Phiên giao dịch ngày 19/9/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

Cập nhật: 17:30 | 18/09/2022 Theo dõi KTCK trên

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 19/9/2022, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán ACB – ACBS

Khuyến nghị mua cổ phiếu STB với giá mục 45.200 đồng/cp

Kết quả kinh doanh tốt giúp Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE - Mã: STB) có điều kiện đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản tồn đọng bằng lợi nhuận. Đến cuối Q2/22, giá trị tài sản tồn đọng (ròng) của STB còn lại khoảng 17.000 tỷ đồng, chiếm 3% tổng tài sản.

ACBS ước tính giá trị các tài sản đảm bảo cho các tài sản tồn đọng này vào khoảng 20.000 – 30.000 tỷ đồng, cao hơn so với giá trị tài sản tồn đọng. Do đó, lợi nhuận tiềm năng từ việc thanh lý các tài sản đảm bảo này ước tính khoảng 3.000 – 13.000 tỷ đồng.

Phiên giao dịch ngày 19/9/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý
FSC khuyến nghị mua cổ phiếu STB với giá mục 45.200 đồng/cp. Hình minh họa

Đối với khoản nợ được đảm bảo bằng KCN Phong Phú, STB đã thay đổi hình thức thanh lý từ đấu giá tài sản đảm bảo là KCN sang đấu giá khoản nợ. Nguyên nhân là do STB không thể đưa KCN Phong Phú ra đấu giá trong 3 năm qua do các vướng mắc pháp lý liên quan đến KCN này.

Giá chào bán khởi điểm qua mỗi lần đấu giá không thành công đang giảm xuống một cách nhanh chóng và tiến gần hơn với dư nợ gốc của khoản vay là 5.134 tỷ đồng. ACBS kỳ vọng STB có thể thanh lý được khoản vay này vào cuối năm nay.

Đối với tài sản thế chấp là 32,5% cổ phần STB (~612 triệu cổ phiếu STB), ACBS kỳ vọng việc thanh lý có thể hoàn thành trong năm 2023. Điều này sẽ tạo lợi nhuận đột biến từ việc hoàn nhập lãi dự thu cho STB do giá trị của tài sản thế chấp này lớn hơn đáng kể so với dư nợ gốc của khoản vay (10.000 tỷ đồng).

Trong trường hợp xấu nhất là quá trình thanh lý 2 tài sản đảm bảo này bị đình trệ, STB vẫn đủ khả năng dọn sạch tài sản tồn đọng theo đề án đến cuối năm 2023 bằng nguồn lợi nhuận của mình.

Việc thanh lý thành công 2 tài sản đảm bảo lớn trên sẽ là chất xúc tác mạnh cho giá cổ phiếu STB. Tuy nhiên, trong thời gian chưa thanh lý được, STB vẫn sẽ phải trích lập dự phòng cho số tài sản tồn đọng còn lại (khoảng 17.000 tỷ đồng). Do đó, lợi nhuận báo cáo của STB trong giai đoạn đó vẫn sẽ duy trì ở mức thấp mặc dù lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng trưởng mạnh.

ACBS lặp lại khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu STB với giá mục tiêu 1 năm là 45.200 đồng/cp theo phương pháp chiết khấu thu nhập thặng dư. Giá mục tiêu của ACBS tương đương P/B dự phóng 1 năm là 1,58 lần.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC

Xem xét mua cổ phiếu BWE ở mức giá hiện tại

Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương (HOSE - Mã: BWE) ghi nhận doanh thu trong Q2/2022 đạt 847 tỷ đồng, tăng 7,6% YoY, LNST đạt 203 tỷ, tăng 19,6% YoY. Lũy kế 6T2022, BWE ghi nhận 1.580 tỷ doanh thu và 379 tỷ LNST, hoàn thành lần lượt 41% kế hoạch doanh thu và 51% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.

Doanh thu Q2/2022 tiếp tục tăng trưởng nhờ giá bán tăng 5% YoY. Tuy nhiên, doanh thu tăng trưởng thấp hơn lợi nhuận nhờ Biên lợi nhuận gộp cải thiện lên mức 45,6% (cùng kỳ 41,1%) và trong kỳ ghi nhận Thu nhập tài chính tăng 29,6%, Khoản thu nhập khác tăng 24,6% YoY (từ các khoản thanh lý TSCĐ, hoàn nhập bảo hành công trình và các khoản khác). Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 49,8% YoY. Chi phí tài chính tăng 82,3% chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá khi đánh giá lại số dư.

Để mở rộng thị trường, BWE đã gia tăng các khoản đầu tư vào công ty liên doanh liên kết, cụ thể: đã đầu tư 155 tỷ vào CTCP Cấp thoát nước Cần Thơ và 146 tỷ vào CTCP Cấp nước Cần Thơ 2. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho đà tăng trưởng doanh thu sắp tới của BWE bên cạnh Hệ thống nước Nam Thủ Dầu 1 và Lò đốt rác Nam Bình Dương (đã vận hành từ 2021). Ngoài ra, giá bán nước sạch tại Bình Dương cũng tăng 5% từ tháng 1/2022 giúp gia tăng biên lợi nhuận.

Trong trung hạn, tăng trưởng BWE được hỗ trợ bởi các dự án Nhà máy nước Tân Hiệp (2022), Nhà máy sản xuất phân compost (2022). BWE định hướng sẽ mở rộng mảng xử lý nước thải cho các KCN, hiện chỉ chiếm khoảng 4% doanh thu.

Ở mức giá đóng cửa hiện tại, BWE đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 12.5x (tương ứng EPS TTM là 4.049 đồng). Mức Stock Rating của BWE ở mức 90 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Đồ thị giá của BWE đóng cửa tăng 4% với khối lượng giao dịch tăng mạnh trên mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá của BWE có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của BWE cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng khi xu hướng ngắn hạn của thị trường tích cực hơn.

Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research

Khuyến nghị trung lập cho cổ phiếu OCB

SSI lặp lại khuyến nghị TRUNG LẬP đối với cổ phiếu OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông (sàn HOSE) với giá mục tiêu 1 năm là 19.700 đồng/cp (điều chỉnh giảm từ giá mục tiêu trước đó là 23.200 đồng/cp) do: (1) lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán bị suy giảm; (2) dư nợ cho vay các chủ đầu tư bất động sản vẫn còn tương đối cao, và (3) giảm P/B mục tiêu xuống 1,05 lần do lợi nhuận và ROE thấp hơn kỳ vọng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế của OCB gây thất vọng khi giảm 34,6% so với cùng kỳ và chỉ đạt 1,7 nghìn tỷ đồng. Mặc dù thu nhập lãi thuần tăng 20,4% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng đạt 9,8%, nhưng khoản lỗ từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đã ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận cốt lõi của Ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2022.

Tỷ lệ nợ xấu giảm 21 bps so với quý trước xuống 1,96%, tuy nhiên vẫn còn cao hơn nhiều so với con số 1,32% của quý 4/2021. Chất lượng tài sản suy giảm dẫn đến việc ngân hàng phải trích lập thêm dự phòng tín dụng khiến cho chi phí dự phòng tăng 42,8% so với cùng kỳ lên 562 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022. Dư nợ tái cơ cấu giảm 29,5% so với đầu năm, xuống 2,2 nghìn tỷ đồng.

Khuyến nghị trung lập cho cổ phiếu BCM

SSI đánh giá tích cực BCM với vị thế doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp với diện tích đất còn lại sẵn sàng cho thuê đạt 488 ha. Đồng thời, diện tích đất thương phẩm lên đến 599 ha tại Thành phố mới Bình Dương và các khu dân cư Bàu Bàng, Mỹ Phước kỳ vọng thanh khoản được cải thiện và biên lợi nhuận duy trì mức cao hơn 43% theo tham chiếu từ thương vụ chuyển nhượng Capitaland.

Liên doanh VSIP, Warburg Pincus dự báo đem lại lợi nhuận tích cực nhờ nhu cầu thuê đất và nhà xưởng tăng trưởng. BCM hiện đang giao dịch với P/E và P/B 2022 lần lượt đạt 41,7x và 5,8x, SSI điều chỉnh mức giá mục tiêu là 98.300 đồng/CP do giá tăng tại khu dân cư và khu công nghiệp kể từ năm 2022 và khuyến nghị TRUNG LẬP đối với cổ phiếu BCM. Giá cổ phiếu BCM đã tăng mạnh trong thời gian gần đây và có thể duy trì tích cực trong ngắn hạn nhờ thông tin hỗ trợ từ ước tính kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ trong 2H2022.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Khối ngoại bán ròng 956 tỷ đồng tuần từ 12 – 16/9, chốt lời mạnh nhất cổ phiếu STB

Trong tuần thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đỏ lửa, khối ngoại bán ròng 956 tỷ đồng. Trong đó, STB bị khối ngoại ...

Góc chuyên gia chứng khoán: Thị trường nằm trong xu hướng điều chỉnh ngắn hạn

Chuyên gia cho rằng, xu hướng của thị trường có thể nói là đang ở vùng tương đối khó chịu cho cả người mua và ...

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Chìm trong sắc đỏ, một mã "bất ngờ" tăng hơn 11%

Tiếp nối diễn biến không mấy khả quan của tuần trước đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục "đỏ lửa" trong tuần qua (12/9 ...

Đức Anh