Nhận định chứng khoán tuần từ 17 - 21/8: Đi chậm và rung lắc

Cập nhật: 11:59 | 16/08/2020 Theo dõi KTCK trên

Dù thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua (từ ngày 10 - 14/8) rơi vào trạng thái giằng co, tích lũy song vẫn kết thúc bằng sự tăng điểm của các chỉ số. Theo đó, VN-Index chốt tuần tại mức 850,74 điểm; HNX-Index đạt 116,23 điểm và UpCOM-Index giữ mức 56,74 điểm.

5637-rung-la
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Với diễn biến hiện tại, có hai luồng ý kiến nhận định khác nhau cho tuần giao dịch tới (từ 17 - 21/8/2020). Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích lược một số nhận định của các công ty chứng khoán về diễn biến cho tuần giao dịch này.

Lạc quan

Các nhà phân tích tới từ CTCP Chứng khoán MB - MBS cho rằng, phiên cuối tuần, thị trường điều chỉnh kỹ thuật sau nhịp tăng hơn 10% kéo dài 2 tuần vừa qua. Tuy vậy, áp lực chốt lời phần lớn tập trung vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ; đây cũng là lý do thị trường chỉ giảm nhẹ nhưng số mã giảm phiên này đã tăng lên đáng kể.

Đây là phiên chốt lời thuần túy khi cả trong và ngoài nước không có thông tin bất lợi tác động đến thị trường. Vì vậy, MBS nhận định, xu hướng tăng của thị trường chưa có gì thay đổi khi vẫn giữ vững mốc 850 điểm.

Trong khi đó, tuy vẫn giữ quan điểm thận trọng nhưng ông Trần Xuân Bách, phụ trách mảng phân tích thị trường CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) kỳ vọng, chỉ số VN-Index sẽ sớm vượt qua vùng kháng cự 858 - 860 điểm để hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh 878 - 884 điểm trong ngắn hạn.

Vị chuyên gia này cho biết, trong tuần tới, diễn biến thị trường có thể chịu biến động mạnh vào giữa tuần do thứ 5 sẽ là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 8.

Ngoài ra, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo bộ chỉ số MSCI (Frontier Market Index) cũng sẽ diễn ra vào những tuần cuối tháng 8 và có thể tạo ra biến động mạnh ở các cổ phiếu bluechips (cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn, có thu nhập ổn định, cổ tức thấp và độ rủi ro thấp) nằm trong danh mục của các bộ chỉ số này.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam - VIS, thị trường đã có sự phân phối đỉnh sau khi có đợt phục hồi đáng kể hơn 70 điểm kể từ vùng đáy 780. Dù có vài phiên rung lắc nhưng thị trường vẫn duy trì giao dịch ổn định ở mức khá cho thấy dòng tiền vẫn ở lại thị trường.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn có mức tăng trưởng tốt tạo sự kỳ vọng cho nhà đầu tư.

Các yếu tố kỹ thuật cho thấy khi càng gần vùng đỉnh cũ 860 - 880 điểm thì áp lực bán sẽ càng mạnh hơn. Thị trường tuần tới sẽ tiếp tục phân hóa mạnh hơn khi hầu hết các doanh nghiệp đã công bố báo cáo quý II, vì vậy nhà đầu tư sẽ hướng trọng tâm vào nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng như tăng vốn, chia cổ tức hay các hoạt động M&A, thoái vốn. Việc rung lắc điều chỉnh sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư nhiều hơn để tích lũy cổ phiếu.

Ở một góc nhìn khác, theo bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, Công ty Chứng khoán Bản Việt - VCSC, về yếu tố kỹ thuật, tín hiệu kỹ thuật trung hạn của VNMidcap quay trở lại trạng thái trung tính tương tự như tín hiệu của VN-Index và VN30. Trong khi đó, tín hiệu trung hạn của HNX-Index, VNSmallcap tạm thời vẫn duy trì trạng thái tích cực.

ảnh 1

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Dự báo trong phiên giao dịch đầu tuần tới, việc VN-Index được hỗ trợ bởi đường MA5 và MA100 tại 848 - 850 điểm có thể giúp thị trường có sự hồi phục nhất định.

Nghi ngờ...

Tuy nhiên, vị chuyên gia của VCSC này cũng cho rằng, nếu nhịp phục hồi này có dấu hiệu không mạnh (được thể hiện bởi khối lượng giao dịch không cao trong nhịp tăng; mức điểm tăng không vượt qua được đỉnh của phiên cuối tuần tại 860 điểm) thì nhiều khả năng áp lực bán sẽ quay trở lại.

Khi đó, VN-Index có thể sẽ cần kiểm định lại hỗ trợ tại 848 - 850 điểm. Nếu đóng cửa phía dưới ngưỡng này, chỉ số sàn HOSE có thể đối diện với một nhịp điều chỉnh dài và mạnh hơn, hướng về các hỗ trợ phía dưới tại 840 điểm (MA10), 830 điểm (MA20) hoặc 825 điểm (MA50).

Có góc nhìn không tích cực về diễn biến thị trường, CTCP Chứng khoán Rồng Việt - VDSC cho rằng, phiên giao dịch cuối tuần không được trọn vẹn khi các chỉ số đã tăng trưởng ở đầu phiên nhưng về sau thì không thể giữ nhịp được do áp lực chốt lãi lớn trên toàn thị trường. Những dấu hiệu cho thấy thị trường vẫn có thể còn điều chỉnh, chưa đạt đến mức cân bằng của bên bán và bên mua.

Do vậy, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư cần giữ vững tinh thần và không nên vội tham gia vào giai đoạn khá gay cấn này để bảo toàn tài khoản của mình.

Đồng quan điểm với VDSC, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC cho biết, phiên cuối tuần qua, VN-Index tăng nhẹ trong phiên sáng và giảm dần từ đầu phiên chiều, sau đó đóng cửa tại mức 850,74 điểm.

Dòng tiền đầu tư cho thấy trạng thái tiêu cực khi 14/19 các nhóm ngành giảm điểm. Trong khi đó, khối ngoại đã tiếp tục bán ròng mạnh trên cả hai sàn HOSE và sàn HNX. Thanh khoản thị trường không thay đổi nhiều so với phiên hôm trước, độ rộng thị trường ở trạng thái tiêu cực cho thấy tâm lý giao dịch lạc quan ở các phiên trước đang yếu dần.

Theo đánh giá của BSC, việc các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khi chỉ số kiểm tra vùng cản 860 là một động thái cần lưu tâm và nhiều khả năng VN-Index sẽ chưa thể bứt phá cao hơn trong những phiên tới.

Nhìn lại diễn biến thị trường tuần qua (từ 10 - 14/8)

Thực tế, thị trường chứng khoán tiếp tục tăng điểm trong tuần từ 10 - 14/7 song mức tăng điểm là khá yếu do đa phần thị trường rơi vào trạng thái giằng co tích lũy.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 9,28 điểm (1,1%) lên 850,74 điểm; HNX-Index tăng 3,459 điểm (3,1%) lên 116,23 điểm; Thanh khoản xấp xỉ so với tuần trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 5.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.

Theo nhóm phân tích tới từ CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, việc thị trường tiếp tục tăng điểm trong tuần qua đã giúp toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu chính tăng trưởng.

Nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh nhất với 4,4% giá trị vốn hóa, với các mã tiêu biểu như: PVS tăng 0,8%, BSR (1,6%), PVD (2,5%), OIL (2,7%), PLX (4,5%)...

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng với mức tăng 3,2% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu tiêu biểu như VJC tăng 0,3%, SCS (2,2%), HVN (4%)...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng 2,4% giá trị vốn hóa, với các mã như VPB tăng 0,7%, BID (2,4%), CTG (3,3%), TCB (3,4%) MBB (5,2%), ACB (6,8%)...

Ngành nguyên vật liệu cũng tăng 2,4% vốn hóa do các trụ cột trong ngành đều lên giá như DPM tăng 3,3%, DCM (5,1%)...

Các nhóm ngành cổ phiếu khác được mua vào và đồng loạt tăng như ngành công nghiệp tăng 1,5%, công nghệ thông tin (1,4%), tài chính (0,8%), dược phẩm và y tế tăng 0,8%, hàng tiêu dùng (0,6%)...

Dù thị trường tăng điểm nhưng khối ngoại tuần quan bán ròng mạnh đạt 884,4 tỷ đồng. Chỉ tính riêng sàn HOSE, khối ngoại đã bán ròng 741 tỷ đồng.

Nhận định chứng khoán ngày 14/8/2020: Xu hướng thị trường phái sinh

Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán vừa đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 14/08/2020. ...

Nhận định chứng khoán ngày 14/8: Quan sát vùng hỗ trợ gần 845-850 điểm

Sau thời gian dao động giằng co, chỉ số ghi nhận diễn biến tăng điểm tốt trong phiên hôm nay (13/8). Mặc dù vậy, chỉ ...

Chứng khoán phiên sáng ngày 13/8: VN-Index tăng hơn 6 điểm

Sau hồi chững lại kể từ nhịp bứt tốc đầu phiên, VN-Index được kéo lên trong nửa cuối phiên sáng ngày 13/7 và tạm kết ...

Quốc Trung