Tết Trung thu cận kề, nhìn lại KQKD đáng buồn của Tập đoàn KIDO (KDC)

Cập nhật: 11:42 | 14/08/2024 Theo dõi KTCK trên

Kết quả kinh doanh của KIDO trong 3 năm trở lại đây không mấy sáng sủa khi lợi nhuận liên tục lao dốc. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, dù doanh thu đạt tới hơn 3,5 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận mang về chỉ vỏn vẹn 32 tỷ đồng.

Thương vụ M&A chấn động thị trường

Tại thời điểm đầu năm 2014, Kinh Đô đang là ông hoàng trong ngành bánh kẹo tại Việt Nam. Ngay cuối năm 2014, Kinh Đô lại bất ngờ trao “vương miện” cho đối tác là Mondelez với giá gần 8.000 tỷ đồng và cam kết “đứng ngoài cuộc chơi” mảng kinh doanh bánh kẹo và snacking. Thương vụ M&A bạc tỷ khiến thị trường được một phen bàng hoàng.

Tưởng chừng Mondelez Kinh Đô và KIDO (tên công ty mới của Kinh Đô) đã an phận với "miếng bánh thị phần" được chia thì bất ngờ hồi tháng 7/2020, ngay khi hợp đồng nguyên tắc hết hiệu lực, KIDO tuyên bố quay trở lại đường đua. Mondelez Kinh Đô và KIDO, hai đối tác từng bắt tay nhau trong thương vụ mua bán & sáp nhập đình đám, giờ đây lại đứng trên hai chiến tuyến trong cuộc đối đầu của ngành hàng bánh trung thu và snack.

3 năm đáng buồn của “ông lớn” ngành bánh kẹo

2 năm đầu trở lại đường đua mảng bánh kẹo, Công ty CP Tập đoàn KIDO (HOSE: KDC) ghi nhận kết quả kinh đầy ấn tượng. Trong năm 2020, KIDO đạt hơn 320 tỷ đồng lợi nhuận ròng hợp nhất, tăng 59,34% so với năm trước đó, trong khi mức tăng trưởng trung bình ngành thời điểm đó chỉ ở mức 8,7%. Đà tăng trưởng ấn tượng tiếp tục duy trì đến năm 2021 với lợi nhuận ròng hợp nhất đạt hơn 653 tỷ đồng, tăng mạnh tới 97,82% so với năm 2020.

2 năm huy hoàng của KIDO khép lại khi bắt đầu từ năm 2022, lợi nhuận của doanh nghiệp này liên tục lao dốc. Cụ thể, lợi nhuận ròng năm 2022 của KIDO lao dốc 42,65% so với năm trước, xuống chỉ còn 374,6 tỷ đồng và đến năm 2023 tiếp tục lao dốc gần 64%, xuống chỉ còn hơn 135 tỷ đồng.

Tết Trung thu cận kề, nhìn lại KQKD đáng buồn của Tập đoàn KIDO (KDC)
Lợi nhuận KIDO các năm gần đây.

Bước sang năm 2024, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024, KIDO ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.716 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ. Dù giá vốn tiết giảm nhưng không thể bù với khoản sụt giảm từ doanh thu nên lợi nhuận gộp trong kỳ giảm 15% xuống còn 270 tỷ đồng.

Đi cùng xu hướng giảm trên, doanh thu tài chính của KIDO giảm sâu từ 1.120 tỷ đồng xuống còn 46 tỷ đồng, tương đương giảm gần 96%, nguyên nhân đến từ việc Công ty không còn ghi nhận khoản lãi từ thanh lý đầu tư như cùng kỳ năm trước (1.057 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, các khoản chi phí đều được công ty cắt giảm tích cực. Trong đó, nhờ chi phí lãi vay thu hẹp về 27 tỷ đồng, chi phí tài chính của Công ty cũng tiết giảm được 66% xuống còn 28 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bán hàng đạt 242 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 98 tỷ đồng; giảm lần lượt 41% và 52% so với cùng kỳ năm trước.

Dù đã tích cực tiết giảm mọi khoản chi phí nhưng sau khi trừ các chi phí, KIDO ghi nhận lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 10,9 tỷ đồng trong quý 2/2024, "bốc hơi" tới gần 99% so với cùng kỳ năm trước.

Giải trình chênh lệch lợi nhuận, ông Trần Lệ Nguyên - Tổng Giám đốc KIDO cho biết, nguyên nhân lợi nhuận lao dốc chủ yếu đến từ việc tái cấu trúc mô hình kinh doanh của Tập đoàn, đồng thời do biến động từ thị trường đã tác động lên doanh nghiệp.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, KIDO mang về 3.532 tỷ đồng doanh thu nhưng chỉ đạt vỏn vẹn 32 tỷ đồng lợi nhuận, giảm lần lượt 19% và 94,2% so với cùng kỳ.

Năm 2024, KIDO lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 800 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, KIDO mới chỉ thực hiện được 27% mục tiêu doanh thu và 6% chỉ tiêu lợi nhuận.

Không chỉ suy giảm ở lợi nhuận, chất lượng tài sản của KIDO cũng không mấy khả quan, tại thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản của KIDO ở mức 11.377 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Trong đó, giảm chủ yếu đến từ các khoản tiền và tương đương tiền co lại từ 2.185 tỷ đồng tại đầu năm xuống còn 1.637 tỷ đồng, tức giảm 25%.

Đồng thời, khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn - ngắn hạn của KIDO cũng ghi nhận lao dốc tới 71% xuống còn đạt 173 tỷ đồng.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của KIDO đạt 4.288 tỷ đồng, giảm 18% so với số đầu kỳ. Trong đó ghi nhận giảm chủ yếu đến từ các khoản vay. Cụ thể, KIDO ghi nhận vay ngắn hạn 2.566 tỷ đồng, vay dài hạn 252 tỷ đồng; giảm lần lượt 9% và 49% so với đầu năm.

Tết Trung thu cận kề, nhìn lại KQKD đáng buồn của Tập đoàn KIDO (KDC)
Diễn biến giá cổ phiếu KDC trên sàn chứng khoán.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu KDC cũng liên tục lao dốc kể từ đầu tháng 6 trở lại đây. Tính đến thời điểm 11h00 phiên giao dịch ngày 14/8, cổ phiếu KDC đang được giao dịch ở mức 54.400 đồng/cp, giảm khoảng 18% chỉ sau gần 2 tháng.

Vocarimex (VOC) sắp rời sàn, Kido (KDC) cam kết mua cổ phiếu của các cổ đông còn lại

Hiện Kido đang là công ty mẹ,sở hữu 87,3% vốn điều lệ của Vocarimex. Trong khi đó, VDSC nắm giữ 5,14%.

KIDO báo lãi ròng tăng 33% sau kiểm toán

Tập đoàn KIDO cho biết, phần lãi này có được nhờ việc điều chỉnh lại chi phí trích lập trước và trích lập dự phòng. ...

Đình Tư

Tin cũ hơn
Xem thêm