Thị trường chứng khoán sẽ "chảy máu" dòng tiền khi lãi suất hồi phục trong năm 2021?

Cập nhật: 20:03 | 16/02/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán - Nguyễn Sơn, trong năm 2021, thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ có thuận lợi và thời cơ sẽ nhiều hơn nguy cơ và thách thức. Tuy nhiên, "lãi suất" và dịch "COVID-19" có thể sẽ là "con át chủ bài" trong câu chuyện nội lực của thị trường cũng như hành động của giới đầu tư.

Từ ngày 1/1/2021, Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực với nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Một trong những thay đổi được thị trường quan tâm liên quan đến mô hình tổ chức của Trung tâm Lưu ký chứng khoán – một tổ chức trung gian thị trường cực kỳ quan trọng, nơi thực hiện các công việc ngoài giao dịch như: thanh toán, bù trừ, lưu ký chứng khoán.

Vận hội mới cho chứng khoán Việt năm 2021
Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán - Nguyễn Sơn

Trước thềm năm mới Tân Sửu, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán - Nguyễn Sơn đã có chia sẻ về những thay đổi quan trọng này. Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam dẫn nguồn vneconomy.vn thông tin đến Quý độc giả.

Theo Luật Chứng khoán mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) sẽ chuyển đổi mô hình thành Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam. Như vậy, so với mô hình hiện nay có gì khác biệt, thưa ông?

Theo quy định của Luật Chứng khoán năm 2019, trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành, VSD sẽ hoạt động theo mô hình Tổng công ty với tên gọi mới là Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Viết Nam. So với mô hình hiện tại, ngoài chức năng tổ chức thực hiện đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hoàn tất giao dịch chứng khoán cho các chứng khoán niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán và chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết.

Việc chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình thành Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Viết Nam, theo Luật Chứng khoán năm 2019, sẽ giúp VSD nâng tầm vị thế, mở rộng hơn nữa khả năng cung cấp dịch vụ và hỗ trợ giao dịch cho thị trường như triển khai chức năng đối tác trung tâm (Central Counterparty – CCP) cho không chỉ thị trường chứng khoán phái sinh mà cả thị trường chứng khoán cơ sở; đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam theo yêu cầu của khách hàng thay vì việc khách hàng phải đăng ký tại Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, cũng như mở rộng và hoàn thiện hệ thống thành viên của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Vậy lộ trình triển khai việc chuyển đổi này như thế nào, thưa ông?

Hiện nay, VSD đang phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính để ban hành Quyết định về thành lập Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam và các bước triển khai theo Luật Chứng khoán. Sau khi đi vào hoạt động, chắc chắn đây sẽ là dấu ấn trong chặng đường phát triển của VSD góp phần vào việc đưa thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng phát triển.

Ông dự báo thế nào về triển vọng của thị trường chứng khoán 2021?

0141-li
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Bước sang năm 2021, theo quan điểm cá nhân tôi, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục chịu nhiều tác động đa chiều từ bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước, nhưng thị trường sẽ vẫn giữ được đà tăng trưởng của năm 2020.

Việc dòng vốn nước ngoài có khả năng quay trở lại vào năm 2021 với tỷ trọng cao hơn cho Việt Nam trong chỉ số MSCI FM sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh cho thị trường chứng khoán năm 2021. Bên cạnh đó, trên nền những thành công mà thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được năm 2020, đồng thời khi Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực, hệ thống công nghệ thông tin mới của toàn thị trường được triển khai sẽ tạo nền tảng pháp lý và công nghệ mới giúp nâng tầm thị trường, thúc đẩy tính minh bạch và hiệu quả của các thành viên thị trường.

Ngoài ra, việc tái cấu trúc thị trường với sự ra đời của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, việc chuyển đổi Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam thành Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam theo quy định của Luật Chứng khoán 2019, cũng như việc tái cơ cấu các tổ chức tham gia thị trường, tái cơ cấu nguồn cung cũng hứa hẹn sẽ đưa thị trường phát triển ngày càng bền vững, hiệu quả với nhiều dấu ấn mới.

Nếu phải miêu tả thị trường chứng khoán 2021 ngắn gọn bằng một từ thì ông sẽ dùng từ nào?

Theo cá nhân tôi, đối với thị trường chứng khoán, năm 2021 thuận lợi và thời cơ sẽ nhiều hơn nguy cơ và thách thức; nếu biết nắm bắt thuận lợi và thời cơ để vượt qua năm 2021 ngoạn mục thì đây sẽ là năm tạo ra bước tiến quan trọng đưa thị trường lên tầm cao mới với các nấc thang giá trị mới - khẳng định được vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam trên trường quốc tế nên tôi cho rằng "vận hội" sẽ là từ phù hợp cho thị trường trong năm 2021.

Lãi suất - và giấc mộng chứng khoán năm 2021

Điều gì khiến một nền kinh tế lao đao vì dịch bệnh lại song hành cùng sự thăng hoa của thị trường chứng khoán? Đây là câu hỏi hóc búa nhất của năm 2020. Khi giới kinh tế học khắp thế giới đi tìm kiếm khả năng phục hồi của nền kinh tế bằng mô hình các chữ cái khác nhau thì giới đầu tư chứng khoán chỉ quan tâm một điều: Tiền quá nhiều!

Dễ thấy, ngay khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thực hiện hạ lãi suất cấp kỳ xuống mức còn thấp hơn cả thời kỳ khủng hoảng 2008 và tung ra các khoản hỗ trợ ngàn tỷ USD (trong đó có cả trợ cấp tiền miễn phí cho cá nhân, hộ gia đình) thì giới đầu tư Mỹ đã nhận xét chính sách đó không phải là "viên đạn đại bác", mà là "bom nguyên tử", vì suốt lịch sử nước Mỹ chưa bao giờ có liều thuốc "nặng đô" cỡ này.

Vì vậy, mặc cho những lý giải về triển vọng phục hồi kinh tế không thể nào thống nhất giữa các học giả, thị trường chứng khoán vẫn bùng nổ. Việt Nam không có chính sách hỗ trợ "nặng đô" như Mỹ nhưng chính sách lãi suất thấp đã khiến thị trường chứng khoán trở nên rẻ.

5554-lai
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Lãi suất là một tham số đầu vào cho mọi công thức định giá tài sản tài chính. Điều quan trọng hơn là lãi suất thấp khiến người dân cảm thấy giữ tiền không sinh lời bằng việc mua một thứ gì đó. Cổ phiếu lại đang nằm giữa một "cơn điên tăng giá", cộng với sự nhiệt tình của những nhân viên phát triển khách hàng của các công ty chứng khoán, việc bùng nổ số lượng nhà đầu tư mới là điều dễ hiểu.

Điều quan trọng hơn là có quá nhiều "bằng chứng sống" thành công ngay bên cạnh mỗi người. Đó có thể là một người bạn, đồng nghiệp khoe lợi nhuận đầu tư được hiện thực hóa bằng căn hộ chung cư, bằng xe ôtô, hay đơn giản là chính mình trải nghiệm chiến thắng dễ dàng để rồi "gấp thếp" số tiền đầu tư. Điều này giống như một giấc mộng đẹp quá sức tưởng tượng.

Vẻ đẹp của giấc mộng đó rất thực: Tính từ đáy thị trường ngày 31/3/2020 đến cuối tháng 12/2020, riêng sàn HOSE có gần 300 cổ phiếu tăng trên 20% chỉ trong vòng 9 tháng; Khoảng 200 cổ phiếu trong số này tăng trên 50%; tròn 100 cổ phiếu tăng trên 100%. Và nếu xuất sắc hơn nữa, nhà đầu tư có thể nắm giữ trúng 25 cổ phiếu tăng trên 200%.

Rõ ràng, nếu so với mức lãi suất tiết kiệm 6% một năm thì không ai muốn là kẻ thất bại chỉ vì không dám bước chân vào thị trường chứng khoán.

Đang trong một giấc mộng đẹp thì không ai muốn tỉnh, đó là tâm lý của tất cả mọi người. Thậm chí những nhà đầu tư lão luyện tầm cỡ thế giới từng kiếm hàng tỷ USD lợi nhuận trên thị trường khi lên tiếng cảnh báo về một tương lai đầy rủi ro khó tránh khỏi thì cũng đột nhiên trở thành những kẻ chọc cười. Nguyên nhân đơn giản là khi tận hưởng một bữa tiệc thịnh soạn, người ta sẽ chú ý đến các món ăn bày biện trên bàn hơn là việc ai sẽ trả tiền, hay tệ hơn, ai sẽ là người "rửa bát". Dù là một kết cục tất yếu phải đến nhưng không ai trong bữa tiệc muốn nghĩ tới lúc này.

Cũng giống như dịch bệnh sẽ chấm dứt nếu vaccine có kết quả, giấc mộng chứng khoán cũng sẽ kết thúc khi liều thuốc lãi suất hết hiệu lực. Hiện tượng đầu tư quá dễ dãi bằng nguồn vốn rẻ tưởng như vô tận luôn để lại hậu quả tiềm ẩn. Những nhà đầu tư mới vốn chưa bao giờ chứng kiến "một con gấu" (bear-market) ở cự li gần sẽ luôn phải trải qua những bài học đắt giá.

Xu hướng cổ phiếu VN30 đầu năm 2021: 20 mã tăng giá, FPT tiếp tục sinh lời

Tính từ đầu năm 2021, cổ phiếu nhóm VN30 đã ghi nhận những tín hiệu tích cực khi có tới 20 mã tăng trưởng trong ...

Nhận định chứng khoán ngày 17/2/2021: Xuất hiện các nhịp biến động mạnh

Phiên giao dịch cuối năm Canh Tý, các chỉ số nhanh chóng lấy lại đà tăng với chỉ số VN-Index đóng cửa tại 1.114,93 điểm ...

10 mã cổ phiếu tăng giá mạnh nhất các sàn giao dịch từ đầu năm 2021

Dù VN-Index không bứt phá quá mạnh về mặt điểm số song cơ hội kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán (tính từ đầu ...

Quân Vương