Phiên giao dịch ngày 14/9/2020: Những cổ phiếu cần lưu ý

Cập nhật: 18:33 | 13/09/2020 Theo dõi KTCK trên

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 14/09/2020, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán Phú Hưng - PHS

Khuyến nghị bán đối với cổ phiếu DBD

Chúng tôi dự phóng doanh thu năm 2020 của CTCP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (DBD) tăng 5,5% so với năm ngoái, đạt 1.330 tỷ đồng, hoàn thành 95,4% kế hoạch doanh thu năm 2020, và lợi nhuận sau thuế đạt 143 tỷ đồng (tăng trưởng 0,7%).

Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, mức giá hợp lý cho cổ phiếu DBD khoảng 39,000 đồng/cổ phiếu (-15% so với giá hiện tại). Từ đó đưa ra khuyến nghị bán cổ phiếu này.

Công ty chứng khoán MB - MBS

Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu REE

Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu REE của CTCP Cơ điện lạnh với giá mục tiêu điều chỉnh tăng lên 42.300 đồng/CP.

Cớ sở là hoạt động thủy điện ghi nhận hồi phục và tăng trưởng tốt hơn trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2021 trong bối cảnh tình hình thủy văn thuận lợi.

Bên cạnh đó, hoạt động cho thuê văn phòng duy trì tỷ suất lợi nhuận cao trong khi công suất mảng điện sẽ chứng kiến tăng trưởng cao hơn trong năm 2025.

Công ty chứng khoán Bản Việt - VCSC

Khuyến nghị phù hợp thị trường cho GEX với giá mục tiêu 22.200 đồng/CP

Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (GEX) công bố công ty sẽ tăng giá chào mua từ 17.700 đồng/CP lên 21.500 đồng/CP để thâu tóm 95 triệu cổ phiếu VGC.

Chúng tôi lưu ý rằng vào ngày 24/08, GEX đã công bố mức giá chào mua 95 triệu cổ phiếu VGC là 17.700 đồng/CP (tương ứng P/E và EV/EBITDA năm 2019 lần lượt là 12,2 lần và 4,9 lần) từ ngày 26/08 đến ngày 25/09 nhằm nâng tỷ lệ sở hữu tại VGC từ 25% lên 46%.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị phù hợp thị trường cho GEX với giá mục tiêu 22.200 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng -12,1%, bao gồm lợi suất cổ tức 0,0%.

Khuyến nghị mua cho NLG với giá mục tiêu 37.500 đồng/CP

CTCP Đầu tư Nam Long công bố ngày giao dịch không hưởng quyền cho thanh toán cổ tức năm tài chính 2019 là ngày 24/09, bao gồm cổ tức cổ phiếu 9,57%.

Công ty cũng công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP sẽ được thực hiện trong tháng 9. 1,67 triệu cổ phiếu ESOP này (chiếm khoảng 0,67% lượng cổ phiếu hiện tại) sẽ được phát hành sử dụng quỹ khen thưởng và phúc lợi. Các cổ phiếu ESOP này sẽ không bị hạn chế thời gian giao dịch.

Các kế hoạch này là phù hợp với kế hoạch đưa ra tại ĐHCĐ của NLG vào tháng 4/2020. Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua dành cho NLG với giá mục tiêu 37.500 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng 37%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,3%.

Khuyến nghị khả quan cho VEA với giá mục tiêu 43.600 đồng/CP

Dựa theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) và Hyundai Thành Công, chúng tôi ước tính doanh số bán lẻ xe du lịch của Việt Nam giảm 18% so với tháng trước (MoM) trong tháng 8.

Chúng tôi cho rằng mức giảm này một phần đến từ dịch COVID-19 tái bùng phát tại Việt Nam vào cuối tháng 7 cùng với tâm lý kém tích cực của khách hàng đối với việc mua hàng hóa giá trị lớn trong “tháng 7 âm lịch” kéo dài từ ngày 19/08 đến ngày 16/09.

Tuy nhiên, khi phần lớn tháng 8/2019 rơi vào “tháng 7 âm lịch”, doanh số xe du lịch vẫn ghi nhận tăng trưởng 1% trong tháng 8/2020. Trong 8 tháng đầu năm 2020, doanh số xe du lịch của Việt Nam giảm 22% YoY, theo ước tính của chúng tôi.

Trong tháng 8, Thaco có diễn biến kinh doanh vượt trội hơn mức chung của toàn ngành với tăng trưởng 2 chữ số so với cùng kỳ nhờ các mẫu xe flagship như Kia Cerato (phân khúc C, xe lắp ráp trong nước) và Mazda CX5 (phân khúc SUV, xe lắp ráp trong nước) trong khi tất cả các thương hiệu lớn khác ghi nhận tăng trưởng đi ngang hoặc âm so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, Honda ghi nhận mức tăng mạnh 38% MoM trong tháng 8 nhờ phiên bản CRV mới (phân khúc SUV, xe lắp ráp trong nước) được triển khai trong tháng 8.

Tương tự ngành xe du lịch, doanh số bán xe máy của Honda Việt Nam giảm 10% MoM trong tháng 8, theo thông tin công ty công bố. So với cùng kỳ, doanh số bán xe máy của Honda giảm 17% YoY trong tháng 8 và 15% YoY trong 8 tháng đầu năm 2020.

Chúng tôi cho rằng doanh số bán xe máy trong tháng 8 chịu thêm ảnh hưởng từ các gián đoạn của dịch COVID-19 đến thời gian kết thúc năm học (cụ thể, năm học 2019-2020 kết thúc vào tháng 8 thay vì tháng 6 như thường lệ) và từ đó là nhu cầu mua xe máy lần đầu tiên.

Chúng tôi lưu ý rằng nhiều người Việt Nam mua xe máy lần đầu tiên sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nhìn chung, kết quả doanh số ô tô và xe máy phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEA) với giá mục tiêu 43.600 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 10,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 11,9%, dựa theo giá đóng cửa hôm nay.

CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV - BSC

SHB - Tích cực

Phân tích:

SHB là một trong những cổ phiếu Largecap đang nằm trong xu hướng hồi phục ngắn hạn với mô hình bậc thang kể từ vùng đáy 10. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt ngưỡng trung bình 20 phiên đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành. Ngưỡng kháng cự gần nhất của SHB nằm tại mốc 17 với nương hỗ trợ tại mốc giá 13.

HDG - Tiếp tục đà tăng

Điểm nhấn kĩ thuật:

- Xu hướng hiện tại: Tăng giá.

- Chỉ báo xu hướng MACD: Xuất hiện Golden Cross.

- Chỉ báo RSI: Ở trong vùng quá mua.

- Đường MA: EMA12 ở trên EMA26.

Phân tích:

HDG vẫn đang ở trong trạng thái tiếp tục tăng giá từ đầu tháng 8 đến nay sau giai đoạn điều chỉnh vào tháng 7. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây đang có chiều hướng tăng dần.

Lực cầu tăng cao phiên cuối tuần qua đã đẩy giá HDG vượt qua vùng cản tại khu vực 23 - 23,5. Các chỉ báo xu hướng hiện đều đang ủng hộ cho trạng thái tích cực của cổ phiếu.

Mặt khác, dù cho chỉ báo động lượng RSI đã đi vào vùng quá mua nhưng đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu nên HDG vẫn có thể sẽ duy trì đà tăng trong thời gian tới. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của cổ phiếu nằm tại xung quanh 23,5.

BSR - Tích cực

Phân tích:

BSR là một trong những cổ phiếu Largecap đang có dấu hiệu hồi phục sau khi điều chỉnh về ngưỡng 6,5. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với xu hướng tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ bảo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá của cổ phiếu. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành. Ngưỡng kháng cự gần nhất của cổ phiếu nằm tại mốc 8 với ngưỡng hỗ trợ tại mốc 6,5.

ACV - Tích cực

Phân tích:

ACV là một trong những cổ phiếu vốn hóa lớn đang nằm trong xu hướng hồi phục từ ngưỡng giá 55. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt ngưỡng giao dịch trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng của cổ phiếu.

Chỉ báo RSI và chi báo MACD đều đang ủng hộ tín hiệu hồi phục này. Đường giá cổ phiếu cũng nằm trên dải mây Ichimoku, báo hiệu xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành. Ngưỡng kháng cự gần nhất của ACV nằm tại mốc 70 với ngưỡng hỗ trợ 55.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Nhận định chứng khoán ngày 14/9/2020: Áp lực điều chỉnh đã hạ nhiệt

Thị trường vẫn đang trong vùng tích lũy và dao động giá đang được thu hẹp cùng khối lượng giảm dần. Nếu động thái hỗ ...

Nhận định chứng khoán tuần từ 14-18/9/2020: Xu hướng thị trường phái sinh

Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán vừa đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho tuần giao dịch từ ...

Nhận định chứng khoán tuần từ 14-18/9/2020: Có cơ hội phục hồi

Tâm lý chung trên thị trường vẫn đang trong trạng thái tương đối dè dặt đối với nhóm cổ phiếu “trụ”, nhất là trong bối ...

Trang Nhi (t/h)

Tin liên quan