Nhận định chứng khoán tuần từ 4-8/1/2021: Vẫn còn nhiều trợ lực

Cập nhật: 10:04 | 03/01/2021 Theo dõi KTCK trên

Chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm 2020, VN-Index đứng ở mức 1.103,87 điểm, tăng gần 15% so với đầu năm 2020; HNX-Index đứng ở mức 203,12 điểm, tăng hơn 98% so với hồi đầu năm. Cùng với sự đi lên của thị trường chung, hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu có một năm tăng trưởng rất tích cực. Với diễn biến này, giới phân tích từ các công ty chứng khoán đang có những lạc quan về diễn biến thị trường chứng khoán trong tuần tới (từ 4-8/1) và đặt nhiều kỳ vọng vào năm 2021.

Với mức tăng như trên, VN-Index đã đưa thị trường chứng khoán Việt Nam đứng thứ 6 trong top 10 thị trường tăng điểm mạnh nhất tháng 12 sau Thổ Nhỉ Kỳ (15,05%), Ai Cập (13,63%), ChiNext - chỉ số có tỷ trọng lớn của các cổ phiếu công nghệ của Trung Quốc (12,7%), Bồ Đào Nha (11,13%) và Hàn Quốc (10,89%).

Ngoài ra, VN-Index còn ở vị trí thứ 5 trong top 10 thị trường tăng điểm mạnh nhất 6 tháng với 33,78%.

Bên cạnh VN-Index, 2 chỉ số khác là HNX-Index và UPCoM-Index cũng tăng điểm tốt ở tháng 12, trong đó, HNX-Index tăng 55,42 điểm (37,52%) lên 203,12 điểm, còn UPCoM-Index tăng 7,55 điểm (11,3%) lên 74,45 điểm.

Như vậy, kết thúc năm 2020, VN-Index tăng 142,88 điểm tương ứng 14,87% so với cuối năm 2019. HNX tăng 98,1%. Tương tự, UPCoM-Index tăng 31,6%.

Tại phiên giao dịch cuối cùng của tháng 12, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt gần 5,3 triệu tỷ đồng (228 tỷ USD), tăng 523.594 tỷ đồng (11%) so với cuối tháng 11 và 910.187 tỷ đồng (20,8%) so với cuối năm 2019.

Trong đó, vốn hóa riêng sàn HoSE tăng 13,2% so với tháng 11 và 24,4% so với cuối năm 2019 lên mức hơn 4,08 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, vốn hóa sàn HNX tăng 10,6% so với cuối năm 2019 nhưng giảm 18,2% so với tháng 11 và đạt 212.320 tỷ đồng. Việc vốn hóa sàn HNX giảm so với cuối tháng 11 là do trong tháng 12, 2 trong số các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất là ACB của Ngân hàng Á Châu và VCG của Vinaconex chuyển sang giao dịch ở HoSE.

0225-nhan-dinh
Hình minh họa

Dự báo thị trường chứng khoán tuần đầu tiên năm 2021:

Diễn biến khởi sắc

(CTCP Chứng khoán Bảo Việt – BVSC)

Thị trường chứng khoán sẽ có diễn biến khởi sắc trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2021. VN-Index sẽ tiếp tục thử thách vùng kháng cự 1.110-1.130 điểm trong ngắn hạn.

Dòng tiền trong nước sẽ vẫn là động lực chính hỗ trợ cho đà tăng của thị trường. Nhà đầu tư cũng sẽ hướng sự quan tâm đến kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết.

Thị trường có thể tiếp tục rung lắc

(CTCP Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội SHS)

Từ ngày 4/1/2021, quy định về nâng lô tối thiểu trên HOSE lên 100 cổ phiếu sẽ có hiệu lực và điều này có thể ảnh hưởng đến các giao dịch của nhà đầu tư. Thị trường đang đi vào vùng giá tương đối cao nếu so với tương quan diễn biến trong lịch sử.

Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2020 kỷ lục VN-Index tăng điểm liên tiếp 9 tuần vào cuối năm 2017 và hiện tại thị trường đã san bằng với kỷ lục đó.

SHS cho rằng thị trường có thể tiếp tục rung lắc trong tuần tới và khả năng điều chỉnh được để ngỏ với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 1.070 (MA20) điểm và xa hơn quanh 1.010 điểm (MA50).

VN-Index kỳ vọng sẽ vượt vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm

(CTCP Chứng khoán KB Việt Nam – KBSV)

Sự phục hồi của thị trường chứng khoán là nhờ những biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; bộ đệm hỗ trợ mạnh mẽ đến từ chính sách nới lỏng tiền tệ và mở rộng tài khóa ở trong nước cũng như quốc tế và kỳ vọng vào việc vắcxin sớm được phân phối.

Thực tế, kết phiên giao dịch cuối cùng của năm 2020 (phiên 31/12), VN-Index đứng ở mức 1.103,87 điểm, tăng gần 15% so với đầu năm 2020; HNX-Index đứng ở mức 203,12 điểm, tăng hơn 98%. UPCOM-Index cũng chốt ở mức 74,45 điểm, tăng hơn 31,6%.

Đối với kỳ vọng thị trường năm 2021, nhóm chuyên gia của KBSV tiếp tục nghiêng về khả năng mở rộng đà tăng của chỉ số khi hội tụ nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực.

Theo KBSC, dù đã phục hồi mạnh và vượt qua mức trước dịch bệnh nhưng nền giá hiện tại vẫn ở mức hợp lý và còn nhiều dư địa để phản ánh thêm những cơ hội trong năm 2021; trong đó, kỳ vọng của KBSV bao gồm việc dịch bệnh COVID- 19 vẫn được kiểm soát hiệu quả ở Việt Nam; phân phối vắcxin có thể diễn ra vào giữa năm 2021, qua đó chấm dứt dịch bệnh.

KBSV cũng cho rằng nền kinh tế và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ hồi phục về giai đoạn bình thường trước dịch trong môi trường nới lỏng tiền tệ; cùng với những căng thẳng thương mại có phần hạ nhiệt khi Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden, có thể sẽ tiếp cận một cách ôn hòa hơn.

KBSV kỳ vọng, VN-Index sẽ vượt vùng đỉnh lịch sử quanh 1.200 điểm trong năm 2021 trước khi chịu áp lực điều chỉnh và quay trở lại giao dịch ổn định quanh mốc này, tương ứng với mặt bằng P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) dự kiến xấp xỉ 16,5 và EPS (Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu) dự kiến tăng 20%.

Tuy nhiên, KBSV khuyến nghị quý 1/2021 được xem là giai đoạn tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất với thị trường bởi số ca nhiễm dịch bệnh trên toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, có thể làm chậm quá trình hồi phục kinh tế toàn cầu, trong khi việc chuyển giao chính quyền mới ở Mỹ có thể không diễn ra suôn sẻ. Dù vậy, đây được xem là cơ hội tốt để nhà đầu tư có thể gia tăng, mở lại tỷ trọng nếu thị trưởng giảm điểm.

Tận dụng các nhịp điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu

(CTCP Chứng khoán SSI)

Định giá hiện tại của hầu hết các ngành đã quay trở lại mức trước COVID-19, ngay cả khi tính đến lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ năm 2021.

SSI cho rằng năm 2020-2021 có thể sẽ khác khi tính đến thanh khoản dồi dào và vai trò của nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư “F0” (tên gọi chung trên toàn thế giới về làn sóng các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường chứng khoán sau khi dịch bệnh bùng nổ) ngày càng tăng.

Định giá thị trường Việt Nam vẫn còn thấp hơn tương đối so với các nước khác trong khu vực.

Trong kịch bản tốt nhất, dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán sẽ là động lực giúp P/E thị trường năm 2021 đạt mức cao kỷ lục như mức đã đạt được trong vòng 3 năm qua.

SSI vẫn có góc nhìn lạc quan về diễn biến thị trường năm 2021. Công ty chứng khoán này nhận định, ngành năng lượng, tiêu dùng không thiết yếu và bất động sản là 3 lĩnh vực có thể đạt mức tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2021.

Nhận định chứng khoán tuần tới, SSI cho biết, việc VN-Index phiên cuối tuần qua nỗ lực vượt ngưỡng cản tâm lý 1.100 điểm cùng với động thái quay trở lại hỗ trợ thị trường của nhóm vốn hóa lớn cho thấy khả năng VN-Index đã quay lại với đà tăng sau phiên điều chỉnh liền trước.

Thêm vào đó, do các vùng giá mục tiêu trên VN-Index nằm tại 1.140 điểm và 1.200 điểm đang cách khá xa so với vùng giá hiện tại, nên nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu.

Ở góc nhìn dài hạn hơn, SSI cho rằng rủi ro có thể gia tăng khi thị trường tiến gần đến vùng 1.140-1.150 điểm, do đó nhà đầu tư cần phòng ngừa rủi ro bằng các chiến lược giao dịch phù hợp tại các vùng cản nêu trên, SSI khuyến nghị.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Mua bán cổ phiếu trên HOSE năm 2020: Gần 60% nhà đầu tư có lãi

Với 224 mã tăng mạnh trong năm 2020 - tương đương gần 60% lượng cổ phiếu niêm yết trên HOSE, không quá bất ngờ khi ...

Năm COVID: Nhiều nhóm cổ phiếu lên ngôi

2020 là một năm thắng lớn đối với nhiều mã ngành trên thị trường. Cùng với nhóm y tế, chứng khoán, dầu khí... việc Chính ...

Khối ngoại bán ròng gần 19.000 tỷ đồng năm 2020: Mã nào bị xả mạnh?

Trái ngược hoàn toàn với sự tích cực về mặt điểm số trên các chỉ số, 2020 cũng đánh dấu một năm dòng vốn ngoại ...

Tân An (t/h)