Phiên giao dịch ngày 20/1/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

Cập nhật: 18:00 | 19/01/2021 Theo dõi KTCK trên

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 20/1/2021, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán Dầu khí - PSI

Khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu VNM

CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk (HOSE - Mã: VNM) công bố kết quả kinh doanh quý 3 với doanh thu 9 tháng đầu năm đạt hơn 45.212 tỷ VNĐ (tăng 7,45% so với cùng kì năm 2019), lợi nhuận sau thuế của công ty cũng tăng 7,42% đạt gần 9.000 tỷ VNĐ. Năm 2020 là năm thứ 5 liên tiếp Vinamilk được vinh danh Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam nhờ sự tiên phong và sáng tạo trong việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững.

Đầu tư nâng cao năng suất và chất lượng để tiếp tục đà tăng trưởng với các dự án mới: Vinamilk cho biết, đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 2 vào cuối tháng 7/2020 đã có tác động đến hoạt động bán hàng song tình hình đã được cải thiện trong tháng 9/2020. Phần lớn các ngành hàng chủ lực đều ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2019 nhờ chiến lược tiếp thị phù hợp và ra mắt sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng tăng đề kháng của người tiêu dùng, tiêu biểu như: Sữa tươi Vinamilk và Sữa bột trẻ em Grow Plus có chứa tổ yến. Đối với thị trường nước ngoài, hoạt động xuất khẩu của Vinamilk đạt mức tăng trưởng ấn tượng 19,5% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm tỷ trọng 10% trong doanh thu thuần hợp nhất với 1.576 tỷ đồng nhờ chiến lược hợp tác chặt chẽ với đối tác kinh doanh quốc tế tại thị trường nước ngoài.

1211-co-phieu-luu-y
Ảnh minh họa

Một số dự án sắp đi vào hoạt động trong thời gian tới như TTBS Quảng Ngãi với tổng diện tích rộng hơn 90 ha, quy mô 4.000 con. Dự án này có vốn đầu tư 700 tỷ đồng, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và quản lý, dự kiến sẽ cung ứng khoảng 20 triệu lít sữa tươi nguyên liệu mỗi năm cho thị trường.

CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ

Quy mô hoạt động của CTCP Sữa Việt Nam duy trì mở rộng. Tổng tài sản của doanh nghiệp cũng tăng đều qua các năm. Đặc biệt thương vụ sát nhập Sữa Mộc Châu sẽ tác động và tạo lợi thế chiếm lĩnh thị phần các sản phẩm thuộc về sữa tại thị trường nội địa Việt Nam. Bên cạnh duy trì và phát triển các mặt hàng sản phẩm tại thị trường nội địa, Vinamilk còn mở rộng ra các thị trường tiềm năng như Trung Đông, Trung Quốc, Hàn Quốc. Chúng tôi nhận định rằng Vinamilk sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trong dài hạn, và việc đầu tư vào Vinamilk là quyết định hợp lý trong dài hạn.

ĐIỂM NHẤN KỸ THUẬT:

- Xu hướng hiện tại: Tăng giá

- Chỉ báo xu hướng MACD: Phân kỳ dương

- Chỉ báo RSI: Vùng quá mua, xu hướng tăng

- Đường trung bình động (MA20): Duy trì giá trên ma20

NHẬN ĐỊNH:

Đồ thị nến ngày của CTCP Sữa Việt Nam (VNM) cho thấy có sự bứt phá trên vùng tích lũy từ tháng 10/2020. Các chỉ số đều thể hiện một xu hướng hiện tại là tăng giá. Khách hàng cân nhắc mở vị thế tại vùng giá 113.000-113.500 VNĐ với mục tiêu target tại vùng 130.000 VNĐ (+12%) là ngưỡng kháng cự được hình thành bởi cụm nến đầu năm 2018, dừng lỗ nếu thân nến đóng dưới vùng 105.000-108.000 VNĐ là ngưỡng hỗ trợ được tích lũy từ cuối năm 2020.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC

Cổ phiếu VND có thể tiệm cận 38.000 đồng

FSC vừa đưa ra nhận định về diễn biến cổ phiếu VND của Chứng khoán VNDIRECT (HOSE: VND) trong đó nhấn mạnh, trong trung hạn, cổ phiếu VND có thể sẽ tiến lên mức tiệm cận 38.000 đồng.

ĐIỂM NHẤN KỸ THUẬT:

- Kháng cự ngắn hạn: 37.690 đồng

- Hỗ trợ ngắn hạn: 28.053 đồng

- Xu hướng ngắn hạn: Tăng

- Kháng cự trung hạn: 37.690 đồng

- Hỗ trợ trung hạn: 26.850 đồng

- Xu hướng trung hạn: Tăng

PHÂN TÍCH:

Stock Rating của VND ở mức 98 điểm trong đó điểm cơ bản và sức mạnh giá đều trên 80 điểm cho thấy xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này là tích cực.

Đồ thị giá của VND xác lập mức cao nhất 52 tuần và đây cũng là mức cao kỷ lục của cổ phiếu này. Đồng thời, xu hướng ngắn hạn của VND cũng được nâng từ mức giảm lên tăng.

Tuy nhiên, đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn tích lũy cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế mua đuổi ở các nhịp tăng vì nhịp điều chỉnh vẫn có thể còn xuất hiện.

CẬP NHẬT KẾT QUẢ KINH DOANH:

Tại báo cáo tài chính công bố ngày ngày 21/10/2020, VNDIRECT đã ghi nhận tổng doanh thu hoạt động đạt 506,2 tỷ đồng - tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận kế toán sau thuế đạt 253,2 tỷ đồng - tăng 114% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, trong quý III/2020, mảng kinh doanh mang lại doanh thu cao nhất cho VNDIRECT là hoạt động đầu tư chứng khoán, góp vốn đạt 194,2 tỷ đồng - tăng trưởng 113% so với cùng kỳ; Doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán đạt 110,8 tỷ đồng - tăng trưởng 25% so với cùng kỳ; Lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) và lãi từ các hoạt động cho vay và phải thu ghi nhận lần lượt 83,9 tỷ đồng và 74,9 tỷ đồng. Cùng với đó, tổng chi phí trong quý III/2020 của VNDIRECT giảm 22% so với cùng kỳ chỉ còn 197,1 tỷ đồng trong đó chi phí hoạt động kinh doanh giảm mạnh nhất (45%) xuống còn 40,2 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu hoạt động của VNDIRECT đạt 1.372,8 tỷ đồng - tăng 24% so với cùng kỳ năm trước trong đó đóng góp nhiều nhất là lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 416 tỷ đồng - chiếm 30% tổng doanh thu và doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán đạt 300 tỷ đồng - chiếm 22% tổng doanh thu; Tổng lợi nhuận sau thuế lũy kế của VNDIRECT đạt 446,16 tỷ đồng - tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty chứng khoán BIDV - BSC

Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu VRC nằm tại mức 13.4

Cổ phiếu VRC của Công ty cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC vẫn đang ở trong trạng thái tăng giá trung hạn từ cuối tháng 11 cho đến nay. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây đang có chiều hướng tăng dần.

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Mặc dù chỉ báo động lượng RSI đang ở trong vùng quá mua nhưng đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu nên cổ phiếu có thể duy trì được đà tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của VRC nằm tại khu vực xung quanh 10.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 13.4, cắt lỗ nếu ngưỡng 8.9 bị xuyên thủng.

Công ty chứng khoán MB - MBS

Khuyến nghị nắm giữ MBB với giá mục tiêu 27.500 đồng/CP

Chúng tôi duy trì khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội với giá mục tiêu 27.500 đồng dựa trên kết hợp 2 phương pháp so sánh P/B và chiết khấu lợi nhuận thặng dư RI, với mức P/B dự kiến là 1,4x.

Chúng tôi đánh giá cao MBB với cơ cấu nguồn thu đa dạng cho phép ngân hàng chống chịu tốt với tác động của dịch bệnh, lợi nhuận dự kiến sẽ phục hồi khi nền kinh tế nội địa mở cửa trở lại và xuất khẩu tăng mạnh. Lợi nhuận trước thuế của MBB năm 2021 dự kiến sẽ tăng 20% n/n.

Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của MBB, Ngân hàng cho biết tổng tài sản đến cuối năm 2020 tăng 19,6% so với năm trước, nằm trong nhóm các Ngân hàng TMCP có tổng tài sản lớn nhất. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 10.688 tỷ đồng, tăng nhẹ 6,5% so với kết quả thực hiện năm 2019, trong đó Ngân hàng mẹ tăng 4,4%. ROE đạt 18,66%.

Mảng dịch vụ được MBB đẩy mạnh trong năm 2020, đóng góp 2.312 tỷ đồng vào tổng doanh thu toàn Ngân hàng, tăng 11,5% n/n. Ngân hàng số thu hút gần 2 triệu người dung mới, đạt 90 triệu giao dịch, cao gấp 3 lần năm 2019. Bên cạnh đó, MBB cũng triển khai thành công định danh khách hàng trực tuyến eKYC bằng video qua gương mặt và giọng nói, thu hút them lượng khách hàng mới cho Ngân hàng này.

Tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng mẹ chứng kiến tăng 23% so với năm trước, đạt tương ứng hơn 307 nghìn tỷ đồng, trong đó tập trung vào khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.

Chi phí hoạt động được tiết giảm đáng kể với chi phí hoạt động trên doanh thu thuần CIR giảm từ 36,6% xuống còn 34,5%. Trong khi đó, doanh thu thuần vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá với 14%.

Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát khá tốt với NPL hợp nhất đạt 1,09%, giảm so với mức 1,16% của năm 2019. Riêng Ngân hàng mẹ NPL giảm từ 0,98% xuống còn 0,92%. Ngân hàng tăng tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu LLR từ 116% cuối Q3 2019 lên 160%, trở thành Ngân hàng có tỷ lệ LLR cao thứ 2 trong hệ thống chỉ sau VCB.

MBB đặt kế hoạch duy trì top 5 Ngân hàng kinh doanh tốt nhất, phấn đấu top 3 về chất lượng và hiệu quả và dẫn đầu về số hóa. Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 25- 30% so với năm trước, đạt tương ứng 14.600 tỷ đồng, tổng tài sản tăng 15% lên 545 nghìn tỷ đồng, và tỷ lệ nợ xấu hợp nhất dưới 1,3%.

Công ty chứng khoán Bản Việt - VCSC

Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho BMI với giá mục tiêu 31.000 đồng/CP

Tổng CTCP Bảo Minh (BMI) đã đăng ký bán 1,2 triệu cổ phiếu MBB – tương ứng với 0,4% cổ phần ngân hàng. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 20/01/ đến ngày 18/02/2021, thông qua giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Theo báo cáo tài chính soát xét sơ bộ 2020 của BMI, giá trị vốn đầu tư 1,2 triệu cổ phiếu MBB là 11,3 tỷ đồng, tương ứng với mức giá cổ phiếu MBB là 9.074 đồng/CP. Dựa theo giá đóng cửa hôm nay, BMI có thể ghi nhận lợi nhuận 21 tỷ đồng thông qua giao dịch này.

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho BMI với giá mục tiêu 31.000 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 0,9%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,2%, dựa theo giá đóng cửa hôm nay.

Khuyến nghị mua cho VEA với giá mục tiêu 51.300 đồng/CP

Dựa theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) và Hyundai Thành Công, chúng tôi ước tính doanh số bán lẻ xe du lịch của Việt Nam tăng 26% so với tháng trước và 50% so với cùng kỳ (YoY) trong tháng 12/2020.

Chúng tôi cho rằng mức tăng trưởng mạnh mẽ này đến từ (1) tâm lý khách hàng tích cực sau khi Việt Nam thành công kiểm soát làn sóng dịch COVID-19 thứ hai vào tháng 9, (2) các mẫu xe mới và chương trình khuyến mãi từ các nhà sản xuất ô tô bên cạnh (3) nhu cầu mua xe tăng mạnh trước khi mức cắt giảm phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước của Chính phủ hết hiệu lực vào cuối năm 2020.

Tính chung cả năm 2020, doanh số bán lẻ xe du lịch của Việt Nam đã giảm 4% YoY, chúng tôi cho rằng mức giảm này là đáng khích lệ trong bối cảnh dịch COVID-19 dẫn đến các gián đoạn kinh tế.

Trong tháng 12, Huyndai và Thaco đã dẫn dắt tăng trưởng của ngành nhờ danh mục sản phẩm đa dạng với nhiều mẫu xe lắp ráp trong nước (CKD) được hưởng lợi từ việc giảm thuế trước bạ. Mặt khác, Mitsubishi và Ford là các công ty có diễn biến kém tích cực nhất.

Ngoài ra, chúng tôi ước tính các công ty liên kết của VEA – Honda, Ford và Toyota – mất thị phần cả năm 2020 vào Thaco, Hyundai và VinFast. Tuy nhiên, tính theo doanh số tuyệt đối, các công ty liên kết của VEA ghi nhận kết quả kinh doanh nhìn chung phù hợp với dự báo của chúng tôi.

Trong khi đó, doanh số xe máy của Honda Việt Nam tăng mạnh 30% so với tháng trước nhưng giảm 9% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 12/2020, theo công bố của công ty. Trong cả năm 2020, doanh số xe máy của Honda Việt Nam đã giảm mạnh 17% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn 2% so với dự báo của chúng tôi) trong khi thị phần không đổi so với năm 2019 ở mức 79%.

Chúng tôi cho rằng các mức giảm so với cùng kỳ này chủ yếu đến từ tác động không đồng đều của dịch COVID-19 đến nhóm khách hàng có thu nhập trung bình/thấp so với nhóm khách hàng có thu nhập cao.

Tuy nhiên, mức cải thiện so với tháng trước trong tháng 12 là tín hiệu tích cực cho sự phục hồi tiềm năng trong doanh số xe máy trong thời gian tới. Chúng tôi hiện đang dự phóng doanh số xe máy của Honda Việt Nam sẽ tăng ở mức khoảng 10-13% trong năm 2021 từ mức cơ sở thấp trong năm 2020.

Nhìn chung, kết quả doanh số ngành xe du lịch vượt kỳ vọng hiện tại của chúng tôi trong khi doanh số xe máy của Honda thấp hơn dự báo của chúng tôi.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEA) với giá mục tiêu 51.300 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 17,9%, bao gồm lợi suất cổ tức 11,0%, dựa theo giá đóng cửa hôm nay.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Nhiều ngân hàng vẫn "ngó lơ" sàn chứng khoán

Thủ tướng yêu cầu đến hết năm 2020 toàn bộ ngân hàng phải niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, cho đến ...

Dòng tiền bắt đáy nhập cuộc, giữ tỷ trọng cổ phiếu như thế nào hợp lý?

Sau giờ nghỉ trưa, có lẽ, nhiều nhà đầu tư đã bình tĩnh hơn với việc lực mua tăng manh trở lại. Động lực từ ...

Cú giảm sốc của VN-Index phiên sáng ngày 19/1/2021: Bắt đáy hay tháo chạy thời điểm này?

Mặc dù giảm sâu nhưng sức cầu bắt đáy cũng rất lớn. Chỉ trong buổi sáng, trên HOSE đã ghi nhận gần 16,2 nghìn tỷ ...

Nguyễn Thanh (t/h)

Tin liên quan