Nhận định chứng khoán ngày 25/3/2021: Thị trường đang trong vùng rủi ro và biến động mạnh

Cập nhật: 17:58 | 24/03/2021 Theo dõi KTCK trên

Thị trường diễn biến tiêu cực ngay khi mở cửa phiên 24/3, lực bán ồ ạt khiến các chỉ số chìm trong sắc đỏ. Mặc dù vậy, lực cầu bắt đáy vẫn kiên nhẫn được tung vào giúp VN-Index hồi phục và hướng tới ngưỡng 1.165 điểm. Tuy nhiên, tình trạng nghẽn lệnh như thường lệ vẫn tái diễn khiến thanh khoản nhỏ giọt, VN-Index cũng đi ngang quanh ngưỡng 1.163 điểm.

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích lược một số nhận định của các công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch cho ngày 25/03/2021.

VN-Index nhiều khả năng tích lũy trong vùng 1.160-1.180

(CTCK BIDV – BSC)

Thị trường điều chỉnh mạnh xuống ngưỡng 1.160 điểm nối tiếp với phiên giảm hôm qua. Dòng tiền bắt đầu thoát khỏi thị trường khi chỉ có 2/19 ngành tăng điểm. Thanh khoản tăng nhẹ và độ rộng thị trường tiêu cực cho thấy áp lực chốt lãi ngắn hạn tăng mạnh trong phiên hôm nay. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên sàn HSX và mua ròng tại sàn HNX.

Một thông tin tích cực cho thị trường là sắp có hơn 8.000 tỷ đồng từ quỹ Fubon FTSE sắp chảy vào Việt Nam khi nhà đầu tư đặt mua hết chứng chỉ quỹ này. Dòng tiền này sẽ chủ yếu chảy vào nhóm cổ phiếu VN30 và tạo lực đỡ thị trường tại ngưỡng 1.160 điểm.

Với dòng tiền khối ngoại mới đổ vào trong thời gian tới, VN-Index nhiều khả năng sẽ tích lũy trong vùng 1.160-1.180 trong các phiên giao dịch tới.

4025-nhan-dinh
Hình minh họa

Tiếp tục dao động trong kênh giá đi ngang 1.150-1.190 điểm

(CTCK Bảo Việt - BVS)

Tất cả các nhóm ngành đều đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 24/3. Trong đó, ngành Nguyên Vật Liệu (-3,11%) là nhóm ngành giảm điểm mạnh nhất trong phiên hôm nay – do tác động tiêu cực từ sự giảm điểm của HSG (-5,24%), DGC (-4,14%) và PHR (-4,07%). Ở vị trí thứ hai là ngành Tài Chính (-2,39%) – chịu ảnh hưởng từ BID (-3,55%), CTG (-3,70%) và VCB (-1,15%).

Vn-Index dự báo sẽ cho phản ứng tăng điểm trở lại khi kiểm định vùng hỗ trợ 1.150-1.155 điểm trong phiên kế tiếp. Đây là vùng hỗ trợ quan trọng và có tính quyết định đối với xu thế của thị trường ở thời điểm hiện tại. Do đó, nếu để mất vùng điểm này, xu hướng của thị trường sẽ có chuyển biến theo hướng tiêu cực trong ngắn hạn. Về tổng thể, chúng tôi vẫn thiên về kịch bản thị trường sẽ tiếp tục dao động trong kênh giá đi ngang 1.150-1.190 điểm trong giai đoạn này.

Chiến lược đầu tư: Duy trì tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục ở mức 35- 50% cổ phiếu. Nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao tiếp tục xem xét bán giảm tỷ trọng trong các nhịp hồi phục của thị trường. Đối với các nhà đầu tư đang có vị thế tiền mặt lớn, có thể xem xét giải ngân trở lại với tỷ trọng thấp và ưu tiên các cổ phiếu có sẵn trong tài khoản khi chỉ số giảm về vùng hỗ trợ mà chúng tôi đề cập.

Nhà đầu tư hạn chế bắt đáy

(CTCK MB - MBS)

Thị trường chứng khoán trong nước điều chỉnh giảm sang phiên thứ 2 liên tiếp với áp lực chốt lời vẫn là nguyên nhân chính. Bên cạnh đó việc mất trụ cũng là nhân tố khiến đà giảm của thị trường trở nên mạnh hơn. Thị trường cả trong và ngoài nước đang gặp nhiều rủi ro, tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng và chọn phương án “không làm gì”. Đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 21,64 điểm xuống 1.161,81 điểm, trong đó chỉ số VN30 giảm 21,37 điểm còn 1.165,61 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 75 mã tăng/408 mã giảm, ở rổ VN30 có 1 mã tăng, 29 mã giảm và 0 mã giữ tham chiếu.

Thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao với giá trị khớp lệnh đạt hơn 14.827 tỷ đồng. Việc thanh khoản đẩy lên cao trong khi chỉ số giảm mạnh tiếp tục là tín hiệu không tích cực. Giao dịch khối ngoại diễn ra không mấy tích cực khi họ bán ròng với tổng giá trị gần 350 tỷ đồng.

Thị trường điều chỉnh sang phiên thứ 2 liên tiếp với mức thanh khoản lớn tạo mẫu hình kỹ thuật không mấy tích cực. Nguyên nhân thị trường điều chỉnh trong phiên vừa qua không có gì mới ngoài áp lực chốt lời của nhà đầu tư cùng với thị trường thế giới đang biến động mạnh. Thị trường hiện đang ở vùng rủi ro và biến động mạnh, nhà đầu tư hạn chế bắt đáy, hạ đòn bẩy, đưa margin về mức thấp.

Rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng

(CTCK Yuanta Việt Nam – YSVN)

Tâm lý thận trọng hơn trong phiên hôm nay khiến lực bán đã được đẩy mạnh. Độ rộng thị trường tiếp tục tiêu cực với VN30-Index chỉ có 1 mã tăng và 29 mã giảm. VIC (+1,3%) là mã duy nhất trong VN30-Index trong khi TCB, TPB, BID, BVH, CTG, HDB, HPG, MBB giảm trên 2%.

FLC (+6,6%) ghi nhận phiên tăng thứ 5 liên tiếp với thanh khoản ổn định trong khi ROS quay đầu giảm. KMR, HVH, TS4, HAP có phiên tăng hết biên độ.

Khối ngoại bán ròng hơn 358 tỷ đồng toàn thị trường. KBC (160 tỷ), POW (81 tỷ), HPG (55 tỷ) dẫn đầu danh sách bán ròng. GAS (164 tỷ), CII (23 tỷ), FUEVFVND (16 tỷ) là các mã được mua ròng khá nhất.

Chúng tôi cho rằng thị trường có thể sẽ hồi phục nhẹ trở lại trong phiên kế tiếp và sự phân hóa có thể diễn ra. Chỉ báo tâm lý tiếp tục hạ nhiệt cho thấy chiến lược ngắn hạn là hạ nhẹ tỷ trọng cổ phiếu. Đồng thời, chỉ số VN-Index giảm về gần mức hỗ trợ ngắn hạn 1.150 điểm và các chỉ báo xung lực ngắn hạn giảm mạnh về gần vùng quá bán cho thấy lực cầu ngắn hạn có thể sẽ sớm gia tăng trở lại và thị trường có thể sẽ sớm xuất hiện các nhịp hồi phục ở một vài phiên tới. Tuy nhiên, rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung hạ từ mức TĂNG xuống TRUNG TÍNH. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể cơ cấu lại danh mục theo hướng hạ một phần tỷ trọng cổ phiếu và hạn chế mua mới ở giai đoạn hiện tại.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Tin tức chứng khoán mới nhất 17h hôm nay 24/3/2021

Thông tin giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu như FLC, HHS, RAL, MSB, TCO, LSS… được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán ...

Phiên chiều 24/3/2021: Nhóm VN30 chìm trong sắc đỏ, cổ phiếu VIC gây bất ngờ

VN-Index sau phiên giảm mạnh ngày 23/3 tiếp tục lao dốc hơn 22 điểm trong phiên 24/3 về sát mốc 1.160 điểm. Nhóm VN30 hôm ...

Tân An