Phiên giao dịch ngày 17/6/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

Cập nhật: 17:30 | 16/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 17/6/2022, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán MB - MBS

Khuyến nghị mua cổ phiếu HDB với giá mục tiêu 29.450 đồng/cp

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank, HOSE - Mã: HDB) ghi nhận kết quả khả quan với tăng trưởng tín dụng 9,7%, tăng trưởng huy động vốn cao hơn toàn ngành với 8,1%. Trong đó, tăng trưởng cho vay khách hàng quý 1 tăng mạnh đạt 10,8%, tiền gửi khách hàng đạt 9,9%, đứng thứ 2 về tốc độ thu hút tiền gửi trong toàn ngành ngân hàng (sau VPB với 13,4%).

4247-111
MBS khuyến nghị mua cổ phiếu HDB với giá mục tiêu 29.450 đồng/cp. Hình minh họa

Chất lượng tài sản cải thiện, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng đạt mức 1,57% trong quý 1/2022. Chỉ số an toàn vốn CAR đạt 14,2%. ROE quý 1 đạt hơn 21%. Ngoài ra, trích lập dự phòng năm 2022 của HDB có sự tăng mạnh. Quý 1/2022, LLR của HDB đạt 71,69%, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập của HDBank từ mảng dịch vụ, thu ngoài lãi tăng trưởng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có đóng góp tích cực từ mảng Bancasurrance – thuộc top 5 thị trường và đang phấn đấu chiếm lĩnh vị trí cao hơn.

Bên cạnh đó, NIM duy trì ở mức ổn định quanh 4,4% nhờ giảm chi phí vốn cũng như đẩy mạnh cho vay bán lẻ. So với cùng kỳ, chi phí vốn đã giảm hơn 0,7%, mức giảm cao so với trung bình ngành.

Ngoài ra, vốn điều lệ của HDB dự kiến sẽ được tăng lên gần 25.503 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng thêm 5.231 tỷ đồng trong năm nay. Nguồn vốn tăng thêm được tin rằng sẽ giúp HDB quản trị rủi ro cũng như tạo tiền đề cho sự phát triển vững chắc sau này.

Trước những lo ngại về động thái tăng lãi suất của Fed và việc lãi suất huy động đã tạo đáy trong năm 2021, việc các ngân hàng phải nâng lãi suất nhằm thu hút dòng vốn giá rẻ sẽ tạo áp lực lên NIM. Ngoài ra, chỉ số CPI tháng 5 tăng 2,86% so với cùng kỳ cũng cho thấy áp lực lạm phát đang tác động lên nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.

Theo đó, tại mức giá hiện tại 24.550 đồng/cp, MBS khuyến nghị MUA với cổ phiếu HDB, với giá mục tiêu sau 12 tháng là 29.450 đồng/cp theo phương pháp chiết khấu dòng tiền thặng dư (RI).

Công ty chứng khoán Agribank - Agriseco

Khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu VHC với giá mục tiêu 120.000 đồng/cp

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý I/2022 của CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE - Mã: VHC) đạt lần lượt 3.276 và 553 tỷ đồng, tăng 83% và 320% yoy nhờ nhu cầu phục hồi và giá cá tra xuất khẩu tăng mạnh. VHC cập nhật kết quả kinh doanh tháng 5/2022 khả quan với doanh thu tăng trưởng 96% yoy, qua đó lũy kế 5 tháng đầu năm tăng 91% yoy. Trong đó, mảng đóng góp lớn nhất vẫn là cá tra với doanh thu tháng 5 đạt 1.036 tỷ đồng (+101% yoy). Thị trường Mỹ đóng góp lớn nhất vào đà tăng trưởng khi ghi nhận 812 tỷ đồng doanh thu (+159% yoy).

Bên cạnh nhu cầu xuất khẩu có sự phục hồi tốt hậu đại dịch Covid, xung đột Nga – Ukraine cũng hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của VHC. Nga là quốc gia xuất khẩu cá Minh Thái và cá Tuyết lớn trên thế giới, chiếm 20% thị phần cá thịt trắng toàn cầu. Việc quốc gia này bị cấm hoặc hạn chế xuất khẩu mở ra cơ hội cho cá tra Việt Nam trở thành sản phẩm thay thế tiềm năng.

Việc Trung Quốc bình thường hóa nền kinh tế là động lực để thị trường này tăng trưởng mạnh trở lại trên mức nền thấp của năm 2021. Mặc dù ảnh hưởng bởi đợt phong tỏa vừa rồi, xuất khẩu của VHC sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng 11% riêng trong tháng 5 và 15% trong 5 tháng đầu năm.

Mới đây VHC đã được cấp phép để xuất khẩu cá tra vào Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU). Các mặt hàng được phép xuất khẩu bao gồm cá tra đông lạnh, phi lê cá,... Trước đó, xuất khẩu cá tra sang khối này còn nhiều hạn chế, với thông tin kể trên, VHC kỳ vọng có thể khai phá thị trường mới này.

Giá cá tra nguyên liệu gần đây đã tăng mạnh lên mức 32.000 đồng/kg, tăng hơn 50% yoy bởi nguồn cung sụt giảm trong khi nhu cầu xuất khẩu đang tăng mạnh. Giá cá tra xuất khẩu của VHC đã tăng lên hơn 4,5 USD/kg trong T4/2022 so với mức chỉ 2,9 USD/kg cùng kỳ. Theo Agriseco Research, giá cá tra có thể tiếp tục tăng với việc nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu ở mức cao trong khi nguồn cung cá nguyên liệu đang bị hạn chế.

Vĩnh Hoàn có thể tăng trưởng tích cực trong năm 2022 khi nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính khả quan. Đồng thời, VHC được hưởng lợi và có thể chiếm lĩnh thị phần cá thịt trắng bởi Nga đang chịu các lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu. Giá cá tra cũng đang trong chu kỳ tăng tốt và hỗ trợ cho KQKD của doanh nghiệp. Agriseco đánh giá khả quan và nâng giá mục tiêu lên 120.000 đồng/cp (upside 20%), khuyến nghị Tăng tỷ trọng với cổ phiếu VHC ở vùng giá hiện tại.

Công ty chứng khoán Bản Việt – VCSC

Duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu CTR

VCSC duy trì khuyến nghị MUA khi VCSC kỳ vọng Tổng CTCP Công trình Viettel (HOSE – Mã: CTR) sẽ tận dụng được mức tiêu thụ dữ liệu di động đang gia tăng của Việt Nam nhờ hoạt động kinh doanh cho thuê hạ tầng viễn thông (towerco) có mức sinh lời cao. Ngoài ra, các mảng Xây dựng và Tích hợp hệ thống của CTR đang phát triển nhanh chóng nhờ chuyên môn kỹ thuật vững chắc của CTR.

VCSC duy trì giá mục tiêu gần như không thay đổi do điều chỉnh giảm 9% tổng EBITDA giai đoạn 2022-2024 do chi phí đầu tư của mảng towerco thấp hơn dự kiến - và tương ứng là giá thuê - được bù đắp bởi (1) vốn đầu tư thấp hơn và (2) cập nhật mô hình định giá của VCSC từ cuối 2022 đến giữa năm 2023.

VCSC dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EBITDA 35% cho giai đoạn 2021-2024 - dẫn dắt bởi mức CAGR 70% trong mảng towerco - khi VCSC dự báo CTR sẽ gia tăng số lượng tháp tự sở hữu từ 2.500 vào cuối năm 2021 lên 9.400 trạm vào cuối năm 2024. VCSC dự báo tỷ lệ đóng góp vào EBITDA của mảng towerco sẽ tăng từ 22% vào năm 2021 lên 44% vào năm 2024.

VCSC cho rằng, EV/EBITDA giai đoạn 2022-2023 của CTR là 8,4/6,1 lần là hấp dẫn do triển vọng tăng trưởng EBITDA mạnh mẽ và đóng góp ngày càng tăng từ towerco. Dựa trên dữ liệu của Bloomberg, các thị trường châu Á mới nổi/phát triển có EV/EBITDA trung bình trong 5 năm lần lượt là 12 lần/23 lần.

Các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng chính: Tập đoàn mẹ Viettel thực hiện kế hoạch chuyển nhượng tối đa 15.000 trong tổng số khoảng 45.000 trạm viễn thông cho CTR vào năm 2022-2025; nhu cầu di động thấp hơn nhờ triển khai 5G nhanh chóng.

Rủi ro đối với quan điểm tích cực của VCSC: Tốc độ tăng trưởng tiêu thụ dữ liệu di động chậm; Viettel ưu tiên sở hữu trạm viễn thông thay vì thuê ngoài cho CTR; không muốn chia sẻ trạm giữa các công ty viễn thông.

Nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua đối với cổ phiếu SAB

VCSC nâng khuyến nghị cho Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (HOSE – Mã: SAB) từ KHẢ QUAN lên MUA vì thị phần và biên lợi nhuận của SAB vượt kỳ vọng của VCSC. VCSC tin rằng, SAB sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận hai con số trong giai đoạn 2022-2024 do sự phục hồi của ngành cũng như các sáng kiến tăng trưởng cơ cấu và cải thiện biên lợi nhuận của SAB.

VCSC nâng giá mục tiêu thêm 14% do (1) VCSC nâng dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2022-2024 thêm 4% chủ yếu nhờ giả định giá bia tăng cao hơn và (2) VCSC cập nhật giá mục tiêu từ cuối năm 2022 sang giữa năm 2023.

VCSC dự báo tốc độ tăng trưởng kép (EPS) đạt 22% trong giai đoạn 2021-2024 dựa trên (1) nhu cầu phục hồi cùng với sự gián đoạn do dịch COVID-19 giảm, (2) SAB giành được thị phần nhờ các sản phẩm mới cũng như cải tiến trong marketing và phân phối, và (3) các sáng kiến cải thiện biên lợi nhuận.

Giá mục tiêu của VCSC tương ứng P/E năm 2022/2023 đạt 30/26 lần so với trung v ị P/E trượt trung bình 5 năm của các công ty cùng ngành là 29 lần.

Rủi ro đối với quan điểm tích cực của VCSC: Mất thị phần vào tay đối thủ chính; chi tiêu marketing mạnh hơn dự kiến do cạnh tranh gay gắt.

Công ty chứng khoán KB Việt Nam – KBSV

Khuyến nghị mua cổ phiếu POW với giá mục tiêu là 19.800 đồng/cp

Trong quý 1/2022, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (HOSE: POW) ghi nhận kết quả kinh doanh ngược chiều với Doanh thu và Lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 7.061 tỷ đồng (-8% YoY) và 803 tỷ đồng (+42% YoY). Biên lợi nhuận gộp đạt 14,6% so với mức 11,4% của quý 1/2021 và việc tiết giảm các chi phí như chi phí lãi vay đạt 54 tỷ đồng (-60% YoY) và chi phí BH&QLDN giảm còn 116 tỷ đồng (-19% YoY) là động lực chính của tăng trưởng LNST.

KBSV kì vọng sản lượng năm 2022 của mảng điện khí sẽ đạt mức tăng trưởng 22,8% với các động lực chính: (1) Nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc hồi phục trong năm 2022 với mức tăng trưởng sản lượng điện dự phóng khoảng 10,5%, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây; (2) Các nhà máy nhiệt điện khí phục hồi trong Quý 2 và Quý 3/2021 do ảnh hưởng từ giãn cách xã hội. Tuy nhiên, triển vọng tích cực giữa các nhà máy sẽ không được duy trì đồng đều khi NT2 sẽ là nhà máy có triển vọng tích cực nhất, trong khi Cà Mau tiếp tục gặp khó khăn về nguồn khí đầu vào cho tới năm 2023.

Diễn biến thiếu nguồn cung than cho các nhà máy điện than cũng như giá khí đầu vào của các nhà máy điện khí cao góp phần đẩy giá thị trường điện cạnh tranh (CGM) duy trì ở mức cao, điều này là 1 tín hiệu tích cực với thuỷ điện do chi phí để phát điện của các nhà máy thuỷ điện thấp, dẫn tới lợi nhuận từ thị trường điện cạnh tranh cao hơn cho các nhà máy điện này. Do đó, KBSV cho rằng mảng thuỷ điện của POW sẽ tiếp tục có diễn biến thuận lợi trong năm 2022.

Dựa trên định giá SOTP và EV/EBITDA, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu POW. Giá mục tiêu là 19.800 đồng/cp, cao hơn 36,6% so với giá tại ngày 15/06/2022.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Cửa sáng nào cho cổ phiếu bất động sản cuối năm?

Hiện tại ngành bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức ảnh hưởng đến triển vọng ngành như: Lãi suất tăng ảnh hưởng ...

Chuyển động mới của quỹ ETF sẽ hỗ trợ tích cực cho đà hồi phục của thị trường

Đánh giá biến động của các quỹ ETF trong kỳ review lần này, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến ...

Chứng khoán phiên chiều 16/6: Tưng bừng ngày đáo hạn phái sinh

Tuy VN-Index tăng cao cho đến cuối ngày, tuy nhiên trên 1 số nhóm ngành lớn, ví dụ như bất động sản, sắt thép hay ...

Thiện Nhân

Tin liên quan