kinhtechungkhoan.vn

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, lãi ròng của PV Power mới đạt gần 667 tỷ đồng và được dự báo tiếp tục giảm trong phần còn lại của năm 2024.

Không chỉ suy giảm ở lợi nhuận, chất lượng tài sản của PV Power cũng không mấy khả quan với công nợ gia tăng mạnh qua các năm, khoản phải thu ngắn hạn khách hàng của công ty tăng đều suốt ba năm qua.

Tính đến cuối quý 2/2024, con số này đạt đỉnh điểm ở mức 14.551 tỷ đồng, phần lớn đến từ Công ty Mua bán Điện (EVN/EPTC) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Muốn tham gia dự án gần 60.000 tỷ tại Thanh Hóa, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam có gì?
Công ty Mua bán điện đang nợ PV Power tới hơn 14.481 tỷ đồng

Để giải quyết thu hồi công nợ từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), PV Power cho biết đã báo cáo PVN để trình cấp thẩm quyền đề nghị EVN/EPTC thanh toán.

"Nội soi" năng lực ông lớn muốn tham gia dự án gần 60.000 tỷ tại Thanh Hóa, cạnh tranh cùng hàng loạt nhà đầu tư quốc tế
Tổng tài sản tăng nhanh qua các năm, tuy nhiên chủ yếu đến từ các khoản nợ. BIểu đồ: kinhtechungkhoan.vn

Tổng nợ phải trả của PV Power tính tới cuối quý 2/2024 cũng bật tăng mạnh tới 29% so với đầu năm, lên mức 46.774 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính chiếm 20.589 tỷ đồng, tăng mạnh tới gần 62% so với đầu năm. Trong khi đó, tổng dự phòng phải trả của PV Power chỉ ở mức 2.751 tỷ đồng.

Trong cơ cấu nợ vay, vay ngắn hạn chiếm 10.401 tỷ đồng, đây là các khoản vay tại nhiều ngân hàng khác nhau, cả trong nước và quốc tế với số tiền vay lên tới hàng nghìn tỳ đồng. Phần còn lại là vay dài hạn tại PV Power chiếm 10.188,5 tỷ đồng. trong đó có hơn 794 tỷ đồng khoản vay đến hạn Công ty cần phải thu xếp trả trong vòng 1 năm. Các khoản vay dài hạn hầu hết được PV Power vay tại các ngân hàng trong nước.

Trong số đó, PV Power đang vay tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) gần 330 tỷ đồng, đây là ngân hàng có liên quan mật thiết với Tập đoàn T&T, đơn vị mà PV Power muốn đồng hành cùng trong Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn.

Tại ngày 30/6/2024, vốn chủ sở hữu của PV Power đang ở mức 34.145 tỷ đồng, đi ngang so với hồi đầu năm, trong đó Công ty đang có 3.709 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Tham gia nhiều dự án tỷ USD

Theo tìm hiểu, PV Power hiện đang đầu tư nhiều dự án trọng điểm quốc gia như nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4, LNG Quảng Ninh hay tổ hợp sản xuất điện sạch tích năng gần 4 tỷ USD tại Ninh Thuận.

Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 là dự án trọng điểm quốc gia thuộc quy hoạch điện VII điều chỉnh được Chính phủ giao PV Power làm chủ đầu tư, công suất 1.500MW, tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD, đặt tại KCN Ông Kèo, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Đây là dự án điện LNG đầu tiên tại Việt Nam, khởi công gần ba năm trước, dự kiến đưa vào vận hành từ cuối năm 2024.

Tuy nhiên, PV Power vẫn gặp không ít gian nan liên quan đến mặt bằng và thuê đất, ký kết hợp đồng mua bán điện và đường dây đấu nối.

Trong cuộc họp hồi tháng 5 vừa qua, đại diện PV Power cho biết: Đến thời điểm hiện tại, Dự án điện Nhơn Trạch 3 và 4 thi công ước đạt hơn 85% so với hợp đồng đã ký kết, cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra.

Tuy nhiên dự án đang gặp một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Cụ thể, công tác thuê đất đối với phần diện tích còn lại khoảng 30,7 ha (đợt 2) chưa ký hợp đồng. Việc chậm thực hiện ký hợp đồng thuê đất sẽ dẫn tới ngân hàng và các tổ chức tín dụng nước ngoài sẽ dừng giải ngân, gây ảnh hường rất lớn tới tiên độ hoàn thành dự án. Cùng với đó, khó khăn do Tổng công ty Tín Nghĩa (đơn vị có vốn góp của Tỉnh ủy Đồng Nai) cản trở thi công.

Việc chưa thống nhất xong các vướng mắc với Tổng công ty Tín Nghĩa về vấn đề thuê đất đã ảnh hưởng đến hoàn thuế VAT và vay vốn của dự án.

Về đàm phán mua bán điện PPA/GSA, đề xuất cam kết sản lượng điện hợp đồng Qc của dự án vẫn chưa được cơ quan quản lý chấp thuận. Theo PV Power, đây là các rủi ro rất lớn về tính pháp lý, khả thi và hiệu quả của dự án đối với chủ đầu tư.

Ngoài ra, do dự án không được Chính phủ bảo lãnh các khoản vay, Qc của dự án chưa được cam kết trong hợp đồng mua bán điện (PPA) nên việc thu xếp vốn hiện gặp khó khăn, kéo dài hơn so với dự kiến.

Liên quan tới vốn vay, PV Power đã thu xếp thành công hai nguồn gồm vốn vay ECA không ràng buộc xuất xứ thiết bị trị giá 200 triệu USD tại ngân hàng SMBC do SACE bảo lãnh và khoản vay 4.000 tỷ đồng tại Vietcombank.

Sau khi được bàn giao từ PVN, chủ đầu tư cũng đã đề nghị Chính phủ một số cơ chế để đảm bảo hiệu quả đầu tư dự án, điển hình như việc được bao tiêu sản lượng điện được tính toán trên cơ sở Tmax bình quân cả đời dự án là 6.000h/năm. Hay giá bán điện được xây dựng trên nguyên tắc chuyển ngang chi phí nhiên liệu khí từ hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện.

Tại dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh, đây là dự án điện đầu tiên sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) nhập khẩu tại miền Bắc, công suất lên tới 1.500MW, kinh phí đầu tư gần 48.000 tỷ đồng. Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 60ha tại phường Cẩm Thịnh (thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh). Dự án do Liên danh nhà đầu tư Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - Công ty CP Cơ khí và Lắp máy Việt Nam cùng với 2 nhà đầu tư Nhật Bản Tokyo Gas – Marubeni thực hiện, đã được khởi động từ cuối năm 2021.

Ngoài ra, PV Power cũng bất ngờ gây chú ý với đề xuất tổ hợp sản xuất điện sạch tích năng Lâm Sơn trị giá gần 4 tỷ USD tại Ninh Thuận gần đây, tổ hợp này gồm ba dự án thành phần: Thủy điện tích năng công suất 1.440MW, dự án điện mặt trời 3.500MWp và hệ thống pin lưu trữ (BESS) 350MW.

Tổng mức đầu tư dự kiến 3,98 tỷ USD, nhu cầu sử dụng đất khoảng 184ha cho thuỷ điện tích năng và 2.000ha cho điện mặt trời. Thời gian triển khai dự án từ năm 2026, đưa vào vận hành cuối năm 2030.

Với việc tiếp tục muốn tham gia dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn trị giá gần 2,5 tỷ USD, có thể thấy rõ tham vọng rất lớn của PV Power.

Tuy nhiên việc cùng lúc muốn tham gia vào nhiều siêu dự án cũng là một áp lực không nhỏ với PV Power lúc này.

Tham gia từ bước lập quy hoạch, doanh nhân Nguyễn Văn Tuấn nắm cơ hội lớn?

Cả 2 công ty trong liên danh vừa nộp hồ sơ dự thầu Dự án Sunrise City tại Thanh Hóa đều mới thành lập chưa ...

Tăng vốn thần tốc và bước ngoặt mới của doanh nhân Võ Huy Đức

Ngày 5/2/2024, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 23/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu nhà ...

Đình Tư

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm