Nhận định chứng khoán ngày 9/3/2021: Phân hóa mạnh ở các dòng cổ phiếu

Cập nhật: 18:11 | 08/03/2021 Theo dõi KTCK trên

Các chỉ số thị trường diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày 08/03, trong đó VN-Index đóng cửa trượt xuống dưới tham chiếu. Thanh khoản thị trường vẫn cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 875,7 triệu cổ phiếu, trị giá 18.930 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận chỉ chiếm 1.217 tỷ đồng. Trong khi đó, khối ngoại vẫn miệt mài bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị gần 1.270 tỷ đồng, lực bán tập trung vào các cổ phiếu như POW, VNM, HPG, VIC…

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích lược một số nhận định của các công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch cho ngày 09/03/2021.

Dòng tiền sẽ quan tâm nhiều hơn đến nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ

(CTCK Bảo Việt - BVS)

Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên trong tuần, chỉ số VnIndex giảm -0,42 điểm – tương đương -0,04%, xuống 1.168,27 điểm. Trên sàn HNX, chỉ số HnxIndex tăng +3,62 điểm – tương đương +1,39%, lên 263,42 điểm.

VCB, VHM và MSN là 3 mã có tác động tiêu cực nhất lên VnIndex, lấy đi -1,19, -1,07 và - 0,56 điểm. Mặt khác, GAS, POW và NVL là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho mức tăng của VnIndex ngày hôm nay, đóng góp lần lượt +1,28, +0,44 và +0,40 điểm. Giá trị giao dịch đạt 15.584,79 tỷ VNĐ trên sàn HSX và 2.116,95 tỷ VNĐ trên sàn HNX. Khối ngoại bán ròng - 1.246,80 tỷ VNĐ trên sàn HSX và -9,62 tỷ VNĐ trên sàn HNX.

Về diễn biến nhóm ngành, 5 trên 10 nhóm ngành tăng điểm trong phiên ngày hôm nay. Dẫn đầu là ngành Tiện Ích Công Cộng (+2,62%) – được hỗ trợ bởi POW (+5,20%), GEG (+6,90%) và PGD (+4,43%). Ở chiều ngược lại, ngành Công Nghệ (-0,77%) là nhóm ngành giảm điểm mạnh nhất trong ngày hôm nay – do tác động tiêu cực từ sự giảm điểm của MWG (-1,06%) và CMG (-0,29%).

Vn-Index dự báo sẽ tiếp tục có diễn biến giằng co với sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu ở bên dưới vùng kháng cự 1185-1200 điểm trong những phiên kế tiếp. Biến động của thị trường thế giới vẫn sẽ là yếu tố tác động đến diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam. Vn-Index dự kiến vẫn sẽ dao động trong vùng được giới hạn bởi cận trên là vùng cản 1.185-1.200 điểm và cận dưới 1.150-1.155 điểm.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ tiếp tục quá trình điều chỉnh tích lũy. Dòng tiền sẽ quan tâm nhiều hơn đến nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong giai đoạn này.

- Chiến lược đầu tư:

+ Giảm tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục xuống mức 50% cổ phiếu.

+ Có thể thực hiện các hoạt động trading tại các điểm cận trên và dưới mà chúng tôi đề cập ở trên.

4103-nhan-dinh
Hình minh họa

Dấu hiệu thị trường khỏe

(CTCK MB - MBS)

Thị trường chứng khoán trong nước điều chỉnh với hiện tượng phân hóa rõ nét. Trong khi nhóm ngân hàng, Vingroup là gánh nặng của thị trường thì nhóm cổ phiếu midcap và smallcap đồng loạt tăng điểm. Thanh khoản thị trường vẫn giữ được ở mức cao với giá trị khớp lệnh đạt hơn 14.416 tỷ đồng, tuy nhiên khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng mạnh. Đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 0,42 điểm còn 1.168,27 điểm, trong đó chỉ số VN30 giảm 3,83 điểm còn 1.170 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua, toàn thị trường có 274 mã tăng/183 mã giảm, ở rổ VN30 có 12 mã tăng, 17 mã giảm và 1 mã giữ tham chiếu.

Thanh khoản thị trường tiếp tục được cải thiện so với phiên cuối tuần trước với tổng giá tị khớp lệnh đạt hơn 14.416 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại diễn ra không mấy tích cực khi họ bán ròng với tổng giá trị gần 1.270 tỷ đồng.

Thị trường tiếp tục dao động trong vùng tích lũy sang tuần thứ 3 và dòng tiền dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Điểm tích cực là động rộng thị trường vẫn khả quan và dòng tiền tiếp tục tăng lên. Về xu hướng, việc chỉ số đi ngang trong khi mặt bằng cổ phiếu đi lên là dấu hiệu cho thấy thị trường khỏe. Do vậy, kịch bản để chỉ số đi ngang trong khi độ rộng thị trường vẫn tích cực nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong các phiên sắp tới.

Tiếp tục phân hóa

(CTCK Yuanta Việt Nam – YSVN)

Các chỉ số sàn HOSE tiếp tục giao dịch ảm đạm khi các lớp cổ phiếu có sự phân hóa nhất định. Giá trị giao dịch khớp lệnh toàn thị trường đạt 17.760 tỷ đồng không thay đổi nhiều so với phiên liền trước.

Bỏ qua diễn biến ảm đạm của chỉ số, vẫn xuất hiện các cái tên có mức tăng mạnh như GAS (+2,7%), POW (+5,2%). Giá Dầu Brent tiếp tục tăng mạnh phiên cuối tuần hiện giao dịch dưới mức 70 USD/thùng ủng hộ cho đà tăng nhóm cổ phiếu Dầu khí trong 3 phiên gần đây.

Nhóm vốn hóa nhỏ tiếp tục hút tiền với nhiều mã tăng mạnh như DLG (+6,5%), HQC (+6,9%), FCN (+6,7%), HAR (+6,8%), BCG (+6,6%), CTI (+7%)…

Các chỉ số sàn HNX tiếp tục tăng mạnh nhờ nhóm Dầu khí (PVB, PVC, PVS) giữ nhịp tăng trong khi đa số các mã lớn còn lại đều tăng khá như BVS, CEO HUT, DTD, VCS…

Khối ngoại bán ròng khá mạnh với hơn 1.265 tỷ đồng toàn thị trường. Dẫn đầu đà bán ròng tiếp tục là các mã POW (213 tỷ), VNM (204 tỷ), HPG (171 tỷ), VIC (100 tỷ). Ở chiều mua, PLX (62 tỷ), VRE (27 tỷ), FUEVFVND (15 tỷ) được mua ròng tích cực nhất.

Chúng tôi cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục phân hóa trong phiên giao dịch tới. Điểm tiêu cực là tâm lý tỏ ra thận trọng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cho nên thị trường chưa thể vượt được mức kháng cự 1.200 điểm của chỉ số VN-Index. Đồng thời, chúng tôi cho rằng sự phân hóa có thể sẽ tiếp tục còn diễn ra trong những phiên kế tiếp. Ngoài ra, chúng tôi đánh giá rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp cho nên chiến lược phù hợp ở giai đoạn hiện tại là nên chú ý vào xu hướng ở từng cổ phiếu.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức TĂNG. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu hoặc mua mới.

VN-Index sẽ vận động tích lũy trong vùng 1.160-1.200 điểm

(CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSI)

Xu hướng tích lũy kéo dài trong phiên 08/03 khi thị tường đi ngang quanh ngưỡng 1.168 điểm. Dòng tiền phân hóa chảy vào một số nhóm ngành khi chỉ có 12/19 ngành tăng điểm.

Thanh khoản phiên 08/03 tăng nhẹ so với phiên 05/03 và độ rộng thị trường tích cực cho thấy dòng tiền đầu tư đang chảy về nhóm Mid-cap. Khối ngoại bán ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX.

Với xu hướng dòng tiền nội chảy vào nhóm Mid-cap và khối ngoại tiếp tục bán ròng, BSI đánh giá rằng VN-Index nhiều khả năng sẽ vận động tích lũy trong vùng 1.160-1.200 điểm trong các phiên giao dịch tới, kể từ 09/03.

Chờ nhịp điều chỉnh để tích lũy và dần nâng tỷ trọng

(CTCK KB Việt Nam - KBSV)

VN-Index mở gap tăng ngay đầu phiên 08/03 nhưng sớm chịu áp lực điều chỉnh và đánh mất toàn bộ số điểm đạt được.

Theo KBSV, diễn biến phiên 08/03 cho thấy lượng cung giá cao đang gây ra lực cản cho đà hồi phục của thị trường và khả năng mở rộng thêm nhịp điều chỉnh vẫn còn để ngỏ. Mặc dù vậy, xu hướng tăng hiện vẫn đang đóng vai trò chủ đạo nên KBSV cho rằng đây chỉ là một nhịp điều chỉnh ngắn hạn trong quá trình đi lên.

KBSV khuyên nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ vị thế trung hạn, chờ các nhịp điều chỉnh của thị trường để tích lũy và dần nâng tỷ trọng trở lại cho vị thế ngắn hạn, đặc biệt trong kịch bản VN-Index quay xuống vùng hỗ trợ đáng lưu ý tại quanh 1.100-1.110.

Duy trì sự thận trọng với thị trường trong ngắn hạn

(CTCK Asean - Aseansc)

Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến đỏ nhỏ với giá đóng cửa nằm dưới các đường trung bình động ngắn hạn 3 ngày (MA3), 5 ngày (MA5), và 10 ngày (MA10), là tín hiệu khá tiêu cực. Theo Aseansc, điều này cho thấy bên bán đang tạm thời chiếm ưu thế.

Trong kịch bản tiêu cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.150-1.160 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1.130-1.140 điểm. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1.170-1.180 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.190-1.200 điểm.

Số mã tăng giá áp đảo số mã giảm giá, tuy nhiên chỉ số VN-Index vẫn không thể bứt phá mạnh trong phiên 08/03 chủ yếu do nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm VN30 bị bán mạnh.

Do đó, Aseansc duy trì sự thận trọng với thị trường trong ngắn hạn (5-10 ngày) cho đến khi VN-Index có thể vượt qua vùng 1.170-1.180 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể lùi về kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.150-1.160 điểm, bao gồm đường trung bình động 20 ngày (MA20). Tỷ trọng danh mục đề nghị theo công thức Kelly: 50% tiền mặt/50% cổ phiếu.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Phiên giao dịch ngày 9/3/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 9/3/2021, ...

Tin tức chứng khoán mới nhất 17h hôm nay 8/3/2021

Thông tin giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu như VJC, NVL, HVH, ACB, FRT… được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt ...

Khối ngoại bán ròng gần 1.300 tỷ đồng phiên 8/3: POW, VNM, HPG, VIC bị xả bán rất mạnh

Kết phiên giao dịch ngày 8/3/2021, giao dịch khối ngoại khá tiêu cực khi họ bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị ...

Nguyễn Thanh