Vừa bị phạt do phát hành ‘chui’, Apec Group huy động thêm trái phiếu không tài sản đảm bảo, lãi suất 13%/năm

Cập nhật: 17:27 | 15/12/2021 Theo dõi KTCK trên

Sau vụ việc Apec Group bị buộc phải hoàn trả lại toàn bộ 500 tỷ đồng huy động qua trái phiếu từ ngày 18/1 đến 6/8/2021 ra công chúng do không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN thì doanh nghiệp lại vừa hoàn tất huy động thêm gần 44 tỷ đồng trái phiếu.

CTCP Tập đoàn Apec Group vừa phát hành thành công hơn 43,6 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào 9/12/2026.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi và không có tài sản đảm bảo. Lãi suất được tính cố định 13%/năm và cứ ba tháng trả lãi một lần.

Mục đích phát hành nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, bổ sung nguồn vốn cho công ty để đấu giá, mở rộng quỹ đất trên thị trường. Song song đó nhằm đầu tư phát triển các dự án bất động sản tiềm năng, tăng cơ hội đầu tư và M&A với các công ty tiềm năng, có quỹ đất tốt.

Kết quả, có một tổ chức trong nước và 4 nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp đã mua lại số trái phiếu trên. Bên đứng ra sắp xếp thương vụ tiếp tục là CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (Mã: APS).

Trước đó Apec Group đã huy động thành công gần 500 tỷ đồng trái phiếu từ ngày 18/1 đến 6/8/2021 ra công chúng thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

Chính vì vậy, tuần trước, UBCKNN đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Apec Group số tiền 600 triệu đồng.

Bên cạnh số tiền phạt, Apec Group bị buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư.

Thời hạn nhà đầu tư gửi yêu cầu là tối đa 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, tức ngày 6/12/2021.

Theo tìm hiểu, CTCP Tập đoàn Apec Group được thành lập ngày 24/11/2017. Doanh nghiệp này có địa chỉ trụ sở tại tầng 3, Trung tâm thương mại Grand Plaza, 117 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.

Xuất phát điểm là một công ty chuyên về đầu tư tài chính, Apec Group hiện còn được biết đến là doanh nghiệp mới nổi trên thị trường bất động sản, với nhiều dự án lớn tại các tỉnh Bắc Ninh, Phú Yên, Huế, Hòa Bình, Hải Dương…

0528-apec
(Nguồn: apecgroup.net)

Trái phiếu không tài sản đảm bảo tiềm ẩn rủi ro lớn cho nhà đầu tư

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp phát hành riêng lẻ không cần thiết phải có xếp hạng tín nhiệm. Chính vì vậy, thời gian qua, trái phiếu “3 không” - không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán - xuất hiện tràn lan trên thị trường, tiềm ẩn rủi ro lớn cho nhà đầu tư.

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, trong 11 tháng đầu năm nay, 94,5% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là trái phiếu riêng lẻ. Trong 826 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 11 tháng đầu năm, thì có tới 803 đợt phát hành riêng lẻ. Đáng lưu ý, có tới một nửa trái phiếu doanh nghiệp phát hành phát hành không có tài sản đảm bảo. Một nửa còn lại chủ yếu được đảm bảo bằng cổ phiếu của chính doanh nghiệp phát hành hoặc các dự án hình thành trong tương lai, vốn có tính biến động rất cao và giá trị khó định giá chính xác. Thậm chí, trong số hơn 100 doanh nghiệp bất động sản phát hành riêng lẻ đầu năm nay, có tới 26 doanh nghiệp thua lỗ.

“Trái phiếu ‘3 không’ tiềm ẩn rủi ro rất lớn, không chỉ cho nhà đầu tư, mà còn cho cả hệ thống tài chính. Việc siết chặt chất lượng trái phiếu riêng lẻ là rất cần thiết, nếu không, chỉ vài doanh nghiệp đổ vỡ là thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính nhận định.

Nhận diện sự bất ổn của thị trường, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Theo đó, Dự thảo bổ sung quy định, doanh nghiệp phát hành phải có xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng nếu phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm, không có bảo lãnh thanh toán, doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh của năm liền trước năm phát hành lỗ hoặc có lỗ lũy kế tính đến năm phát hành…

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, quy định trên nếu được ban hành sẽ chặn đứng trái phiếu “3 không” chào bán tràn lan trên thị trường.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, chất lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ ở Việt Nam, nhất là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, đang ở mức cảnh báo do thiếu minh bạch. Thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản thua lỗ, đòn bẩy tài chính cao, nhưng vẫn “tay không bắt giặc”, rầm rộ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, huy động hàng ngàn tỷ đồng. Đa phần lượng trái phiếu doanh nghiệp này phát hành không có tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán, không được xếp hạng tín nhiệm, cũng không ai quản lý, giám sát dòng tiền sau huy động vốn.

“Việc siết chặt quản lý, giám sát trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là rất cần thiết, nếu không, đây sẽ là khối u mới của nền kinh tế. Bom nợ Evergrande là bài học nhãn tiền cho Việt Nam”, TS. Lê Xuân Nghĩa cảnh báo.

Chứng khoán phiên chiều 15/12: Nhà đầu tư thận trọng, VN-Index đỏ phiên thứ 2 liên tiếp

Thị trường chứng khoán trong nước phiên chiều 15/12, xuất hiện việc chốt lời trên diện rộng ở các nhóm cổ phiếu, điều này cho ...

Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu BID (BIDV) với giá mục tiêu 51.600 đồng

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vừa đưa ra báo cáo phân tích với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV ...

'Tiền trạm' mùa báo cáo tài chính quý 4/2021

Bức tranh báo cáo tài chính quý 4/2021 sắp được hé mở. Giới chuyên gia đều đưa các nhóm ngân hàng, bất động sản, bán ...

Quang Huy