Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang: Bản lĩnh của vị tỷ phú khởi nghiệp từ tương ớt và mỳ gói

Cập nhật: 15:42 | 05/05/2021 Theo dõi KTCK trên

Từ một người kinh doanh mỳ gói và tương ớt tại xứ người, ông Nguyễn Đăng Quang đã đạt được nhiều thành tựu xuất sắc và trở thành tỷ phú USD hàng đầu tại Việt Nam.

Người kế nhiệm Warren Buffet là ai?

Shark Việt: Người truyền năng lượng và cảm hứng cho thế hệ kế thừa

Shark Đỗ Thị Kim Liên: Nữ hoàng Bảo hiểm Việt Nam 'tái xuất' với Shark Tank 4

Chủ tịch Tập đoàn Masan là ai?

Hiện nay, người ngồi trên ghế nóng Chủ tịch HĐQT của Masan Group chính là ông Nguyễn Đăng Quang, người sáng lập nên tập đoàn từ thuở sơ khai.

Ông Nguyễn Đăng Quang sinh ngày 23/08/1963 tại Quảng Trị. Hiện ông cư trú tại phường 26, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Về học vấn, ông tốt nghiệp Đại học Kinh tế Nga Plekhanov - Nga với bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh và Đại học Vật lý Ứng dụng-Viện Hàn lâm Khoa học - Belarus với bằng Tiến sỹ Vật lý hạt nhân.

Vừa là người sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT của Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang cũng được bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng như là Phó Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) ngày 25/3/2016, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo vào tháng 7/2010, Tổng giám đốc và Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (MCH) ngày 23/6/2017.

Về tài sản, ông chủ Masan đang trực tiếp và gián tiếp sở hữu gần 180 triệu cổ phiếu MSN, tính tại thời điểm tháng 10 năm 2020, đang có giá trị lên tới gần 17280 tỷ đồng.

Ông Quang cũng sở hữu 9,403,176 cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam, tính tới ngày 30/06/2020 và 30,417 cổ phiếu MCH của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan, tính tới ngày 31/12/2019. Như vậy, hai khối tài sản này lần lượt giá trị 376.1 và 3.2 tỷ đồng, tổng cộng là 379.3 tỷ đồng.

Với số tài sản như hiện tại, ông Nguyễn Đăng Quang đang đứng ở vị thế TOP 6 trên bảng danh sách những người giàu nhất thị trường chứng khoán cập nhật tới ngày 27/04/2021.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đăng Quang cũng là đại diện cho CTCP Tầm nhìn Ma San sở hữu 523,355,270 cổ phiếu MSR, tính tới tháng 09/2015 và chiếm tỷ lệ 47.61% của Công ty cổ phần Masan High-Tech Materials. Khối tài sản này có giá trị lên tới 10,362.4 tỷ đồng.

Là đại diện cho MSN sở hữu 524,315,499 cổ phiếu TCB, chiếm tỷ lệ 14.67% của Ngân hàng Techcombank tính tới tháng 07/2018, ông Nguyễn Đăng Quang đang giữ thêm 20,972.6 tỷ đồng.

Ngoài ra, mẹ ông là bà Nguyễn Quý Định cũng sở hữu 1,327,264 cổ phiếu MSN, tính tới ngày 31/12/2012, có giá trị lên tới 130.1 tỷ đồng. Vợ ông là bà Nguyễn Hoàng Yến cũng sở hữu 42,415,234 cổ phiếu MSN, tính tới ngày 30/06/2020, có giá trị lên tới 4,156.7 tỷ đồng và 758,576 cổ phiếu MCH758,576, tính tới ngày 31/12/201, có giá trị lên tới 80.4 tỷ đồng.

* Giá trị cổ phiếu được cập nhật tại ngày 27/04/2021.

3944-doanhnhan2
Ông Nguyễn Đăng Quang nhiều lần lọt vào danh sách tỷ phú thế giới theo Forbes

Quá trình công tác của ông Nguyễn Đăng Quang

Từ năm 1991 đến năm 1994: Cán bộ - Công tác tại Viện Khoa học Việt Nam

Từ năm 1995 đến năm 1998: Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)

Từ năm 1999 đến năm 2000: Phó chủ tịch thứ nhất HĐQT Ngân hàng Techcombank

Từ năm 2000 đến năm 2007: Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghiệp-Thương mại MaSan; Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư MaSan

Từ tháng 01 năm 2006 đến tháng 04 năm 2008: Cố vấn Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank)

Từ ngày 27 tháng 10 năm 2011 đến ngày 11 tháng 05 năm 2013: Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần VinaCafé Biên Hòa

Đến ngày 03 tháng 12 năm 2013: Thành viên HĐTV Công ty TNHH Quản lý quỹ Kỹ Thương

Đến ngày 25 tháng 03 năm 2016: Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank)

Từ năm 2008 đến tháng 01 năm 2017: Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Masan (US) (Masan (US) LLC Ltd. Co)

Từ tháng 02 năm 2013 đến tháng 04 năm 2017: Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tài nguyên Masan

Đến ngày 23 tháng 06 năm 2017: Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan

Từ người bán mỳ gói, tương ớt xứ người thành tỷ phú USD

3942-doanhnhan1
Ông Nguyễn Đăng Quang phát biểu tại Đại hội cổ đông thường niên ngày 01/04

Đầu thập niên 90, với tấm bằng phó tiến sĩ, ông Nguyễn Đăng Quang từ Liên Xô (cũ) trở về Việt Nam để xây dựng quê hương. Gặp nhiều khó khăn, lại gặp đúng lúc Nga bước vào giai đoạn chuyển đổi kinh tế, thời điểm phát triển thuận lợi nhất, ông Quang lại khăn gói lên đường sang Nga để tìm kiếm cơ hội làm ăn. Bản thân có trong tay kiến thức và kinh nghiệm, lại có không ít bạn bè ở Nga, ông cuối cùng cũng mở ra một con đường sự nghiệp của riêng mình.

Từ một vài thùng mì ăn liền chủ yếu để bán cho người Việt xa xứ, ông Quang đã xây được cả một nhà máy có công suất 30 triệu gói/tháng. Khi được hỏi về lý do lựa chọn mỳ gói, ông chủ Masan chỉ cho rằng: Vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn thì việc quan trọng nhất chính là “no bụng”, mà cách nhanh nhất để no bụng là một gói mỳ.

Ông cũng nhanh nhạy nhận ra rằng, thay vì chỉ sản xuất mì ăn liền cho cộng đồng 200.000 người Việt tại Nga, còn có một thị trường 150 triệu người Nga chưa được khai thác. Nhờ vậy, lúc cao điểm, doanh nghiệp ông tại thị trường này có thể đạt doanh số các sản phẩm trên 100 triệu USD mỗi năm.

Sau mỳ gói, ông tiếp tục phát triển các sản phẩm nước tương, nước mắm và tương ớt sang thị trường Nga và đạt được những thành công bất ngờ, bất chấp việc người Nga không thích ăn cay. Từ đi thuê tàu để chở hàng, nay Masan đã sở hữu một tàu container cùng 2.000 container riêng của mình.

Từ đây, ông Nguyễn Đăng Quang còn được nhắc đến với biệt danh "Người dạy người cho người Nga ăn mì gói và tương ớt".

Với những thành công như vậy, ông chủ Masan lại thôi thúc hoài bão được cống hiến cho quê hương. Do đó, từ năm 2001, ông đưa ra một quyết định táo bạo là chuyển trọng tâm về với Việt Nam, đưa những chai nước tương, mang thương hiệu Chin-su xuất hiện và đứng vững trên thị trường nội địa. Đến tận năm 2007, ông mới đưa thêm sản phẩm Omachi đánh chiếm thị trường Việt Nam.

Có những lúc Masan vừa tung ra sản phẩm nào thì sản phẩm đó đã có thể tìm được vị thế riêng trên thị trường. Để làm được điều này, ông Quang luôn đánh vào “nỗi sợ hãi” của người tiêu dùng. Khi cả thị trường nước tương đang khủng hoảng với sự cố chất gây ung thư 3-MCPD, chủ tịch Masan lập tức cho ra đời nước tương Tam Thái Tử và tuyên bố trao thưởng 1 tỷ đồng cho ai tìm thấy chất 3-MCPD trong loại nước tương Chinsu.

Sau đó Omachi với khẩu hiệu "mì khoai tây không nóng", nước mắm Nam Ngư và Chinsu thì có slogan "nước mắm không cặn"... ông Quang đã tận dụng rất tốt nỗi sợ hãi của người tiêu dùng để chớp thời cơ tăng trưởng nhanh chóng.

Như vậy, với 4 nhóm hàng tiêu dùng đang nổi tại Việt Nam, là nước tương, nước mắm, mì ăn liền và hạt nêm, các sản phẩm của Masan đều thành công và thu về doanh thu năm 2009 đạt gần 4.000 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi (106%) so với năm 2008.

3941-doanhnhan
Chuỗi siêu thị VinMart và VinMart+ nằm trong tay Masan

Để được biết đến rộng rãi bởi người tiêu dùng cả nước, ông Quang không ngại chi mạnh tay vào việc quảng cáo cho các sản phẩm mới của Masan. Chỉ tính riêng năm 2018, ông đã tận dụng trận Chung kết AFF Cup 2018 để chi tới 9 tỷ đồng cho 10 quảng cáo các loại sản phẩm tương ớt và xúc xích mới của thương hiệu Masan, mỗi quảng cáo có thời gian kéo dài 30 giây.

Dù có học vị tiến sĩ vật lý nhưng nhiều người đánh giá rằng, ông chủ Masan đạt được nhiều thành tựu lớn nhất trong lĩnh vực thương trường với các chiêu marketing thúc đẩy tăng trưởng.

Nhờ những chiến lược kinh doanh mạnh mẽ và bắt đúng thời cơ, Masan Group nhanh chóng phát triển, trở thành một trong những tập đoàn tư nhân đa ngành hàng đầu trên sàn chứng khoán Việt, với vốn hóa đạt gần 100.000 tỷ đồng. Masan Group mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác như như là thức ăn chăn nuôi (Proconco, Anco), hàng tiêu dùng (Omachi, Chinsu, Vinacafe,...), khoáng sản (mỏ núi Pháo), ngân hàng (Techcombank),...

Theo đà tăng trưởng đó, tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang cũng liên tục bứt tốc, lọt vào top các tỷ phú giàu nhất Việt Nam. Chỉ trong vòng 6 tháng, giai đoạn năm 2018, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan đã tăng gấp đôi (từ mức 46.000 đồng lên 90.000 đồng/cổ phiếu). Từ đây, danh sách các tỷ phú giàu nhất thế giới Bloomberg Billionaires Index ghi nhận ông Quang có tài sản đạt 1,2 tỷ USD, trở thành tỷ phú USD thứ ba của Việt Nam được Bloomberg công nhận và công khai tên tuổi.

Kết thúc năm 2020, doanh thu thuần hợp nhất của Masan Group tăng 106,7% so với mức 37.354 tỷ đồng trong năm 2019, lên tới con số 77.218 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông công ty đạt 1.234 tỷ đồng. Riêng Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan cũng lần đầu tiên đạt mức 1 tỷ USD, tăng 27,2% so với năm 2019 và doanh thu thuần của Công ty CP Masan MEATLife đạt 16.119 tỷ đồng tăng, 16,8% so với năm 2019. Đây là một cột mốc quan trọng của hai đơn vị này.

Trong cả năm 2021, tập đoàn Masan đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu thuần từ 19% đến 32% so với năm 2020, tức là sẽ đạt từ 92.000 đến 102.000 tỉ đồng. Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của công ty đạt từ 2.500 đến 4.000 tỉ đồng, tăng trưởng 103% đến 224% so với năm 2020. Biên lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) được kỳ vọng đạt mức từ 15-20%.

Ở thời điểm hiện tại, tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang đang sở hữu 24,519 tỷ đồng với vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng TOP 200 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Vợ ông là bà Nguyễn Hoàng Yến cũng nắm giữ số lượng cổ phiếu MSN không hề nhỏ, hiện đang đứng ở vị trí số 30 trên bảng xếp hạng này.

Theo Phương Thúy/Doanh nhân Việt Nam

Tin liên quan