IMF cảnh báo căng thẳng Mỹ - Trung Quốc có nguy cơ 'đảo ngược' nền kinh tế toàn cầu

Cập nhật: 07:00 | 09/05/2024 Theo dõi KTCK trên

IMF ước tính thiệt hại kinh tế đối với GDP thế giới có thể lên tới 7% trong kịch bản cực đoan nhất.

Vào ngày 7/5, một quan chức hàng đầu của IMF cảnh báo rằng sự khác biệt giữa các khối kinh tế phương Tây do Mỹ dẫn đầu và các khối kinh tế đồng minh của Trung Quốc đang đe dọa đến hợp tác thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong một bài phát biểu tại Đại học Stanford, Phó Giám đốc điều hành IMF Gita Gopinath cho biết các sự kiện như đại dịch toàn cầu và xung đột giữa Nga - Ukraine đã phá vỡ quan hệ thương mại toàn cầu một cách chưa từng thấy.

Bà nhận định: “Ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về an ninh kinh tế và an ninh quốc gia trong việc xác định họ nên giao dịch và đầu tư vào ai”. Đồng thời, điều này dẫn đến việc các quốc gia ngày càng chọn phe giữa Trung Quốc và Mỹ.

IMF cảnh báo chia rẽ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có nguy cơ 'đảo ngược' nền kinh tế toàn cầu
Sự chia rẽ trong khối thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang đe dọa ‘đảo ngược’ nền kinh tế toàn cầu. Ảnh: CNBC

Mặc dù việc tăng cường khả năng phục hồi kinh tế “không hẳn là xấu”, nhưng theo Gopinath, xu hướng chia rẽ có thể đe dọa đến “hệ thống thương mại toàn cầu” và “đảo ngược đáng kể những lợi ích từ hội nhập kinh tế”.

Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng gia tăng khi Mỹ tăng cường các hạn chế thương mại và áp đặt lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc vì lo ngại về an ninh quốc gia.

Theo dữ liệu do IMF tổng hợp, căng thẳng leo thang giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã được phản ánh trên toàn cầu, với hơn 3.000 hạn chế thương mại do các quốc gia trên toàn thế giới áp đặt vào năm 2022 và 2023 - nhiều hơn gấp 3 lần so với năm 2019.

CNBC cho hay, giao thương giữa các khối kinh tế Trung Quốc và Mỹ đã giảm so với thương mại giữa các quốc gia trong những nhóm này. Khối Mỹ chủ yếu bao gồm khu vực châu Âu, Canada, Australia và New Zealand, trong khi các nước nghiêng về Trung Quốc có Nga, Eritrea, Mali, Nicaragua và Syria.

Kể từ khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine xảy ra, thương mại giữa các khối giảm khoảng 12% và đầu tư trực tiếp nước ngoài tụt 20% so với giao thương nội bộ trong mỗi khối.

Đặc biệt, Trung Quốc phải vật lộn để duy trì đầu tư nước ngoài trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với phương Tây. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước này được cho là giảm tới 26% trong 3 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước.

IMF cảnh báo chia rẽ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có nguy cơ 'đảo ngược' nền kinh tế toàn cầu
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11/2022. Ảnh: Getty Images

Tác động trong tương lai

Theo Gopinath, mặc dù mâu thuẫn kinh tế vẫn chưa đạt đến mức độ như Chiến tranh Lạnh, nhưng tác động tiềm tàng của nó lớn hơn nhiều do nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc nhiều vào thương mại.

Nếu vấn đề này không được khắc phục, IMF ước tính thiệt hại kinh tế đối với GDP thế giới có thể lên tới 7% trong kịch bản tệ nhất.

IMF phân tích rằng các quốc gia có thu nhập thấp có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do sự phụ thuộc lớn của họ vào nhập khẩu nông sản và đầu tư nước ngoài từ các nước phát triển.

Tuy nhiên, bất chấp các rạn nứt trong nền kinh tế thế giới, tỷ lệ tổng thương mại hàng hóa trên GDP toàn cầu vẫn tương đối ổn định trong 2 thập kỷ qua.

Một phần là nhờ tác động của sự chia rẽ đã được giảm nhẹ bởi một nhóm các quốc gia trung lập với Mỹ và Trung Quốc, như Mexico. Họ đóng vai trò là những nền kinh tế “kết nối” giúp thương mại và đầu tư có thể có thể chuyển hướng lại.

Gopinath nhận xét, bằng cách sử dụng “sức mạnh kinh tế và ngoại giao” của mình, các quốc gia này có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc duy trì sự hội nhập của thế giới.

Quỳnh Vân

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm