VND: Hạ khuyến nghị xuống trung lập cho cổ phiếu KDC với giá mục tiêu 61.700 đồng/cp

Cập nhật: 15:06 | 28/03/2022 Theo dõi KTCK trên

Công ty chứng khoán VNDirect – VND vừa đưa ra báo cáo phân tích cổ phiếu KDC của Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (Sàn HOSE). Sau khi sử dụng trung bình định giá chiết khấu dòng tiền và định giá P/E, VND hạ khuyến nghị trung lập cho cổ phiếu KDC với giá mục tiêu 61.700 đồng/cổ phiếu.

0006-kdc-n-3798
Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (HOSE - Mã: KDC). Hình minh họa.

Giá dầu ăn tăng nhanh sau khủng hoảng địa chính trị

Cuộc chiến tại Ukraine bắt đầu từ T2/22 đã gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng dầu hướng dương từ Ukraine. Theo số liệu từ Oilworld, Ukraine là nước sản xuất và xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất thế giới (thị phần 47% xuất khẩu toàn cầu) và chiếm 6% thị phần xuất khẩu dầu ăn toàn cầu với thị trường chính là Ấn Độ và Châu Âu. Do sự gián đoạn nguồn cung này, người tiêu dùng đã chuyển nhu cầu dầu ăn sang các sản phẩm thay thế như dầu cọ thô và dầu đậu nành để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung từ Ukraine.

5521-a3

Tỷ trọng xuất khẩu loại dầu ăn theo quốc gia trên toàn cầu vào năm 2021.

Theo số liệu từ Tradingeconomic, giá dầu cọ thô bình quân trong 3 tháng đầu năm 2022 tăng khoảng 30% so với giá bình quân năm 2021. VND ước tính giá dầu ăn sẽ vẫn ở mức cao trong năm 2022 do gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ tiếp diễn. Để đối phó với đà tăng của giá dầu ăn, KDC đã tăng giá dầu ăn bán lẻ hơn 20% tính đến T3/22 so với T7/21 nhờ tập trung vào các sản phẩm cao cấp.

Do đó, VND giảm dự báo biên LN gộp năm 2022/23 của KDC xuống 1,4 điểm %/1,7 điểm % trong khi tăng dự báo doanh thu lên 5,7% / 8,5% trong cùng giai đoạn.

KIDO’s bakery vẫn đang trong giai đoạn khởi động

Chuỗi Chuk Chuk và mảng bánh của KIDO cần thêm thời gian để trở thành động lực tăng trưởng của KDC Sau khi quay trở lại kinh doanh bánh kẹo với thương hiệu KIDO’s Bakery, VND nhận thấy rằng các sản phẩm bánh kẹo của KIDO chỉ hiện diện có ở chuỗi Chuk Chuk và một số trang thương mại tuyến, mà chưa thấy ở các cửa hàng bán lẻ hiện đại hay truyền thống.

VND cho rằng mảng bánh kẹo khởi động chậm do các dây chuyền sản xuất mới của KDC chưa được lắp đặt hoàn chỉnh do ảnh hưởng của Covid-19 với giá trị của máy móc dở dang đạt hơn 165 tỷ đồng (x4,1 lần svck) vào cuối năm 21. Tuy nhiên, VND cho rằng KDC có thể tăng sản lượng vào năm 2022 khi dây chuyền bánh kẹo được lắp đặt sau thời gian bị gián đoạn.

Theo ước tính của VND, mảng bánh của KDC sẽ vẫn đóng góp hạn chế vào kết quả kinh doanh của KDC, chiếm 2,2%/2,4% tổng doanh thu của KDC và 4,1%/4,3% vào lợi nhuận gộp của KDC trong năm 2022/23.

Đối với chuỗi cửa hàng Chuk Chuk, sau hơn 5 tháng ra mắt, KDC đã mở được 25 cửa hàng Chuk Chuk, đạt 12,5% mục tiêu 200 cửa hàng vào năm 2023. VND kỳ vọng chuỗi Chuk Chuk có thể tiếp tục kế hoạch mở rộng trong năm 2022 khi nền kinh tế trở lại bình thường sau dịch bệnh.

5420-a5
Số lượng cửa hàng Chuk Chuk và doanh thu theo kế hoạch của KDC

Bên cạnh các cửa hàng vật lý, Chuk Chuk liên tục đẩy mạnh quảng bá chuỗi thông qua các chương trình bán hàng và tăng tương tác thông qua Facebook fan page, cũng như tăng doanh số bán hàng trực tuyến thông qua các cửa hàng tại các trang thương mại điện tử. VND chưa đưa Chuk Chuk vào mô hình của mình do mức đóng góp nhỏ vào tổng doanh thu và cần thêm thời gian để chứng minh hiệu quả hoạt động.

Tăng tỷ lệ sở hữu của KDC tại Tổng Công ty Công Nghiệp Dầu Thực Vật Việt Nam – CTCP (Vocarimex, Upcom – Mã: VOC:)

Ngày 21/11, KDC đã đấu giá thành công 44 triệu cổ phiếu VOC để nâng tỷ lệ sở hữu từ 51% lên 87,3%. Với việc sở hữu trực tiếp 51% CTCP Dầu thực vật Tường An (TAC) và 87,3% VOC (VOC sở hữu 26,5% TAC), KDC sở hữu 85,1% TAC và vào T1/22, ĐHĐCĐ của TAC đã thông qua việc hủy niêm yết nhằm tái cơ cấu và tối ưu hóa kinh doanh dầu ăn của tập đoàn Kido.

Với việc hợp nhất TAC vào tập đoàn, KDC sẽ có nhiều quyền lực hơn trong việc đưa ra các quyết định tái cơ cấu hoạt động mà không gặp trở ngại từ các cổ đông khác, đặc biệt là cổ đông nhà nước, từ đó cắt giảm chi phí quảng cáo và bán hàng khi chuyển các hoạt động này về công ty mẹ cũng như có khả năng cắt giảm chi phí quản lý khi tối ưu hóa năng lực hoạt động của nhân viên công ty sau sáp nhập.

Do đó, VND giảm chi phí bán hàng và quản lý năm 2022 0,6% so với báo cáo trước. VND cũng tăng chi phí bán hàng & quản lý 5,3% so với báo cáo trước trong năm 2023 với kỳ vọng KDC sẽ đẩy nhanh mảng bánh và chuỗi Chuk Chuk.

VND thay đổi dự phóng năm 2022/23

Dựa trên triển vọng ở trên, VND thay đổi dự báo của mình cho KDC trong năm 2022/23 như sau:

Chi phí BH&QLDN giảm 0,6% trong năm 2022 do VND tin rằng KDC có thể giảm chi phí BH&QLDN sau khi hợp nhất với TAC, nhưng tăng 5,3% so với báo cáo trước đó trong năm 2023 do VND kỳ vọng họ sẽ đẩy nhanh việc mở rộng mảng bánh và chuỗi Chuk Chuk năm 2023. Thuế suất 2022 giảm xuống 16,7% do KDC sử dụng khoản hoàn thuế 120 tỷ đồng. Theo đó, LNR của KDC năm 2022/23 giảm 0,9%/3,4% so với báo cáo trước.

KDC đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022 từ tháng 1 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 14.000 tỷ đồng và 900 tỷ đồng. Do cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu từ tháng 2/22 ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng dầu ăn, nên VND dự báo giá dầu ăn sẽ duy trì đà tăng mạnh đến năm 2022. Như vậy, dự báo doanh thu/lợi nhuận trước thuế của VND chỉ ở mức 86%/76% kế hoạch của KDC.

Hạ khuyến nghị xuống TRUNG LẬP cho cổ phiếu KDC với giá mục tiêu 61.700 đồng

Theo đó, VND hạ khuyến nghị xuống TRUNG LẬP với giá mục tiêu 61.700 đồng do khó khăn từ giá dầu ăn tăng và mảng bánh mì / chuỗi Chuk Chuk của KIDO cần thêm thời gian để phát triển. Định giá của VND sử dụng trung bình định giá chiết khấu dòng tiền và định giá P/E.

VND giảm định giá P/E 2,3% xuống 62.605 đồng/cổ phiếu sau khi thay đổi LN ròng năm 2022/23 giảm 0,9%/3,4% so với báo cáo trước. VND sử dụng P/E mục tiêu là 25,0 tương đương báo cáo trước để định giá P/E. VND giảm định giá DCF 3,0% xuống 60.793 đồng/cổ phiếu do dự phóng LN ròng giảm năm 2022/23.

Tiềm năng tăng giá gồm 1) doanh thu từ dầu ăn và kem tăng trưởng tốt hơn mong đợi, 2) GVHB và chi phí BH&QLDN thấp hơn dự kiến, 3) thành công trong mảng bánh của KIDO và chuỗi Chuk Chuk và 4) liên doanh với Vinamilk triển khai nhanh hơn với kết quả tốt. Rủi ro giảm giá gồm 1) tăng trưởng doanh thu từ dầu ăn và kem thấp hơn dự kiến và 2) GVHB và chi phí BH&QLDN cao hơn dự kiến.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch chiều 28/3, cổ phiếu KDC giao dịch quanh vùng giá 53.700 đồng/cổ phiếu, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 2 triệu đơn vị.

0058-kdc
Diễn biến giá cổ phiếu KDC thời gian gần đây. (Nguồn:TradingView)
Những mã ngân hàng nào khối ngoại đã vượt và hết room sở hữu?

Tính đến ngày 28/3, có 4 mã chứng khoán ngân hàng đã hết room ngoại và một mã đã vượt room sở hữu, trong khi ...

FLC bị bán tháo và dư mua sàn hàng chục triệu đơn vị, các mã trong "họ" cùng chung cảnh ngộ

Thị trường chứng khoán bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần (28/3) không mấy tích cực. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu “họ” FLC ...

Cổ đông tăng sức ép: Tiếp tục lộ lọt nhiều vấn đề tại Địa ốc Hoàng Quân (HQC)

Nhóm cổ đông lớn nắm giữ 8,26% cổ phần HQC (được cho là có liên quan đến họ doanh nghiệp Louis) đã cùng ký vào ...

Thiện Nhân

Tin liên quan