Cổ phiếu ACB vượt đỉnh lịch sử, quỹ ngoại tại nhà băng muốn "thoát hàng"

Cập nhật: 16:10 | 05/01/2024 Theo dõi KTCK trên

Thời gian gần đây, cổ phiếu ACB liên tục ghi nhận đà tăng mạnh qua đó vượt đỉnh lịch sử xác lập vào năm 2021. Trước đà tăng của cổ phiếu ACB, một quỹ ngoại bất ngờ muốn thoát hàng.

Theo nguồn tin từ Reuters. CVC Capital hiện đang đàm phán với một số cố vấn về việc bán cổ phần của Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) sau khi được một số người mua tiềm năng tiếp cận, bao gồm cả những người mua từ Nhật Bản. Công ty đầu tư có trụ sở tại châu Âu này là cổ đông nhỏ lẻ (sở hữu dưới 5% vốn) của ACB.

Cổ phiếu ACB vượt đỉnh lịch sử, quỹ ngoại tại nhà băng muốn
Diễn biến giá cổ phiếu ACB trong thời gian gần đây.

Tính theo mức giá đóng cửa phiên ngày 5/1, vốn hóa của ACB đạt gần 98.300 tỷ đồng. Như vậy, có thể ước tính khoản đầu tư của CVC tại ngân hàng này có thể trị giá lên đến 4.900 tỷ đồng (tương đương gần 5% cổ phần), theo Reuters.

Một nguồn tin cho biết vì giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) của ACB đã đạt 30%, bằng mức trần mà Chính phủ quy định nên cách duy nhất để nhà đầu tư nước ngoài mua thêm cổ phần của ngân hàng là một nhà đầu tư khác phải bán ra.

“Cách duy nhất để nhà đầu tư ngoại nắm cổ phần trong ngân hàng là được chuyển nhuyện từ một nhà đầu tư ngoại khác”. CVC từ chối yêu cầu bình luận trong khi ACB chưa phản hồi yêu cầu của Reuters.

CVC Capital Partners là một quỹ đầu tư tư nhân có trụ sở tại Luxembourg với tổng tài sản được quản lý lên tới 155 tỷ USD. Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, các quỹ do CVC quản lý hoặc tư vấn đã đầu tư vào hơn 100 công ty trên toàn thế giới, tuyển dụng hơn 450.000 người ở nhiều quốc gia. CVC được thành lập vào năm 198 và tính đến ngày 31 tháng 3 năm 2022, CVC có hơn 650 nhân viên làm việc trên mạng lưới 25 văn phòng trên khắp EMEA, châu Á và châu Mỹ.

CVC đã đầu tư vào ACB vào năm 2017, theo website của công ty. Tuy nhiên, CVC không công bố thông tin chi tiết về khoản đầu tư trên. Trong năm ngoái, CVC cũng đã bỏ ra 155 triệu USD để trở thành cổ đông nhỏ của công ty khí đốt Samator Indo Gas của Indonesia. Vào tháng 12/2022, công ty đã bán cổ phần tại Garudafood Putra Putri Jaya của Indonesia cho Hormel Foods từ Mỹ.

Quý 3 vừa qua, ACB ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 4.038 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận ACB đạt hơn 12.000 tỷ đồng, xếp thứ 7 toàn ngành (bao gồm cả Agribank).

Tổng tài sản ACB đạt gần 650.000 tỷ đồng vào cuối quý III/2023. Tăng trưởng tín dụng đạt 8,2%, cao hơn trung bình toàn ngành. ACB cũng là một trong những ngân hàng duy trì chất lượng tài sản tốt nhất, với tỷ lệ nợ xấu là 1,2% vào cuối quý IV.

Ngành ngân hàng Việt Nam đã chứng kiến hàng loạt các thương vụ mua bán và sáp nhập trong vài năm qua, khi các nhà đầu tư tăng cường tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam. Các ngân hàng Việt Nam cũng đang tìm kiếm đối tác ngoại để tăng vốn.

Hiện tại, ACB được xem là ngân hàng tiêu biểu về hoạt động quản trị, nổi bật là quản trị rủi ro, thường được giới quan sát nhắc đến với tính thận trọng, an toàn cao. Đây cũng là ngân hàng Việt Nam đầu tiên công bố Báo cáo Phát triển bền vững ESG, cho thấy một bức tranh cụ thể hơn về những gì nhà băng này đang làm ở khía cạnh Governance.

Theo ACB, quản trị hiệu quả chính là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của một tổ chức. Ngân hàng luôn duy trì các tiêu chuẩn cao nhất về đạo đức kinh doanh, nguyên tắc quản trị và báo cáo chính xác, minh bạch. ACB cam kết tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật và Nhà nước, nhằm hướng tới môi trường kinh doanh “sạch” và đem tới giá trị bền vững cho các bên hữu quan.

Quản lý rủi ro về phát triển bền vững tại ACB được lồng ghép vào công tác quản lý rủi ro tại ngân hàng đối với các rủi ro cụ thể, bao gồm rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng. Các rủi ro này được theo dõi và đánh giá thường xuyên nhằm giảm thiểu tác động tới các hoạt động của ngân hàng, quyền lợi của cổ đông, khách hàng và đối tác.

HNG liên tiếp tăng trần, HAGL đăng ký bán hơn 13 triệu cổ phiếu để trả nợ

Tận dụng đà tăng của cổ phiếu HNG, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai bất ngờ đăng ký bán hàng chục triệu đơn vị ...

VN-Index gặp lực bán tăng dần, cổ phiếu PSH nằm sàn sau thông tin tiêu cực

Trong phiên giao dịch cuối tuần, thị trường chứng khoán đã có tín hiệu suy yếu về điểm số cũng như thanh khoản.

Khối ngoại trở lại bán ròng hàng trăm tỷ, quỹ ETF của Dragon Capital "rơi vào tầm ngắm"

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 05/01, khối ngoại trở lại xả ròng mạnh tay trên toàn thị trường với tổng giá trị đạt 438,48 ...

Minh Hiếu