Phiên giao dịch ngày 30/11/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

Cập nhật: 17:30 | 29/11/2022 Theo dõi KTCK trên

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 30/11/2022, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán MB – MBS

Khuyến nghị mua cổ phiếu KDH với giá mục tiêu 35.400 đồng/cp

MBS khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu KDH của Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền, với giá mục tiêu 35.400 đồng/cp (+48%), dựa trên 4 luận điểm chính:

1. Pre-sales (giá trị bán hàng) 2023 sẽ tăng trở lại từ mức thấp trong 2022 nhờ các dự án mở bán mới Clarita và The Privia; trong đó dự án thấp tầng chiếm phần lớn dự báo lợi nhuận sau thuế (LNST) sau lợi ích cổ đông thiểu số (CĐTS). MBS kỳ vọng tỷ lệ hấp thụ các dự án này sẽ khá tốt do sự khan hiếm các dự án, nhất là đối với dự án thấp tầng trong nội thành TPHCM kể cả khi thị trường BĐS được dự báo sẽ trầm lắng đến hết quý 2/2023. Để hoàn thiện kế hoạch lợi nhuận 2022, KDH sẽ tăng tốc mở bán các dự án trong các tháng cuối năm 2022, bắt đầu từ đẩy mạnh hoàn tất bán hàng với dự án Classia và bắt đầu mở bán The Privia.

Phiên giao dịch ngày 30/11/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý
MBS khuyến nghị mua cổ phiếu KDH với giá mục tiêu 35.400 đồng/cp. Hình minh họa

2. KDH có thương hiệu tốt với uy tín cao trong việc bàn giao giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (QSDĐ) giúp giá bán cao hơn trung bình ở các vị trí lân cận. KDH đồng thời sở hữu quỹ đất dự án quy mô lớn (631 ha) ở khu Đông và khu Nam TPHCM (phần nội thành), nơi đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư và giá nhà đất tăng mạnh nhờ phát triển cơ sở hạ tầng với giá vốn tốt.

3. Định giá vẫn còn hấp dẫn trong dài hạn xét trên giá trị thị trường của quỹ đất, tiềm năng lợi nhuận cũng như so với các doanh nghiệp trong ngành.

4. Trong ngắn hạn KDH được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ các dự án có vị trí tốt tại khu vực TPHCM vẫn đang thu hút người mua nhà, đặc biệt là lợi thế sở hữu 2 dự án thấp tầng ở khu Đông TPHCM (Classia đang hoàn thiện bán hàng trong 2022 và Clarita dự kiến sẽ triển khai vào nửa cuối năm 2023) trong khi câu chuyện lên Quận đang hâm nóng khu vực Bình Chánh.

Rủi ro đầu tư: 1. Rủi ro pháp lý và tiến độ dự án Tân Tạo: Dự án Tân Tạo là dự án rất lớn về cả quỹ đất và tổng vốn đầu tư. Trong dài hạn dự án này được kỳ vọng là động lực lớn nhất giúp KDH vươn mình trở thành công ty hàng đầu trên thị trường, dù trong ngắn hạn việc triển khai có thể còn nhiều phức tạp do quy mô lớn. Do đó, MBS kỳ vọng KDH sẽ đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ xây dựng cho dự án này và sẽ bắt đầu đóng góp lợi nhuận cho KDH từ năm 2024. 2. Cơ cấu cổ đông “loãng”, với tỷ lệ sở hữu của ban lãnh đạo không cao. 3. Rủi ro lãi suất tăng ảnh hưởng đến quyết định mua nhà, cũng như việc kiểm soát các khoản vay ngân hàng vào lĩnh vực BĐS và giám sát chặt chẽ hơn trong việc phát hành TPDN.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC

Xem xét mua cổ phiếu REE ở mức giá hiện tại

Mức Stock Rating của REE (Công ty CP Cơ Điện Lạnh) đóng cửa ở mức 86 điểm cho nên VCSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồ thị giá của REE đóng cửa tăng 3% và đồ thị giá vượt đường trung bình 20 phiên với khối lượng giao dịch tăng nhẹ so với phiên giao dịch trước đó.

Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn và đồ thị giá đang tiến vào vùng quá mua ngắn hạn cho nên đồ thị giá có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh ở 1-2 phiên giao dịch tới và các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế mua đuổi ở các nhịp tăng mạnh. Xu hướng ngắn hạn của REE cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại.

Công ty chứng khoán Bản Việt – VCSC

Khuyến nghị mua cổ phiếu IDC với giá mục tiêu 45.500 đồng/cp

VCSC duy trì khuyến nghị MUA đối với Tổng Công ty IDICO (IDC) nhưng điều chỉnh giảm 51% giá mục tiêu xuống còn 45.500 đồng/cp. Giá mục tiêu thấp hơn của VCSC chủ yếu do (1) VCSC giả định WACC tăng 3,5 điểm %, (2) VCSC loại bỏ các dự án KCN của IDC trong tương lai (tổng diện tích 2.046 ha) ra khỏi định giá và (3) áp dụng mức chiết khấu định giá mới 10% để phản ánh cơ cấu công ty đa ngành của IDC, được bù đắp một phần nhờ hiệu ứng tích cực từ việc cập nhật mô hình định giá mục tiêu đến cuối năm 2023. VCSC áp dụng phương pháp định giá thận trọng đối với IDC khi VCSC hiện chỉ đưa các dự án KCN và BĐS nhà ở đã được phê duyệt đầu tư và đang trong quá trình phát triển vào trong mô hình định giá và giá mục tiêu của VCSC.

VCSC nâng dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2022 thêm 7% do IDC ghi nhận doanh thu từ mảng KCN cao hơn dự kiến (chủ yếu từ KCN Mỹ Xuân B1 đã được lấp đầy 100%) trong khi VCSC duy trì phần lớn dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023-2024.

Khuyến nghị mua cổ phiếu SAB

VCSC giảm giá mục tiêu đi 6% nhưng giữ nguyên khuyến nghị MUA đối với Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB). VCSC giảm giá mục tiêu chủ yếu do VCSC giảm dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023-2025 đi 2% và hạ P/E mục tiêu 12%, điều này một phần được bù đắp bởi tác động tích cực của việc VCSC cập nhật giá mục tiêu đến cuối năm 2023.

Đối với năm 2023, VCSC dự báo doanh thu đạt 40 nghìn tỷ đồng (+12% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 5,8 nghìn tỷ đồng (6% YoY). VCSC kỳ vọng tăng trưởng doanh thu của SAB sẽ được thúc đẩy nhờ sự cải thiện về sức mạnh thương hiệu nhưng bị ảnh hưởng một phần bởi giả định của VCSC rằng chi tiêu của người tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những thách thức kinh tế.

Trong giai đoạn 2022-2025, VCSC dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS đạt 10% do (1) hoạt động kinh tế phục hồi hoàn toàn sau đại dịch, (2) SAB giành được thị phần và cải thiện cơ cấu sản phẩm, và (3) các sáng kiến nâng cao biên lợi nhuận.

Công ty chứng khoán VNDirect – VND

Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu TCB với giá mục tiêu 44.000 đồng/cp

LN ròng của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (HOSE: TCB) trong Q3/22 tăng 22,1% svck nhờ tăng trưởng tín dụng ổn định, thu nhập phí tăng mạnh (+42% svck) và chi phí dự phòng giảm. Tín dụng tăng 11,1% so với đầu năm vào cuối Q3/22, trong đó cho vay bán lẻ tăng 37% so với đầu năm (chiếm 49% dư nợ), bù đắp cho TPDN sụt giảm (-30,7% so với đầu năm). Đáng chú ý, nhờ bộ đệm dự phòng dày trước đó, TCB đã có ít áp lực hơn trong việc “củng cố hệ thống phòng thủ” trong năm nay, khi chi phí dự phòng Q3/22 chỉ tăng 3,5% svck. LN ròng 9T22 của TCB đạt 16,6 nghìn tỷ đồng (+23,5% svck), hoàn thành 74% dự phóng cả năm của VND.

VND tiếp tục phải đối mặt với áp lực đồng USD mạnh lên, buộc NHNN phải thực hiện nhiều các biện pháp can thiệp hơn ngoài việc chỉ dựa vào dự trữ USD. Sau khi nới biên độ giao dịch VND (từ 3% lên 5%), NHNN đã thực hiện đợt tăng lãi suất điều hành lần thứ hai liên tiếp thêm 100 điểm cơ bản; và việc tăng lãi suất này sẽ tác động tiêu cực đến NIM của ngân hàng. Bên cạnh đó, rủi ro “đứt gãy thanh khoản” tại các doanh nghiệp sẽ tác động xấu lên chất lượng tài sản của ngân hàng. Nhìn chung, chính sách tiền tệ thắt chặt và những bất ổn vĩ mô sẽ ảnh hưởng lên triển vọng ngành ngân hàng trong năm tới khi tăng trưởng tín dụng chậm lại, NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.

Thị trường TPDN Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều sóng gió do ảnh hưởng từ chuỗi điều tra các sai phạm và Nghị định 65 (Nghị định 153 sửa đổi). Hiện nay, nhà đầu tư đang mất niềm tin vào sự minh bạch của các tổ chức phát hành TPDN, khi nhiều trường hợp phát hành sai qui định/sai mục đích bị phát hiện và nhiều lãnh đạo cấp cao bị bắt giữ. TCB vẫn sẽ tiếp tục chịu áp lực do TCB là ngân hàng nắm giữ nhiều TPDN trong danh mục tín dụng (chiếm khoảng 10% và 33% thu nhập từ phí đến từ bảo lãnh và phân phối trái phiếu).

theo đó, VND duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu thấp hơn là 44.000 đồng/cp. VND kỳ vọng LN ròng trong 2023-24 của TCB sẽ chỉ tăng 12-14% svck. VND hạ P/B mục tiêu xuống 1,1 lần từ 2,0 lần để phản ánh những khó khăn của ngành. Cùng với tỷ trọng 50% của phương pháp thu nhập thặng dư (COE: 15,3%, LTG: 3%), VND đưa ra giá mục tiêu mới là 44.000 đồng/cp (thấp hơn 29% so với giá mục tiêu trước đó).

TCB hiện đang giao dịch ở mức P/B 2023 rất thấp chỉ 0,6 lần, cho thấy rằng rủi ro đã được phản ánh vào giá. Rủi ro giảm giá gồm (i) lãi suất tăng cao hơn dự kiến, (iii) nợ xấu tăng cao hơn dự kiến, (iii) khó khăn trên thị trường bất động sản và TPDN tiếp tục kéo dài.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Chứng khoán phiên sáng 29/11: Tiếp nối đà tăng, NVL và PDR được "giải cứu"

Thị trường chứng khoán mở cửa phiên sáng ngày 29/11 tiếp nối được đà tăng từ phiên trước đó. Cặp đôi NVL cùng PDR được ...

Thị trường chứng khoán ngày 29/11/2022: Tín hiệu kỹ thuật phiên chiều

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam dẫn nguồn Vietstock đưa ra những phân tích tín hiệu kỹ thuật phiên chiều ngày ...

Đích sáng của thị trường chứng khoán cuối năm

Sau khi đã ổn định về câu chuyện lạm phát, tăng trưởng, đầu 2023 sẽ có tín hiệu mở room để khơi thông dòng vốn, ...

Đức Anh

Tin liên quan