Vì cả tin và sợ mà nên nỗi…

Cập nhật: 09:10 | 11/10/2018 Theo dõi KTCK trên

Liên quan đến những vụ án lừa đảo theo phương thức, thủ đoạn giả danh CA rồi gọi điện cho người dân mục đích “moi tiền”, ngày 10-10, Cơ quan CSĐT, CA quận Thanh Xuân một lần nữa phát đi thông báo, kêu gọi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác; tỉnh táo phản ứng trước những cuộc điện thoại bất thường và báo cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết.

Đầu tháng 10, CA quận Thanh Xuân, Hà Nội nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Q, 67 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân. Trong đơn, bà Q cho biết, khoảng tháng 5-2018, khi đang ở nhà một mình thì bà Q nhận được một cuộc điện thoại của một người phụ nữ tự giới thiệu là nhân viên bưu điện. Người này nói với bà Q rằng một gói hàng gửi cho bà đang bị CQCA tạm giữ để điều tra vì có liên quan tới một vụ án.

Bà Q khẳng định mình không đặt mua hàng và chắc chắn không có một gói hàng nào của người thân hay bạn bè gửi cho mình. Tuy nhiên, đầu dây bên kia cho biết, nhiệm vụ của mình là thông báo cho khách hàng, còn mọi thủ tục phía sau sẽ bàn giao cho CQCA.

Ngay sau cuộc điện thoại đó, bà Q được nối máy trao đổi với một người đàn ông tự xưng là CA. Người này nói với bà về gói bưu phẩm và cho biết, số tài khoản ngân hàng của bà đã được một nhóm tội phạm sử dụng để thực hiện hành vi rửa tiền.

vi ca tin va so ma nen noi
Hình minh họa.

Vụ việc với bà Q bắt đầu nghiêm trọng hơn bởi lúc này bà có phần mất bình tĩnh, lo lắng và sợ hãi. Vì bản thân không liên quan đến gói hàng cũng như không biết gì về băng nhóm tội phạm rửa tiền nên bà một mực nói rằng mình chẳng biết gì. Lúc đó, trong lòng bà đang nghĩ rằng, khi người ta gọi điện cho mình thì mình nói thế nào cũng chẳng ai tin!

Và đúng như những gì bà nghĩ, lời bà nói không thuyết phục được 2 người tự nhận là nhân viên bưu điện và CA đã nêu. Sau khi nghe điện thoại, người tự nhận CA đã hướng dẫn bà Q chuyển hết số tiền tiết kiệm bà đang có vào một tài khoản ngân hàng để CQCA điều tra, xác minh, chứng minh số tiền đó là “tiền sạch”. Nếu không liên quan đến hành vi phạm tội, bà Q sẽ nhận lại được tiền cùng gói hàng. Chúng cũng không quên yêu cầu bà Q không được tiết lộ bất cứ thông tin cho ai, kể cả người thân, để đảm bảo an toàn tính mạng cho bà Q cũng như những người xung quanh.

Nghe những lời trên rất có lý, bà Q đã ra chi nhánh một ngân hàng, chuyển toàn bộ số tiền 45 triệu đồng-là tiền tiết kiệm của mình vào số tài khoản được đối tượng cho trước đó. Cẩn thận hơn, sau khi chuyển tiền, bà Q đã chụp lại ảnh tờ biên lai chuyển tiền và gửi lại cho chúng. Chờ mãi không thấy có ai đến trả lại tiền, bà Q gọi lại vào số điện thoại trước đó thì không liên lạc được. Lúc này, bà Q mới tỉnh ngộ khi biết mình đã bị lừa và mất nhiều thời gian sau, bà mới đủ trấn tĩnh để đến CA quận Thanh Xuân trình báo.

Chiêu thức lừa đảo mà bà Q là nạn nhân không hề mời mẻ vì đã xảy ra rất nhiều lần trước đó và đều được cảnh báo kỹ càng. Tuy nhiên, có thể không biết hoặc quá hoang mang với những lời nói “có lý” của đối tượng lừa đảo nên vẫn có thêm những nạn nhân mới sập bẫy; đa phần là phụ nữ hoặc người lớn tuổi vì nhóm người này hay mất bình tĩnh và hoảng loạn sau vài câu dọa dẫm. Các thành viên trong gia đình cần tuyên truyền, nói chuyện cho nhau và đặc biệt dặn kỹ phụ nữ trong nhà hay cha mẹ mình về thủ đoạn của nhóm tội phạm lừa đảo dạng này để mọi thành viên trong gia đình cùng nắm rõ và có thể bình tĩnh, tỉnh táo và không trở thành nạn nhân tiếp theo của những vụ lừa đảo tương tự.

Nam Du

Theo Phapluatxahoi.vn

Tin liên quan