Hiểm họa từ mỹ phẩm giả

Cập nhật: 12:35 | 23/09/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN – Việc chọn mua mỹ phẩm trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết khi các cửa hàng kinh doanh, các shop online ngày càng mọc lên như nấm. Tuy nhiên, vàng thau lẫn lộn, song song với những dòng sản phẩm chính hãng, có chất lượng tốt thì những mỹ phẩm trôi nổi vẫn được trà trộn để bán. Và hậu quả phải gánh chịu không ai khác, đó chính là người tiêu dùng.  

Thực trạng mỹ phẩm giả tràn lan

Hiện nay, mỹ phẩm dưới dạng hàng xách tay từ các nước Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan…. đang được bán tràn lan tại các cửa hàng mỹ phẩm và trên các trang mạng xã hội. Với nhu cầu làm đẹp ngày một tăng, cộng với mác “hàng xách tay” nhiều chị em phụ nữ đã tìm đến những sản phẩm này. Tuy nhiên, về công dụng và nguồn gốc của nó, họ chỉ có thể nghe qua những lời quảng cáo.

Theo số liệu từ Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, từ đầu năm 2017 đến nay TP đã kiểm tra 180 vụ về mỹ phẩm giả thì có 179 vụ vi phạm. Trong đó có nhiều loại hành vi vi phạm như kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, kinh doanh hàng không công bố tiêu chuẩn…

Do tình trạng mỹ phẩm được làm giả khá tinh vi nên các lực lượng chức năng ngày càng gặp khó khăn khi tiến hành kiểm tra.

hiem hoa tu my pham gia
Mỹ phẩm được bày bán tràn lan. Ảnh: Intetnet

Theo ông Nguyễn Văn Bách - Phó Chi cục trưởng QLTT TP.HCM cho biết: "Với công nghệ về bao bì hiện nay, mỹ phẩm giả có rất ít điểm khác biệt so với mỹ phẩm thật. Hơn nữa, mỹ phẩm giả thường được bày bán lẫn lộn chung với mỹ phẩm thật khiến người tiêu dùng rất khó nhận diện hàng thật – hàng giả. Hiện tại, mặt hàng mỹ phẩm vô cùng đa dạng về chủng loại, mẫu mã, tính năng mà ngay cả các cơ quan thực thi cũng không có đủ các thông tin về đặc điểm nhận biết".

Bên cạnh đó, hiện nay chưa có hệ thống cảnh báo an toàn mỹ phẩm trong nước, hệ thống các phòng thí nghiệm kiểm định chưa đáp ứng được yêu cầu... Hầu hết các thông tin cảnh báo an toàn về các sản phẩm mỹ phẩm có chứa độc tố, tiềm ẩn mối nguy gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng cho đến nay đều chỉ được biết đến qua phát hiện của báo chí, thông qua cảnh báo từ các phương tiện thông tin của nước ngoài…

Hậu quả khó lường

Sử dụng mỹ phẩm trôi nổi giống như đang cầm trong tay một con dao hai lưỡi. Một mặt nó có tác dụng làm đẹp ngay lúc ban đầu, hiệu quả ngay từ lần đầu tiên sử dụng như sản phẩm làm trắng da Dipso của Thái Lan, hay sản phẩm trị nám VACOSI WHITENING ARMPIT CREAM của Hàn Quốc… Mặt khác, khi bị phản tác dụng, dấu hiệu đầu tiên cho thấy làn da bạn gặp nguy hiểm có thể là sưng tấy, bỏng rát, nổi mụn, bong vảy da,… Tuy nhiên, đây chỉ là những triệu chứng được xem là “nhẹ”. Nếu như tiếp tục sử dụng, người dùng có thể bị kích ứng nghiêm trọng như mưng mủ, nhiễm trùng, viêm nang lông hay thậm chí là ung thư da.

hiem hoa tu my pham gia
Cô gái bị nhiễm độc tố da từ mỹ phẩm. Ảnh: Internet

Chị Nguyễn Thị Hiền (quận Tân Bình) là một trong những nạn nhân của việc thiếu hiểu biết bày tỏ: “Nghe lời giới thiệu từ bạn bè, tôi thường hay mua nhiều loại kem ngoài chợ với giá rất rẻ (khoảng 7.000 - 8.000/hộp), sau đó trộn chung lại với nhau gọi là kem trộn hay kem bảy màu, lúc đầu dùng thấy da trắng ra nên ngày nào tôi cũng bôi kem với mong muốn da trắng nhanh nhưng sau 3 tháng dùng thử tôi thấy da sần sùi, yếu hẳn đi và còn bị nám nữa”.

Khác với túi xách giả, quần áo giả,.. mỹ phẩm giả là thứ tác động trực tiếp đến làn da. Nếu sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng nhái chỉ vì những lời quảng cáo có cánh của người bán hoặc vì giá cả rẻ, có thể gặp rất nhiều rủi ro.

Khi sử dụng các sản phẩm đó lâu sẽ dẫn đến những căn bệnh về da khó lường. Việc điều trị các bệnh da liễu cũng không phải là công việc một sớm một chiều, nếu bệnh nhẹ, thời gian điều trị trung bình tính bằng tháng, còn nếu tình trạng nghiêm trọng hơn, có thể nó sẽ đeo bám bạn cả đời và thậm chí nhiều trường hợp cũng đã tử vong vì mỹ phẩm giả.

Theo TS.BS Lê Ngọc Diệp – Giảng viên Khoa Da liễu, ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: Có một số độc chất như: Sodium lauryl sulfate thường có trong kem đánh răng, dầu gội đầu, sữa tắm, nước súc miệng… được xem là nguy hiểm nhất trong các chất hữu cơ dùng để sản xuất mỹ phẩm; Polyethylene glycon sử dụng trong kem dưỡng da, chống khô da gây ảnh hưởng bất lợi cho hệ miễn dịch của cơ thể,…Ngoài ra còn có một số hóa chất phổ biến gây hoặc nghi ngờ gây ung thư như: Parabens là hóa chất thường được sử dụng như chất bảo quản trong nhiều mỹ phẩm, trong đó có sản phẩm khử mùi. Chất này được xác định có nhiều trong các mô của phụ nữ bị ung thư vú…

Cho dù là các loại mỹ phẩm cao cấp hay bình dân thì việc sử dụng đều đặn và kiên trì mới đem lại hiệu quả một cách tốt nhất. Người tiêu dùng nên cân nhắc thật kỹ trước những lời quảng cáo, cũng như lựa chọn những sản phẩm có rõ nguồn gốc, xuất xứ để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Thu Hoài

Tin liên quan