Khối ngoại sẽ trở lại mạnh mẽ trong năm 2024?

Cập nhật: 15:39 | 16/01/2024 Theo dõi KTCK trên

Sau một năm 2023 bán tháo tương đối mạnh, khối ngoại được kỳ vọng sẽ đổ ròng tỷ đô vào thị trường chứng khoán Việt Nam...

Lý do khối ngoại bán ròng mạnh

Năm 2023 đã khép lại với nhiều điểm nhấn, bên cạnh chỉ số VN-Index đã hồi phục hơn 12% nhờ diễn biến tích cực của nhóm nhà đầu tư trong nước, trong đó nhà đầu tư cá nhân đã duy trì vị thế mua ròng trong 5 tháng liên tiếp với giá trị hơn 8,3 nghìn tỷ đồng, còn nhà đầu tư tổ chức mua vào gần 800 tỷ đồng, đánh dấu 3 tháng giải ngân liên tiếp.

Trái ngược với sự hấp thụ của dòng tiền trong nước, khối ngoại đã ghi nhận 6 tháng liên tục bán ròng và có phần tăng tốc ở tháng cuối cùng trong năm 2023. Qua đó, khối ngoại đã nâng tổng giá trị bán ròng ở cả năm 2023 lên xấp xỉ 21 nghìn tỷ đồng.

Khối ngoại sẽ trở lại mạnh mẽ trong năm 2024?
Khối ngoại được kỳ vọng sớm trở lại với thị trường chứng khoán năm 2024

Theo Chứng khoán TPBank (TPS), các nguyên nhân chính dẫn đến động thái bán ròng mạnh của khối ngoại có thể kể đến bao gồm:

Thứ nhất, nền kinh tế phục hồi không đạt kỳ vọng khi tăng trưởng tín dụng và GDP lỡ hẹn mục tiêu năm. Cùng với đó, sản xuất vẫn còn yếu (PMI dưới 50) và việc mạo hiểm đánh đổi tăng trưởng với tỷ giá đã khiến USD/VND neo ở mức cao trong giai đoạn cuối năm, từ đó làm dấy lên lo ngại về câu chuyện tỷ giá.

Thứ hai là nhóm doanh nghiệp niêm yết hồi phục chậm. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết chưa đạt kỳ vọng, đặc biệt là nhóm ngân hàng vốn chiếm tỷ trọng cao nhất thị trường.

Thứ ba là định giá không quá hấp dẫn. Việc tăng mạnh trong giai đoạn tháng 06-09/2023 đã khiến định giá theo P/E của VN-Index vượt mức trung bình 10 năm.

Thứ tư là chốt lời. Nhìn vào biến động của thị trường và dòng tiền đầu tư ròng của khối ngoại, có thể dễ dàng thấy được nhóm nhà đầu tư này đã khôn khéo giải ngân khi thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có mức chiết khấu lớn và định giá rơi về các mức thấp trong lịch sử. Sau đó, nhà đầu tư ngoại bắt đầu chốt lời dần khi thị trường bước vào nhịp tăng mạnh với thanh khoản bùng nổ. Nhịp bán này càng diễn ra quyết liệt hơn vào những tháng cuối năm.

Thứ năm là thay đổi chính sách ở các thị trường phát triển. Đối với TTCK Mỹ và các nước phát triển, việc chính sách tiền tệ sẽ đảo chiều trong năm 2024 đã giúp dòng tiền tìm về các thị trường này. Đối với Thái Lan, từ ngày 01/01/2024, quy định mới cho phép các cơ quan chức năng đánh thuế thu nhập từ nước ngoài của các cá nhân đã có ảnh hướng đến sự dịch chuyển dòng vốn của nước này tại Việt Nam trong thời gian qua.

Thứ sáu là sự hấp dẫn từ các thị trường khác. TTCK Mỹ đang cho thấy xu hướng tăng rõ nét và mạnh mẽ sau khi các chỉ số chứng khoán của nước này đều vượt đỉnh để mở ra triển vọng tăng dài hạn sau khi Fed phát đi các thông điệp đảo chiều chính sách; trong khi TTCK Thái Lan đang có mức chiết khấu lớn (quanh 15%) sau năm 2023 đầy biến động.

Kỳ vọng sự trở lại trong năm 2024

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) đánh giá, việc rút vốn là một bước đi hợp lý trong việc cơ cấu danh mục đầu tư của các quỹ, chuyển hướng đến các thị trường đang phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản,...

MASVN cũng nhận định, trong năm 2024, kế hoạch giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ làm tăng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, dù giá cổ phiếu hiện thấp so với định giá. Dự kiến khối ngoại sẽ quay lại với điều kiện ổn định tỷ giá là một yếu tố quan trọng.

Thị trường chứng khoán Việt đặt mục tiêu nâng hạng từ "cận biên" lên "mới nổi" vào nửa cuối năm 2025. Trước khi thị trường được nâng hạng, dòng vốn lớn từ các định chế tài chính quốc tế dự kiến sẽ đổ mạnh vào thị trường để tận dụng cơ hội, giống như trước đó đã xảy ra ở các thị trường trong khu vực.

Nhiều quan điểm khác cũng đồng thuận rằng áp lực bán ròng từ nhà đầu tư nước ngoài không đáng lo ngại và dòng tiền sẽ gia tăng trong thị trường chứng khoán năm 2024 để chuẩn bị cho làn sóng "nâng hạng" từ cuối quý I/2024.

VinaCapital tin rằng, câu chuyện triển khai hệ thống giao dịch KRX sẽ giải quyết một số vấn đề kỹ thuật và có thể giúp Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi bởi FTSE-Russell vào cuối năm 2024.

Chứng khoán BIDV (BSC) trong kịch bản tích cực dự đoán, dòng vốn ngoại sẽ mua ròng 700 triệu USD với sự hỗ trợ từ chênh lệch lãi suất giữa USD và VND dần thu hẹp khi FED giảm lãi suất. Tuy nhiên, công ty cũng cảnh báo về khả năng bán ròng 200 triệu USD của khối ngoại nếu các yếu tố trên không diễn ra thuận lợi vào cuối năm 2024.

Khối ngoại sẽ trở lại mạnh mẽ trong năm 2024?

Dragon Capital "quay xe" sau một ngày rời ghế cổ đông lớn tại Kinh Bắc (KBC)

Vừa giảm sở hữu tại Đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC), nhóm Dragon Capital lập tức trở lại nâng sở hữu lên hơn 5% tại ...

Thanh khoản giảm sâu, Vn-Index lấy lại sắc xanh trong cuối phiên

Trong phiên giao dịch thứ Ba, thị trường tiếp tục ghi nhận mức thanh khoản thấp. Với nỗ lực của phe mua, chỉ số VN-Index ...

"Bốc đầu" kịch trần sau khi chào sàn HOSE, Thủy điện Hủa Na (HNA) làm ăn ra sao?

Kết phiên giao dịch sáng 16/1, cổ phiếu HNA của Công ty CP Thuỷ điện Hủa Na - tân binh mới chào sàn HOSE giao ...

Nguyên Nam