Bà Phạm Minh Hương: “VNDirect sẽ không phá sản nếu Trung Nam phá sản”

Cập nhật: 17:11 | 29/06/2024 Theo dõi KTCK trên

Phát biểu trên được bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch HĐQT VNDirect chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên 2024 lần 2, tổ chức chiều 28/6.

6 tháng đầu năm ươc tính lợi nhuận 1.300 tỷ

Sau lần thứ nhất không thành công, chiều ngày 28/6, Công ty chứng khoán VNDirect (HOSE: VND) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 lần 2 với 419 cổ đông tham dự. Mở đầu đại hội, bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch HĐQT VNDirect cho biết, đây là cuộc họp có nhiều cổ đông tham dự nhất từ trước đến nay.

Nhận định về kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, theo Chủ tịch VNDirect, kinh tế thế giới nhiều thay đổi, nhiều dự báo trong quá khứ cần phải xem xét lại. Ở trong nước từ trước tới giờ phát triển bằng động lực của doanh nghiệp khối FDI, tư nhân thì hiện nay tăng trưởng hai khối này không còn là động lực phát triển nữa. Đầu tư công gặp nhiều vướng mắc. Bài toán vĩ mô Việt Nam đối diện nhiều câu hỏi thách thức mà chúng ta phải xem lại.

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của VNDIRECT.
Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông 2024 của VND.

Tương tự với thế giới cũng vậy. Nền kinh tế số phát triển trong 5 năm gần đây ở tốc độ khác và xa nhưng đồng thời dẫn tới những rủi ro mà VNDirect nếm trải trong sự cố hacker vừa rồi.

"Sự vụ hacker vừa rồi, VNDirect nhận thức hoàn toàn mới về rủi ro của nền kinh tế số. Chúng tôi thức tỉnh sang chuẩn mực nhận thức mới để phát triển nền tảng công nghệ. Từ trước đến giờ, ưu tiên tính năng cho tiện ích cho khách hàng thì bây giờ đặt đầu bài yếu tố ưu tiên là an toàn, tiếp theo đến là con người. Tất nhiên, chúng tôi vẫn duy trì mục tiêu tài chính khách hàng nhưng yếu tố an toàn và con người trở thành hai mũi nhọn đầu tiên", Chủ tịch HĐQT VNDirect nhấn mạnh.

ĐHCĐ VNDirect đã thông qua kế hoạch kinh doanh trong năm 2024 với doanh thu đạt 1.897 tỷ đồng, giảm 39% so với thực hiện năm 2023. Tuy nhiên, lợi nhuận ước đạt 2.525 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với năm 2023. Công ty thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 5% bằng tiền mặt.

Cập nhập về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm, lãnh đạo VNDirect cho rằng lãi trước thuế của công ty ước đạt hơn 1.300 tỷ đồng, đạt hơn 50% kế hoạch, trong đó tháng 4 bị lỗ do bù chi phí cho khách hàng sau sự cố hacker tấn công hệ thống.

Quý 1/2024, VNDirect ghi nhận doanh thu hoạt động 1.285 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Lãi trước thuế tăng mạnh 334% so với quý 1/2023, lên mức 767 tỷ đồng, chủ yếu đến từ hoạt động tự doanh. Với kết quả đạt được, Công ty này đã thực hiện hơn 30% mục tiêu lợi nhuận năm.

Mặc dù còn nhiều biến số, thách thức, nhưng ông Nguyễn Vũ Long, Tổng giám đốc VNDirect cho rằng, có nhiều cơ sở để có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh của năm 2024. Trong năm 2024, VNDirect tập trung vào hai định hướng chiến lược trong hoạt động liên quan đến dịch vụ chứng khoán và hoạt động dịch vụ thị trường vốn.

Cụ thể, VNDirect sẽ tập trung định hướng chiến lược để tiếp tục phát triển công nghệ phục vụ các khách hàng có nhu cầu giao dịch chứng khoán chủ động, các khách hàng có nhu cầu tiếp cận đội ngũ chuyên gia tư vấn giao dịch chứng khoán thông qua nền tảng cũng như các gói sản phẩm dịch vụ. VNDirect vẫn duy trì chiến lược hiện tại để đảm bảo cân bằng về cạnh tranh nhưng đồng thời vẫn duy trì được hiệu quả hoạt động kinh doanh. Việc duy trì chiến lược hiện tại giúp Công ty duy trì và đảm bảo được chất lượng sản phẩm dịch vụ cung cấp tới khách hàng, hướng đến mục tiêu tăng trưởng tài sản bền vững của nhà đầu tư.

Đối với dịch vụ ngân hàng đầu tư, trong bối cảnh thị trường trái phiếu bắt đầu hồi phục, khẩu vị rủi ro của Khách hàng tăng dần, Công ty tập trung vào việc lựa chọn các tổ chức phát hành với định mức tín nhiệm cao như ngân hàng, các doanh nghiệp đầu ngành.

Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục xây dựng năng lực tư vấn phát hành trên thị trường vốn (ECM) thông qua các đợt tư vấn phát hành cho ngân hàng, các doanh nghiệp. Đây là chiến lược xuyên suốt của công ty từ năng lực tạo nguồn hàng hoá chất lượng thông qua hoạt động tư vấn, đến năng lực tạo lập thị trường và phân phối qua các kênh nhà đầu tư tổ chức và kênh bán lẻ. Định vị này sẽ là nền móng để VNDirect xây dựng được lợi thế cạnh bền vững trong những năm tiếp theo.

Chủ tịch VNDirect nói gì về Trung Nam?

Tại ĐHCĐ, nhiều cổ đông cũng quan tâm nhiều đến rủi ro đối với trái phiếu Trung Nam và điều này ảnh hưởng như thế nào đến VNDirect. Về vấn đề này, bà Phạm Minh Hương chia sẻ, đã lựa chọn Trung Nam là một trong những doanh nghiệp đại diện cho ngành năng lượng để hợp tác, có tiềm năng về cả năng lực phát triển dự án cho đến tìm kiếm dự án đầu tư.

Bà Hương khẳng định: "VNDirect sẽ không phá sản nếu Trung Nam phá sản". Bất cứ lúc nào làm cái gì VNDirect cũng đều tính toán. Rủi ro của Trung Nam nằm nhiều hơn ở tin đồn pháp lý, khó khăn của các dự án, chính sách thay đổi của Chính phủ và khó khăn chung của các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu tư. VNDirect luôn cập nhật với lãnh đạo Trung Nam và liên tục xây dựng kịch bản nếu rủi ro xảy ra".

Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT VNDIRECT và ông Nguyễn Vũ Long, Tổng giám đốc VNDIRECT trả lời câu hỏi cổ đông trong phần thảo luận.
Bà Phạm Minh Hương và ông Nguyễn Vũ Long trả lời câu hỏi cổ đông trong phần thảo luận.

Với trái phiếu Trung Nam, có lô trái phiếu họ xin được gia hạn. Doanh nghiệp trong giai đoạn đầu tư hơi mất cân đối dòng tiền, không phải rủi ro tài chính, rủi ro phá sản. Còn với khả năng có rủi ro pháp lý, đấy là câu chuyện liên quan đến một cá nhân không tác động được đến doanh nghiệp lớn như vậy.

Nói thêm về lý do chọn ngành điện, theo lãnh đạo VNDirect, chọn ngành điện vì ngành cần vốn và có dòng tiền sản xuất để trả lãi. Khi đầu tư vào Trung Nam, doanh nghiệp tin vào nhu cầu phát triển ngành điện, năng lực đầu tư hạ tầng, năng lực triển khai của Trung Nam. Thời điểm đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm ngành điện.

Theo quy hoạch trong 10 năm tới cần tới 130 tỷ USD đầu tư. Doanh nghiệp triển khai năng lượng tái tạo đòi hỏi năng lực kinh nghiệm lớn. Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư có vấn đề rủi ro pháp lý, câu chuyện thị trường trái phiếu khiến khả năng tái huy động vốn khó khăn gây ra đứt gẫy thị trường vốn. Vấn đề của doanh nghiệp là khả năng cân đối dòng tiền, hơn là khả năng phá sản. Nhiều trái phiếu không thanh toán được gốc lãi sau sự kiện SCB. Trung Nam vẫn có dòng tiền, nguồn thu đều. Vấn đề của Trung Nam hiện nay là sắp xếp lại việc trả nợ với các bên cho vay với lịch phù hợp với lịch sản xuất kinh doanh, chi phí phù hợp. Khó khăn cơ bản đã qua.

Về diễn biến cổ phiếu VND liên tục sụt giảm, Chủ tịch HĐQT VNDirect cũng bất ngờ với diễn biến của cổ phiếu VND. Nếu mọi người có hỏi cổ phiếu VND hôm nay bao nhiêu, tôi cũng không biết vì không có thời gian quan sát. Vừa rồi, sau khi xem tôi cũng bất ngờ vì cổ phiếu VND rất tệ so với công ty trong ngành chứng khoán.

Theo bà Hương, VNDirect là công ty đại chúng và lượng nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng rất lớn. Ban lãnh đạo chủ yếu tập trung xây dựng giá trị nội tại, đảm bảo tránh rủi ro và tăng trưởng bền vững cho công ty. Cổ phiếu VND bị bao trùm bởi những tin đồn và rủi ro của Trung Nam. Thị trường chứng khoán là thị trường của tin đồn và nhà đầu tư cũng sẽ dựa vào tin đồn để lựa chọn cổ phiếu giao dịch.

Theo ông Nguyễn Vũ Long, diễn biến cổ phiếu VND trên thị trường bị ảnh hưởng bởi những thông tin như sự cố hệ thống, trái phiếu Trung Nam. Cổ phiếu VND hiện có định giá thấp hơn các cổ phiếu cùng ngành và có lẽ chưa đạt được kỳ vọng của cổ đông. Tuy nhiên, VNDirect cam kết nỗ lực tối đa, duy trì hiệu quả tài chính, phản ánh đúng giá trị của cổ phiếu.

Vừa lên kế hoạch tăng vốn khủng, VNDirect (VND) muốn vay 10.000 tỷ đồng từ VietinBank (CTG)

Trước đó, VNDirect (VND) lên kế hoạch phát hành 244 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn và 61 triệu cổ phiếu để trả cổ tức ...

Một quý nhiều sóng gió của Chứng khoán VNDirect

Tính từ đầu quý 2 tới nay, cổ phiếu VND của Chứng khoán VNDirect đã mất tới hơn 28% thị giá, vốn hóa qua đó ...

Anh Vũ

Tin cũ hơn
Xem thêm