Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) không ngừng bành trướng thị phần, cổ đông đón tin vui

Cập nhật: 17:08 | 14/08/2024 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, HOSE: BWE) hiện là “ông lớn” ngành nước với tham vọng mở rộng thị phần, đặc biệt tại Đồng Bằng Sông Cửu Long. Sau nửa đầu năm, Biwase đã cán mốc lợi nhuận sau thuế là 318 tỷ đồng, hoàn thành 45,4% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra. Cổ đông của DN này mới đây đã đón tin vui.

Áp lực tỷ bào mòn lợi nhuận và câu chuyện tăng giá nước 2025 - 2028

Theo báo cáo tài chính hợp nhất Q2/2024 vừa được công bố, BWE ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.034 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ. Kết quả này có được là nhờ nỗ lực duy trì tỷ lệ thất thoát nước ở mức rất thấp so với cùng ngành và sản lượng nước thương phẩm trong nửa đầu năm nay có sự hồi phục tốt.

Sau khi khấu trừ giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp của BWE ghi nhận trong Q2/2024 đạt hơn 411 tỷ đồng, tăng nhẹ 7,4% so với cùng kỳ.

Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) không ngừng bành trướng thị phần, cổ đông đón tin vui
Hình minh họa.

Mặc dù doanh thu tăng trưởng tích cực nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm tới 34,3% so với cùng kỳ, tương ứng gần 138 tỷ đồng. Nguyên nhân được cho là đến từ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá khi mà tiền Đồng mất giá 4,3% so với Đô la Mỹ trong nửa đầu năm.

Ước tính Biwase đang có khoảng 3.060 tỷ đồng khoản vay ngoại tệ (chiếm hơn nửa cơ cấu nợ phải trả của doanh nghiệp), trong đó chủ yếu là USD.

Cần lưu ý thêm, hầu hết các khoản lỗ tỷ giá trong thời gian vừa qua đều được ghi nhận là số dư chưa thực hiện kể từ năm 2022, do đó BWE sẽ có khả năng sẽ hoàn nhập lại phần lỗ này thông qua doanh thu tài chính khi mà tỷ giá hạ nhiệt trở lại.

Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của BWE cán mốc 1.826 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước (hoàn thành 44,5% kế hoạch doanh thu năm 2024) và lãi ròng của công ty giảm 9,4% so với cùng kỳ, đạt 318 tỷ đồng (đạt 45,4% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra)

Theo ban lãnh đạo BWE, dự kiến việc tăng giá nước sẽ được tỉnh Bình Dương sẽ phê duyệt vào cuối năm 2024. Mặc dù hiện tại Biwase vẫn đề xuất tăng 5% mỗi năm cho giai đoạn 2025-2028, tuy nhiên khả năng tăng 3% mỗi năm sẽ là khả thi khi DN gặp khó khăn trong việc chứng minh chi phí tăng với chính quyền tỉnh. Việc tăng giá bán nước sẽ là một hướng đi tích cực, giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp cho BWE.

Tham vọng bành trướng chiếm lĩnh thị phần thông qua các thương vụ M&A

Ở thời điểm hiện tại, Biwase đang có 7 công ty con, 9 công ty liên kết và góp vốn đầu tư vào 4 đơn vị. Trong năm 2024, công ty cũng dự kiến hoàn thiện hồ sơ thủ tục thành lập 3 công ty con TNHH Một thành viên.

Với khối lượng lớn các công ty con và đơn vị liên kết, không khó để thấy được tham vọng đối với việc mở rộng thị phần ngành nước của BWE.

Có thể thấy, doanh nghiệp đang tích cực mở rộng hệ sinh thái cấp nước qua việc thâu tóm và sáp nhập các công ty hoạt động chung lĩnh vực ở nhiều tỉnh thành khác nhau (đặc biệt tại ĐBSCL). Chỉ trong năm 2023, BWE đã có tới 5 thương vụ M&A với giá trị lên đến hơn 450 tỷ đồng. BWE cũng đang có kế hoạch mở rộng đầu tư sang các tỉnh lân cận như Binh Phước, Bến Tre,… Theo Chứng khoán DSC, do tỷ lệ đô thị hóa vẫn còn thấp tại khu vực ĐBSCL, khu vực này vẫn còn nhiều tiềm năng cho ngành nước khi xu hướng đô thị hóa, phát triển sản xuất, công nghiệp vẫn tiến triển mạnh mẽ.

Góp mặt trong rổ chỉ số MSCI Frontier Market Index

Cổ đông của Nước - Môi trường Bình Dương vừa đón tin vui liên quan đến cổ phiếu BWE. Theo kết quả đợt review sáng 13/08/2024, danh mục chỉ số MSCI Frontier Market Index đã thêm mới 7 cổ phiếu và loại bỏ 4 mã. Trong đó, có 2 cổ phiếu Việt Nam được thêm mới là BWE và NAB. Ở chiều ngược lại, 2 cổ phiếu bị loại là EVF và NT2.

Sự hiện diện của BWE trong MSCI Frontier Market Index không chỉ đánh dấu bước tiến vượt bậc mà còn góp phần nâng cao hình ảnh, giá trị thương hiệu của BWE trên thị trường, cho thấy tổng công ty đã đạt được các tiêu chuẩn khắt khe về quy mô, thanh khoản và minh bạch thông tin.

Đáng lưu ý, việc lọt vào rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Index sẽ giúp cho BWE tăng khả năng thu hút thêm dòng vốn ngoại, cả từ các quỹ đầu tư chủ động (active funds) và quỹ hoán đổi giao dịch (ETF) khi tập trung mua bán chứng chỉ quỹ dựa trên các cổ phiếu nằm trong rổ chỉ số này.

Theo BSC Research, trong trường hợp MSCI và FTSE nâng hạng Việt Nam lên thị trường chứng khoán mới nổi, tỷ trọng các cổ phiếu Việt Nam có thể được mua mới ở mức bình quân khoảng 0,7%; tương đương với tỷ trọng của các cổ phiếu thị trường chứng khoán Philippines (được FTSE xếp hạng thị trường chứng khoán mới nổi sơ cấp) trong các danh mục đầu tư các quỹ hiện tại. Theo đó sẽ có khoảng 3,5 - 4 tỷ USD mua mới các cổ phiếu Việt Nam.

Việt Nam cải thiện được một tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán của MSCI

Việt Nam đã cải thiện được một tiêu chí quan trọng trong quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, vẫn còn 8 ...

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước làm việc với tổ chức xếp loại thị trường MSCI

Đại diện MSCI khẳng định các giải pháp của cơ quan quản lý Việt Nam đang đi đúng hướng, tạo thuận lợi hơn cho nhà ...

Nguyễn Phương

Tin cũ hơn
Xem thêm