Xuất hiện thương hiệu 'Công ty Chứng khoán Tân Hoàng Minh', tên gọi mới của Chứng khoán Sen Vàng sau thương vụ đổi chủ?

Cập nhật: 10:05 | 11/02/2022 Theo dõi KTCK trên

Thị trường vừa xuất hiện hình ảnh có tên "Công ty Chứng khoán Tân Hoàng Minh", trước đó Tập đoàn Tân Hoàng Minh được giới đầu tư đặt dấu hỏi liên quan thâu tóm CTCP Chứng khoán Sen Vàng (GLS) từ Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và các cổ đông khác.

0332-byo-0
Nguồn: Internet.

Thị trường xuất hiện thương hiệu "Công ty Chứng khoán Tân Hoàng Minh"

Tập đoàn Tân Hoàng Minh được biết đến là ông lớn ngành bất động sản với quy mô tài sản lên tới 30.000 tỷ đồng, lớn hơn nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán như Kinh Bắc, Đất Xanh, Phát Đạt, Hà Đô, Khang Điền, Nam Long,...

Sau khi bất ngờ bỏ cọc lô đất Thủ Thiêm với giá không tưởng 2,4 tỷ đồng/m2, cái tên Tân Hoàng Minh lại nóng hơn bao giờ hết khi không ít cổ phiếu đầu cơ nhóm bất động sản theo hiệu ứng đất Thủ Thiêm giảm sàn liên tục khiến thua lỗ nặng.

Vào cuối năm 2021, ông lớn này được giới đầu tư đặt dấu hỏi khi có nhiều liên quan đến việc thay máu cổ đông, ban điều hành tại CTCP Chứng khoán Sen Vàng (GLS).

Trong ngày hôm nay (10/2), thị trường xuất hiện thông tin về "Công ty Chứng khoán Tân Hoàng Minh" và giới thiệu chi nhánh TP HCM chính thức hoạt động từ ngày 10/2.

Tên gọi mới của Chứng khoán Sen Vàng sau khi đổi chủ?

Theo tìm hiểu, Chứng khoán Sen Vàng được thành lập từ ngày 21/12/2007 với CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) nắm quyền chi phối khi sở hữu 5,74 triệu cổ phiếu GLS, tương đương tỷ lệ sở hữu 42,53%. Ngoài ra, ông Lê Viết Hòa và Lê Viết Hiếu, hai con trai của Chủ tịch Hoà Bình, cũng sở hữu 22,49% và 9,29% vốn cổ phần tại đây.

Tuy nhiên, vào ngày 26/11/2021, Hoà Bình đã chuyển nhượng toàn bộ vốn cho các cá nhân là Nguyễn Khoa Đức (10,18%), Phùng Thị Cẩm Nhung (10,18%), Cao Tấn Thành (10,18%) và Chu Tuấn An (11,97%).

Cùng ngày, ông Lê Viết Hòa cũng chuyển nhượng 3,04 triệu cổ phiếu GLS cho 3 cổ đông là Nguyễn Anh Dũng (10,18%), Vũ Đình Hưng (5%) và Lê Thị Mơ (7,31%). Trong khi đó, ông Lê Viết Hiếu bán toàn bộ 1,3 triệu cổ phiếu GLS cho bà Trần Phương (9,29%).

0106-byo-2
(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Chỉ một ngày trước thương vụ sang tay, ban lãnh đạo Chứng khoán Sen Vàng cũng có sự thay đổi. Cụ thể, ông Vũ Đình Hưng được bầu làm Chủ tịch HĐQT, ông Chu Tuấn An giữu chức Tổng Giám đốc và ông Nguyễn Mạnh Hùng làm Trưởng ban Kiểm soát.

Đáng chú ý, các lãnh đạo cấp cao này đều ít nhiều liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ví dụ như Tổng giám đốc, ông Chu Tuấn An hiện là Phó giám đốc Trung tâm Tài chính kế toán của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng từng công tác tại CTCP Đầu tư & Dịch vụ Khách sạn Soleil, một thành viên của Tân Hoàng Minh.

Một số cổ đông mới tại Chứng khoán Sen Vàng, đơn cử ông Nguyễn Khoa Đức là người đại diện pháp luật CTCP Cung điện Mùa Đông, công ty con của Tân Hoàng Minh.

Chứng khoán Sen Vàng trước đó kinh doanh ra sao?

Việc đổi chủ với sự xuất hiện của tay chơi mới được kỳ vọng sẽ giúp Chứng khoán Sen Vàng vực dậy và phát triển. Hiện công ty chỉ nằm trong top cuối ngành chứng khoán khi tình hình kinh doanh không mấy khả quan.

Trên website của công ty, Chứng khoán Sen vàng mới chỉ công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên của năm 2021 với doanh thu hoạt động gần 9,8 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1,6 tỷ đồng.

Mặc dù ghi nhận kết quả tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020 nhưng Chứng khoán Sen Vàng vẫn ghi nhận lỗ lũy kế hơn 98,3 tỷ đồng tại ngày 30/6/2021, vượt 50% vốn điều lệ công ty (135 tỷ đồng).

5805-byo-1
(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Ngoài ra, Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ tin học TP Hồ Chí Minh cũng chỉ ra BCTC hợp nhất bán niên 2021 phản ánh thiếu giá trị hao mòn lũy kế của tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình với giá trị lần lượt là 3,19 tỷ đồng và 3,82 tỷ đồng.

Theo đó, khoản lỗ lũy kế sẽ phải tăng thêm hơn 7 tỷ đồng (lên hơn 105 tỷ đồng). Những yếu tố kể trên khiến đơn vị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Bảo Ngọc

Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm