Ngăn chặn trung chuyển thuốc lá nhập lậu tiêu thụ thị trường nội địa

Cập nhật: 09:01 | 04/11/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN – Theo thông tin từ Ban chỉ đạo 389, Vĩnh Long là tỉnh nằm trong nội địa nên hoạt động buôn lậu thuốc lá không diễn ra rầm rộ như các tỉnh biên giới. Song tình hình mua bán, vận chuyển, tàng trữ mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu trên địa bàn tỉnh diễn biến cũng rất phức tạp.  

Vĩnh Long là địa bàn trung chuyển, tiêu thụ thuốc lá lớn sau khi nó được nhập lậu vào Việt Nam, chủ yếu từ biên giới Tây Nam, các mặt hàng thuốc lá nhập lậu chủ yếu là: Hero, Jet, Scott, 555, Marlboro, Esse,… Bên cạnh, vì lợi nhuận một số đối tượng sẵn sàng trang bị xe ô tô, xe mô tô phân khối lớn, thuyền máy có mã lực lớn để vận chuyển thuốc lá nhập lậu; xây dựng các hầm chứa bí mật để chứa trữ thuốc lá nhập lậu. Việc mua bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu được tổ chức thành băng, nhóm, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện hoặc tổ chức cản trở cho đồng bọn tẩu thoát. Mặt khác, việc thuốc lá nhập lậu được tiêu thụ mạnh là do thị hiếu của người tiêu dùng đối với mặt hàng này và do được nhập lậu nên giá cạnh tranh hơn so với các mặt hàng thuốc lá trong nước sản xuất.

ngan chan trung chuyen thuoc la nhap lau tieu thu thi truong noi dia
Hình minh họa.

Thời gian gần đây các lực lượng chức năng trong tỉnh tăng cường kiểm tra nên hoạt động mua bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu không còn thực hiện công khai như trước đây. Tuy nhiên, được các đối tượng bán lén lút tại các nhà hàng, khách sạn, quán café, tủ bán thuốc lá lẻ, các cửa hàng tạp hóa, các quán nước vỉa hè, tại những địa điểm không cố định nằm rải rác ở các tuyến đường vẫn còn.

Hoạt động của các đối tượng buôn lậu với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi và liều lĩnh hơn, như: sử dụng phương tiện không chính chủ rồi thuê người nghèo, người thất nghiệp vận chuyển thuốc lá khi bị phát hiện thì bỏ phương tiện lại; thuê trẻ em giao nhận thuốc lá nhập lậu; gia cố thành xe ô tô, xe tải để vận chuyển thuốc lá; sử dụng xe mô tô phân khối lớn để vận chuyển thuốc lá khi bị phát hiện thì bỏ lại thuốc lá để tẩu thoát; bố trí người theo dõi trước trụ sở của lực lượng chống buôn lậu; thuốc lá điếu nhập lậu được trộn lẫn vào các loại hàng hóa khác ngụy trang bằng ghe chở hàng hóa tiêu dùng, bán dạo trên sông, ghe chở trái cây hoặc ghe đi thu mua lúa gạo; thuốc lá được giấu trong các xe bán dạo trái cây, bò vò viên, bánh mì…

Một số cơ sở kinh doanh thiết kế hầm bí mật để chứa trữ thuốc lá; các đối tượng thường lợi dụng thời tiết mưa gió hoặc các ngày nghỉ lễ, Tết để thực hiện việc vận chuyển thuốc lá; thuốc lá nhập lậu được chứa đựng trong các thùng, để xen lẫn với thuốc lá sản xuất trong nước để qua mặt cơ quan chức năng khi bị kiểm tra.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành và Ban Chỉ đạo 389 các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát mặt hàng thuốc lá nhập lậu; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá nhập lậu, không mua bán, tàng trữ, tiêu thụ thuốc lá nhập lậu.

Trong đó yêu cầu lực lượng Công an, Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặt cơ sở tai mắt, theo dõi, điều tra, xác minh bắt giữ các đường dây, ổ nhóm buôn lậu lớn, có tổ chức. Kết quả qua 02 năm thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg đã phát hiện bắt giữ, khởi tố nhiều đối tượng buôn lậu thuốc lá với số lượng lớn.

Bên cạnh, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời phát hiện, ngăn chặn mặt hàng thuốc lá nhập lậu, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long, Báo Vĩnh Long tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá nhập lậu đối với nền kinh tế, xã hội; vận động người dân không tiếp tay cho buôn lậu thuốc lá, không mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng thuốc lá nhập lậu.

Song song, các ngành chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người dân các quy định của pháp luật liên quan đến thuốc lá nhập lậu, các hình thức xử lý và vận động được 1.968 cơ sở ký cam kết không mua bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá nhập lậu, phát 7.500 tờ rơi tuyên truyền.

Tuy nhiên, hiệu quả đấu tranh chưa tương xứng với thực tế là do khó khăn trong thực thi như: Theo quy định tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP đối với hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Vấn đề này hiện nay còn nhiều ý kiến khác nhau do theo quy định của Luật đầu tư 2014 thì thuốc lá ngoại không là hàng hóa cấm kinh doanh (mà quy định là mặt hàng kinh doanh có điều kiện) đã gây khó khăn cho công tác xử lý.

Vì lợi nhuận một số cơ sở tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu tiêu thụ thuốc lá nhập lậu, chấp nhận bị xử lý khi bị phát hiện. Do thị hiếu người tiêu dùng trong nước ưa chuộng đối với thuốc lá nhập lậu.

Lực lượng chống buôn lậu mỏng, trang thiết bị phương tiện được trang bị ít, lạc hậu, kinh phí phục vụ chống buôn lậu thuốc lá còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương đôi lúc còn chưa chặt chẽ, đồng bộ. Công tác thông tin về đối tượng vi phạm chưa được thực hiện thường xuyên. Lãnh đạo một số ngành, địa phương chưa quan tâm quyết liệt đến công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá. Tình trạng cán bộ, công chức sử dụng thuốc lá nhập lậu còn phổ biến.

Do thuốc lá là mặt hàng dễ cất giấu, vận chuyển; chủ kinh doanh thường không lưu trữ nhiều hàng hóa tại cửa hàng mà cất giữ phân tán tại nhiều điểm khác nhau nên rất khó phát hiện, trong khi nguồn tin cung cấp việc vận chuyển kinh doanh thuốc lá lậu không có nhiều, nên việc nắm bắt các đối tượng đầu nậu chính gặp nhiều khó khăn.

Theo BCĐ 389 tỉnh Vĩnh Long, hoạt động buôn lậu sẽ tiếp tục với quy mô và mức độ cao trong việc buôn bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu vào thị trường nội địa để tiêu thụ. Tình hình buôn lậu sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Để công tác chống buôn lậu thuốc lá đạt hiệu quả, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý thì cần có sự phối hợp giữa cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và cả nhân dân trong phòng chống buôn lậu. Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí chống buôn lậu đồng thời trang bị phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ... phục vụ công tác.

Về phía tỉnh, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, điểm tập kết, cất giữ vận chuyển thuốc lá nhập lậu nhằm nắm chắc diễn biến tình hình thị trường để thực hiện tốt hơn việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu. Bên cạnh, chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp tổ chức rà soát, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm các tụ điểm, đầu nậu buôn bán, tàng trữ thuốc lá nhập lậu nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu…

Nguyễn My

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm