Cổ phiếu bánh kẹo khó tạo "sóng" quý III

Cập nhật: 10:03 | 09/09/2020 Theo dõi KTCK trên

Trên sàn chứng khoán, số cổ phiếu ngành bánh kẹo không nhiều, nổi bật cũng chỉ có KDC và Bibica. Ngoài ra, các cổ phiếu ít được dòng tiền chú ý hơn là CTCP Thực phẩm Hữu Nghị (HNF), CTCP Bánh kẹo Hải Hà (HHC)...

0108-trung-thu
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Theo ghi nhận của các doanh nghiệp, những năm trước đây, thị trường bánh trung thu đều tăng trưởng từ 5 - 10%/năm cùng tỷ suất lợi nhuận tốt. Riêng mùa trung thu năm nay, tác động từ dịch bệnh COVID19 là khá rõ ràng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng Giám đốc CTCP Bibica (BBC), nhu cầu thị trường năm nay giảm từ 10 - 20% so với cùng kỳ 2019. Thị trường bánh trung thu sau thời gian dài phát triển đã định hình khá rõ ràng với hai nhóm có ưu thế bao gồm: Nhóm công ty quy mô lớn, bề dày kinh nghiệm như Kinh Đô Mondelez, Bibica, Hữu Nghị… và nhóm các nhãn hàng dạng chuỗi bakery.

Ông Hoàng đánh giá, hai nhóm này vẫn duy trì được thế mạnh trong mùa trung thu trong khi các nhãn hàng nhỏ lẻ thì đã bị sàng lọc khá nhiều qua từng mùa. Người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn, nhất là có mục đích biếu tặng là chính, tạo cơ hội cho nhãn hàng lớn.

Thông tin đáng chú ý trong mùa trung thu năm nay là sự tái xuất của “ông lớn” KDC từng nắm giữ khoảng 70% thị phần bánh trung thu với thương hiệu bánh trung thu Kingdom.

Tuy nhiên, cũng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nên KDC đưa ra kế hoạch sản lượng chỉ với 4 triệu chiếc bánh, ước tính doanh thu khoảng 200 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 50 tỷ đồng. Nếu không có dịch bệnh, KDC có thể sản xuất gấp đôi con số này.

Trong ngành bánh kẹo, ghi nhận từ các doanh nghiệp đều cho rằng, sản xuất - kinh doanh bánh trung thu có thể xem là phức tạp, thể hiện khả năng quản trị, kỹ thuật công nghệ của doanh nghiệp cao nhất. Đơn cử, vài tuần trước rằm Trung thu, giá sản phẩm có thể từ vài trăm ngàn đồng/hộp bánh nhưng chỉ ngay sau rằm thì giá bán sẽ giảm đi rất nhiều.

Dù vậy, mùa trung thu cũng là mùa mang lại hiệu quả kinh doanh cao cho các doanh nghiệp trong ngành, với biên lợi nhuận được tiết lộ cao hơn hẳn so với mặt hàng bánh kẹo thông thường.

Cổ phiếu khó tạo bất ngờ

Trên sàn chứng khoán, số cổ phiếu ngành bánh kẹo không nhiều, nổi bật cũng chỉ có KDC và Bibica. Ngoài ra, các cổ phiếu ít được dòng tiền chú ý hơn là CTCP Thực phẩm Hữu Nghị (HNF), CTCP Bánh kẹo Hải Hà (HHC).

Đối với KDC, với vị thế dẫn đầu về thị phần kem (hơn 41% - thông qua công ty con KDF), hàng đầu lĩnh vực dầu ăn (sở hữu cả công ty phân phối sỉ VOC, lẫn sản xuất và bán lẻ là TAC), thì doanh số mảng bánh trung thu như trên gần như không đáng kể.

Chỉ nhìn 4 năm gần nhất trước khi bán đi mảng bánh kẹo (2011 - 2014), doanh số của KDC tăng trưởng từ 4.200 tỷ đồng lên 5.120 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 273,5 tỷ đồng lên hơn 536 tỷ đồng.

Trong lần trở lại này, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc KDC cho biết, mục tiêu của Công ty là đến năm 2021 sẽ về vị trí thứ 2 trong mảng bánh kẹo.

Trong góc nhìn của nhiều nhà đầu tư, KDC vẫn có được những lợi thế nhất định trong ngành để làm nên tên tuổi của mình. Dựa vào diễn biến lịch sử, sau mỗi mùa trung thu, cổ phiếu KDC đều có những sóng tăng.

Nhưng với năm nay, sóng tăng của KDC đến nhiều từ câu chuyện hợp nhất các công ty con về một mối, và thông tin quay lại ngành nghề thế mạnh như một chất xúc tác “hợp thời” với nhà đầu tư lúc này.

Còn với Bibica, ông Hoàng chia sẻ, Bibica phát triển nhiều ngành hàng, có cơ cấu danh mục sản phẩm đa dạng gồm tất cả nhóm sản phẩm chủ lực trong ngành bánh kẹo như bánh bông lan, bánh chocopie, bánh cooky, kẹo cứng, mềm, dẻo, socola, mùa vụ có sản phẩm bánh trung thu, sản phẩm tết. Doanh số bánh trung thu chỉ chiếm tỷ trọng 15% tổng doanh số của công ty này.

Đặc điểm ở cổ phiếu BBC hiện nay là chỉ 2 cổ đông lớn là PAN và Lotte đã chiếm hơn 94% vốn điều lệ. Với cơ cấu cổ đông cô đặc của Bibica, giới đầu tư nhìn nhận, cổ phiếu này khó thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.

Tương tự, tại HNF, theo Nghị quyết ĐHCĐ bất thường ngày 31/8/2020 (để miễn nhiệm và bầu bổ sung 1 thành viên Ban kiểm soát), chỉ có 6 cổ đông tham dự đại hội nhưng lại đại diện cho hơn 28,94 triệu cổ phần, tương ứng 96,48% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết trong đó, chỉ có 1 cổ đông tổ chức là CTCP DNA Holding.

Báo cáo tài chính bán niên 2020 đã soát xét của HNF cho biết, DNA Holding chiếm đến 51% vốn, các cá nhân khác gồm bà Lê Mai Dịu 11,64%, ông Trịnh Trung Sơn 12,83%, ông Nguyễn Thái Dương 10,3%, bà Thái Lan Anh 5,9%. Còn cổ đông khác chỉ chiếm 7,96%.

Giá cổ phiếu HNF từng leo dốc lên mức đỉnh 132.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 2/2019 nhưng hiện đã về mức 24.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh). Đặc biệt, cổ phiếu HNF gần như không có giao dịch.

Doanh thu HNF giai đoạn 2016 - 2019 tăng trưởng ổn định, từ 1.355 tỷ đồng lên 1.739 tỷ đồng, lợi nhuận từ 31,6 tỷ đồng lên gần 41 tỷ đồng. Nửa đầu năm nay, HNF đạt 641 tỷ đồng doanh thu, nhưng chỉ lãi vỏn vẹn 2,6 tỷ đồng. Với đặc điểm này, cổ phiếu HNF vẫn chưa thể thu hút được dòng tiền thị trường.

Trong khi đó, mã HHC từng một thời là địa chỉ yêu thích của nhiều nhà đầu tư ưa lướt sóng nhưng lâu nay không có thanh khoản, thị giá treo ở mức rất cao 107.000 đồng/cổ phiếu.

Khahomex (KHA) sắp chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 67%

Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (Khahomex, UPCOM - Mã chứng khoán: KHA) vừa thông báo chốt danh sách cổ ...

Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCT) tạm ứng cổ tức đợt 1/2020 bằng tiền, tỷ lệ 30%

Ngày 22/9 tới đây CTCP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (HOSE - Mã chứng khoán: NCT) sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện ...

Chứng khoán tháng 9 sẽ tiếp tục tăng, nhóm cổ phiếu nào giúp dòng tiền sinh lời mạnh?

Nhận định về khả năng đi lên của VN-Index, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, xung lực từ tháng 8 và kỳ ...

Quân Vương