Doanh nghiệp khó làm ăn, cổ phiếu bảo hiểm bị quên lãng?

Cập nhật: 16:02 | 07/01/2024 Theo dõi KTCK trên

Sau những lùm xùm nổ ra liên tiếp, sự giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan quản lý đối với hoạt động bán bảo hiểm và bancassurance khiến các doanh nghiệp bảo hiểm "làm ăn" khó khăn hơn trong năm 2023...

Khó khăn chồng chất, cổ phiếu bảo hiểm giảm sức hút

Tổng cầu thế giới yếu và bất ổn địa chính trị đẩy chi phí sản xuất gia tăng, tác động đến kinh tế Việt Nam trong năm qua. Nền kinh tế suy giảm khiến người dân thắt chặt chi tiêu, làm giảm nhu cầu mua sản phẩm bảo hiểm.

Không chỉ bị ảnh hưởng từ nền kinh tế, ngành bảo hiểm còn phải đối diện với khó khăn chưa từng có trước làn sóng khủng hoảng niềm tin của khách hàng khi những thông tin xấu về bảo hiểm nhân thọ và kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) xuất hiện tràn lan trên truyền thông trong năm 2023.

Theo Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), loạt lùm xùm liên quan tới bancassurance đã kéo niềm tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung suy giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử gần 30 năm phát triển tại Việt Nam.

Cổ phiếu bảo hiểm

Sau những lùm xùm nổ ra liên tiếp, sự giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan quản lý đối với hoạt động bán bảo hiểm và bancassurance khiến các doanh nghiệp bảo hiểm "làm ăn" khó khăn hơn trong năm 2023.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2023, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm ước đạt 227,1 nghìn tỷ đồng, giảm 8,33% so với năm trước. Trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ ước đạt gần 156 nghìn tỷ đồng, giảm 12,5%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 71,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4%.

Với bức tranh kinh doanh bảo hiểm ảm đạm như đã nói trên, khép lại năm 2023, dù thị trường chứng khoán khởi sắc với VN-Index tăng 12% so với năm ngoái, chỉ số ngành bảo hiểm giảm gần 6%, xuống mức 119 điểm.

Diễn biến kém tích cực của nhóm ngành bảo hiểm cũng một phần xuất phát từ thanh khoản thấp trên thị trường chứng khoán, do ngành phải đối mặt nhiều khó khăn, khiến các cổ phiếu bảo hiểm bị đánh giá thấp so với các cổ phiếu ngành tài chính khác như ngân hàng, chứng khoán - vốn đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư bấy lâu nay.

Theo đó, mỗi phiên trong năm 2023, thanh khoản của nhóm bảo hiểm chỉ có hơn 1,3 triệu cổ phiếu, giảm 58% so với năm trước, tương đương giảm hơn 1,8 triệu cp/ngày. Giá trị giao dịch cũng lao dốc hơn 65% - từ gần 122 tỷ đồng/ngày xuống còn hơn 43 tỷ đồng/ngày.

Top những cổ phiếu ngành bảo hiểm có thanh khoản giảm mạnh có thể kể tới như MIG với mức giảm 72%, BVH giảm 56% và BMI giảm 50%...

Ở chiều ngược lại, BIC là cổ phiếu có thanh khoản tăng mạnh nhất trong năm qua, gấp 2,4 lần năm trước, lên hơn 101 nghìn cổ phiếu được giao dịch mỗi phiên.

Còn đó những điểm sáng

Trong bối cảnh thanh khoản thị trường chứng khoán nói chung tương đối ảm đạm, thị giá một số cổ phiếu bảo hiểm phi nhân thọ vẫn tăng tốt nhờ thị trường chứng khoán khởi sắc và hưởng lợi từ nền lãi suất cao, giúp hoạt động tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm này tăng trưởng, bù đắp sụt giảm trong lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm.

Đơn cử như cổ phiếu AIC của Công ty CP Bảo hiểm Hàng Không (VNI, UPCoM: AIC) có thị giá tăng mạnh nhất năm qua với mức tăng hơn 70%, nhờ kết quả kinh doanh chuyển biến tích cực. Cụ thể, dù lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm đi lùi 8% so với cùng kỳ năm trước, còn gần 88 tỷ đồng; AIC vẫn đạt hơn 13 tỷ đồng lãi ròng trong 9 tháng đầu năm, tăng 42%, nhờ lợi nhuận hoạt động tài chính tăng 12%, lên gần 121 tỷ đồng. Trong đó, lãi tiền gửi gần 62 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ.

Vốn hóa cổ phiếu AIC cũng tăng tương ứng 74% so với năm trước, lên 1.460 tỷ đồng, tương đương tăng 620 tỷ đồng. Ngoài ra, VNR (tăng 47%), MIG (tăng 43%) cũng có vốn hóa tăng mạnh nhờ thị giá tăng.

Năm qua, khối ngoại chỉ mua ròng hơn 2,7 triệu cổ phiêu ngành bảo hiểm, giảm đến 83% so với năm 2022. Tuy nhiên, nếu tính theo giá trị thì khối ngoại lại bán ròng 82 tỷ đồng cổ phiếu bảo hiểm.

Theo đánh giá của Viện nghiên cứu Swiss Re, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và sự bất ổn địa chính trị gia tăng sẽ làm giảm triển vọng của ngành bảo hiểm giai đoạn 2024 - 2025.

Nhóm phân tích của Swiss Re cũng dự báo tổng mức tăng trưởng phí bảo hiểm bình quân trên toàn cầu chỉ ở mức 2,2%/năm trong hai năm tới (2024 - 2025), thấp hơn mức trước đại dịch (2018 - 2019: 2,8%) nhưng cao hơn mức trung bình của 5 năm qua (2018 - 2022: 1,6 %).

"Dù sẽ tiếp tục tăng cường khả năng sinh lời, chủ yếu nhờ vào việc cải thiện định giá điều chỉnh theo rủi ro, cũng như lợi tức đầu tư cao hơn, nhưng dự kiến ngành này vẫn chưa thể bù đắp được chi phí vốn vào năm 2024 hoặc 2025 ở hầu hết thị trường. Các sự kiện như chiến tranh Trung Đông sẽ làm gia tăng lạm phát cũng như gây biến động thị trường mạnh, làm tổn hại đến nguồn vốn của các công ty bảo hiểm" - báo cáo Swiss Re nêu.

Cẩn trọng với chiến lược "đu sóng" chuyển sàn

Vệc chuyển sàn cũng như niêm yết cổ phiếu cũng mang tới những "làn gió mới", nhất là trong tình trạng thị trường đang ảm ...

Năm 2024, Dragon Capital sẽ bơm tiền vào đâu?

Các chuyên gia hàng đầu của Quỹ tỷ USD - Dragon Capital - nhận định năm 2024 sẽ “dễ dàng hơn” với nhà đầu tư ...

Loạt cổ phiếu "tri ân" nhà đầu tư tuần đầu năm mới

Thị trường đã chinh phục thành công mốc 1.150 điểm và leo lên mức cao nhất trong 3 tháng ở tuần giao dịch đầu tiên ...

Nguyên Nam