Minh Đức Uy, Giám đốc công ty M-Com Founder - người tiên phong trong công nghệ chatbot

Cập nhật: 14:36 | 29/10/2018 Theo dõi KTCK trên

Những trả giá không nhỏ cho hai lần thất bại đã giúp Minh Đức Uy tìm được người bạn đồng hành Diệp Mỹ Dương và tập trung chí hướng phát triển sản phẩm chatbot cho chăm sóc khách hàng và marketing online.

minh duc uy giam doc cong ty m com founder nguoi tien phong trong cong nghe chatbot
Minh Đức Uy, Giám đốc công ty M-Com Founder - hệ thống xây dựng Chatbot & E- Commetce

Từng đoạt giải ba trong cuộc thị Startup Wheel của TP.HCM năm 2015, từng khởi nghiệp với công ty quản lý bán hàng lưu động bằng smartphone, rồi viết phần mềm cho các công ty nước ngoài… những trả giá không nhỏ cho hai lần thất bại đã giúp Minh Đức Uy tìm được người bạn đồng hành Diệp Mỹ Dương và tập trung chí hướng phát triển sản phẩm chatbot cho chăm sóc khách hàng và marketing online.

Khởi nghiệp lại từ đầu với số vốn 100 triệu đồng, hiện M-Com đã được một công ty đầu tư định giá 5 tỷ đồng.

Am hiểu công nghệ, đam mê viết ứng dụng phần mềm, luôn gắn liền với thực tế doanh nghiệp để giải những bài toán bằng công nghệ chatbot, hai chàng trai

Minh Đức Uy và Diệp Mỹ Dương đã có được những khách hàng lớn như Mitek, Sao Bắc Đẩu, và nằm trong top 20 của cuộc thi ACB Win năm 2018.

Hiện các doanh nghiệp (DN) lớn đang bước vào cuộc cách mạng 4.0, và cách đi nhanh nhất của họ là tìm kiếm những startup có chung chí hướng, để đặt ra những bài toán kinh doanh cho startup giải quyết bằng công nghệ, theo anh đó có phải là cách làm hữu hiệu?

Sự kết hợp này sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí cho DN. DN lớn muốn phát triển sản phẩm chatbot để chăm sóc khách hàng mảng marketing online. Họ có sẵn bộ máy phát triển kinh doanh rồi, nhưng chưa đi sâu vào những ứng dụng chăm sóc khách hàng online và phục vụ bằng công nghệ, chưa biết bắt đầu từ đâu, nên cần những nhóm startup trẻ như chúng tôi để mở rộng thị trường online…

Cách làm này đang trở thành xu hướng, vì một số công ty hiện tại đã phát triển bộ máy hoàn thiện, để phát triển cái mới tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc, trong khi mình có sẵn nền tảng công nghệ đó.

Ngược lại, các startup cũng được lợi từ sự kết hợp này, vì mảng thị trường mình không tốt bằng các doanh nghiệp lớn đã có tên tuổi, nên phải “cộng sinh” với họ để phát triển tốt hơn. Nhưng muốn sự hợp tác này có kết quả, hai bên phải tìm được tiếng nói chung, phía DN phải chịu khó đổi mới, tin tưởng, còn bên startup phải lắng nghe DN để phát triển sản phẩm phù hợp, hiệu quả.

Hiện nay doanh nghiệp nào cũng muốn phát triển theo hướng 4.0, dùng chatbot, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… để phát triển nhanh hơn, nhưng với những công nghệ còn quá mới mẻ, việc thuyết phục doanh nghiệp có khó khăn nhiều không với các startup?

Người dùng thấy công nghệ mới cũng khá nghi ngại, làm thế nào để ứng dụng công nghệ vào thực tế cũng là một thách thức lớn. M-Com từng có ý định triển khai chatbot cho một hội doanh nhân, nhưng các anh chị không tin tưởng, sợ bị mất thông tin thành viên, nên hạn chế dùng chatbot trên Messenger và Zalo.

Một số khách hàng cũng chưa tương tác quen trên Messenger và Zalo, phần lớn chỉ sử dụng web, hoặc thực hiện giao dịch với con người nên cuối cùng tôi phải giải quyết bằng cách… bán tự động để giúp người dùng hiệu quả. Chatbot hỗ trợ tương tác với người dùng nhiều hơn thay vì trả lời trực tiếp, vẫn lưu giữ thông tin khách hàng để đánh giá trong quá trình tương tác, từ đó rút gọn giao dịch lại từ 10 bước còn 5 bước chốt được đơn hàng.

Phần lớn doanh nghiệp còn e ngại về tính bảo mật, lòng tin chưa đủ, hoặc trên lãnh đạo thông mà cấp ở dưới chưa thông. Mình phải giải thích cho họ rất kỹ càng lợi ích mà chatbot mang lại. Muốn hiệu quả phải có sự kết hợp sâu giữa startup với đội ngũ marketing của DN, theo sát quá trình triển khai để điều chỉnh công nghệ cho phù hợp.

Có lần làm với công ty Thanh Nghị sản phẩm nước súc miệng cai thuốc lá, nhưng công nghệ chưa ổn, tôi phải tắt công nghệ đi và làm lại cho hoàn thiện, sau 1 tuần chatbot tích hợp khá nhanh, và đưa ra hoạt động kịp thời. Hiện Thanh Nghị đã đồng ý với M-Com để hướng dẫn sử dụng hệ thống này tới 200 đại lý của họ.

Nhiều lãnh đạo DN thường ảo tưởng chỉ cần có ứng dụng mới có thể mang đến sự thay đổi lớn cho doanh nghiệp, để thuyết phục họ chịu thay đổi tư duy, đầu tư đúng mức cho 4.0 theo anh có khó không?

Ban đầu các vị lãnh đạo thường nghĩ có thêm tính năng mới sẽ mang lại hiệu quả ngay tức thì, mà không nghĩ phải đầu tư đội ngũ, có người điều khiển nó. Đội ngũ đó phải làm việc với startup để học cách sử dụng, triển khai tốt hơn trong các chiến dịch của họ.

Họ phải có tư tưởng mới, thực sự muốn làm mới triển khai hiệu quả. Mảng chatbot nhiều DN có hứng thú, muốn đầu tư. Họ tìm hiểu một số chatbot như hana.ai, harafunnel, chatfuel, manychat… (hai chatbot đầu là của Việt Nam, hai cái còn lại của nước ngoài).

Khi xài hết rồi, chuyển qua M-Com, họ mới thấy rõ tính năng linh động hơn, vì M-Com hướng tới thuần chatbot hơn, giúp người dùng tạo hệ thống chatbot, có thể bán mẫu chatbot của mình với người khác. Ví dụ khi bạn kinh doanh mỹ phẩm, bạn sẽ tạo mẫu chatbot về mỹ phẩm sẵn để giúp người khác kiếm thêm tiền từ việc bán mô hình chatbot của mình.

Chatbot M-Com mang tính tiên phong hơn, linh hoạt hơn, ví dụ khi muốn thực hiện chiến dịch bán hàng online, bạn có thể điều chỉnh dễ dàng. Tất cả nội dung trong quá trình giao dịch khách hàng đều được lưu lại để phân tích hiệu quả về hành vi người dùng, cho biết bao nhiêu giao dịch sẽ chốt được đơn hàng. Phân loại thành những tập khách hàng nhỏ, trung thành, để gửi ưu đãi cá nhân hóa tập khách hàng đó.

Làm thế nào để một startup có được các đơn hàng đầu tiên từ những khách hàng lớn để tạo uy tín cho riêng mình trong thị trường cạnh tranh quyết liệt?

Thực sự cũng nhờ mối quan hệ quen biết rất nhiều các anh chị trong lĩnh vực công nghệ thông tin từ những lần khởi nghiệp thất bại trước đó. Sau giải ba cuộc thi Startup Wheel của TP.HCM năm 2015, tôi may mắn gặp được anh Việt Huy, CEO Mitek, chính anh đã tạo điều kiện cho nhóm có được văn phòng làm việc đầu tiên ngay tại công ty anh, và từ đó đã ra đời được những ứng dụng chatbot đầu tiên. Anh Huy đã nâng đỡ tinh thần rất nhiều cho chúng tôi những ngày đầu khởi nghiệp.

Hiện M-Com đang làm với Mitek, Sao Bắc Đẩu, chuỗi nhà hàng SHP Gourmet… Chẳng hạn, M-Com đang phối hợp Mitek đưa ra dịch vụ đặt lịch hẹn bác sĩ, giúp cho các bệnh viện thông qua chatbot, web, điện thoại di động, giúp thanh toán đặt lịch online nhanh chóng hiệu quả hơn.

Nhà hàng SHP Gourmet đã phát triển 1 năm, vừa là trường học, vừa là nhà hàng. M-com giúp họ chạy marketing online từ chatbot. Trước đây phải truy cập địa chỉ web hoặc cài ứng dụng di động, giờ chỉ cần sử dụng chatbot qua Messeger và Zalo mà không cần phải cài App mới. Từ đó biết có bao nhiêu khách hàng đến nhà hàng, vào thời điểm nào nhiều khách hàng nhất để điều chỉnh hoạt động. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, biết được khách hàng mới cũ, gửi chăm sóc, biết thông tin khách hàng thích món ăn nào, sinh nhật ngày nào… để chăm sóc khách hàng tốt hơn. Hiện đã có 200 khách hàng quét mã cot của nhà hàng, 38 đơn hàng online.

Hướng phát triển sắp tới nhà hàng sẽ thực hiện marketing nhiều hơn để tăng lượng tương tác với khách hàng, thực hiện chính sách ưu đãi cho khách hàng VIP, đặt món ăn online, thanh toán qua cổng thông tin Vnpay và ZaloPay…

Tham gia cuộc thi ngân hàng ACB win hàng năm, M-Com đã lọt vào top 20 trên hơn 120 đội năm 2018. Đây là năm đầu tiên ACB win mở ra cho người ngoài ngân hàng tham gia, với dự án ứng dụng chatbot trong hệ thống ACB và chuyển giao những ứng dụng hiện có như ACB live style. Ứng dụng ACB có sẵn, nhưng ít khách hàng biết đến, nên cần tập người dùng lớn hơn từ Zalo và Messenger, để tạo ra tập người dùng lớn hơn. Những ứng dụng đang chạy của ngân hàng ACB không cần thay đổi gì, mà chỉ cần tích hợp thêm công nghệ của mình, giá thành công nghệ rẻ hơn, tiết kiệm hơn so với phát triển web và app nhiều.

Xu hướng ngân hàng tự động với chatbot đang đặt các “ông lớn” ngân hàng trước những thách thức nào?

HSBC và một số ngân hàng nước ngoài cũng đang triển khai chatbot giúp người dùng sử dụng hiệu quả hơn, chăm sóc tự động, điều hướng người dùng tới dịch vụ mà ngân hàng đang mong muốn triển khai. Thay vì trước đây phải in TVC, làm truyền thông rất tốn tiền, chatbot sẽ gửi thông điệp đến từng khách hàng cụ thể, nhanh chóng, lấy được thông tin người dùng để chăm sóc hợp lý hơn.

Điểm mạnh nữa là có thể tương tác với ứng dụng khác khá đơn giản khi giao dịch trên ZaloPay, nhấn vô chatbot lập tức mở ứng dụng thanh toán điền sẵn hết, giúp nhanh chóng vô cùng và bảo đảm tính bảo mật thông tin…

Nhưng để thuyết phục các ngân hàng Việt Nam thay đổi quả không dễ dàng.

Vì sao đang làm cho công ty nước ngoài với mức lương đáng mơ ước, anh lại quyết định khởi nghiệp, và chịu trả giá không nhỏ cho những thất bại?

Tốt nghiệp Đại học Khoa học tự nhiên, Khoa Công nghệ thông tin, ra trường đi làm được 1 năm cho Fossil Group, lương 18 triệu/tháng, nhưng tôi vẫn muốn làm cái gì đó cho riêng mình, mang tính sáng tạo nhiều hơn là làm thuê.

Gặp anh Huy khi mình đã có một nhóm làm hệ thống thương mại điện tử rồi, nhưng vừa học vừa làm không tới đâu. Anh Huy đã giúp mướn một văn phòng, và tôi quyết định rủ Dương khởi nghiệp M-Com với số vốn khoảng 100 triệu đồng. Lúc ấy Dương đang làm ở trường Đại học Sài Gòn, Khoa Công nghệ thông tin, cũng viết mấy ứng dụng hỗ trợ cho chuyện thi cử, sau đó rủ thêm 6 bạn, giờ M-Com đã có 14 người. Từ góc đường Sư Vạn Hạnh đó, với máy móc tự có, tới giờ được 1 công ty đầu tư vô định giá kha khá, khoảng 5 tỷ đồng.

Ban đầu chúng tôi chưa nhận thức tốt sản phẩm ứng dụng vào mô hình kinh doanh đến người dùng cuối, sản phẩm phức tạp, chưa ứng dụng được thực tế. Nhân lực khó khăn, chưa đảm dương hết. Nhưng may mắn tôi và Dương tư tưởng khá đồng nhất, quyết tâm làm sao tạo ra mô hình thực tế, kiếm được tiền ngay. Hồi xưa nhờ kinh doanh ứng dụng công nghệ cho bán cà phê lưu động, nên cũng khá thực tế, không quá “bay” như nhiều bạn startup khác.

Hai người sáng lập đều trẻ, cá tính, trong quá trình điều hành có mâu thuẫn nhau nhiều không?

Trong quá trình làm việc đôi khi hai đứa cũng mâu thuẫn, bất đồng, nhưng nguyên tắc là cứ đè khách hàng ra test thử. Mình làm việc với khách hàng sát hơn, lấy ý kiến từ họ, còn Dương chủ yếu phụ trách về kỹ thuật, nên cứ vừa làm vừa sửa. Ban đầu khách hàng là DN quá nhỏ, mình phải chăm sóc khách hàng quá nhiều, lợi ích đem lại so với sức mình bỏ ra không tương xứng.

Từ từ mới nhắm tới khách hàng lớn hơn, họ có ngân sách dành cho mảng công nghệ, chịu khó triển khai với mình… Chatbot 2017 mới phát triển mạnh ở nước ngoài, còn Việt Nam thì quá mới. Khó khăn nhất là tìm đúng khách hàng của mình. Lúc mới ra hơi mơ hồ… phải phối hợp với khách hàng tốt mới triển khai hiệu quả.

Trên thị trường có khá nhiều đơn vị làm chatbot, nhưng họ chỉ đưa công cụ mà không chịu phối hợp với khách hàng để hoàn thiện nó, nên đôi khi mang hiệu quả ngược, gây sự khó chịu cho người sử dụng khi trả lời những câu rất ngớ ngẩn.

Rút kinh nghiệm từ hai lần thất bại trước đây, nguyên nhân đầu tiên là không đủ minh bạch, nguyên nhân thứ hai là… quá minh bạch, đến M-Com, tôi giữ mức độ minh bạch vừa phải. Những người lãnh đạo có trách nhiệm đưa thông điệp rõ ràng tới từng nhân viên, vì đang ở cùng một chiếc thuyền mà. Phải hiểu rõ tính cách từng người, giữ được những người quyết định trong nhóm.

Thứ hai phải biết nhún nhường nhau, đôi khi mình cũng cứng đầu lắm, phải cân bằng, biết lắng nghe ý kiến người khác, chia công việc, không ôm đồm.

Trong điều hành DN, anh coi trọng văn hóa nào nhất, để kích thích sự sáng tạo?

M-Com có hai nhóm, nhóm tập trung phát triển chatbot là sản phẩm chính của mình và nhóm làm thuê để kiếm thêm tiền, bán giải pháp công nghệ cho DN là chính, lấy ngắn nuôi dài. Tôi không muốn các bạn trong team bị gò bó công việc. Cách quản lý của tôi khá thoáng, giao khoán công việc, tránh người này đụng người kia. Khi team còn nhỏ, nếu chồng chéo nhau đôi khi phát sinh lỗi mất thời gian.

M-Com cũng quản lý công việc theo quy trình phát triển phần mềm đàng hoàng, từ thiết kế hệ thống, chia tách nhỏ ra cho từng bạn, để mỗi người phát huy điểm mạnh. Không bắt bạn làm giao diện phải làm công việc khác phía sau. Dương mạnh về phát triển hệ thống, Thái Việt Linh tính cách tỷ mỉ, trau chuốt, làm giao diện tốt. Còn các bạn sinh viên làm hệ thống tốc độ rất nhanh, có thời gian, khá siêng năng, tập trung phát triển nhanh một số chức năng… sau đó Dương sẽ hệ thống lại kỹ hơn.

Quan trọng nhất là tin tưởng, chơi thân với nhau như bạn, có mức lương đủ sống, được đi du lịch hàng tháng với nhau. Công ty muốn phát triển các bạn thành sao, làm lâu dài, hỗ trợ cùng nhau phát triển. Văn phòng không chia theo ô, tất cả làm chung với nhau.

minh duc uy giam doc cong ty m com founder nguoi tien phong trong cong nghe chatbot
Minh Đức Uy (thứ hai từ trái sang) cùng Diệp Mỹ Dương (giữa) và các cộng sự tại M-Com

Khá nhiều startup công nghệ lo ngại khi các DN lớn mua phần mềm của mình và phổ biến rộng rãi, mình sẽ mất thế mạnh cốt lõi, anh nghĩ sao về những yếu điểm của các startup công nghệ?

Thật ra phải biết thế mạnh của mình ở đâu, giúp ích điều gì cho xã hội, để không bị thay thế. Không nên làm cái gì quá chung, phải tập trung vào một nhóm khách, thật sự kiên trì đeo đuổi nó.

Với startup, nhân sự là quan trọng nhất, muốn team đi dài, đi xa, phải có tiền, có quan hệ, đó là bước đệm quan trọng ban đầu. Không ai có thể làm cho mình chỉ vì đam mê. Tôi rất kỵ việc kêu gọi mọi người về làm chỉ vì ước mơ của riêng mình. Tuy nhiên tiền không phải là quan trọng nhất, họ đồng hành với mình sẽ đi xa hơn.

Khi hợp tác làm ăn, tôi không cần nhà đầu tư chỉ đưa tôi tiền, mà phối hợp đưa sản phẩm đi xa. Phải làm việc rất kỹ càng trước khi ký hợp đồng, thà mất lòng trước được lòng sau, tuân thủ điều kiện hai bên đưa ra. Nếu nhà đầu tư thích sản phẩm và muốn đi xa cùng tôi thì người quản lý chính là bên tôi, để đi theo lý tưởng ban đầu, không lo ngại mất đi công nghệ lõi.

Niềm vui được cùng nhau sáng tạo đã mang đến cho các thành viên của M-Com những giá trị gì?

Làm việc thoải mái, hợp tính, tin tưởng nhau để cùng nhau phát triển,niềm vui lớn nhất là thấy những ứng dụng của mình được thị trường chấp nhận, từ đó có động thực hơn. Cuối tuần chúng tôi có những chủ đề chia sẻ, rèn luyện khả năng thuyết trình, kinh nghiệm cuộc sống, kỹ năng làm việc… giúp cho chúng tôi trưởng thành hơn về mọi mặt.

Tôi không thích các bạn vùi đầu vào máy. Công ty Nhật thường quá nền nếp, trao đổi cực kỳ ít, công ty Việt Nam thì quá phân chia cấp bậc, không tận dụng được thế mạnh của các thành viên, công ty Mỹ quá thoải mái… Tôi cố gắng dung hòa ba văn hóa ấy, vừa làm việc, trao đổi, tán dóc… lập trình mà cố chấp làm hoài cũng không ra, có bạn khác nhắc nhở trao đổi sẽ hiệu quả hơn.

Chúng tôi cũng không quá chạy đua về công nghệ, mà chỉ tận dụng hết sức trong hệ thống, ứng dụng cái mới vừa phải, để không tạo áp lực.

Hàng năm Google bỏ hàng trăm triệu USD vào trí tuệ nhân tạo, mình chưa chắc làm tốt hơn, chỉ bỏ số tiền nhỏ để sử dụng thành quả của họ. Hệ thống của chúng tôi cần phải mở để tích hợp những ưu thế của họ, kết hợp với những đơn vị khác để triển khai thực tế ra thị trường. Vì chỉ cần chệch hướng là tốn thời gian chi phí và nhân sự lớn. Quan trọng là niềm tin vào bản thân, niềm tin muốn có cái gì đó của riêng mình.

KIM YẾN

Theo bizlive.vn