Nhận định chứng khoán tuần từ 11-15/1/2020: Trạng thái quá mua đang lan tỏa trên diện rộng

Cập nhật: 07:55 | 10/01/2021 Theo dõi KTCK trên

Chỉ số VN-Index đang tiệm cận vùng kháng cự mạnh 1.180 - 1.200 điểm. Rủi ro rung lắc, điều chỉnh mạnh của thị trường sẽ tăng cao khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự này, đặc biệt khi trạng thái quá mua của thị trường đang lan tỏa trên diện rộng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã lập kỷ lục mới từ năm 2007 đến nay với chuỗi 10 tuần tăng điểm liên tiếp và với mức tăng hơn 26% giá trị vốn hóa của toàn sàn HOSE trong tuần qua.

Bên cạnh đó, thanh khoản tính cả khớp lệnh và thỏa thuận trong tuần qua cũng lập kỷ lục từ trước đến nay với gần 3,9 tỷ cổ phiếu trao tay, giá trị ước đạt hơn 85.000 tỷ đồng. Mặc dù đã nâng lô tối thiểu lên 100 cổ phiếu trong tuần này, nhưng sự nghẽn lệnh vẫn xảy ra vào phiên chiều trong 4 phiên liên tiếp.

Sự hưng phấn tột độ cũng được thể hiện trên thị trường phái sinh khi hợp đồng tương lai tháng gần nhất (VN30F1M) cao hơn VN30 tận 28,74 điểm, cao nhất kể từ tháng 12/2017.

4215-nhan-dinh
Hình minh họa

Trong tuần qua, chỉ số VN-Index tăng 63,82 điểm lên 1.167,69 điểm; HNX-Index tăng 14,28 điểm lên 217,4 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn tiếp tục gia tăng và lập kỷ lục mới với khoảng hơn 19.200 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 59,9% lên 85.237 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 49,1% lên 3.887 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 51,1% lên 10.902 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 31,1% lên 761 triệu cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất tuần qua, với 8,5% giá trị vốn hóa. Các đại diện trong nhóm như: BID tăng 1,3%, VCB tăng 7%, ACB tăng 7,5%, VPB tăng 9,4%, CTG tăng 12%, SHB tăng 12,4%, TCB tăng 13,3%, MBB tăng 15,7%... Đây là động lực chính kéo thị trường tăng mạnh.

Tiếp theo là nhóm công nghệ thông tin với mức tăng 7,2% giá trị vốn hóa, với các đại diện là CMG tăng 0,3%, FPT tăng 7,1%...

Các cổ phiếu trong ngành bất động sản như: VIC tăng 3,3%, VHM tăng 7,7%, NVL tăng 14,7%... và các cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán như: SSI tăng 3,2%, HCM và VCI đều tăng 3,8%, SHS tăng 6,8%... cũng là một động lực dẫn dắt thị trường chung.

Các nhóm ngành còn lại đều có mức tăng tốt như: nhóm dầu khí tăng 5,8% giá trị vốn hóa, nhóm tiện ích cộng đồng tăng 5,2%, nhóm hàng tiêu dùng tăng 4,1%, nhóm công nghiệp tăng 2,4%, dược phẩm và dịch vụ y tế tăng 2%, dịch vụ tiêu dùng tăng 1,9%, nguyên vật liệu tăng 1,4%...

Dưới đây là nhận định của một số công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch tuần mới:

Rủi ro rung lắc, điều chỉnh mạnh sẽ tăng cao

(CTCK Bảo Việt – BVSC)

Thị trường đang tiệm cận vùng kháng cự mạnh 1.180 - 1.200 điểm. Rủi ro rung lắc, điều chỉnh mạnh của thị trường sẽ tăng cao khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự này, đặc biệt khi trạng thái quá mua (thuật ngữ chỉ một chứng khoán mà những nhà phân tích và người giao dịch tin rằng đang được giao dịch cao hơn giá trị nội tại của nó) của thị trường đang lan tỏa trên diện rộng ở nhiều nhóm cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ tiếp tục luân phiên có diễn biến tăng để hỗ trợ thị trường. Dòng tiền vẫn sẽ tập trung sự quan tâm đến nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ để tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này.

Cổ phiếu thuộc các ngành như: bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, thép… nhiều khả năng sẽ có kết quả kinh doanh trong quý IV tích cực. Các nhóm cổ phiếu sẽ có sự phân hóa mạnh dần theo thông tin kết quả lợi nhuận quý IV và cả năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết.

Thị trường đang trong xu hướng tăng dài hạn

(CTCP Chứng khoán MB – MBS)

Dòng tiền lớn vẫn đang vào thị trường, nhiều nhà đầu tư bắt đầu quan tâm đến thị trường hơn, triển vọng kinh tế vĩ mô vẫn đang là động lực khiến động thái giải ngân từ phía nhà đầu tư trong và ngoài nước mạnh hơn.

Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng 1.100 điểm một cách thuyết phục. Do vậy, rõ ràng thị trường đang trong xu hướng tăng dài hạn. Trong ngắn hạn, đường về mốc 1.200 điểm đang trở nên rộng mở.

Vẫn đang theo chiều hướng đi lên

(CTCP Chứng khoán Rồng Việt – VDSC)

Dù có động thái chốt lời trong phiên cuối tuần, nhưng VN-Index nhanh chóng được hỗ trợ và ổn định trở lại. Chỉ số chưa lấy lại được vùng cao điểm trong phiên, nhưng cũng ghi nhận tín hiệu tích cực từ dòng tiền.

“Thị trường vẫn đang theo chiều hướng đi lên dù trải qua nhiều đợt rung lắc, chúng ta cần chờ tín hiệu dừng đủ mạnh mới có thể đánh giá lại trạng thái thị trường”, VDSC nhìn nhận.

Các nhịp rung lắc xảy ra thường xuyên hơn

(CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội - SHS)

Trong tuần tới (từ 11 - 15/1), các nhịp rung lắc có thể xảy ra thường xuyên hơn khi nhà đầu tư quyết định chốt lời dần trong bối cảnh VN - Index dần tiệm cận với đỉnh thời đại quanh 1.211 điểm (đỉnh tháng 4/2018).

Chứng khoán VIX đứng giá trong phiên đầu chào sàn HOSE

Ngày 8/1/2021, gần 128 triệu cổ phiếu của CTCP Chứng khoán VIX (VIX) đã chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. ...

Chứng khoán Mỹ ngày 8/1: Phố Wall lên đỉnh mới

Thị trường chứng khoán Mỹ kết phiên ngày ngày 8/1 khi các chỉ số tiếp tục chinh phục các mức đỉnh mới qua đó kết ...

VN-Index tiếp đà bứt tốc, khối ngoại vẫn không ngừng bán ròng

Thị trường chứng khoán trong nước vẫn tiếp tục chinh phục đỉnh cao và đang hướng đến kỷ lục mới. Cụ thể, đóng cửa phiên ...

Trang Nhi (t/h)

Nguồn TTXVN