Điện Gia Lai (GEG): Sở hữu loạt dự án điện gió và mặt trời, gánh khối nợ gần 10 nghìn tỷ, trong đó Vietcombank chiếm quá nửa

Cập nhật: 16:24 | 13/08/2024 Theo dõi KTCK trên

Trong danh sách 32 nhà máy điện gió và điện mặt trời được Bộ Công an điểm tên, có tới 3 nhà máy liên quan đến một doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn HOSE là Công ty CP Điện Gia Lai (HOSE: GEG).

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố do Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an thụ lý thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Bộ Công an mới đây đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp thông tin về 32 nhà máy điện gió, điện mặt trời tại các địa phương để phục vụ công tác điều tra vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố do Cơ quan An ninh điều tra thụ lý.

Trong số 32 dự án trên có 10 dự án điện mặt trời và 22 dự án điện gió. Cơ quan An ninh điều tra yêu cầu EVN phải cung cấp toàn bộ hồ sơ đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện; hồ sơ kiểm tra, nghiệm thu, công nhận ngày vận hành thương mại; hồ sơ kiểm định, kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất hệ thống đo đếm điện năng và kiểm tra công suất lắp đặt thực tế của các nhà máy điện.

Điện Gia Lai (GEG): Sở hữu loạt dự án điện gió và mặt trời, gánh khối nợ gần 10 nghìn tỷ, trong đó Vietcombank chiếm quá nửa
Công ty CP Điện Gia Lai (GEG) sở hữu hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời với quy mô lớn. Hình minh họa.

Trong số các dự án nhà máy điện bị Bộ Công an nêu tên, có tới 3 nhà máy liên quan đến một doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn HOSE là Công ty CP Điện Gia Lai (GEG). Trong đó, Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 và Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 là 2 dự án do Công ty CP Năng lượng Điện gió Tiền Giang thuộc Công ty CP Điện Gia Lai làm chủ đầu tư. Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 đã đi vào vận hành từ năm 2021, trong khi Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 mới chỉ đi vào vận hành từ năm 2023.

Ngoài ra, dự án Nhà máy Điện gió V.P.L Bến Tre do Công ty CP Năng lượng VPL - Công ty thành viên của Công ty CP Điện Gia Lai làm chủ đầu tư cũng bị Bộ Công an nhắc đến trong đợt điều tra lần này. Dự án Nhà máy Điện gió V.P.L Bến Tre đã đi vào vận hành từ năm 2021, cùng năm vận hành với Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2.

Trong năm 2021, năm mà có tới 2 Dự án Nhà máy điện gió có liên quan đến Điện Gia Lai đi vào vận hành, doanh nghiệp này ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực với doanh thu thuần đạt 1.381 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng lên 56%. Lợi nhuận ròng hợp nhất năm 2021 đạt 325 tỷ đồng, tăng 10,33% so với năm 2022, cao hơn trung bình ngành ở mức 6,38%.

Đến năm 2022, với doanh thu thuần đạt 2093 tỷ đồng, Điện Gia Lai mang về 370,58 tỷ đồng lợi nhuận ròng hợp nhất, tăng 13,87% so với năm trước đó, tuy nhiên mức tăng trưởng này thấp hơn mức tăng trưởng trung bình ngành 35,41%.

Điện Gia Lai (GEG): Sở hữu loạt dự án điện gió và mặt trời, gánh khối nợ gần 10 nghìn tỷ, trong đó Vietcombank chiếm quá nửa
Lợi nhuận của Điện Gia Lai các năm gần đây. Theo dữ liệu kinhtechungkhoan.vn

Kết quả kinh doanh kém khả quan của Điện Gia Lai thể hện rõ nét hơn trong năm 2023 với lợi nhuận ròng hợp nhất lao dốc 61,32% so với năm trước đó, xuống chỉ còn 143,32 tỷ đồng.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, Điện Gia Lai đạt vỏn vẹn 127,5 tỷ đồng lợi nhuận ròng hợp nhất, tăng 14,8% so với nửa đầu năm 2023 nhờ lãi lớn trong quý 1, trong khi quý 2 chỉ đạt vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng, lao dốc 83% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân khiến lợi nhuận của Điện Gia Lai lao dốc mạnh trong quý 2/2024 đến từ việc chi phí lãi vay quá lớn đã bào mòn gần hết lợi nhuận của doanh nghiệp này.

Lãi vay đè nặng, Điện Gia Lai đang vay nợ những đâu?

Cơ cấu nợ vay của Điện Gia Lai có sự gia tăng đáng kể trong 2 năm trở lại đây, đây cũng là nguyên nhân gây nên khoản chi phí lãi vay lớn đè nặng lên doanh nghiệp này.

Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, chi phí lãi vay ghi nhận 405,2 tỷ đồng, tương đương mỗi ngày Điện Gia Lai phải trả 2,2 tỷ đồng tiền lãi vay. So với một chi phí đáng kể khác là chi phí quản lý doanh nghiệp đang chiếm 72,6 tỷ đồng, phần lãi vay này đã cao gấp 5,5 lần.

Nguyên nhân gây nên tình trạng trên bắt nguồn từ cơ cấu nguồn vốn với phần lớn là nợ vay dài hạn của Điện Gia Lai. Cụ thể, tại thời điểm cuối quý 2/2024, tổng nguồn vốn của Điện Gia Lai là 16.063,7 tỷ đồng, trong đó có tới 10.193,4 tỷ đồng là nợ phải trả, chiếm 63,5% tổng nguồn vốn hiện tại. Trong đó, phần nợ vay dài hạn đang chiếm 8.628 tỷ đồng, hầu hết đều là nợ vay ngân hàng chi cho các dự án điện gió.

Đáng chú ý trong đó dự án Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 1 ghi nhận vay nợ 2.628,5 tỷ đồng; Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 2 vay nợ 1.536 tỷ đồng; Nhà máy Điện gió la-Bang vay nợ 1.096 tỷ đồng; Nhà máy Điện gió V.P.L Bến Tre vay nợ 1.010 tỷ đồng. Tất cả các khoản vay nói trên đều được vay tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Gia Lai.

Điện Gia Lai (GEG): Sở hữu loạt dự án điện gió và mặt trời, gánh khối nợ gần 10 nghìn tỷ, trong đó Vietcombank chiếm quá nửa
Nguồn: BCTC Điện Gia Lai.

Bên cạnh đó, Điện Gia Lai cũng đang vay nợ ngắn hạn 1.314 tỷ đồng thông qua ngân hàng và phát hành trái phiếu. 2 lô trái phiếu đáng kể nhất có mã GEGB2124002 mệnh giá 521,4 tỷ và GEGB2124003 mệnh giá 300 tỷ đồng.

Tổng các khoản nợ vay cả ngắn hạn và dài hạn của Điện Gia Lai đã lên tới 9.942,7 tỷ đồng. Trong khi vốn chủ sở hữu hiện chỉ có 5.870,3 tỷ đồng. Chỉ tính riêng tiền nợ vay của Điện Gia Lai đã cao gấp 1,7 lần so với vốn chủ, do đó cũng không quá khó hiểu khi Điện Gia Lai đang phải gánh khoản chi phí lãi quá lớn từ khối nợ gần chục nghìn tỷ này.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GEG của Điện Gia Lai giảm sàn trong phiên giao dịch ngày 13/8, đưa thị giá về mức 13.200 đồng/cp.

Về cơ cấu cổ đông, hiện tại cổ đông lớn nhất của Điện Gia Lai là Jera Asia Vietnam Holdings Pte. Ltd với hơn 119,7 triệu cổ phiếu GEG (35,1% cổ phần) đang nắm giữ. Tiếp đến, nhóm Thành Thành Công (TTC Group) đang sở hữu tổng cộng 34,14% cổ phần tại Điện Gia Lai. Trong đó, Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công nắm 16,79% cổ phần; Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa nắm 10,99%; Công ty CP Khu công nghiệp Thành Thành Công và Công ty TNHH MTV Thành Thành Công - Gia Lai lần lượt nắm 3,62% và 2,74% cổ phần GEG.

Điện Gia Lai (GEG): Sở hữu loạt dự án điện gió và mặt trời, gánh khối nợ gần 10 nghìn tỷ, trong đó Vietcombank chiếm quá nửa
Trang chủ của Tập đoàn Thành Thành Công thể hiện rõ, Điện Gia Lai là đơn vị chủ lực trong ngành năng lượng tại TTC Group

Trên trang chủ Tập đoàn Thành Thành Công của đại gia Đặng Văn Thành cũng thể hiện rõ, Điện Gia Lai là đơn vị chủ lực trong ngành năng lượng tại TTC Group. Trong khi đó, Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS, HOSE: SBT) là đơn vị chủ lực của ngành Nông nghiệp; Công ty CP Du lịch Thành Thành Công (TTC Hospitality, HOSE: VNG) là đơn vị chủ lực của ngành Du lịch TTC; mảng bất động sản có TTC Land;...

Điện Gia Lai (GEG) bị ngành thuế ‘tuýt còi’, mỗi ngày trả 2,68 tỷ đồng tiền lãi

Công ty CP Điện Gia Lai (HOSE: GEG) vừa nhận án phạt từ cục thuế địa phương với tổng số tiền phải khắc phục hơn ...

Điện Gia Lai có tiền đảo nợ, cổ phiếu GEG lập tức tăng kịch trần

Cổ phiếu GEG bật tăng kịch trần ngay sau khi Điện Gia Lai công bố kết quả chào bán lô trái phiếu huy động 100 ...

Đình Tư