Cẩn trọng với chiến lược "đu sóng" chuyển sàn

Cập nhật: 11:03 | 06/01/2024 Theo dõi KTCK trên

Vệc chuyển sàn cũng như niêm yết cổ phiếu cũng mang tới những "làn gió mới", nhất là trong tình trạng thị trường đang ảm đạm...

Loạt tân binh đổ bộ

Đầu năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam đón chào một số doanh nghiệp lên sàn chứng khoán, trong đó có những cái tên tương đối đáng chú ý.

Sớm nhất, gần 9 triệu cổ phiếu NEM của Công ty CP Thiết bị điện Miền Bắc sẽ lên sàn UPCOM trong phiên 5/1 với giá tham chiếu 10.200 đồng/cp, tương ứng vốn hóa đạt hơn 88 tỷ đồng. NEM có tiền thân là Công ty TNHH Liên doanh Sản xuất thiết bị điện Miền Bắc được thành lập năm 2004. Tới năm 2016, công ty chính thức chuyển thành công ty cổ phần. Ngày 5/12/2023, cổ đông lớn Tổng Công ty điện lực Miền Bắc (EVNNPC) nắm giữ hơn 2,3 triệu cổ phiếu tương ứng 26,26% vốn đã thoái vốn thành công qua phương thức bán đấu giá công khai cổ phiếu NEM tại HNX với giá 12.200 đồng/cp.

Cẩn trọng với chiến lược
Để có thể "đu sóng" chuyển sàn mang lại mức lợi nhuận tốt, nhà đầu tư cần trang bị thêm cho mình kiến thức chuyên môn để thẩm định doanh nghiệp

Tới phiên 8/1, hơn 8 triệu cổ phiếu KTW của Cấp nước Kon Tum và hơn 5 triệu cổ phiếu D17 của Đồng Tân cũng sẽ lên giao dịch trên UPCoM. Cụ thể hơn, Cấp nước Kon Tum đăng ký giao dịch toàn bộ 8,33 triệu cổ phiếu KTW với giá tham chiếu 10.900 đồng/cổ phiếu. Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty là khai thác, xử lý và cung cấp nước.

Công ty CP Đồng Tân cũng sẽ đưa hơn 5 triệu cổ phiếu D17 lên sàn UPCoM với giá tham chiếu 22.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa công ty đạt 116 tỷ đồng. Hiện Đồng Tân hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác mỏ, xây dựng dân dụng và công nghiệp, xây dựng công trình giao thông cầu đường, san lấp mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh doanh nhà.

Theo tìm hiểu Đồng Tân (tiền thân là công ty TNHH MTV Đồng Tân) được thành lập theo Quyết định số 556/QĐ-QP ngày 11/8/1993 của Bộ trưởng Quốc phòng. Doanh nghiệp này có ngành nghề ban đầu chủ yếu là trồng cây công nghiệp, chăn nuôi và dịch vụ. Ngày 23/7/2017, Bộ Quốc phòng ra Quyết định của số 2908/QĐ-BQP về việc phê duyệt phương án và chuyển Công ty TNHH MTV Đồng Tân thuộc Công ty TNHH MTV Đông Hải/Quân khu 7 thành công ty cổ phần.

Công ty CP Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land) cũng gây chú ý khi được HNX chấp thuận đăng ký giao dịch trên Upcom với 297 triệu cổ phiếu mã TAL.

Taseco Land là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản có vốn điều lệ gần 3.000 tỷ đồng, cao gấp gần 500 lần so với thời điểm thành lập năm 2009. Hiện Tập đoàn Taseco nắm hơn 215 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 72,49% vốn).

Còn với sàn HOSE, cái tên "xông đất" năm 2024 là một doanh nghiệp thuỷ điện. Theo đó vào phiên 12/1, hơn 235 triệu cổ phiếu HNA của Công ty CP Thủy điện Hủa Na sẽ niêm yết mới trên HoSE, trước đó cổ phiếu HNA đã giao dịch trên UPCoM từ năm 2017.

Được biết, Thủy điện Hủa Na được thành lập bởi 2 cổ đông sáng lập là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vào năm 2007 với số vốn điều lệ là 1.200 tỷ đồng, hiện hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh điện năng.

Cẩn trọng khi "xuống tiền"

Bối cảnh thị trường chứng khoán hiện nay đang ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch chào sàn và niêm yết cổ phiếu của các doanh nghiệp. Điển hình trong số đó là việc dòng tiền không còn dồi dào và chứng khoán không còn là kênh hút vốn dễ dàng.

Đặc biệt là tình trạng khan hàng. Những cái tên thực sự thu hút nhà đầu tư chỉ còn đếm trên đầu ngón tay như Agribank, Vinacomin - TKV, Mobifone, VNPT, SJC, Vinafood1. Lộ trình cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước cũng có nhiều vướng mắc và vẫn chưa hẹn ngày lên sàn. Trong khi đó, nhóm tư nhân cũng không còn nhiều doanh nghiệp "hot" để chờ đợi ngoài một vài cái tên như Thaco, TH True Milk, DOJI,… Những doanh nghiệp này cũng chưa có kế hoạch niêm yết trong tương lai gần.

Dù vậy, không thể phủ nhận triển vọng dài hạn lạc quan của chứng khoán Việt Nam nhờ tình hình vĩ mô ổn định và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo ở mức cao. Chứng khoán vẫn được đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn, nhất là khi môi trường tiền rẻ đang trở lại.

Cùng với đó, hoạt động niêm yết và giao dịch mới đang ấm dần trên thị trường chứng khoán. Nhiều cái tên mới như BCG Land (BCR), Nova Consumer (NCG), Bia Sài Gòn Bình Tây (SBB), Xây dựng Bình Phước (BCO) đã lên sàn cuối năm ngoái và đầu năm nay lại xuất hiện nhiều đơn vị mới.

Vệc chuyển sàn cũng như niêm yết cổ phiếu cũng mang tới những "làn gió mới", nhất là trong tình trạng thị trường đang ảm đạm. Việc đón sóng từ những tân binh cũng giúp nhiều nhà đầu tư có mức lợi nhuận khá tốt.

Do đó, những mã cổ phiếu có game chuyển sàn luôn được nhà đầu tư săn đón, mặc dù không phải mã nào cũng đem lại lợi nhuận. Hiện tượng cổ phiếu tăng giá sau khi chuyển sàn gần như đã trở thành quy luật nên thường được nhà đầu tư canh mua trên sàn cũ ngay khi có thông tin rò rỉ đầu tiên.

Tuy nhiên, có một thực tế là khi nhìn vào mức tăng trưởng của hầu hết các cổ phiếu chào sàn có thể thấy, đà tăng giá của các cổ phiếu này chủ yếu đi theo những câu chuyện ngắn hạn. Không ít cổ phiếu sau màn trình diễn ấn tượng là quay đầu giảm sốc, thậm chí có những mã còn đột ngột mất thanh khoản và liên tục nằm sàn.

Lấy ví dụ, trong năm 2023, cổ phiếu VFS của Chứng khoán Nhất Việt đã chính thức chuyển giao dịch từ sàn UPCoM sang niêm yết trên sàn HNX trong phiên 24/7 với giá tham chiếu 21.200 đồng/cp. Sau khi tăng lên mức 29.000 đồng/cp (phiên 31/8), thị giá VFS giảm dần. Đóng cửa phiên giao dịch cuối năm 2023, VFS chỉ còn 19.800 đồng/cp, tương ứng mất 10% sau nửa năm niêm yết trên HoSE.

Tương tự, cổ phiếu GDA của Tôn Đông Á đã giảm 16% sau gần 4 tháng lên sàn; cổ phiếu BCR của BCG Land cũng giảm tới 15% so với giá ở thời điểm chào sàn.

Theo các chuyên gia, để có thể "đu sóng" chuyển sàn mang lại mức lợi nhuận tốt, nhà đầu tư cần trang bị thêm cho mình kiến thức chuyên môn để thẩm định doanh nghiệp, am hiểu ngành nghề mà mình mua đuổi sẽ giúp tránh được rủi ro đầu tư khi mua ở vùng giá quá cao và lỗ nặng sau đó. "Một cổ phiếu tốt là doanh nghiệp phải hội tụ đầy đủ các yếu tố cơ bản và tiềm năng dài hạn", một chuyên gia chứng khoán chia sẻ.

Hàng triệu cổ phiếu PSH nằm sàn sau khi doanh nghiệp bị cưỡng chế 1.252 tỷ đồng

Trong phiên giao dịch cuối tuần, cổ phiếu PSH ghi nhận diễn biến tương đối tiêu cực nằm sàn với khối lượng lên tới hàng ...

Dòng tiền cá mập liên tục "giằng co", thị trường chứng khoán "xanh vỏ đỏ lòng"

Diễn biến phiên giao dịch 5/1, dòng tiền cá mập đổ bộ toàn phiên với thanh khoản thị trường giảm nhẹ. Nhóm ngành Ngân hàng ...

Cổ phiếu ACB vượt đỉnh lịch sử, quỹ ngoại tại nhà băng muốn "thoát hàng"

Thời gian gần đây, cổ phiếu ACB liên tục ghi nhận đà tăng mạnh qua đó vượt đỉnh lịch sử xác lập vào năm 2021. ...

Nguyên Nam