PVS: 6 tháng hoàn thành gần 80% mục tiêu lợi nhuận cả năm

Cập nhật: 13:23 | 13/08/2024 Theo dõi KTCK trên

Lũy kế 6 tháng đầu năm, PVS ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 514 tỷ đồng, đạt 77,9% kế hoạch kinh doanh của cả năm. Cùng với tiềm năng từ phân khúc Quản lý và cho thuê kho nổi, mảng điện gió ngoài khơi sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn của PVS.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 vừa được công bố, Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 5.578 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ.

Doanh thu tăng chủ yếu là nhờ mức tăng doanh thu của mảng dịch vụ tàu kĩ thuật dầu khí và mảng sửa chữa vận hành lắp đặt bảo dưỡng (O&M). Mức tăng của 2 mảng này đã bù đắp cho sự sụt giảm doanh thu của mảng Cơ khí xây lắp (M&C).

PVS: 6 tháng hoàn thành gần 80% mục tiêu lợi nhuận cả năm
PVS thu về gần 208 tỷ đồng lãi ròng trong Q2/2024. Hình minh họa.

Sau khi khấu trừ giá vốn hàng bán, PVS thu về lợi nhuận gộp đạt gần 231 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ mặc dù lợi nhuận gộp của mảng cơ khí và xây lắp (M&C) ghi nhận âm 28 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều ghi nhận mức tăng khá mạnh so với cùng kỳ lần lượt là 20,2% và 32,8% chủ yếu do chi phí nhân công và mua ngoài tăng. Ngoài ra, doanh thu tài chính giảm 10,7% còn 139 tỷ đồng do lãi tiền gửi giảm trong khi chi phí tài chính tăng 102,7% so với cùng kỳ lên 30,3 tỷ đồng.

Các yếu tố kể trên đã làm lu mờ tác động tích cực từ lãi trong công ty liên doanh, liên kết với mức tăng 26,4% lên hơn 223 tỷ đồng. Theo Chứng khoán ACBS, mức tăng này là do PVS ký kết được mức giá thuê cao hơn cho hợp đồng gia hạn FSO Biển Đông và tỷ giá USD/VND tăng.

Qua đó, doanh nghiệp mang về gần 208 tỷ đồng lãi ròng trong Q2/2024, giảm nhẹ 11,5% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, PVS ghi nhận doanh thu hơn 9.281 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 514 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 59,9% và 77,9% kế hoạch kinh doanh của cả năm.

Biên lợi nhuận mảng Cơ khí và xây lắp kỳ vọng được sự cải thiện trong nửa cuối năm 2024

Cơ khí và xây lắp là phân khúc chiếm tỷ trọng chính trong doanh thu của PVS. Sáu tháng đầu năm, doanh thu từ M&C đạt gần 4.403 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp từ mảng này cũng giảm chỉ còn 0,6% do PVS vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị cho gói thầu EPC của Lô B – Ô Môn và ảnh hưởng của giai đoạn lễ tết trong 1/2024.

Theo Chứng khoán Agriseco, giai đoạn nửa cuối năm nay, với sự ấm lên của thị trường E&P (thăm dò và khai thác) nội địa, dịch vụ M&C sẽ ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực nhờ: (1) Kỳ vọng quyết định cuối cùng (FID) cho toàn bộ dự án Lô B sẽ có trong cuối Q3 – đầu Q4/2024, góp phần thúc đẩy tiến độ thi công và gia tăng khối lượng công việc cho PVS; (2) Tiềm năng trúng thầu cao tại các giai đoạn tiếp theo thuộc dự án điện gió ngoài khơi của Orsted tại Đài Loan khi công ty đang hoàn thành tốt các hạng mục công việc giai đoạn trước.

Trong hoạt động Quản lý và cho thuê kho nổi, Công ty hiện là đơn vị lớn nhất trong nước đồng sở hữu 06 kho nổi chứa xuất dầu khí tại các dự án khai thác dầu khí trên biển của Việt Nam. Các kho nổi có thời gian hoạt động dài hạn đến 2030-2035 và tiếp tục được gia hạn với thời gian khai thác của các mỏ dầu khí.

Với lợi thế là doanh nghiệp thượng nguồn dầu khí đầu ngành, PVS dự báo sẽ tiếp tục trúng thầu cung cấp kho nổi cho các dự án lớn như Lô B, Lạc Đà Vàng, Cá Voi Xanh,…Ngoài ra, trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà hồi phục, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu gia tăng giúp giá dầu neo ở mức cao có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán gia hạn hợp đồng dài hạn với FPSO Lam Sơn trong tương lai.

Theo ông Lê Mạnh Cường, Tổng Giám đốc Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, các mảng đầu tư dự án sắp tới sẽ cần đến nguồn vốn rất lớn. Với các hạng mục đầu tư năng lực sản xuất kinh doanh để gia tăng công suất và năng suất, số tiền dự kiến lên tới 10.000 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu vốn chủ sở hữu sẽ được xem xét để xác định nguồn vốn cụ thể, hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính.

Động lực tăng trưởng trong dài hạn nhờ mảng điện gió ngoài khơi

Mảng điện gió ngoài khơi dự báo sẽ là động lực tăng trưởng mới và dài hạn cho PVS, đặc biệt là dự án điện gió xuất khẩu sang Singapore. Với kinh nghiệm cung cấp các dịch vụ cho các dự án điện gió ngoài khơi ở Bến Tre, Trà Vinh, Bình Thuận và Dự án điện gió Hải Long (Đài Loan), PVS có nhiều cơ hội giành được các hợp đồng điện gió ngoài khơi thời gian tới (bao gồm làm tổng thầu EPC và tham gia dự án điện gió ngoài khơi).

Trong đó, để đáp ứng nhu cầu vốn lớn cho dự án điện gió xuất khẩu sang Singapore, PVS đã lên kế hoạch tài chính dự kiến đến năm 2030 với nhu cầu vốn lên tới hơn 70.000 tỷ đồng.

PVS: 6 tháng hoàn thành gần 80% mục tiêu lợi nhuận cả năm
PVS có kinh nghiệm cung cấp các dịch vụ cho các dự án điện gió ngoài khơi ở Bến Tre, Trà Vinh, Bình Thuận và Dự án điện gió Hải Long (Đài Loan), Hình minh họa.

Chia sẻ thông tin về tiến độ triển khai dự án này, ông Lê Mạnh Cường cho biết, dự kiến cuối năm 2024 - đầu năm 2025, Tổng công ty sẽ triển khai khảo sát thực địa và quá trình này sẽ mất tối thiểu 1 năm. Dựa trên số liệu khảo sát thực tế, PVS sẽ xây dựng các phương án để có quyết định đầu tư cuối cùng.

Đáng lưu ý, PVS cho biết đang nâng cấp và mở rộng cảng dầu khí của mình ở Vũng Tàu từ 130 ha lên 200 ha cho các dự án điện gió ngoài khơi mới. Với công suất điện gió được tập trung đẩy mạnh theo quy hoạch điện VIII, mảng điện gió trong nước được dự báo sẽ còn nhiều dư địa phát triển khi Chính phủ đang tích cực thúc đẩy tháo gỡ, xử lý các chính sách ưu tiên cho mảng năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi.

Từ Đại dự án Lô B - Ô Môn, ABS Research gọi tên những cổ phiếu dầu khí "sáng giá"

Trong báo cáo chuyên đề về dự Dự án Lô B – Ô Môn vừa công bố, Bộ phận phân tích Chứng khoán An Bình ...

Cổ phiếu dầu khí "đồng khởi", những doanh nghiệp được dự báo là tâm điểm trong dài hạn

Cổ phiếu dầu khí đồng loạt khởi sắc trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý 2/2024 của nhóm được dự báo tiếp tục tăng ...

Nguyễn Phương

Tin cũ hơn
Xem thêm