Nguy hiểm khi tự ý dùng đèn hồng ngoại để "đau đâu, chiếu đó"

Cập nhật: 16:01 | 01/04/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Đèn hồng ngoại thường được sử dụng trong y học để điều trị bệnh về xương, khớp vật lý trị liệu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nó được quảng cáo để chữa... bách bệnh. Theo ý kiến nhiều chuyên gia, việc lạm dụng đèn hồng ngoại trong điều trị xương khớp có thể gây tác dụng ngược đối với sức khỏe, còn vai trò làm đèn sưởi của nó cũng mơ hồ.  

nguy hiem khi tu y dung den hong ngoai de dau dau chieu do Muốn có trái tim khỏe, hãy tránh xa những thực phẩm này
nguy hiem khi tu y dung den hong ngoai de dau dau chieu do Làm thế nào để không còn những vụ trẻ em đuối nước thương tâm?

Dọc đường Cống Quỳnh, Q1, TPHCM được coi là một trong những địa điểm chuyên bán buôn dụng cụ thiết bị y tế, đèn hồng ngoại bày bán đủ loại, đủ giá. Bà Nguyễn Thị Ngọc, chủ cửa hàng dụng cụ y khoa H.N đưa chúng tôi xem sản phẩm như chiếc đèn bàn, cho biết: “Đèn hồng ngoại này bóng quan trọng hơn chân đèn. Chân đèn Việt Nam, bóng của Đức giá 450.000đ/đèn, bóng Trung Quốc thì rẻ hơn. Chỉ cần lắp bóng vào là… chiếu! Sưng, đau, bầm tím, nhức mỏi đều dùng được, chủ động tự chữa bệnh tại nhà, tới phòng khám chiếu đèn cũng mất 40.000 - 50.000đ/lần, cứ 10 lần là đủ tiền mua 1 đèn”. Bà Ngọc nhắc khéo: “Cẩn thận kẻo mua phải bóng giả dùng nhanh bay màu, không có tác dụng chữa bệnh. Hàng cô có tới 3 loại giả, do người ta ký gửi bán hộ, chỉ có duy nhất một loại hàng thật, nếu con mua thì cô bán hàng thật mà dùng”.

nguy hiem khi tu y dung den hong ngoai de dau dau chieu do
Dùng đèn hồng ngoại chữa bệnh không cẩn thận vô cùng nguy hiểm. Ảnh minh họa

Ghé cửa hàng thiết bị y tế T.H, nhân viên bán hàng mang đèn ra lắp bóng hồng ngoại cho khách xem: “Cứ đau đâu chiếu đó, tự chiếu đèn ở nhà 15 phút/lần, chiếu bao nhiêu lần trong ngày tùy ý, thấy giảm đau thì thôi, khỏi phải đi tới bác sĩ. Đi đông y nhất định phải chiếu đèn này. Kéo cổ, khớp, xương… cũng soi đèn là hết bệnh. Đèn xịn giá 400.000đ/cái”. Nhiều trang mạng giới thiệu đèn này tác dụng sưởi ấm, chữa bệnh, với các công dụng nghe là mê. Trang dienmaygiadinh.net quảng cáo: “Đèn sưởi nhà tắm hồng ngoại tập trung những tia sáng điện từ hồng ngoại rọi vào cơ thể gây ra các phản ứng lý, hóa điều trị các bệnh lý: Đau, sưng, phù nề, bầm, tím, khớp, gout… Tác dụng tích cực làm đẹp da, kích thích sinh trưởng tế bào da mới, mất đi tế bào da chết…”.

Theo Đại tá, TS Đỗ Kiên Cường, nguyên phân viện phó Phân viện Vật lý Y Sinh học, Trung tâm Khoa học Kỹ thuật & Công nghệ quân sự (Bộ Quốc phòng), đèn hồng ngoại thuộc nhóm nhiệt trị liệu, cùng với nhiệt lạnh tạo thành nhóm các tác nhân nhiệt bề mặt, vẫn được dùng trong vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Bằng kinh nghiệm, nhiều nhà thực hành cho rằng các phương pháp nhiệt bề mặt ít có tác dụng trực tiếp, mà thường gián tiếp qua tác dụng thư giãn. Nó bao gồm giảm đau, giảm trương lực cơ, tạo trấn dịu (giảm co cứng cơ, căng thẳng, co thắt) và giảm căng cơ trong các tổ chức liên quan. Do đó, nhiệt trị liệu thường được dùng trong các bệnh cơ xương khớp, chủ yếu điều trị triệu chứng. So với các phương pháp nhiệt trị khác (tắm xoáy nóng, túi đắp nóng, parafin hay kỹ thuật dòng chất lưu), hiện đèn hồng ngoại ít được dùng do hai lý do độ xuyên sâu trong da rất thấp, nguy cơ bị bỏng.

Lương y Nguyễn Công Đức, Phòng khám Đông y Công Đức (TPHCM), cũng cho rằng đèn hồng ngoại thường dùng điều trị những trường hợp viêm mãn tính, co cơ, đau cơ kéo dài, chiếu đèn làm mạch máu dãn nở, cảm thấy dễ chịu hơn. Những trường hợp bị bệnh đã tập vật lý trị liệu, được bác sỹ cho điều trị chiếu đèn, có thể dùng tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ về số lần, thời gian và khoảng cách chiếu đèn. Chống chỉ định trường hợp xương khớp đang viêm, mới bị chấn thương, té ngã máu tụ, máu bầm tuyệt đối không được dùng đèn chiếu, vì sẽ làm tăng quá trình viêm, cơ giãn ra gây tụ máu bầm nhiều hơn, hại sức khỏe. Tự ý mua đèn hồng ngoại về dùng kiểu “đau đâu chiếu đấy” lợi bất cập hại và rất nguy hiểm.

Do đó, để tránh các tai biến và biến chứng có thể xảy ra nên dùng đèn hồng ngoại đúng chỉ định và đúng kỹ thuật. Về khoảng cách từ đèn đến vùng được chiếu khoảng 45cm, không nên đặt đèn quá gần hoặc quá xa. Không nên đặt các bóng đèn trực tiếp trên người, ngoại trừ các trường hợp có màn chắn bảo vệ. Tránh để đèn gần những vật liệu dễ bị ảnh hưởng nhiệt, vật liệu dễ cháy. Đặc biệt lưu ý không nên mua đèn hồng ngoại kém chất lượng sẽ gây cháy nổ vô cùng nguy hiểm. Cũng theo các chuyên gia, đèn hồng ngoại không phải ai cũng có thể sử dụng như bị chấn thương cấp tính hoặc các bệnh lý cấp tính vì nhiệt trị liệu ở giai đoạn này sẽ làm tăng sự phù nề và ứ đọng dịch; Các trường hợp bướu lành hoặc ác tính vì sẽ làm tăng nhanh sự phát triển của bướu; Các nhiễm trùng sâu, bệnh nhân có bệnh dễ chảy máu, bệnh nhân bị giảm hay mất cảm giác nóng, lạnh; Những bệnh nhân có bệnh lý mạch máu như xơ vữa động mạch…

Theo Đại tá, TS Đỗ Kiên Cường, dùng đèn hồng ngoại trong quá trình điều trị bệnh xương khớp chỉ là giải pháp hỗ trợ, người bệnh vẫn phải kết hợp thuốc uống cũng như tập vật lý trị liệu. Ngoài ra, không nên lạm dụng dùng đèn này để tân trang sắc đẹp, sử dụng không đúng gây khô da vùng chiếu đèn và gây bỏng. Hiện loại đèn này được giới thiệu là thiết bị sưởi ấm với nhiều công dụng như tẩy tế bào chết… chỉ là quảng cáo quá sự thật về sản phẩm.

Trang Nhi