Doanh nhân Nguyễn Thu Hương: Khó nhất là vượt qua hào quang do chính mình tạo ra

Cập nhật: 05:00 | 11/11/2018 Theo dõi KTCK trên

"Khó khăn nhất là vượt qua hào quang do chính mình tạo ra để xác lập cái mới, phải rất dũng cảm. Nếu không có bước chuyển nhịp không thể có thay đổi để lớn hơn", nữ doanh nhân Nguyễn Thu Hương, Tổng giám đốc Công ty Truyền thông và đầu tư Nam Hương cho biết.

doanh nhan nguyen thu huong kho nhat la vuot qua hao quang do chinh minh tao ra
Doanh nhân Nguyễn Thu Hương, Tổng giám đốc Công ty Truyền thông và đầu tư Nam Hương, Chủ tịch BSIN & WLIN.

Gặp chị Thu Hương vào thời điểm này có thể cảm nhận rất rõ nguồn năng lượng mới đang chảy tràn, khiến cho gương mặt chị bừng sáng, vẻ đẹp xuất phát từ bên trong của một tinh thần đầy nội lực. Dường như những thăng trầm trong kinh doanh, những biến cố trong cuộc sống đã giúp Thu Hương ngộ ra ý nghĩa thực sự của cuộc đời, để biết cho đi nhiều hơn, biết sống cho cộng đồng…

Từng được biết đến với danh hiệu Hoa khôi thể thao năm 1992, Á hậu Quý bà thế giới năm 2012, một diễn viên, người dẫn chương trình sắc sảo, một nhà báo… nhưng chị lại chọn con đường doanh nhân, khai phá những lĩnh vực mới mẻ của ngành truyền thông thời đại 4.0.

Vượt qua những khúc quanh ngặt nghèo nhất, chị đã dũng cảm để chia tay với ánh hào quang của quá khứ, để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn chiến lược thương hiệu và nhân hiệu, phát triển mạng lưới với 20 năm kinh nghiệm.

Chị cũng là người sáng lập và là Chủ tịch điều hành hai mạng lưới dành riêng cho doanh nhân là WLIN (mạng lưới Nữ lãnh đạo quốc tế) và BSIN (mạng lưới Phong cách doanh nhân quốc tế), với các hoạt động kết nối giao lưu sinh động và bổ ích cho cộng đồng doanh nhân thế giới.

Lý do gì một người đẹp nổi tiếng trong ngành truyền thông như chị lại chọn làm luận án tiến sĩ với để tài hết sức mới mẻ là “Chiến lược phát triển cá nhân cho thể thao đỉnh cao”?

Danh hiệu hoa khôi thể thao năm 1995 đã là bệ phóng giúp tôi gắt hái được nhiều thành công, sau 20 năm làm truyền thông thương hiệu, tôi muốn quay lại với ngành thể thao để có thể giúp được điều gì đó từ kiến thức của mình, như là một sự tri ân.

Một điều khiến tôi suy nghĩ hoài, vì sao chúng ta có rất nhiều tài năng, nhưng ngành thể thao lại không phát triển, và các vận động viên (VĐV) thể thao từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế thường phải trải qua cuộc sống cá nhân vô cùng vất vả?

Thế hệ như Thúy Hiền - VĐV Việt Nam đầu tiên giành huy chương vàng tại Giải vô địch Wushu thế giới tổ chức tại Malaysia, sau khi rời đỉnh cao đi bán hàng online, Vũ Bích Hường - “Nữ hoàng điền kinh” Việt Nam lại phải hứng chịu một bi kịch đầy nước mắt sau quá khứ hoàng kim, thoái hóa đốt sống, liệt nửa người, sống trong nghèo khó…

Câu hỏi ấy ám ảnh tôi nhiều ngày. Tôi thấy rõ vấn đề lớn nhất của thể thao Việt Nam là thiếu chiến lược. Chính vì thế không thể thu hút nguồn lực từ nhà tài trợ, vì ngôi sao đỉnh cao không thu hút được người hâm mộ. Trong khi đó, thu nhập cao thế giới thuộc về vận động viên thể thao đỉnh cao. Nhưng rất tiếc chưa có một nghiên cứu nào về lĩnh vực này.

Từ đó, tôi quyết tâm chọn đề tài nghiên cứu “Chiến lược phát triển cá nhân cho thể thao đỉnh cao”, và đã rút ra được 7 yếu tố quan trọng để thể thao Việt Nam có thể phát triển bền vững, bắt đầu từ những cá nhân, giống như con đường của David Beckham.

Thứ nhất, là nhìn ra được tài năng thiên bẩm của mình; Thứ hai, là có người đầu tư và dẫn dắt; Thứ ba, là có môi trường phát triển tài năng; Thứ tư, là có người đồng hành, bao gồm huấn luyện viên, những câu lạc bộ; Thứ năm, là đa dạng hóa liên tục tài năng cá nhân, trở thành người có tầm ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau; Thứ sáu, là xác lập đỉnh cao mới trong sự nghiệp dựa trên năng lực cốt lõi. Thứ bảy, là làm chiến lược thương hiệu.

David Beckham nếu không có chiến lược phát triển các nhân thì không thể trở thành ngôi sao đắt giá cho ngành quảng cáo như hôm nay. David có người vợ xuất sắc là Victoria Beckham, chính cô ấy mới là người đa dạng hóa thương hiệu của David, biến anh trở thành ngôi sao thời trang.

Trong lúc anh đang ở đỉnh cao, cô đã động viên anh tham dự những cuộc trình diễn thời trang của vợ, dù lúc đó có nhiều dư luận phản đối, cho rằng anh không tập trung vào bóng đá. Nhưng chính vợ anh đã nhìn thấy trước tuổi đời của một vận động viên bóng đá không dài, cô đã chuẩn bị cho anh trở thành người ảnh hưởng, đa dạng hóa phong cách cho anh, vừa làm diễn viên, vừa là người ảnh hưởng đến nhiều lãnh vực, trở thành một quý ông lịch lãm, người đàn ông của gia đình, có tầm ảnh hưởng từ người lớn đến trẻ em, từ phân khúc cao cấp đến phân khúc bình dân…

Từ nghiên cứu ấy, tôi thấy rõ các VĐV đỉnh cao Việt Nam thiếu hẳn chiến lược phát triển thương hiệu cá nhân, thiếu các cơ quan quản lý đồng hành, thiếu môi giới, tiếp thị bài bản… Nếu giải quyết những vấn đề của thể thao, phải bắt đầu giải quyết các khâu nền tảng đó. Ở Mỹ, nếu phát hiện con tài năng, bố mẹ sẽ là người đầu tư đầu tiên, vì nhà nước đâu có đưa tiền đầu tư, cho đến khi tài năng ấy được các công ty chuyên nghiệp trả lương, sau đó sẽ gặt hái thành công.

doanh nhan nguyen thu huong kho nhat la vuot qua hao quang do chinh minh tao ra

Chị hy vọng nghiên cứu này đã tác động thế nào đến các nhà thể thao và chính chị, để thay đổi cuộc sống và công việc của mình?

Tôi rất vui vì nghiên cứu của mình nhận được sự đồng hành của các nhà thể thao. Kiến thức về thương hiệu cá nhân được áp dụng cho tất cả các lĩnh vực. Có 4 thứ có thể làm thay đổi cuộc sống, đó là công nghệ, thương hiệu, kết nối và giáo dục. Những kiến thức mình có trong quá khứ là không bao giờ đủ, tôi liên tục học hỏi đế phát triển năng lực cá nhân, tập trung vào 4 yếu tố đó để phát triển sự nghiệp của mình.

GS-TS. Lê Quý Phượng, cô giáo của tôi trong trường Đại học Thể dục - thể thao đã giúp tôi rất nhiều để hoàn thành luận án này. Chính cô là người khích lệ tôi rất nhiều: “Cái gì cháu cũng trải qua rồi, làm đề tài nghiên cứu giúp thể thao đi”, cô khiến tôi háo hức vô cùng khi bước vào đề tài này.

Hơn ai hết, tôi hiểu truyền thông về thể thao phải thay đổi tận gốc. Không thể đưa ra những hình ảnh rất tội nghiệp của các VĐV chuyên nghiệp để kêu gọi lòng hảo tâm, như thế rất ngắn hạn, không giúp ích cho thể thao. Phải xây dựng thương hiệu cá nhân cho mỗi VĐV đỉnh cao như cuộc sống mà mọi người mơ ước, tạo dựng hình ảnh đẹp, tích cực, mới có được nhiều người hâm mộ, từ đó tạo bệ đỡ vững chắc cho họ sau khi giải nghề, mới thu hút được những người thực sự tài năng dám dấn thân vào sự nghiệp thể thao.

Muốn thể thao Việt Nam có sức hút, phải có những nhân vật như Công Vinh, giàu có, thành đạt, vợ đẹp con ngoan… 10 năm gần đây, các câu lạc bộ doanh nhân mọc lên như nấm, vì xã hội đang hướng đến những con người thành đạt, sự giàu có không còn bị ghen tỵ nữa, lúc ấy xã hội mới phát triển… Truyền thông phải đặt lại vấn đề, xây dựng lại hình ảnh truyền thông cho thể thao.

Hiện tôi đang đào tạo cho 7 VĐV thể thao Việt Nam về xây dựng thương hiệu. VĐV không biết nói trước công chúng, hình ảnh không đẹp làm sao thu hút? Họ sẽ được huấn luyện về nghệ thuật giao tiếp công chúng, giao tiếp báo chí, giải quyết khủng hoảng…

Học viện Xây dựng hình tượng chuyên nghiệp của công ty Nam Hương đã hoạt động được 6 năm rồi, chuyên đào tạo kỹ năng đó cho các doanh nhân, nhà quản lý, nghệ sĩ…

Khi bước vào mảng đào tạo cho các VĐV, tôi phát hiện ra nhược điểm rất lớn là họ bị đào tạo lệch, kỹ năng học các môn khác ngoài thể thao bị giới hạn. Các cầu thủ Anh, Đức, Tây Ban Nha kỹ năng khác vượt trội hơn các nước nhờ họ được đào tạo văn hóa nền tảng từ rất sớm.

Còn Việt Nam khi rời khỏi đỉnh cao VĐV rơi xuống thấp hơn người thường, điều này diễn ra trên rất nhiều nước chứ không chỉ Việt Nam. Ở Thụy Điển còn có trung tâm giải quyết sốc tâm lý cho những VĐV thể thao đỉnh cao, trong đó đặc biệt là VĐV bơi lội…

Tôi mong muốn giải quyết tận gốc chuyện này, ngay từ lúc bé các tài năng thể thao phải được đào tạo giáo dục nền tảng, để khi ra đời đỡ thua thiệt. Trên thế giới các trường đại học rất ưu tiên phát triển thể thao trong trường học. Giải bóng rổ lớn đến từ các trường đại học, nên các em có kiến thức bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa. Phải phát triển thể thao trong trường học để các em hiểu cuộc đời không chỉ có thi đấu, để toàn bộ chặng đời sau không… thê thảm.

David nhờ trình độ giáo dục tốt, nên rất biết cách giao tiếp ứng xử, biết giữ hình ảnh và không dễ dàng phá hoại. Còn Văn Quyến đang từ cầu thủ tài năng, dính chàm là xuống luôn. Có vẻ như Công Vinh đi đúng bước phát triển cá nhân, có thể nhờ bên cạnh anh có Thủy Tiên, người am hiểu kiến thức trong giới showbiz đã giúp anh đi đúng hướng. Phát hành CD mới nhất đến các trường học theo tôi là một bước đi rất thông minh của Công Vinh.

Nhưng để trở thành hiện thực, còn quá nhiều việc phải làm…

Mô hình Pro Image và WLIN do chị sáng lập đã chứng minh được sự bền vững quá 5 năm hình thành và phát triển, và chị đang đưa mô hình này đến với cộng đồng doanh nhân thế giới, để tạo dựng những nữ lãnh đạo có tầm, có tâm, có tài biết kết hợp cùng nhau đem lại giá trị lớn hơn cho bản thân, cho cộng đồng?

Tôi rất tự hào là người Việt Nam viết ra mô hình và bán được sang các nước, đó là “Phương pháp phát triển mạng lưới”. Phải có phương pháp, cách thức, quy trình. Ở Việt Nam hiện có gần 30 câu lạc bộ như WLIN QUEEN, WLIN POL, WLIN NEW FASHION, WLIN CHARMING, WLIN MILLINIUM, WLIN PRO, WLIN POWER, WLIN CAPITAL, WLIN BEAUTY, WLIN PEARLS, WLIN CREASION, WLIN DIAMON… với mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ do tôi sáng lập.

Năm 2013, tôi được chọn là đại diện Việt Nam tham dự Hội nghị phụ nữ thượng đỉnh ở Malaysia, nếu giữ liên lạc với họ sẽ học được rất nhiều từ họ. Từ đó tôi nghĩ ra ý tưởng kết nối mạng lưới phụ nữ toàn cầu, mời họ về Việt Nam, phát triển ở Việt Nam đầu tiên, sau đó lan tỏa sang các nước.

Trong khi mô hình này phát triển rất nhanh ở Việt Nam thì ở các nước vì không có phương pháp nên phát triển rất chậm chạp. Các bạn ấy đã qua Việt Nam học hỏi về phương pháp, và đề nghị tôi chuyển giao theo kiểu tư vấn nhượng quyền, biến WLIN trở thành ngôi nhà chung của những nữ lãnh đạo năng động, muốn phát triển bản thân trên toàn cầu…

Con đường để trở thành một người hoạt động vì cộng đồng của chị hẳn có nhiều chông gai?

Tôi có nguyên tắc, bí quyết để đạt được mục tiêu do mình đặt ra. Làm công tác cộng đồng thứ nhất phải khảo sát nghiên cứu, có chiến lược, đam mê, kiên trì theo đuổi mục tiêu, không bỏ cuộc. Tất nhiên cần có yếu tố thiên thời địa lợi, nhưng trước tiên phải kiên trì…

Theo tôi, có 5 yếu tố để có thể theo đuổi đến cùng cho các hoạt động cộng đồng, trước tiên phải có tâm hướng đến cộng đồng, muốn cộng đồng tốt lên; Thứ hai, phải có khả năng lãnh đạo; Thứ ba, phải có công việc phù hợp hoạt động cộng đồng; Thứ tư, phải có thời gian; Thứ năm, phải có uy tín, để tìm ra những lãnh đạo cộng đồng giỏi giúp mình hoàn thành mục tiêu.

May mắn tôi có học viện, có chiến lược đào tạo nên có thể giúp những ai có tâm, có tài trở thành lãnh đạo cộng đồng. Mỗi câu lạc bộ của chúng tôi đều có một vị chủ tịch với đầy đủ các tố chất đó. Đây là khái niệm mới tôi muốn phát triển không chỉ ở Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới, với mục tiêu đến 2020 sẽ giúp cho 100 người khởi nghiệp trong lĩnh vực truyền thông và business networking thành công, kiến tạo 300 WLIN Club và kết nối 30.000 nữ lãnh đạo doanh nghiệp với nhau trên nền tảng công nghệ 4.0.

Động lực nào khiến một doanh nhân như chị quyết tâm theo đuổi sự nghiệp vì cộng đồng nữ doanh nhân thế giới?

Mang lại cho công đồng điều tốt, cộng đồng đem lại cho mình gấp ngàn lần, phát triển mối quan hệ, xây dựng thương hiệu cá nhân, học hỏi được hàng tuần cái mới, tìm được cơ hội phát triển kinh doanh, học cách cho đi kiến thức… Hỗ trợ cộng đồng phát triển giúp cho con người mình hạnh phúc hơn, đẹp hơn, thành công hơn. Ai vào câu lạc bộ một thời gian sau năng lượng cũng…tưng bừng.

Chúng tôi mới ra mắt câu lạc bộ 8X, sắp tới còn có nhóm 2000 dành cho các mẹ đưa các con vào, bởi các chị hiểu ra rằng càng tham gia hoạt động cộng đồng sớm chúng nào càng hạnh phúc…

Nữ phát triển quá mà nam không có sân chơi, nên tôi phát triển câu lạc bộ cho các ông chồng, các đứa con, đi khắp nơi trên thế giới các con đều có mẹ. Có chị con học ở Mỹ, ở Anh, ở Singapore… đều được các mẹ giúp đỡ, giống như có tấm lưới vô hình giúp cho ai rơi xuống đều được bật lên.

Một thành viên câu lạc bộ có con bị bắt cóc sang Trung Quốc, ngay lập tức lan tỏa thông tin, và chị đã tìm lại được đứa con hai tuổi của mình. Một chị quên đồ ở sân bay cũng được giúp tìm lại ngay, giống như có nhiều Bụt vậy đó, khó gì thì khó, gõ lên mạng là Bụt xuất hiện liền. Nhất là những bà mẹ đơn thân làm doanh nhân càng cần nữa… Đó chính là đam mê của mình, càng cho đi càng nhận được nhiều, cuộc đời càng may mắn, càng ý nghĩa, chẳng bao giờ buồn.

doanh nhan nguyen thu huong kho nhat la vuot qua hao quang do chinh minh tao ra
Chị Thu Hương (giữa) trong một sự kiện năm 2017

Đến một thời điểm nào trong cuộc đời chị mới tìm được cho mình hướng đi chiến lược cho công ty Nam Hương?

Con người mông lung dễ mất phương hướng. May mắn nghiên cứu đã cho tôi kim chỉ nam, làm việc có phương pháp, không bạ đâu làm đó. Ngay cả chồng tôi khi nghe vợ thuyết trình cũng… choáng váng, thấy tôi làm nhiều thế, thời gian đâu nghiên cứu, còn có số liệu đàng hoàng.

Thực ra khả năng tự học là quan trọng nhất, đến lúc không ai dạy mình, biết tự tìm hiểu, nghiên cứu, tự tổng hợp, phân tích theo khả năng thì thăng tiến mới nhanh. Nhờ học nên dạy con, sống với chồng cũng nhẹ nhàng…

Vẫn biết vợ chồng là duyên số, nhưng nếu có hiểu biết sẽ gặp đúng người cùng tần số. Nếu chỉ yêu cảm xúc đến ngày hết yêu thì sao, hãy trở thành đối tác, bạn đồng hành với chồng, để bổ trợ cho nhau, như thế sẽ lâu bền hơn. Trước khi lấy vợ lấy chồng mà có định hướng chiến lược, sẽ giữ được sự bền vững tốt hơn, ứng dụng được nhiều mặt trong đời sống.

Tôi có duyên làm giáo dục với nhiều dự án như trường Quốc tế Bắc Mỹ. Là người mẹ, làm truyền thông, tôi hiểu phụ huynh cần gì. Truyền thông giáo dục rất quan trọng, quan tâm đến con người của tương lai, cần người có tâm. Thường phải chọn đối tác, nếu họ không có tâm không thể giúp được, vì bản chất của giáo dục là sản phẩm con người, hy vọng trong tương lai có nguồn lực kế thừa tốt hơn.

Chúng tôi đang đồng hành cùng Nguyễn Hoàng, một tập đoàn quyết tâm đầu tư giáo dục đàng hoàng, trở thành đối tác trong các dự án giáo dục đến với cộng đồng.

Bên cạnh đó, Nam Hương còn tư vấn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đưa sản phẩm Việt Nam ra thế giới. Đam mê lớn nhất của mình làm đóng góp cho thương hiệu Việt, góp phần cho đất nước đi lên. Không thể nào có thương hiệu tốt trong một đất nước không tốt. Một bài báo hay chẳng có ý nghĩa gì trong một tờ báo dở.

Tôi tự hào với đất nước, thực sự muốn giúp bằng những nỗ lực nho nhỏ của mình. Nếu mỗi cá nhân có ý thức về thương hiệu cá nhân thì đất nước mới có thương hiệu. Làm ăn phải uy tín, nói giữ lời, làm gì cũng giữ gìn hình ảnh. Người Nhật Bản, Hàn Quốc họ rất ý thức về điều đó.

Theo quan điểm của tôi, mỗi một người có thương hiệu cá nhân thì công ty đó có uy tín, đất nước đó có uy tín… Trước đây họ cứ nghĩ cấu trúc thương hiệu là doanh nghiệp, trong khi suy nghĩ của mình là cá nhân, Mỹ rất đề cao chủ nghĩa anh hùng cá nhân là vì vậy… Nói về uy tín cá nhân tôi có thể nói cả ngày.

Khi báo giấy thoái trào, báo mạng lên ngôi, người làm truyền thông từng đối diện với thử thách sống còn, làm thế nào để chị có thể vượt lên từ điểm rơi thấp nhất để chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn mới?

Không chỉ trong truyền thông mà bất cứ lĩnh vực nào cũng đều phải chuẩn bị tâm lý có rất nhiều cạnh tranh. Tôi nói chuyện với nhiều người nước ngoài, họ đánh giá rất cao Việt Nam, đất nước 90 triệu dân, kinh tế ổn định, dân số trẻ, người Việt rất muốn làm việc. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cần chuẩn hóa để làm việc bài bản hơn…

Hơn 10 năm tập trung sản xuất nhiều phương tiện truyền thông, khi thế giới thay đổi quá nhiều về cách thức truyền thông, mình phải chuyển hướng sang hợp tác với các tờ báo để làm chiến lược. Thay vì phát triển quá đông nhân viên, mình phát triển đối tác, trở thành hệ thống với nhau mà không phải trả lương.

Tôi còn nhớ mãi giai đoạn khủng hoảng 2013 khi báo giấy đi xuống, bao nhiều tiền ra hết, gần Tết đầu gấu đứng trước cửa công ty đòi nợ tiền in, phải cân đối đủ đường, chồng tôi lo lắng nói hay mình bán nhà trả nợ? Tôi quyết “Không! Em bày ra phải giải quyết nó chứ”.

Một mình chiến đấu với mafia, đánh đông dẹp bắc tóc tai dựng ngược. Những người từng là khách hàng của mình cũng dừng lại hết quảng cáo, vì họ dần hiểu ra kết nối là số 1, mạng xã hội là số 2, truyền thông 360 độ là số ba, tôi thì nuôi một đống 200 nhân sự với 7 tờ tạp chí, tờ nào cũng đẹp, cũng lung linh…

Cả thời thanh xuân làm báo, quản lý 1.000 sạp báo, bao nhiêu tư liệu… Nhiều đêm hoàn toàn không ngủ, một câu nói khiến tôi thay đổi: "Cái gì đang đi xuống càng cố gắng càng đi xuống, cái gì đang đi lên thì “nhích mông” cũng đi lên”. Thế là không nuối tiếc nữa, quyết định cho 70% nhân viên nghỉ việc, chuyển sang làm PR, bắt đầu tiếp cận với online. Nhờ thế, công ty đã vượt khó, khả năng ảnh hưởng ra ngoài lãnh thổ, không giới hạn bất cứ quốc gia nào. Nếu cứ khư khư với đam mê cũ thì không thể có hôm nay.

Biến cố thứ hai, năm 2015, tôi lại phát hiện ung thư cổ tử cung, may mắn phát hiện sớm chứ trễ là tiêu rồi! Ông trời luôn cho mình những thử thách… đỉnh cao, để mình có thể nói với mọi người tất cả chỉ là thử thách.

Sau thời gian hồi phục, năm 2015 doanh thu và lợi nhuận của công ty đã tăng trưởng cả trăm phần trăm. Cấu trúc kinh doanh đa dạng hóa, đa dạng hóa khả năng cá nhân…

Quan trọng là khả năng người chủ phải được nâng cao và tạo ra e kíp, tiết kiệm chi phí cố định, tăng chi phí biến đổi, làm nhiều dự án lớn, làm việc với những người giỏi nhất, chính vì triết lý đó làm việc thong dong lắm.

Trong doanh thu tôi chia ba phần đều đặn để nuôi nhân viên, đầu tiên phải có cơm ăn là lương, thứ hai là thịt cá là event (sự kiện) mình đem về, còn đại tiệc là những dự án lớn đem lại doanh thu lớn… Chính nhờ vậy giúp mình đỡ vất vả, chọn được khách hàng, không bị trả giá.

Khó khăn nhất là vượt qua hào quang do chính mình tạo ra để xác lập cái mới, phải rất dũng cảm. Nếu không có bước chuyển nhịp không thể có thay đổi để lớn hơn.

Mình quá may mắn, phải biết cách cho đi, vì không ai may mắn mãi cả, phải hỗ trợ cho cộng đồng mới bền được. Chính vì thế mình trở thành người chia sẻ điều đó với cộng đồng. Giúp được ai cái gì thì giúp, cố gắng không hại ai, sống vậy thanh thản, năng lượng tốt hơn nhiều.

KIM YẾN

Theo BizLIVE.vn

Tin liên quan